Tiến Trình Hình Thành Và Phát Triển Gia Đình Phật Tử Việt Nam (Bài 28)

G

TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

Tác giả : THÍCH QUẢNG TRÍ
(Kỳ 28)

CHƯƠNG III
ĐƯỜNG HƯỚNG GIÁO DỤC

I. Ý NGHĨA GIÁO DỤC TRONG PHẬT GIÁO:

Ngày nay, trước tiến bộ văn minh vật chất quá độ, con người đã bị xô đẩy vào trong hố thẳm của tham vọng vật chất. Cho nên, trên thế giới, nghèo đói, bệnh tật, chiến tranh v.v… vẫn còn đe dọa đời sống của nhân loại. Càng văn minh, con người càng có nhiều nỗi lo lắng sợ hãi mới như: nạn nhân mãn, ô nhiễm môi trường, hủy diệt sinh thái, áp lực kinh tế xã hội đè nặng lên tâm trí của con người, tạo nên ức chế tâm lý, băng hoại đạo đức, làm mất thăng bằng giữa đạo đức và cuộc sống.

Trong tình hình ấy, xã hội cần có những bàn tay không “trụ tâm thủ tướng” của các vị Bồ tát với tinh thần giáo bằng con đường thiết thực nhân bản, Duyên sinh Vô ngã, với phương châm Từ Bi Hỷ Xả, xóa bỏ chấp thủ, xóa bỏ hận thù mới có thể hóa giải mọi khổ đau cho nhân loại. Bởi vì, như lời dạy của Đức Phật, tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có khả năng giác ngộ, có khả năng thực hiện niềm hạnh phúc chân thực ngay trong cuộc đời này.

“Trọng điểm của giáo dục Phật giáo là chỉ rõ lòng tham ái, chấp thủ là gốc khổ đau mà thế giới vật lý thường xuyên trôi chảy, đồng thời chỉ rõ gốc của an lạc, hạnh phúc thật sự là trí tuệ hay trí tuệ giải thoát (…) Giáo dục toàn diện là giáo dục vừa cung cấp kiến thức vừa tạo điều kiện cho trí tuệ phát sanh.

1) Tư tưởng giáo dục Phật giáo:

Phật giáo lấy “Phật tính bình đẳng trong tất cả chúng sanh” làm cơ sở giáo dục. Nói một cách tổng quát, tất cả cùng tuyệt đối về Phật tính bình đẳng, song vì giới hạn căn tính chúng sanh vốn sai biệt bất đồng mà tư tưởng giáo dục có cao thấp để thích ứng mọi căn cơ. Điều này đã chứng minh qua suốt thời gian giáo hóa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Ngài đã tùy căn cơ giáo hóa, chính vì thế mà giáo đoàn của Ngài không phân biệt giai cấp sang hèn, tất cả đều được giáo dục.

2) Lý tưởng giáo dục Phật giáo:

Người truyền đạt đòi hỏi cần phải hội đủ các yếu tố: luôn với tâm vô ngã, vị tha, bình đẳng, vì chúng sanh tuy sai biệt nhưng Phật tính như nhau (Phật tính bình đẳng); phải đem tâm ngay thẳng (trực tâm), dùng cái tâm sâu xa mầu nhiệm (thâm tâm) và phát khởi tâm Bồ đề rộng lớn. Có như vậy, giáo dục Phật giáo mới mang đến đầy đủ đức tính Từ Bi, Trí Tuệ và Lợi Tha, thích ứng trong công cuộc thể nhập vào quần chúng xã hội.

3) Phương pháp giáo dục Phật giáo:

Đầu tiên, nhà giáo dục Phật giáo cần học hỏi và hiểu rõ giáo lý phổ thông của Đức Phật, đồng thời nghiên cứu quán triệt các pháp môn Luận lý, Biện chứng và Triết học trong Phật giáo cũng như thế gian. Bên cạnh đó, ngôn ngữ là phương pháp truyền đạt giáo dục đắc lực nhất trong Phật học cũng như các trường ngoài xã hội, người làm giáo dục cần phải biết nhiều ngoại ngữ thì càng tốt. Đồng thời, người làm giáo dục phải nắm bắt thời đại để cho phù hợp và phát triển con người cũng như xã hội qua Ngũ Minh, Tứ Nhiếp Pháp, hành Lục Độ Ba-la-mật của Phật giáo. Điểm quan trọng, cương yếu là trong giáo dục phải luôn song hành ba yếu tố Đức dục, Thể dục và Trí dục.

Cụ thể, giáo dục Phật giáo không ngoài ba phương châm Giới – Định – Tuệ, Bi – Trí – Dũng và Văn – Tu – Tư  nhằm đối trị và triệt tiêu toàn bộ ba độc Tham, Sân, Si. Phương pháp giáo dục không cứng nhắc cố định, mà nó uyển chuyển thu gom trong ba chuyên từ, đó là Khế lý, Khế cơ và Khế thời.

Ngoài ba đặc chất trên, giáo dục Phật giáo còn có những tính chất sau đây:

  • Thứ nhất là Tính tự do trong tư tưởng : Phật giáo không lấy tín điều làm căn bản mà phải đến để mà thấy, thấy rồi mới tin. Do vậy, chánh kiến luôn đứng hàng đầu. Đức Phật dạy:
    “Nhưng này các Kàlama, khi nào các ông biết chắc rằng những điều ấy là thiện, là tốt, hãy chấp nhận và theo chúng” 
  • Thứ hai là Tinh thần tự lực: Đạo Phật chủ trương luật Nhân quả Nghiệp báo, điều này đã nói lên tinh thần trách nhiệm cá nhân và cộng đồng trước sự đau khổ và hạnh phúc của chính mình. Đức Phật dạy:
    “Chính ta là kẻ thừa kế hành động của ta, là người mang theo hành động của chính mình”; “Hãy tự mình thắp lên ngọn đuốc của chính mình (…) hãy tự mình làm chỗ nương tựa chính mình”
  • Thứ ba là Tinh thần Từ bi Hỷ xả: Chính nhờ tinh thần này mà ở đâu có đạo Phật thì ở đó tình thương được trang trải. Vì rằng phương châm tu tập của Phật giáo dựa trên đức tính và tinh thần của bốn Tâm Vô lượng (Từ, Bi, Hỷ, Xả). Người Phật tử lấy đó làm nền tảng cho sự phát triển Nhân hạnh và Thánh hạnh. Điều này đã chứng minh qua quá trình truyền giáo, đạo Phật chưa bao giờ gây chiến tranh hay đổ máu. Vì thông điệp tình thương cứu khổ giúp đời đã được đức Phật tuyên thuyết ngay từ thời kỳ sơ khai thành lập giáo đoàn. “Này các Tỳ kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người” Chính vì thế, Từ Bi Hỷ Xả, lòng thương yêu đồng loại và vạn hữu chúng sanh là chất liệu sống của đạo Phật vậy.
  • Thứ tư là Tinh thần thực tiễn: Đối tượng của giáo dục Phật giáo chính là con người, nội dung giáo dục mang tính thực tiễn không mơ hồ viễn vông. Việc giáo dục cũng như hành động của người chữa bệnh khi một người bị mũi tên độc bắn trúng, là rút ngay mũi tên ra và làm các biện pháp cấp cứu, chứ không phải đi tìm nguyên do về mũi tên. Cho nên khi giảng dạy, Phật không đặt nặng giảng giải những điều siêu hình, vì những điều đó không giúp gì cho sự thoát khỏi cái khổ của cuộc đời. Ngài dạy:
    “Những gì Như Lai biết như lá trong rừng, còn những gì Như Lai giảng dạy như nắm lá ở trong tay, nhưng đây là những phương pháp diệt khổ”.
    Phương pháp mang lại kết quả hữu hiệu là phương pháp giáo dục thực tiễn
  • Thứ năm là Tinh thần không chấp thủ: Chính tinh thần giáo dục này đã làm cho thái độ của đạo Phật rộng rãi, bao dung, giải thoát vượt khỏi mọi ràng buộc của các pháp Nhị nguyên. Tác dụng của tinh thần này, ngoài việc đem đến giải thoát, còn giải tỏa mọi áp lực, ức chế của đời sống trên tâm lý của con người.

4) Mục đích của giáo dục Phật giáo:

Phật giáo lấy con người làm đối tượng và cứu cánh cũng ở con người. Giáo dục Phật giáo không chối bỏ con người để tìm kiếm một Thần Thánh nào khác ngoài con người. Về phương diện nhân sinh quan, Phật gíao dạy ta hoàn thiện con người của ta ngay trong hiện tại. Về phương diện thế giới quan, Phật giáo không dạy con người chán đời yếm thế để cầu về một cõi hư ảo xa xôi. Tư tưởng nhất thừa dạy ta rằng: sinh tử – niết bàn là một; phiền não – bồ đề không hai; nhân gian –  tịnh độ là một, tức thân thành Phật thì Tịnh độ ngay tại cõi Ta bà này.

Nói như vậy không có nghĩa là bác bỏ tư tưởng “Tịnh độ vãng sanh” mà ở đây muốn đề cao tinh thần giáo dục tự thân, tự lực nhằm phát triển trí năng của con người hơn là nhờ vào tha lực.


  1. Thích Chơn Thiện – Phật Học Khái Luận – Ban GDTN ấn hành, 1993
  2. HT Thích Minh Châu dịch: Tăng Chi Bộ Kinh, Tập I
  3. HT Thích Minh Châu dịch: Trường A Hàm, Tập I
  4. HT Thích Minh Châu dịch: Tương Ưng Bộ Kinh V


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang