Thịnh Quá Hóa Suy

DẪN NHẬP : Chúng tôi trích đăng một đoạn ngắn trong chương XVIII tác phẩm “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” của tác giả Nguyễn Lang-Tập 2, trang 479 – 489 do NXB Văn Học ấn hành năm 2000- nói về tình hình suy thoái của đạo Phật từ cuối đời nhà Trần để độc giả “ôn cố tri tân” về tình hình Phật giáo Việt Nam ngày nay.

CHƯƠNG XVIII
ĐẠO PHẬT TRONG THỜI NHO HỌC ĐỘC TÔN

I-SỰ SUY YẾU CỦA ĐẠO PHẬT VỀ PHƯƠNG DIỆN LÃNH ĐẠO TRÍ THỨC

Cuối chương XIV, chúng ta đã đặt vấn đề tại sao Phật giáo bắt đầu suy đồi vào giữa thế kỷ thứ mười bốn. Suy đồi ở đây không có nghĩa là giảm thiểu số lượng tự viện và tăng sĩ. Số lượng tự viện và tăng sĩ trong thời đại mà ta gọi là suy đồi vẫn tiếp tục lớn lên. Suy đồi đây cũng không có nghĩa là mất ảnh hưởng trong quần chúng. Cuối đời Trần và trong suốt đời Lê nữa, những chiếc rễ đạo Phật vẫn càng ngày càng ăn sâu thêm trong nếp sống tình cảm và tín ngưỡng của giới đại chúng bình dân. Suy đồi đây có nghĩa là đánh mất vai trò lãnh đạo trí thức, văn hóa và chính trị. Thực vậy, trong suốt thời gian hơn hai trăm năm, từ khi nhà Trần bắt đầu suy đồi, đạo Phật không còn chỉ đạo được đường hướng văn hóa và chính trị nữa. Giới trí thức hướng về đạo Nho như phương châm cứu nước và dựng nước. Những vị cao tăng không thấy xuất hiện. Có thể đã có một số cao tăng ẩn dật, không liên hệ gì tời giới chính trị và văn hóa, nhưng một phần, vì họ không có sáng tác để lại và một phần vì lửa binh thiêu đốt sử liệu cho nên ta không được biết nhiều tới họ (…)

Thinh Qua Hoa Suy 1
Trích đoạn: Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ – danh họa Phật Giáo thời Trần

II-THỊNH QUÁ HÓA SUY

Trước hết, có lẽ ta phải nói rằng nguyên nhân thứ nhất của sự suy đồi là sự thịnh đạt. Thực vậy, Phật giáo trong đời Pháp Loa đã đi tới mức thịnh đạt có thể nói là cao nhất trong lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Một phong trào khi đã lên chỗ cao nhất thì bắt đầu đi xuống. Trong sự thịnh đạt đã ẩn chứa sự tàn lụi. Khi đạo Phật được vua chúa quý trọng thì các nhà quyền quý và trăm họ đều hướng vào. Chùa chiền càng nhiều thì nếp sống thanh quy càng khó có thể bảo đảm được. Tăng chúng càng đông thì càng có nhiều phần tử bất hảo làm hại thanh danh tăng đoàn, sự kính trọng càng nhiều thì niềm kiêu hãnh càng thêm cao. Sự cúng dường càng hậu thì sự ỷ lại càng tăng. Suy đồi là do ở chỗ đó. Chúng ta thử xét về số lượng tăng chúng. Trong thời thịnh đạt của Phật giáo Trúc Lâm, được xuất gia làm một phần tử trong tăng đoàn là một vinh hạnh không nhỏ. Tăng sĩ có độ điệp của Giáo Hội, đi đâu cũng được; nơi cư trú cho đến việc học Phật và tu Phật của người tăng sĩ đều được tổ chức lo lắng chu toàn. Cũng vì số tăng sĩ đông quá nên nên đệ nhị tổ Pháp Loa phải thực hành việc kiểm tra tự viện và làm sổ tăng tịch. Tam Tổ Thực Lục cho biết là số người xin xuất gia đông quá, khiến cho Pháp Loa phải giới hạn việc tổ chức giới đàn: ba năm mới tổ chức một lần và phải loại ra hằng ngàn thí sinh. Tuy vậy, hằng ngàn người mỗi năm vẫn được xuất gia ở các chùa miền quê, tại những giới đàn nhỏ do Phật giáo địa phương tổ chức. Họ không có độ điệp, nhưng họ vẫn có thể cư trú và tu hành ở các chùa quê. Giáo Hội Trúc Lâm thấy người xuất gia quá đông mà thiếu học cho nên mới cho in sách Giáo Khoa Phật Học, Giới Bản Tứ Phần Luật và tổ chức các lớp học kinh và luật tại nhiều chùa lớn của Giáo Hội.

Đến cuối thế kỷ thứ mười bốn, Giáo Hội bắt đầu không còn kiểm soát được tăng sĩ nữa. Năm 1396, vua Thuận Tông xuống chiếu thải bớt tăng sĩ dưới năm mươi tuổi. Ta không biết rõ đây là một hành động của Thuận Tông nhằm ngăn chặn sự lạm dụng đạo Phật hay là một quyết định của Hồ Quý Ly muốn làm giảm tiềm lực của đạo Phật. Trước đó mấy năm, vào năm 1389, có một cuộc bạo động do một vị tăng sĩ pháp hiệu là Thiên Nhiên, tên tục là Phạm Sư Ôn cầm đầu chống lại chính quyền lúc bấy giờ đã nằm trọn trong tay Hồ Quý Ly. Phạm Sư Ôn đã sử dụng được tiềm lực của Phật giáo và quân đội, ông đã từng chiếm được thủ đô Thăng Long. (Hành động của Phạm Sư Ôn xảy ra một năm sau khi mưu kế loại trù Hồ Quý Ly trong triều đình bị tiết lộ và rất đông các quan trong triều bị giết hại).

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép rằng năm 1429, tất cả các tăng sĩ Phật giáo và đạo sĩ Lão giáo đều phải đến trình diện ngày 20 tháng 10 để kiểm xét khảo thí. Ai thi đậu thì cho làm tăng sĩ và đạo sĩ, còn ai thi hỏng thì bắt hoàn tục. Đây là hành động đầu tiên của chính quyền Nho giáo để kiểm soát Phật giáo và Lão giáo. Hành động này đã có thể loại ra một số người lợi dung hai đạo Phật, Lão. Nhưng sự thi cử này đã được tổ chức theo lối khảo hạch từ chương của Nho giáo, những người hay chữ thì được công nhận là tu hành chân chính, còn những người khác, dù mộ đạo và tâm thành đến mấy mà không diễn tả được đức tin và kiến thức của mình bằng văn chương thì cho là không phải tu hành chân chính. Điều này, khi áp dụng với đạo Phật, nhất là Phật giáo thiền, là một sự ép uổng.

Chúng ta hãy xét thêm về việc xây cất tự viện. Trong đời Trần, các vua làm chùa, các quan làm chùa, dân chúng cũng thi nhau làm chùa. Còn việc đúc tượng nữa: riêng Pháp Loa đã cho đúc tới 1.300 tượng Phật bằng đồng lớn nhỏ. Vua Anh Tông, nhân ngày lên làm thái thượng hoàng, cho đúc tượng A Di Đà, Thích Ca và Di Lặc, mỗi tượng cao 17 thước ta. Chùa Báo Ân có rất nhiều ruộng. Năm 1308, vua Anh Tông lấy 100 mẫu ruộng của gia đình nhà Trần cúng vào chùa Báo Ân. Năm 1312, vua lại lấy 500 mẫu ruộng của Niệm Như Trang để cúng cho chùa. Chùa Siêu Loại cũng có nhiều ruộng. Năm 1313, Bảo Từ hoàng thái hậu cúng vào chùa 300 mẫu ruộng nhà… Nhiều ruộng nhất là chùa Quỳnh Lâm: chùa này có tới trên 1.000 mẫu ruộng và nuôi đến một ngàn người để canh tác. Các chùa Báo Ân, Siêu Loại và Quỳnh Lâm là những cơ sở lớn của Phật giáo Trúc Lâm; cố nhiên bất động sản của những chùa ấy là để nuôi tăng sĩ và làm phật sự. Tuy vậy sự ủng hộ quá mức đó đã rất có hại cho Giáo Hội. Các nho thần trong triều đình thầy sự ủng hộ quá mức đó không khỏi không tức bực, nhất là khi thấy những tệ đoan bắt đầu xuất hiện trong hàng tăng sĩ vì lý do tăng sĩ quá đông không kiểm soát hết được. Ý của các nho thần như Lê Bá Quát là thay vì làm thêm chùa, đúc thêm tượng thì nên để tiền xây văn miếu và nhà học.

Thinh Qua Hoa Suy 3

III-CHIẾN TRANH CHIÊM VIỆT

Trong thời chiến tranh, bắt đầu từ hồi chiến tranh với Chiêm Thành, công việc kiểm soát tự viện và tăng sĩ hoàn toàn không còn có hiệu lực nữa. Chiến tranh, loạn lạc và sự đói kém đã khiến cho hàng ngàn người cạo đầu vào chùa, hoặc để trốn lính, hoặc vì thất nghiệp. Thiếu người sản xuất, thiếu người đánh giặc, năm 1381, vua Trần Phế Đế cho đi bắt những tăng sĩ ở miền quê, nhất là những vị không có độ điệp, sung vào quân đội để đi đánh Chiêm Thành. Sử chép Đại Than thiền sư được chỉ định trong việc động viên này, và “đốc suất” việc động viên chư tăng đi đánh giặc. Một vị thiền sư, nhất là khi vị thiền sư này lại là một quốc sư, chỉ huy quân lính đánh giặc là một chuyện phi lý. Có lẽ Đại Than thiền sư đã được chỉ định ra để kiểm điểm những ai là tăng sĩ thật và những ai vì trốn lính hoặc vì nghèo đói mà đi xuất gia. Những người sau này có lẽ được trao trả lại cho chính quyền để sung vào quân đội.

Trong bất cứ thời đại chiến tranh nào, việc cạo đầu vào chùa vì trốn lính và vì thất nghiệp cũng đã xảy ra. Nguyên nhân của cuộc chiến tranh với Chiêm Thành là do Đại Việt gây ra, với trách nhiệm lớn lao của Đoàn Nhữ Hài và Đỗ Tử Bình. Cuộc chiến tranh này đi ngược lại ý muốn của Điều Ngự Trúc Lâm; Trúc Lâm vì muốn hòa bình được bền chặt đã du hành sang Chiêm và đã gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm. Cuộc chiến tranh đã làm hao tổn tiềm lực của Đại Việt, đưa nhà Trần tới chỗ suy vong. Sự ủng hộ của các vua Trần đã là một trong những nguyên nhân cho sự thịnh đạt của Phật giáo. Với chiến tranh Chiêm Việt và sự rối loạn trong triều đình nhà Trần cũng là một nguyên nhân cho sự suy đồi của Phật giáo Trúc Lâm vậy.

IV-TINH THẦN ĐỘC TÔN THAY THẾ TINH THẦN DUNG HỢP

Sự ghét bỏ và chỉ trích Phật giáo của các nho thần như Lê Quát, Trương Hán Siêu không phải là nguyên nhân làm cho Phật giáo suy đồi. Chính sự chạy theo một nền văn hóa mới mà không thấy được giá trị của nền văn hóa truyền thống dân tộc mới là nguyên nhân chính của sự suy đồi của Phật giáo. Nền văn hóa mới này được xây dựng trên một thái độ giáo điều và trên một quan điểm chật hẹp về chân lý: đó là cái học Tống Nho, tự cho mình là độc tôn và cho là sai lầm tất cả những lối nhìn khác về nhân sinh và về vũ trụ. Từ giữa thế kỷ thứ mười ba, Trung Hoa đã không mấy bằng lòng khi thấy Đại Việt phát triển một nền văn hóa độc lặp. Năm 1261, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt đã sai Lệ bộ lang trung là Mạnh Giáp và viên ngoại lang là Lý Văn Tuấn mang thư sang dụ triều đình Đại Việt nên theo văn hóa Trung Quốc, đừng thay đổi phong tục, lễ nhạc và phẩm phục.

Các nho sinh được tuyển chọn vào phụng sự quốc gia thường có khuynh hướng Bắc hóa, muốn thay đổi pháp độ cho giống Trung Quốc. Vua Minh Tông không chịu nghe lời các nho thần Phạm Sư Mạnh và Lê Quát mà thay đổi pháp độ. Sau khi thấy pháp độ đã bị Bắc hóa ít nhiều, vua Nghệ Tông rất muốn trở lại truyền thống và pháp độ của các vị vua đầu. Vua nói: “Triều trước dựng nước, tự có pháp độ, không theo chế độ nhà Tống, là vì Nam Bắc đều làm chủ nước mình, không cần bắt chước theo nhau” Và vua ra lệnh đổi pháp độ lại giống như đời vua Minh Tông.

Thinh Qua Hoa Suy 2

Trong thời gian nhà Minh đô hộ nước ta vào đầu thế kỷ thứ mười lăm, chính sách đồng hóa Đại Việt với Trung Quốc được thi hành triệt để. Nhà Minh không muốn Đại Việt có một nền văn hóa độc lặp, bởi vì độc lặp văn hóa sẽ dẫn tới độc lặp chính trị. Nhà Minh bắt Đại Việt theo phong tục và lễ nghi Trung Quốc. Tướng nhà Minh là Trương Phụ cho thu lượm hết các trước tác cũ mới của Đại Việt và chở về Kim Lăng. Sợ những sách này còn sót lại, năm 1418 lại cho hai nhà trí thức nhà Minh là Hạ Thanh và Hạ Thì sang Đại Việt để thu lượm cho kỳ hết những tác phẩm Đại Việt. Đại Tạng Kinh thực hiện và ấn loát nhiều lần dưới triều Trần, mỗi lần in hàng ngàn cuốn, vậy mà ngày nay sách Thiền Tông Chỉ Nam, Bình Đẳng Sám Hối Khoa Văn của Trần Thái Tông, Thạch Thất Mỵ Ngữ, Thiền Lâm Thiết Chủy Ngữ Lục, Đại Hương Hải Ấn Thi Tập, Trúc Lâm Hậu Lục Tăng Già Toái Sự của Trúc Lâm Điều Ngự và tám tác phẩm của Pháp Loa, không tác phẩm nào còn lại. Thật đáng tiếc biết chứng nào. Để thay thế cho sách Việt bị lấy mất, nhà Minh cho chở sang nước ta những tác phẩm Trung Quốc về Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo cho người Việt học. Chính quyền đô hộ lặp Tăng Cương Ty và Đạo Kỳ Ty để lo việc giáo dục Phật giáo và Lão giáo theo mẫu mực Trung Hoa.

Các nho sĩ đời Lê, đáng lý phải ý thức được ý muốn thâm độc của nhà Minh, nhưng trong gần hai thế kỷ, một phần vì thiếu ý thức về văn hóa dân tộc, một phần vì kỳ thị Phật giáo, không có nho gia nào chịu khó tìm tòi gây dựng lại vốn cũ. Phải đợi cho đến gần cuối thế kỷ thứ mười tám mới thấy có Lê Quý Đôn bắt đầu công việc ấy.

Sự thu dụng những điều hay của các nền văn hóa khác vốn là một hành động làm giàu cho nền văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, việc làm đó phải được thực hiện trên căn bản vốn cũ của văn hóa dân tộc. Tinh thần cởi mở, hòa hợp và từ bi của Phật giáo đã duy trì hòa bình và thịnh vượng suốt trên ba trăm năm. Những tệ đoan sinh ra trong Phật giáo cố nhiên là phải từ bỏ, nhưng tinh thần cởi mở, hòa hợp và từ bi ấy cần phải được bảo vệ. Các nhà nho thời Trần mạt và thời Lê đã không thấy được điều đó.

Lương Thế Vinh, nhà trí thức cự phách nhất của thời đại Lê Thánh Tông chỉ vì sáng tác sách Phật mà sau khi chết không được thờ cúng trong văn miếu. Điều này cho ta thấy tinh thần kỳ thị tôn giáo trong thời Lê nặng đến dường nào. Các sử gia Ngô Sĩ Liên và Ngô Thì Sĩ bình luận về lịch sử cũng mang nặng tinh thần kỳ thị đó trong khi phê bình các sự kiện lịch sử đời Trần (…)

V-SỰ BIẾN DẠNG CỦA MẬT GIÁO

Ta cũng biết rằng Mật giáo nếu không khéo duy trì có thể biến dạng trở thành phù thủy, mê tín, dị đoan. Cuối đời Lý, đạo Phật hầu như bị những biến dạng của Mật giáo làm cho lu mờ sắc thái. May thay, các vị lãnh đạo Phật giáo đời Trần đã thanh lọc được Phật giáo và lấy ra hết những hình thái mê tín dị đoan.

Phật học của Trần Thái Tông, Tuệ Trung, Đại Đăng và Thánh Tông rất thuần túy Thiền học, không bị mờ ám bởi những hình thức biến dạng của Mật giáo. Đến đời Pháp Loa và Huyền Quang, dưới ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa và Tây Tạng, Mật giáo lại được khôi phục. Cùng với thời đại nhiễu nhương, Mật giáo mau chóng được biến chất và phủ lên trên sinh hoạt tín ngưỡng bình dân một lớp màn mê tín và dị đoan. Sự phê phán Phật giáo của các nho gia một phần được căn cứ trên những hình thái sinh hoạt rườm rà ấy của Phật tử.

Thinh Qua Hoa Suy 4
Chùa Trấn Quốc (Hà Nội)

VI-THÓI QUEN Ỷ LẠI VÀO VUA CHÚA

Nhưng nguyên do quan trọng nhất đưa tới sự suy đồi của Phật giáo cuối nhà Trần là do thói quen ỷ lại của Phật tử vào sự ủng hộ của vua quan và những người quyền quý. Thực vậy, trong các đời Lý và Trần, các vua đều học Phật, ủng hộ Phật giáo và tổ chức khoa thi Tam giáo, cho nên giới trí thức mọi người đều theo học Phật. Đến khi sự nương tựa trên vua quan không còn nữa thì Phật giáo mất thăng bằng. Dựa trên sự ủng hộ của các vị nhân vương, điều đó Phật giáo nước nào cũng làm, nhưng ỷ lại hoàn toàn vào họ, đó là một lầm lẫn lớn.Bất động sản đã có, sự ủng hộ của dân chúng về việc cất chùa đúc tượng lúc nào cũng sẵn sàng, đáng lý ra Giáo Hội Trúc Lâm đã phải nhân cơ hội ấy để thành lặp những Thiền viện và những Phật học viện có căn bản tự túc. Thể chế bất tác bất thực của thanh quy Bách Trượng đã có sẵn, tại sao các vị lãnh đạo như An Tâm Quốc Sư và Phù Vân Quốc Sư không lo tạo dựng căn bản tự túc cho tổ chức mình? Đã đành trong nước không được yên ổn thì không thể duy trì được sự thịnh trị của Phật giáo đời Pháp Loa và Huyền Quang, nhưng nếu quý vị ấy chịu khó xây dựng nền tảng học Phật tự túc thì cũng có thể duy trì Phật giáo trong một mức độ trung bình được. Các vị lãnh đạo Phật giáo ấy đáng lý phải thanh kiểm tăng đồ, kêu gọi tín đồ ngưng bớt việc làm chùa để đem tài sức ủng hộ việc đào tạo tăng tài làm rường cột cho đạo pháp. Dân chúng vẫn cứ đủ sức tiếp tục xây thêm chùa;  mãi cho đến năm  1464 mà vua Lê Thánh Tông còn phải ra lệnh cấm xây dựng thêm chùa mới. Như thế thì tiềm lực Phật pháp trong quần chúng nào phải là thiếu thốn?

Sau khi nước nhà đã khôi phục được độc lặp, các nhà lãnh đạo Phật giáo Trúc Lâm đã làm gì? Tại Yên Tử, nối theo An Tâm quốc sư và Phù Vân quốc sư, còn có hai vị quốc sư khác: Vô Trước quốc sư và Quốc Nhất quốc sư. Tước hiệu quốc sư cố nhiên là phải do chánh quyền ban cho. Cũng như năm 1435, vua Lê Thái Tông đã ban hiệu Tứ Y Đại Sa Môn cho Huệ Hồng thiền sư trụ trì chùa Báo Thiên ở kinh đô. Các vị có địa vị lãnh đạo như những vị trên đã làm gì để duy trì mệnh mạch của Phật giáo? Hay là chỉ thỉnh thoảng được mời tới để làm lễ cầu mưa, làm chay và làm lễ khai quang điểm nhãn?  (…)

LỜI KẾT:

Lịch sử là một sự tái diễn các sự kiện, là sự lặp đi lặp lại những biến cố trong đời sống nhân loại. Dù cách nhau hàng nghìn năm nhưng chúng chỉ khác nhau ở hình thái và tên gọi, còn bản chất về ý nghĩa rút ra từ các sự kiện vẫn giữ nguyên giá trị. Vì vậy, lịch sử luôn là bài học quý báu cho các thế hệ đời sau “ôn cố tri tân”. Chúng tôi hy vọng trích đoạn trên đây giúp ích phần nào cho các bạn trẻ có cái nhìn đúng đắn về những gì đang diễn ra trong đời sống của Phật Giáo Việt Nam ngày nay để từ đó góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội tốt hơn.

HOÀI NHẪN

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.