Tự Do Tín Ngưỡng Tôn Giáo

Tự do tín ngưỡng (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Trong thời gian giãn cách xã hội để đối phó với đại dịch Covid-19 theo chủ trương của Nhà nước, tôi nằm ở nhà mãi cũng chán, bèn lang thang trên mạng xem tin tức diễn biến dịch Covid-19 tại các nước trên thế giới. Ngẫu nhiên đọc được một tin ngắn nói về một vụ việc mới xảy ra tại Hoa Kỳ. Đọc xong tin, ngẫm nghĩ lan man về một đề tài mà bấy lâu nay mình muốn chia sẻ với mọi người nhưng chưa có chứng cứ cụ thể nên chưa dám nói tới. Nay thì đã nói được rồi.

Sư việc như sau:

Theo kênh You Tube “Phố Bolsa TV” ngày 02/04/2020 đưa tin: “Mới đây tại Hoa Kỳ, cảnh sát vừa bắt giữ hai vị mục sư vi phạm lệnh “cấm tụ tập trên 10 người”, cụ thể là hai mục sư này đã kêu gọi giáo dân đến nhà thờ cầu nguyện trong khi chánh quyền đã có lệnh giãn cách toàn xã hội, cấm tụ tập đông người và giữ khoảng cách tiếp xúc giữa hai người tối thiểu là 1,5 mét”

Đài nói trên còn cho biết hai vị mục sư ấy, một vị ở bang Louisiana và một vị ở bang Florida.

Vài ngày sau, các phương tiện truyền thông ở Việt Nam đưa tin : “Một vài nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Hà Tỉnh mở cửa cho giáo dân đến cầu nguyện, vi phạm lệnh giãn cách xã hội của Nhà nước trong việc phòng chống đại dịch Covid-19”

Các đài đưa tin đều có ghi hình các nhà thờ vi phạm, cho thấy số giáo dân tụ tập ở mỗi nhà thờ lên tới vài trăm người. Tuy nhiên đài không cho biết các vị linh mục ở các nhà thờ đó có bị bắt giữ như ở Hoa Kỳ hay không.

Vài ngày sau, cũng trên các kênh truyền thông chính thống trong nước, tôi được biết thêm là, những linh mục vi phạm lệnh cách ly nêu trên đã dược mời tới trụ sở UBND xã để nghe giải thích về việc làm vi phạm pháp luật của nhà thờ và mời các vị ký tên vào bản cam kết không tái phạm hành vi trên. Sự việc này cho thấy nhà nước mình giải quyết vụ việc rất chi là hòa hoãn và có sự tôn trọng vai trò của các bậc “chủ chăn”, chứ không mang tính cứng rắn như cảnh sát Hoa Kỳ.

Tu Do Tin Nguong Ton Giao 1
Tự do tín ngưỡng (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Từ sự việc trên đây, tôi lan man suy nghĩ về điều mà bấy lâu nay người ta hay rêu rao trên một số trang mạng xã hội cá nhân trong và ngoài nước, rằng: “Nhà nước Việt Nam hiện nay vi phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo”. Tôi là người dân sống tại miền Nam Việt Nam qua bốn chế độ: Pháp thuộc, đệ I Việt Nam Cộng Hòa, đệ II Việt Nam Cộng Hòa và bây giờ là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.  Tôi thấy rằng:

Dưới thời Pháp thuộc cũng như dưới thời dệ nhất và đệ nhị VNCH, bởi vì những người đứng dầu các cơ quan nhà nước thời bấy giờ đều là tín đồ đạo Chúa, chủ trương thân phương Tây nên họ thiên vị đạo Chúa và chèn ép các tôn giáo bản địa, trong đó có đạo Phật. Bằng chứng là năm 1963, đạo Phật đã đứng lên làm cuộc vận động đòi “bình đẳng tôn giáo”, chánh quyền thẳng tay đàn áp khiến tăng ni và Phật tử hy sinh rất nhiều. Trong suốt 20 năm đó tôi không thấy có tổ chức nhân quyền nào trên thế giới lên tiếng đòi hỏi “tự do tín ngưỡng tôn giáo” hoặc “quyền bình đẳng tôn giáo” cho những tôn giáo bị phân biệt đối xử ở Việt Nam. Điều này cho thấy những tổ chức nhân quyền ấy đều là công cụ của những thế lực chánh trị phương Tây, chứ họ không hề có công tâm trong việc làm của mình.

Từ tháng tư năm 1975 đến nay, hai miền Nam-Bắc đã thống nhất thành nước CHXHCN Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Những người lãnh đạo trong chánh quyền từ trung ương đến địa phương bây giờ đều là đảng viên Cộng Sản. Họ không theo tôn giáo nào. Bởi vậy Hiến pháp nước CHXHCNVN, trong chương, điều nói về tín ngưỡng có câu “Tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng”, nghĩa là luật pháp tôn trọng quyền tin hay không tin theo bất cứ tôn giáo nào. Nói cách khác, người có tín ngưỡng và người không có tín ngưỡng đều bình đẳng trước pháp luật. Từ đó, chánh quyền có chủ trương đối xử bình đẳng với các tôn giáo, không thiên vị đạo nào cũng không chèn ép đạo nào, cũng không ngăn cản sự phát triển của các tôn giáo, miễn là phát triển trong vòng luật pháp cho phép. Luật pháp đây tức là bộ Luật Tín ngưỡng tôn giáo, trong đó quy định những gì tôn giáo được làm và không được làm, cũng như quy định những điều cụ thể trong công tác quản lý hoạt động tôn giáo của Nhà nước.

Thí dụ như Điều 5 Luật Tín ngưỡng tôn giáo nước CHXHCN Việt Nam có quy định những việc mà các tu sĩ trong khi hoạt động tôn giáo không được làm là:

  • Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường.
  • Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.
  • Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
  • Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

Nói cách khác, Luật Tín ngưỡng tôn giáo nhằm mục đích hướng các hoạt động tôn giáo đi vào quỹ đạo thuần túy tôn giáo, những hoạt động lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để mưu cầu mục đích khác ngoài tôn giáo thì bị ngăn cấm.

Thiết tưởng không riêng gì Việt Nam, mà trên thế giới ngày nay cũng không có quốc gia nào cho phép các tôn giáo được làm những việc như Điều 5 Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam quy định trên đây. Tuy nhiên, một thiểu số chức sắc tôn giáo trong nước dường như chưa thông đạt điều này. Có lẽ những người này còn mang mặc cảm tự tôn cho rằng “tôn giáo là đứng trên luật pháp” hoặc hoang tưởng rằng “tu sĩ là người thay mặt thần thánh tối cao nên không chịu sự quản lý của chánh quyền thế gian”. Vì quan niệm lệch lạc như thế nên những người này cho rằng “tu sĩ muốn làm gì thì làm, chánh quyền đụng tới tu sĩ là vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của con người”.

Tu Do Tin Nguong Ton Giao 2
Tự do tín ngưỡng (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Vậy thì những người có quan niệm như thế nghĩ sao về việc hai mục sư ở Hoa Kỳ vừa bị cảnh sát bắt do vi phạm luật giãn cách xã hội? Việc làm của cảnh sát Hoa Kỳ có giống như Luật Tín ngưỡng tôn giáo Việt Nam quy định không? Những người thường ngày hay đấu tranh cho quyền tự do tín ngưỡng sao không vận động chống chánh phủ Hoa Kỳ “vi phạm tự do tín ngưỡng tôn giáo” đi? Nếu quý vị không đi kiện chánh phủ Hoa Kỳ thì quý vị đã mặc nhiên công nhận việc làm của cảnh sát Hoa Kỳ là đúng và Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam cũng không có gì gọi là “vi phạm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo” phải không?

Trở lại vụ việc một số nhà thờ ở Hà Tĩnh vi phạm lệnh cách ly xã hội do Thủ tướng ban hành, theo tôi nghĩ, nếu áp dụng Điều 5 Luật Tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam thì các vị linh mục ấy có thể bị ra tòa để trả lời về tội “Lợi dụng tôn giáo để xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, môi trường, sức khỏe và tính mạng người khác”. Nhưng trên thực tế, chánh quyền đã giải quyết có tình có lý, chỉ nhẹ nhàng nhắc nhở các linh mục vi phạm mà thôi.

Từ nhiều năm qua, đã có khá nhiều trường hợp một số vị chức sắc tôn giáo tại Việt Nam lên tòa giảng đặt điều vu khống, nói xấu chánh quyền, đả phá chủ trương chính sách của nhà nước Việt Nam trước đông đảo tín đồ của mình. Tôi cho việc làm ấy là “Lợi dụng hoạt động tôn giáo để chống phá và lật đổ Nhà nước”, tức là đã vi phạm Điều 5 Luật Tín ngưỡng tôn giáo rồi vậy.

Trong câu chuyện hôm nay, tôi có suy nghĩ rằng:

1- Bất cứ tôn giáo nào trong một đất nước thì cũng giống như bao hội đoàn khác trong nước đó, đều phải được Nhà nước quản lý bằng luật pháp. Tôn giáo không thể đứng trên, đứng ngoài luật pháp của nước sở tại.

2- Tất cả các vị chức sắc tôn giáo trong một đất nước, trước tiên phải là công dân của nước đó, cũng bình đẳng về quyền và nghĩa vụ như bao nhiêu công dân khác. Không thể đem vị thế tôn giáo của mình ra để nói rằng: Tôi là người của đấng thiêng liêng nên chánh quyền không được “đụng” tới tôi. Bởi vậy, một tu sĩ của bất cứ đạo nào nếu vi phạm luật pháp, đều phải bị nghiêm trị như trường hợp của hai vị mục sư tại Hoa Kỳ trong câu chuyện này.

3- Là tu sĩ của bất cứ tôn giáo nào, nếu quý vị là người chân tu có đạo đức thật sự, sống tốt đạo đẹp đời, đem đạo lý hướng dẫn đời sống tâm linh cho tín đồ, giúp cho họ có một đời sống đạo đức, có bình an trong tâm hồn, biết yêu đạo nhưng cũng biết yêu đất nước quê hương mình, yêu bản thân và gia đình mình nhưng cũng biết chia sẻ với cộng đồng chung quanh … Một vị chân tu như vậy chẳng những được tín đồ tôn kính, mà cả chánh quyền và người của đạo khác cũng kính trọng.

Còn làm tu sĩ mà lợi dụng chiếc áo thầy tu để đầu độc tâm hồn tín đồ, gây cho họ sự ghét bỏ, chống đối chánh quyền, chia rẽ với các tôn giáo khác… bằng những thông tin bịa đặt, dối trá đầy ác ý và bằng những luận điệu chính trị đầy hận thù đảng phái, biến tín đồ của mình thành một nhóm người luôn gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng xấu đến cả cuộc sống của nhân dân tại địa phương… Những tu sĩ như vậy đã đi ngược lại lời dạy của Giáo chủ đạo mình, đi ngược lại đường lối của Giáo hội mình và làm xấu đi bộ mặt của tôn giáo mình. Thật không xứng đáng với chiếc áo thầy tu mình đang mặc.

Trần Tam Hiệp

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.