Tờ báo New Yorker (Hoa Kỳ) ra ngày 21-9-2020 mới đây có đăng bài viết của một phóng viên người Mỹ phỏng vấn cô Nguyễn Hồng Nhung, bệnh nhân Covid số 17 tại Việt Nam. Qua bài báo, cô ta đã trút giận lên nhà nước, cơ quan truyền thông và người dân Việt Nam. Cô nói :”Tôi bị bệnh mà không ai hỏi thăm, an ủi tôi lời nào, trái lại họ còn xỉa xói đời tư tôi và xỉ vả tôi đủ mọi điều theo kiểu bầy đàn. Họ ghen tị với sự giàu sang của tôi. Nhà nước Việt Nam vì muốn được thành tích chống dịch Covid nên coi tôi là cái gai trong mắt họ. Việt Nam có luật an ninh mạng mà sao chánh quyền không trừng trị những kẻ nói xấu tôi trên mạng v.v…”
Cô chỉ nói phần phải cho cô, nhưng cô cố tình không nói đến lý do nào khiến cộng đồng mạng xỉ vả cô. Lý do đó là vì cô đã cố tình giấu bệnh khiến cho cơ quan chức năng và rất nhiều người phải lận đận khổ sở với cô trong nhiều ngày, trong đó có những người đã bị cô lây bệnh Covid.
Cô tiểu thư này đã đi hưởng lạc bên trời Tây để cho bị nhiễm Covid. Cô vội bay về Việt Nam như con chim bị thương cố quay về tổ ấm . Nhưng vì cô cố tình giấu bệnh nên đã làm cho nhân dân khu phố Trúc Bạch (Hà Nội) của cô khổ sở trăm bề, còn cơ quan chống dịch đã phải mất biết bao công sức truy tìm những người đã đi cùng máy bay với cô , kể cả những người đã tiếp xúc với cô trong những ngày cô giấu bệnh. Dù vậy, bệnh viện cũng đã hết lòng chạy chữa cho cô. Đến khi khỏi bệnh rồi cô lại vù qua Tây và quay mõm lại chửi rủa đất nước và con người Việt Nam trên một tờ báo của Mỹ. Những lời lẽ cay độc của cô đối với đất mẹ chẳng mấy chốc đã lan truyền đi khắp thế giới với tốc độ ánh sáng.
Nhân chuyện “ăn cháo đá bát” của cô tiểu thư Hồng Nhung, tôi chợt nhớ đến câu “cháy nhà ra mặt chuột” mà ông bà mình hay dùng để ám chỉ những kẻ vô ơn, phản trắc trong xã hội. Bình thường, những kẻ ấy luôn tỏ ra mình là con người văn minh lịch sự, bảnh bao, nhưng đến khi đụng chuyện (như trường hợp trên đây) thì họ mới để lộ bộ mặt thật nhơ nhớp ra trước bàng quan thiên hạ.
Cùng trong ý tứ của câu “cháy nhà ra mặt chuột”, dân gian ta còn có câu “Gia bần tri hiếu tử, quốc loạn thức trung thần” nghĩa là: “Nhà có nghèo mới biết ai là con hiếu, nước có loạn mới biết ai là người yêu nước”
Thật vậy, trong cuộc sống bình thường của một gia đình, đứa con nào cũng nói mình có hiếu với cha mẹ. Nhưng khi gặp biến cố lớn khiến gia đình sa sút, khánh kiệt, lúc đó đứa con nào đứng ra cưu mang phụng dưỡng cha mẹ trong cảnh nghèo túng mới thật là đứa con hiếu.
Cũng vậy, khi đất nước thanh bình, ai cũng nói rằng mình yêu nước. Nhưng đến khi giặc ngoại xâm tràn vô cướp đất đai ta, bắt dân ta làm nô lệ, ăn trên ngồi trước trên đầu dân ta … lúc đó mới biết ai là người thật sự yêu nước.
Đọc và suy gẫm về lịch sử đất nước Việt Nam, chúng ta càng thấm thía câu “quốc loạn thức trung thần”. Khi thực dân Pháp đến xâm chiếm nước ta, toàn dân ta hàng hàng lớp lớp đứng lên chống Pháp hòng đánh đuổi chúng ra khỏi bờ cõi nước ta. Vị anh hùng Nguyễn Trung Trực đã dõng dạc nói thẳng vào mặt bọn thực dân Pháp: “Khi nào Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây!”,
Năm 1930, Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời lãnh đạo toàn dân kháng chiến chống Pháp. “Mùa Thu rồi, ngày hăm ba – Ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến – Rền khắp trời lời hoan hô, quân dân Nam nhịp chân tiến ra trận tiền – Thuốc súng kém, chân đi không, mà lòng người giàu lòng vì nước – Nóp với dáo mang ngang vai nhưng thân trai nào kém oai hùng…” Bài hát Nam Bộ Kháng Chiến của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn đã nói lên lòng yêu nước, đức tinh anh hùng, hy sinh, quả cảm của nhân dân Việt Nam và thể hiện khí thế hùng tráng chống ngoại xâm của toàn dân Bắc-Trung-Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nước có loạn mới biết dân tộc Việt Nam yêu nước dường nào.
Thế nhưng, trong khi toàn dân ta xem thực dân Pháp là kẻ thù cần phải đánh đuổi chúng đi, thì lại có một bộ phận người Việt xem thực dân Pháp là ông chủ. Họ đi lính cho Pháp, phục vụ trong chánh quyền do Pháp lập ra, họ ăn lương của Pháp và hưởng mọi đặc quyền do Pháp ban cho. Đến khi người Pháp bại trận chạy dài thì bọn người này quay sang phụng sự cho ông chủ mới là Mỹ. Một trăm năm nô lệ giặc Tây đã đủ cho bọn người vong bổn này tạo lập cơ đồ, gây dựng thanh thế, và nhất là truyền bá tư tưởng vọng ngoại cho con cháu họ, hình thành nên một tầng lớp “mũi tẹt da vàng” sống trên đất nước Việt Nam nhưng tâm hồn luôn hướng về phương Tây, nơi họ xem là “thiên đường hạ giới” đối với họ.
Khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, giang sơn Việt Nam nối liền một dải thì bọn người này bỏ nước ra đi để thực hiện nốt giấc mộng Âu Mỹ hóa mà họ ấp ủ từ lâu. Ở đây cũng nên nói cho rõ về thành phần Việt kiều đang sinh sống, học tập và lao động ở hải ngoại. Tuyệt đại đa số Việt kiều là những người yêu nước. Họ vì nhiều lý do khác nhau mà phải sống ở nước ngoài, nhưng tâm hồn và cách sống của họ luôn mang nét đẹp của dân tộc Việt. Họ vẫn luôn hướng về Tổ Quốc với bao tình cảm tốt đẹp và với mong ước góp phần cho đất nước ngày càng thêm giàu mạnh. Những Việt kiều yêu nước này tuy thân sống ở ngoại quốc nhưng tâm hồn và hình hài vẫn là người Việt Nam một trăm phần trăm.
Còn bọn người vong bổn vọng ngoại dù cho sống trong nước hay ngoài nước thì họ cũng không còn là người Việt Nam nữa vì họ đã bán linh hồn cho ngoại bang từ lâu rồi. Tuy nay đã trở thành dân Tây rồi, nhưng họ vẫn ôm lòng thù hận Việt Nam. Họ luôn tìm cơ hội mạt sát chánh quyền và nhân dân Việt Nam. Ngược lại, họ thường đem những thứ mà họ cho là “giá trị tốt đẹp” của nền chính trị phương Tây ra ca ngợi hết lời. Họ kêu gào trong nước phải sống theo các chuẩn mực của phương Tây. Họ không dám nhận mình là người Việt Nam, họ muốn từ bỏ tức thì cái gốc gác, cái quá khứ làm người Việt Nam của họ để cho họ khỏi hổ thẹn trước mắt thế giới. Viết tới đây, tôi chợt nhớ tới ông linh mục Nguyễn Văn Lý (Huế). Ông ta từng tuyên bô: “Tôi vô cùng hổ thẹn khi nhận mình là người Việt Nam” (!)
Chính bọn người vong bổn này, từ bao nhiêu đời này, đã gieo rắc con virus “vọng ngoại” vào đầu óc giới trẻ Việt Nam. Vì vậy, thỉnh thoảng ta lại thấy những chú Mỹ, cô Tây mũi tẹt da vàng xuất hiện đây đó trong đời sống xã hội Việt Nam, điển hình như cô tiểu thư Hồng Nhung trong câu chuyện hôm nay.
Dù sao, qua trận đại dịch Covid-19 này, chúng ta càng có thêm niềm tin vững chắc vào bản lãnh và nghị lực của dân tộc Việt Nam qua tài lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Chín mươi bảy triệu người Việt yêu nước chúng ta tin rằng rồi đây nền kinh tế nước ta ngày càng tăng trưởng, công tác quản lý nhà nước của chúng ta ngày càng hoàn thiện, nạn tham nhũng trong bộ máy chánh quyền sẽ không còn đất sống. Chừng đó, con virus “vọng ngoại” nguy hại kia sẽ không còn môi trường để tồn tại và lây nhiễm trong giới trẻ nữa.
TRẦN TAM HIỆP
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1