Đôi lúc ngồi ngẫm nghĩ, mình thấy việc trị quốc an dân của các nhà nước trên thế giới cũng giống như việc dạy dỗ con cái trong gia đình vậy. Nêu nói rằng mỗi đất nước là một gia đình, nhà nước là cha mẹ và người dân là con cái thì e rằng sẽ có nhiều người không đồng ý vì sự so sánh ấy mang nặng tư tưởng lạc hậu của thời quân chủ phong kiến, nhưng nếu nhìn vào thực tế đời sống chánh trị xã hội đang diễn ra tại các quốc gia thì không mấy ai không khởi lên trong đầu sự so sánh ấy.
Thí dụ như nước Mỹ, ai cũng công nhận người dân ở đây có nhiều quyền tự do nhất thế giới. Tự do đến mức trong đại dịch Covid-19, mặc dù chính phủ khẩn thiết kêu gọi người dân không nên tụ tập đông người, ra đường cần đeo khẩu trang… để chông dịch nhưng đa số người dân không nghe, vẫn tụ tập ăn chơi, vẫn không đeo khẩu trang khi ra đường… Chính vì người dân ưa tự do một cách cực đoan mà mỗi ngày nước Mỹ có thêm hàng chục nghìn người mắc bệnh, các bệnh viện không còn chỗ chứa, người chết nhiều đến nỗi không kịp làm đám tang mà phải đào hố chôn tập thể! Trước tình trạng phi lý ấy, chính phủ tiểu bang cũng như chính phủ liên bang đều “bó tay” chịu thua, để mặc cho dịch bệnh phát triển, biến nước Mỹ thành quốc gia có nhiều người mắc Covid-19 nhất thế giới. Nhìn hoàn cảnh rối ren của nước Mỹ trong cơn đại dịch, nhiều người không khỏi có ý nghĩ so sánh những người Mỹ này giống như những đứa con được cha mẹ nuông chìu quá mức mà trở nên “tự do vô lỷ luật” chăng?
Thí dụ như ở Việt Nam ta, một dân tộc quen sống trong khó khăn gian khổ tự thời chống Pháp chống Mỹ, đến nay mặc dù đời sống có khá hơn nhưng đa số người dân vẫn giữ được tinh thần kỷ luật thượng tôn pháp luật, luôn chấp hành tốt các chủ trường đường lối của chính quyền, đồng tâm hiệp lực cùng nhau giữ vững an ninh trật tự, góp phần xây dựng đất nước ngày một tiến lên. Điển hình như trong cơn đại dịch Covid-19 hiện nay, tuyệt đại đa số người dân trong nước đều thực hiện nghiêm lệnh giãn cách xã hội của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 trung ương, nghiêm chỉnh đeo khẩu trang mỗi khi đến những nơi công cộng… Nhờ đó mà đến nay, dù Covid-19 có tái phát trở lại nhưng số người lây nhiễm cũng như tử vong vì Covid-19 tại Việt Nam cũng rất ít và hoàn toàn nằm trong vòng kiểm soát của ngành y tế. Nhìn vào cách chống Covid-19 quyết liệt nhưng bình tỉnh và chủ động của Việt Nam khiến người ta liên tưởng đến một gia đình trên thuận dưới hòa, một gia đình có sự giáo dục con cái rất hiệu quả.
Nói đến việc dạy dỗ con cái thì từ xa xưa trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam có câu “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Câu tục ngữ này, ngày nay bị phê phán dữ lắm. Là vì tư tưởng nhân quyền của phương Tây bây giờ đã tràn lan khắp mọi đất nước, ngay như ở Việt Nam ta bây giờ, giáo viên nào lỡ tay đánh phạt học trò là bị kỷ luật ngay, có khi còn bị đuổi việc nữa đấy!
Xu hướng giáo dục ngày xưa tại các nước chịu ảnh hưởng Khổng giáo thường thiên về “giáo dục nghiêm khắc” (Cho đến ngày nay tại Singapore vẫn còn duy trì luật phạt đánh đòn đối với một số lỗi “vi phạm hành chánh”). Bởi vậy mà người dân các nước có nền giáo dục nghiêm khắc thường có tính kỷ luật rất cao, tiêu biểu như người Nhật mà cả thế giới đều biết qua hình ảnh các Võ sĩ đạo (Samurai). Nền giáo dục nghiêm khắc là yếu tố làm nên sự khác biệt giữa các dân tộc phương Đông với các dân tộc phương Tây.
Mới đây, để lý giải tại sao phần lớn các nước châu Á như Trung Quốc , Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam… chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn các nước châu Âu, một nhà tâm lý học người Anh phát biểu đại ý rằng: “Người châu Á có tính vì cộng đồng rất lớn, họ sẵn sàng hy sinh tự do cá nhân vì lợi ích của xã hội. Còn người châu Âu vì được tự do quen rồi nên họ không chịu nổi khi bị bắt buộc giản cách hay phải đeo khẩu trang khi ra đường…”
Người xưa quan niệm rằng muốn con nên người cần phải dạy dỗ nghiêm khắc, vì thế nên chủ trương “Yêu cho roi cho vọt”. Ngược lại, sự nuông chìu con cái sẽ làm cho chúng hư thân mất nết, vì thế mới có câu “Ghét cho ngọt cho bùi”. Ngày nay, quan niệm này không được 100% dân chúng đồng tình, tuy nhiên vẫn còn nhiều người ủng hộ. Riêng người viết bài này không chủ trương giáo dục nghiêm khắc mà cũng không tán thành dạy con theo kiểu nuông chìu. Làm việc gì cũng cứ theo Trung Đạo của nhà Phật là hợp với đạo lý ở đời và đem lại kết quả tốt nhất.
Tôi xin kể hai trường hợp vừa xảy ra có liên quan đến dịch Covid-19 tại nước Mỹ, nơi mà người dân được Nhà nước “nuông chìu” nhất thế giới:
– Câu chuyện thứ I: Trong khi cả nước Mỹ đang vật lộn với đại dịch Covid không ngừng gia tăng thì một nhóm sinh viên ở thành phố Tuscaloosa tiểu bang Alabama “no cơm dửng mỡ” rủ nhau kéo đến các nơi có ổ dịch trong thành phố ăn chơi cố ý để bị lây nhiễm Covid. Quả nhiên chỉ sau vài ngày, một số người trong bọn đã bị dương tính với virus Covid-19. Chưa dừng lại ở đó, vào ngày 01/7/2020, nhóm sinh viên này tổ chức một bữa tiệc cho tất cả mọi người trong nhóm đến dự, trong đó có cả những người vừa bị lây nhiễm Covid-19. Họ bày ra cuộc chơi như sau : mỗi người dự tiệc phải đóng góp một số tiền, tổng số tiền gom góp được sẽ tặng cho người nào bị lây nhiễm Covid đầu tiên trong buổi tiệc này. Kết quả sau một đêm ăn chơi trác táng, ôm nhau nhảy nhót trong một không gian chật hẹp, đa số người dự tiệc đều nhiễm phải virus Covid-19. Số tiền đóng góp đêm qua được trao tặng cho một sinh viên bị nặng nhất.
Trên đường được khiêng từ xe cứu thương đến phòng cấp cứu bệnh viện, trả lời phỏng vấn của một phóng viên, cậu sinh viên nhiễm Covid-19 thều thào nói : “Đây là hành động dại dột nhất trong đời tôi”
– Câu chuyện thứ II: Vào ngày 31/7/2020 tại bãi biển Newport Beach miền Nam tiểu bang California thuộc Quận Cam, người ta bỗng chứng kiến cảnh đông đảo người dân Mỹ kéo đến dứng chật cả bãi biển này. Đầu tiên, ai cũng nghĩ có một cuộc biểu tình mới ủng hộ người da màu, nhưng khi đến gần tìm hiểu mới biết những người này là giáo dân thuộc 80 nhà thờ Tin Lành trong tiểu bang tụ tập về đây để biểu lộ đức tin của họ vào Chúa Trời. Họ nói : “Chúng tôi không sợ Covid-19 vì đã có Chúa che chở. Hãy mở cửa nhà thờ để chúng tôi được tự do đến nhà thờ”.
Đám đông này có đến cả ngàn người. Họ không hề đeo khẩu trang, họ thản nhiên ôm nhau, hôn hít nhau, cùng nhau ăn uống, vui đùa, tắm biển, họ dẫn cả trẻ con đến đây tung tăng chơi đùa, nhìn cảnh họ vô tư tụ tập, không ai nghĩ rằng nước Mỹ đang khốn đốn với dại dịch Covid-19.
Tại Mỹ hiện nay đã có 5,5 triệu người mắc Covid-19, trong đó hơn 170 nghìn người đã chết , cứ mỗi ngày nước Mỹ có trung bình 50 nghìn ca nhiễm mới và cả nghìn ca tử vong (*). Tất cả bệnh viện đều quá tải, chỉ có người bệnh thật nặng mới được bệnh viện nhận điều trị. Số người chết quá nhanh quá nhiều đến nổi mọi phương tiện chôn lấp hay hỏa táng đều không còn khả năng đáp ứng. Xác người chết được tạm thời bảo quản trong các tủ đông (rồi có lúc tủ đông cũng đầy nhóc thì đem xác để đâu đây?)
Trong tình hình bi đát như vậy, tại sao vẫn có người ngông cuồng nghĩ ra trò chơi tự lây nhiễm Covid cho mình? Và khi giãn cách xã hội là biện pháp duy nhất để phòng chống đại dịch mà lại có hàng nghìn giáo dân xuống đường biểu tình đòi mở cửa nhà thờ để được cầu nguyện mỗi ngày? Câu trả lời chỉ có thể là “những người này đã loạn trí hết rồi!”
Họ có biết là việc làm của họ sẽ càng làm cho tình hình lây nhiễm Covid-19 tại Hoa Kỳ càng thêm trầm trọng không? Trách nhiệm đối với cộng đồng của những người này để đâu? Họ thật giống với những đứa trẻ con được cha mẹ cưng chìu quá mức đến nỗi họ làm việc gì, nói điều gì cũng đều tự cho rằng mình là đúng nhất và bắt buộc mọi người phải chìu theo ý mình. Hoặc nói cách khác, những người này thuộc hạng “no cơm dửng mỡ”, tự do thái quá nên trở thành ngông cuồng.
Sau hơn 8 tháng virus Covid-19 từ Vũ Hán (Trung Quốc) phát tán gieo rắc tai họa khắp hành tinh , đến nay các chuyên gia phòng chống dịch Covid-19 trên thế giới đều đi đến kết luận rằng việc phòng chống đại dịch Covid-19 có hiệu quả hay không đều tùy thuộc vào thái độ hợp tác của người dân. Quốc gia nào khéo giáo dục người dân sống có trách nhiệm và kỷ luật thì nơi đó thành công ; Nhà nước nào nói dân không nghe, dân sống ích kỷ, chỉ biết đòi hỏi hưởng thụ… thì quốc gia đó là nơi tốt nhất cho con virus Covid-19 thả sức hoành hành.
Tự do là điều ai cũng mong muốn, nhưng tự do của mình phải hài hòa với lợi ích của cộng đồng. Vì vậy, tự do phải trong khuôn khổ luật pháp chứ không phải muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm không cần nghĩ đến ai. Tự do theo kiểu như hai câu chuyện vừa kể trên đã đi quá giới hạn cho phép, không còn đúng với ý nghĩa cao quý của hai từ “tự do” nữa rồi.
TRẦN TAM HIỆP
Chú thích :
(*)Số liệu của ngày 18/8/2020