Kính thưa Quý độc giả của trang nhà gdptkiengiang.vn,
Ngay từ những ngày còn thơ ấu, bất cứ ai trong chúng ta , không nhiều thì ít, cũng đều nghe đến những cái tên như : Tam Tạng, Tề Thiên Đại Thánh, Trư Bát Giới, Sa Tăng v.v…Vào khoảng những năm đầu thập niên 1990, khi phong trào băng video nở rộ thì đồng thời bộ phim video“Tây Du Ký” do Trung Quốc sản xuất cũng tràn ngập các tỉnh thành Việt Nam. Từ đó câu chuyện Đường Tam Tạng đi Tây phương thỉnh kinh càng được mọi người biết đến và yêu thích, kể cả những người không phải là Phật tử.
Bộ phim “Tây Du Ký” nói trên được phóng tác từ tác phẩm văn học “Tây Du Ký” của nhà văn Ngô Thừa Ân vào thời đại nhà Minh bên Trung Hoa. Ông Ngô Thừa Ân sáng tác bộ sách này dựa trên một câu chuyện có thật xảy ra từ triều đại nhà Đường xa xưa của Trung Hoa. Vào năm 629 Công Nguyên, tại kinh đô Tràng An của nước Trung Hoa có một nhà sư pháp hiệu Huyền Trang (có nơi đọc là Huyền Tráng) thường quan niệm rằng: “Học cốt kinh lịch cho xa nghĩa là khai thông đến tận nguồn gốc. Nếu chỉ bằng lòng với cái hiện có thì chẳng bao giờ đạt được chỗ huyên áo”. Vì vậy, Ngài dâng sớ lên Vua Đường xin phép được đi qua Tây Trúc (nước Ấn Độ ngày nay) để thỉnh kinh Phật mang về Trung Hoa. Đợi mãi không thấy nhà vua trả lời cho hay không, Ngài Huyền Trang một thân một mình trốn khỏi Tràng An đi về hướng Tây, trải qua gần 40 quốc gia, vượt qua khoảng 10.000 cây số trong thời gian hơn một năm mới đến được Tây Phương (Ấn Độ).
Tại Ấn Độ, Ngài Huyền Trang đi chiêm bái các thánh tích Phật giáo, sau đó Ngài nhập học tại trường đại học Nalanda, một trường Phật học vĩ đại nhất Ấn Độ với khoảng 10.000 Tăng sinh theo học. Ngài du khảo qua 100 nước lớn nhỏ tại Ấn Độ để học hỏi về phong tục tập quán các dân tộc, nhưng quan trọng hơn hết là Ngài nghiên cứu giáo lý đạo Phật, so sánh sự khác biệt giữa các tôn phái để tự mình nhận định đâu là chân lý. Ngài đã nghiên cứu Phật Pháp và văn hóa các dân tộc tại Ấn Độ suốt 15 năm. Ở Ấn Độ, Ngài Huyền Trang nổi tiếng là một luận sư Đại thừa không có đối thủ. Đến năm 645 Công Nguyên, Ngài trở về Trung Hoa và không quên mang về rất nhiều kinh sách Đại thừa. Tổng cộng thời gian Ngài Huyền Trang hoàn thành chuyến đi Tây Trúc thỉnh kinh là 17 năm. Lúc đi, Ngài 33 tuổi, khi về Ngài đã 50 tuổi.
Vua Đường Thái Tông xây dựng ngôi chùa Từ Ân ngay tại kinh đô Tràng An cho Ngài an cư để tập trung tinh thần cho việc dịch kinh. Suốt trong 19 năm, Ngài Huyền Trang chuyên tâm phiên dịch được 75 bộ kinh Đại thừa gồm 1335 quyển. Ngoài ra Ngài còn tranh thủ viết bộ “Đại Đường Tây Vức Ký” gồm 12 quyển tường thuật lại toàn bộ cuộc du hành vĩ đại từ Trung Hoa sang Ấn Độ. Tác phẩm này đã trở thành một tài liệu địa dư quý báu cho các học giả trên thế giới tham cứu.
Tác phẩm văn học “Tây Du Ký” của nhà văn Ngô Thừa Ân, tuy mượn câu chuyện đi Tây Phương thỉnh kinh của pháp sư Huyền Trang, nhưng đó là tác phẩm tiểu thuyết hư cấu nhằm thu hút độc giả. Mục đích của tác giả là vừa cung cấp món ăn tinh thần giải trí cho người đọc, vừa muốn chuyển tải những ý nghĩa thâm sâu của giáo lý nhà Phật đến với quần chúng Phật tử. Nói chung, những tình tiết diễn ra trong tác phẩm “Tây Du Ký” của Ngô Thừa Ân đều là hư cấu mang tính ẩn dụ trong nền triết học Phật giáo. Tác phẩm này không mô tả những sự việc chính xác đã xảy ra trong cuộc hành trình vĩ đại của pháp sư Huyền Trang.
Là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử, nghĩa là những Phật tử đang tu học để trở thành người Phật tử chân chánh, chúng ta khát khao muốn biết những gì thực sự đã diễn ra trong cuộc Tây Du vĩ đại của Ngài Huyền Trang để làm phong phú thêm kho tàng kiến thức Phật học, đồng thời lấy công hạnh của Ngài Huyền Trang làm tấm gương cho chúng ta noi theo trên con đường phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội mà mục đích Gia Đình Phật Tử đã đề ra.
Muốn vậy, không gì hơn là chúng ta hãy đọc qua tác phẩm “Đại Đường Tây Vức Ký” do chính Ngài Huyền Trang ghi lại diễn biến cuộc hành trình Tây Du của Ngài. Dĩ nhiên, đọc tác phẩm Đại Đường Tây Vức Ký sẽ không hấp dẫn như khi đọc Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, nhưng bù lại nó cung cấp cho chúng ta nhiều hiểu biết thực tế về địa lý, phong tục, văn hóa của nhiều quốc gia, nhiều dân tộc mà ngày nay có nhiều quốc gia đã không còn tồn tại theo dòng lịch sử của nhân loại.
Chúng ta theo chân Ngài Huyền Trang trên hành trình Tây Du của Ngài để cảm phục một tấm gương hết lòng vì Đạo pháp, để học tập tinh thần kiên cường dũng mãnh trước gian nguy , quyết tâm vượt qua mọi thử thách để đi đến mục đích sau cùng…Và quan trọng hơn hết, là để chúng ta thành tâm ghi khắc công ơn sâu đậm của Ngài Huyền Trang đã để lại cho hậu thế chúng ta những công trình dịch thuật kinh điển Phật giáo mà hôm nay hàng Phật tử chúng ta đang thọ trì.
Trên tinh thần ấy, chúng tôi trân trọng giới thiệu tác phẩm “Đại Đường Tây Vức Ký” của Pháp sư Huyền Trang đến Quý độc giả.
BAN BIÊN TẬP
Qua lời giới thiệu của Bách Khoa Toàn Thư mở WIKIPEDIA
Đại Đường Tây Vực ký (tiếng Trung: 大唐西域記), thường được gọi tắt là Tây Vực ký (tiếng Trung: 西域記), là một tập ký kể về hành trình 19 năm của nhà sư Huyền Trang xuất phát Trường An (Trung Quốc) du hành qua khu vựa Tây Vực trong lịch sử Trung Quốc. Nhà sư đã đi qua Con đường tơ lụa của Tân Cương ngày nay ở phía tây bắc Trung Quốc, cũng như các khu vực lân cận ở Trung Á và Nam Trung Quốc. Ngoài các địa điểm này của Trung Quốc, Huyền Trang cũng đi vòng quanh Ấn Độ, đến tận phía nam như Kancheepuram. Chuyến du hành của Huyền Trang không chỉ giữ một vị trí quan trọng trong các nghiên cứu xuyên văn hóa của Trung Quốc và Ấn Độ, mà cả các nghiên cứu xuyên văn hóa trên toàn cầu. Tập ký vừa cung cấp những ghi chép trên đường hành hương tôn giáo của Huyền Trang, vừa ghi nhận các mô tả về các địa phương mà ông đi qua trong giai đoạn lịch sử thời Đường.
Tập ký được biên soạn vào năm 646, mô tả các chuyến đi được thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 626 đến 645.[2] Biện Cơ, một đệ tử của Huyền Trang, đã dành hơn một năm để ghi chép và hiệu chỉnh tập sách từ những lời kể của thầy mình. Mặc dù quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã diễn ra từ thế kỷ 1 TrCN và đã được củng cố thông qua việc giới thiệu Phật giáo vào Trung Quốc, nhưng mãi đến khi Hãn quốc Đột Quyết mở rộng, bắt đầu đe dọa biên giới Ấn Độ và Trung Quốc, các sứ thần mới được gửi đến giữa hai khu vực cho các liên minh quân sự. Huyền Trang được ghi nhận là một trong những nhà ngoại giao đầu tiên thiết lập mối quan hệ như vậy giữa nhà Đường Trung Quốc và đế chế Kannauj của Ấn Độ.
Chuyến du hành của Huyền Trang được thúc đẩy bởi sự quan tâm sâu sắc của ông đối với truyền thuyết Phật giáo. Trong khi ông không được triều đình nhà Đường cho phép rời khỏi Trung Quốc, ông đã tìm cách đến Ấn Độ và ghi lại các cuộc gặp với các vị vua của các vương quốc Ấn Độ khác nhau. Đáng chú ý là quốc vương Harsha, người mà Huyền Trang đã thuyết phục được để gửi một sứ giả tới hoàng đế Đường Thái Tông. Những mối quan hệ ngoại giao này đã mang lại cho Huyền Trang cơ hội quay trở lại Trung Quốc mà không phải đối mặt với những hậu quả pháp lý, đổi lại, Huyền Trang đã viết một bản ghi chép về hành trình của mình để được dâng lên hoàng đế nhà Đường.
Tập ký chứa hơn 120.000 chữ Hán và được chia thành 12 tập, mô tả địa lý, đất đai và giao thông hàng hải, khí hậu, sản phẩm địa phương, con người, ngôn ngữ, lịch sử, chính trị, đời sống kinh tế, tôn giáo, văn hóa và phong tục ở 110 quốc gia, các khu vực và thành quốc từ Tân Cương đến Ba Tư, Tajikistan, Uzbekistan, Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh và Sri Lanka, trong số các khu vực khác.
Ngày nay, tập ký vẫn mang một giá trị lớn đối với các nhà sử học và khảo cổ học hiện đại. Tập ký là một tài liệu quan trọng về Trung Á trong đầu thế kỷ thứ VII, vì nó cung cấp thông tin về một nền văn hóa Phật giáo tồn tại ở Afghanistan trong thời gian đó và là bằng chứng văn bản sớm nhất cho các tượng Phật tại Bamyan. Các chuyến đi của Huyền Trang cũng được ghi nhận là tác động một phần cho sự lan rộng của công nghệ sản xuất đường ở Trung Quốc và Ấn Độ thời Trung Cổ. Điều này rất có ý nghĩa vì đường đóng một vai trò quan trọng trong giáo lý Phật giáo. Tập ký cũng mang tầm quan trọng tương đương trong các nghiên cứu về Ấn Độ, và các nhà khảo cổ học đã sử dụng nó để lấp đầy những khoảng trống nhất định trong lịch sử Ấn Độ. Nó cho phép các nhà sử học định vị chính xác các địa điểm quan trọng ở Ấn Độ. Tập sách được biết đến với “những mô tả chính xác về khoảng cách và vị trí của những nơi khác nhau”, và đã được dùng làm sách hướng dẫn cho việc khai quật nhiều địa điểm quan trọng, như Rajgir, Đền thờ tại Sarnath, Ajanta, tàn tích của Tu viện Nalanda ở Bihar và tàn tích Vasu Bihar của thành phố Pundra cổ đại. Tập ký cũng tạo cảm hứng cho truyện Tây du ký, một danh tác văn học Trung Quốc xuất bản vào thời nhà Minh.