ĐẠI ĐƯỜNG TÂY VỨC KÝ
Pháp Sư HUYỀN TRANG
(kỳ 18)
QUYỂN THỨ TÁM
(1 nước)
Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu Vua dịch
Chùa Đại Tổng Trì, Sa Môn Biện Cơ soạn
Nước Ma Kiệt Đà – Phần một.
Từ phía tây nam của Già Lam Đức Huệ đi đến Cô Sơn. Lại có một Già Lam, Ngài Thi La Phạt Đa La (Silabhadra) luận sư đã thắng trong một cuộc tranh luận tại nơi đây và xây dựng thành một ngôi tháp và an trí Xá Lợi Phật. Luận sư là người Vương tộc nước Tam Ma Đản Tháp, thuộc dòng dõi Bà Là Môn. Lúc nhỏ ham học và có phong cách, hay đi khắp Ấn Độ để tìm cầu Minh Triết. Đến nước nầy thuộc chùa Na Lan Đà, gặp ngài Hộ Pháp Bồ Tát. Nghe Pháp tín ngộ rồi mong muốn mặc áo hoại sắc, để nghiên cứu tầm cầu cho thấu đáo, hay hỏi về con đường giải thoát, cho đến rõ lý mới thôi. Tiếng tăm lúc bấy giờ lan xa ra nhiều nơi.
Lúc bấy giờ ở nam Ấn có một ngoại đạo rất giỏi nghe tiếng tăm của ngài Hộ Pháp liền khởi lên ngã mạn khinh thường, chẳng ngại núi sông cách trở, đến đánh trống để tranh luận, nói rằng:
– Tôi là người Nam Ấn, là một đại luận sư trong nước đó. Tôi tuy chưa hài lòng và muốn rõ ràng ý nghĩa, rồi Vua nói:
– Có như vậy sao thật sự mốn phải biết ý nghĩa thật sự sao?
Rồi ra lệnh Sứ Thần thỉnh ngài Hộ Pháp rằng:
– Có một ngoại đạo từ Nam Ấn xa xôi đi hơn ngàn dặm đến cầu tranh luận. Muốn Ngài đến đạo tràng để cùng tranh luận.
Khi ngài Hộ Pháp nghe xong liền mang y áo đến cùng môn nhân là ngài Giới Hiền cùng đi theo. Kẻ đến trước bảo rằng:
– Đi đâu mà vội vàng vậy?
Ngài Hộ Pháp đáp:
– Kể từ khi mặt trời trí huệ lặn xuống, ánh sáng được truyền qua những ngọn đèn tịch chiếu. Những ngoại đạo hợp lại với nhau như kiến, với những học Thuyết khác tỏa ra như ong đi hút mật. Hôm nay, ta cùng với họ tranh luận.
Ngài Giới Hiền thưa:
– Bạch Ngài, con có nghe luận của ngoại đạo rõ ràng rồi.
Ngài Hộ Pháp biết vậy rất vui mừng. Lúc bấy giờ ngài Giới Hiền tuổi khoảng 30. Ở trong chúng thường bị chê là nhỏ, sợ khó mà đảm nhận một mình được. Ngài Hộ Pháp biết được tâm của chúng nên tâm rất bất bình, liền giải thích rằng:
– Là bậc cao minh đâu có cần tuổi tác. Nay ta quán thấy có thể chắc chắn phá được kẻ kia. Đến ngày tập trung để nghị luận, xa gần đều náo nức, ngoại đạo thì tự nghi rằng mình sẽ thấu triệt hết lẽ u huyền. Nhưng trong khi đó Giới Hiền nương chân lý chân thật, biết được cực sâu của lẽ u huyền. Do đó ngoại đạo cuối cùng đã xấu hổ mà thối lui.
Nhà Vua muốn báo đức nầy nên phong ấp nhưng luận sư từ chối nói:
– Kẻ đắp y hoại sắc luôn luôn tri túc, sống thanh bần thủ đạo, cần thành ấp làm gì?
Nhà Vua đáp:
– Ngày xưa đấng Pháp Vương dong thuyền đó đây, không riêng biệt cho ai, và cho người đời sau nào hết. Nay, vì hoằng dương Chánh Pháp xin ngài hứa khả nạp thọ.
Thế rồi luận sư chẳng từ chối được cho nên thọ nhận ấp nầy tạo thành Già Lam cùng các quy cũ. Sau đó ngài cúng dường lại và ra đi.
Phía tây nam chùa của ngài Giới Hiền đi hơn 45 dặm qua sông Ni Liên Thiền, đến thành Dà Gia (Gaya) nơi nầy rất hiểm yếu cho nên ít người ở, chỉ có độ hơn 1000 người Bà La Môn. Có đại tiên nhơn nối dõi ở đây. Vua cùng đại thần đều tôn kính. Ở phía bắc cách 30 dặm có một hồ nước trong, mà người Ấn Độ tương truyền rằng là hồ nước Thánh, nếu uống vào tội cấu sẽ tiêu trừ. Phía tây nam của thành hơn 5.6 dặm đến núi Gaya. Nơi đó có động đá rất nguy hiểm. Người Ấn Độ gọi là núi linh thiêng. Từ xưa đến nay, Vua chúa cũng đều nhận như thế. Người ở xa đến đây tắm gội thì nhuần được ân đức của đời trước chưa nói gì đến việc thành công. Trên đỉnh núi có một bảo tháp cao hơn trăm thước do Vua A Dục dựng nên. Nhiều khi phát ra ánh sáng rất linh thiêng, chuyện xưa kể rằng:
– Đức Như Lai khi diễn thuyết kinh nơi đây có mây lành bao phủ.
Phía đông nam núi Gaya có một Bảo Tháp. Đây là làng của Ngài Ca Diếp Ba sanh ra. Phía Nam lại có hai Bảo Tháp. Đây là nơi hỏa thiêu ngài Dà Gia Ca Diếp Ba, và Na Đề Ca Diếp Ba. Từ phía đông nơi hỏa thiêu của ngài Dà Gia Ca Diếp Ba, qua con sông lớn đến Bát La Hấp Bồ Đề Sơn (Chánh Giác Sơn). Nơi đây Như Lai tu sáu năm khổ hạnh mà chưa thành Chánh Giác, và sau khi xả khổ hạnh rồi liền thọ bát cháo sữa. Tự đi về hướng đông bắc để đến núi nầy và mong được chứng thành Chánh Giác. Từ phía đồi đông bắc lên đến đảnh, đất tự nhiên rúng động nghiêng ngữa. Sơn thần kinh hoảng mới thưa với Bồ Tát rằng:
– Núi nầy không phải là nơi thành Chánh Giác, chẳng phải là phước địa, nên dừng việc nhập kim cang định nơi đây.
Đất hết rung chuyển và núi trở lại bình thường. Bồ Tát đi xuống phía tây nam đến lưng chừng núi, ngoảnh mặt thấy một hang đá lớn, ngài liền ngồi kiết già phu tọa. Đất đai liền chấn động một lần nữa núi lại nghiêng thêm. Lúc bấy giờ Tịnh Cư Thiên từ không trung xướng lên rằng:
– Đây không phải là nơi đức Như Lai thành Chánh Giác.
Từ phía tây nam đi hơn 14.5 dặm ruỡi cách nơi Khổ hạnh chẳng xa, có một cây Tất Bát La dưới đó có Kim Cang Tòa, mà chư Phật trong ba đời từ quá khứ đến vị lai đều thành Chánh Giác ở đây, và nguyện sẽ được thành tựu.
Khi Bồ Tát đứng dậy ở trong không trung con rồng lên tiếng. Đây là nơi thù thắng có thể thành Chánh Quả ngưỡng mong đấng từ bi đừng bỏ qua. Bồ Tát liền biết rằng:
– Không thể chối bỏ nơi đây, vì vậy cho nên Rồng biết ý rồi lưu ảnh lại mà đi. chư Thiên dẫn đường đi trước đến cây Bồ Đề. Về sau Vua A Dục hưng thịnh lên nơi chứng Bồ Đề trên dưới vẫn còn dấu tích. Tất cả chung quanh cây ấy đều được xây dựng những Bảo Tháp mà qua đó vô số đặc thù linh ứng khó tả, như mưa hoa từ trên trời rơi xuống và hào quang chiếu sáng u nhàn. Mỗi năm nhân mùa an cư, nhiều nơi tăng tục đến đây tu phước cúng dường, lòng tin bất hoại.
– Phía trước núi Chánh Giác hướng tây nam đi hơn 14 dặm ruỡi, đến gốc cây Bồ Đề. Chung quanh nơi đây được bao bọc bởi gạch đá kiên cố, phía đông tây dài phía nam bắc hẹp. Chu vi hơn 500 bộ. Cây nầy soi bóng xuống hồ nước có hoa sen, nhiều cây cỏ hoa lá xanh tươi màu biếc. Cổng chánh phía đông đối diện với sông Ni Liên Thiền, cổng phía nam nối tiếp với hồ lớn đầy hoa. Phía tây thì nguy hiểm. Phía bắc thông qua đại Già Lam. Trong vuờn đất đai rất rộng.
Bên cạnh Thánh tích hoặc có Bảo Tháp hoặc làm tịnh xá do các Vua và đại thần ở các nước tại Thiệm Bộ Châu thừa sự Di Giáo của đức Phật mà kiến tạo để kỷ niệm. Ngay dưới gốc cây Bồ Đề là Kim Cang Tòa mà ngày xưa lúc hiền kiếp, đất nơi đây từ phía dưới tự nhiên nổi lên như vậy. Trong tam thiên đại thiên thế giới, phía dưới cùng là bánh xe vàng, phía trên cùng là phủ bằng đất để trở thành Kim Cang, chu vi hơn 100 bước. Trong hiền kiếp có một ngàn vị Phật đã ngồi nơi đây mà nhập Kim Cang định cho nên gọi là Kim Cang Tòa, để chứng thánh quả. Lại có tên là đạo tràng.
Khi đại địa chấn động, không bao giờ lay chuyển. Cho nên Như Lai thành Chánh Giác. Đất bốn phía nầy có giao động nhưng sau khi đến rồi trở nên an tịnh không giao động nữa. Đến thời Mạt Pháp cuối cùng, Chánh Pháp không còn gì nữa, nơi nầy sẽ bị đất cát phủ lên không thấy được nữa. Sau khi Phật nhập Niết Bàn, Vua chúa các nước cùng đến nghe Phật Pháp tại Kim Cang Tòa rất nhiều. Có hai tượng toàn thân của đức Quán Tự Tại Bồ Tát ngồi ở phía Tây Bắc, mặt xây về hướng đông. Nghe các bậc kỳ cựu nói rằng:
– Tượng Bồ Tát nầy mà chìm hết thì Phật Pháp sẽ diệt tận, và bây giờ đã thấy tượng Bồ Tát ở đó đã chìm đến ngực rồi.
Trên Kim Cang tòa là gốc cây Bồ Đề, tức là cây Tất Bát La. Khi Phật còn tại thế cao hơn trăm thước, trải qua nhiều lần bị đốn chặt chỉ còn 45 thước. Phật ngồi dưới cây nầy thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác cho nên gọi đây là cây Bồ Đề.
Gốc cây màu vàng, cành màu trắng, lá màu xanh. Mùa đông cũng như mùa hạ, màu sắc ấy không thay đổi. Mỗi năm đến ngày Như Lai nhập Niết Bàn, tất cả lá đều rụng hết, rồi được mọc trở lại. Ngày đó là ngày mà Vua các nước cũng như Tăng Tục số đến hàng vạn người, chả mời thỉnh mà ai cũng về. Dùng nước hoa, nước hương, sữa để gội rửa rồi phụng tấu âm nhạc cùng cúng dường hương hoa đèn nến luôn ngày không dứt.
Sau khi đức Như Lai tịch diệt và lúc Vua A Dục (Asoka) mới lên ngôi đầu tiên theo tà đạo hủy báng Phật tích, khởi binh và thân chinh đến triệt hạ và chặt bỏ gốc cành lá thành từng khúc, rồi đem qua phía tây cách đó 10 bước chất đống lên, rồi ra lệnh Bà La Môn đốt lửa tế trời. Nhưng khói bay chưa hết bỗng nhiên sanh ra hai gốc khác, kỳ lạ trong ánh lửa mạnh đó lá vẫn còn xanh. Nhân việc nầy gọi là than của cây Bồ Đề.
Vua A Dục thấy điều linh dị như thế liền hối quá, mang hương hoa và sữa để tuới vào gốc, liền sau đó tự nhiên gốc cây trở lại như cũ. Vua thấy điều linh dị như vậy càng thêm vui mừng, đích thân tu phước cúng dường và khi ra về rất vui vẻ. Vương phi là người tin theo ngoại đạo mật cho người đến lúc đêm tối chặt cây Bồ Đề một lần nữa. Nơi mà Vua A Dục thường hay kính lễ. Thấy như vậy, Vua vô cùng sầu não nên đến thành tâm kỳ nguyện hương hoa sữa nước tuới tẫm, qua một ngày cây mọc lại như cũ. Vua thâm kính lạ thường rồi cho lấy đá xây chung quanh cao hơn 10 thước mà bây giờ vẫn còn nhìn thấy đó.
Gần đó có một ông Vương Giả Thường Già tin theo ngoại đạo, phỉ báng Phật Pháp và phá hoại Già Lam, chặt cây Bồ Đề, đào thành suối cho nước chảy đến tận gốc rễ, rồi lấy lửa đốt, lấy nước mía đổ xuống muốn cho tiêu tiệt vết tích đi. Mấy tháng sau, làm vua nước Ma Kiệt Đà tức là Bổ Sách Noa Phạt Ma. Cháu của Vua A Dục nghe vậy than rằng:
– Ánh sáng trí huệ mất rồi, chỉ còn có gốc cây dấu tích nơi Phật, mà nay cũng mất, làm sao người đời sau có thể thấy được.
Liền cúi sát đất khóc thương thảm thiết, lấy sữa của ngàn con bò, đem đến tuới lên, chỉ trong một đêm thôi cây mọc trở lại cao hơn một trượng. Sợ sau nầy bị chặt phá nữa, cho nên cho xây đá chung quanh cao hai thước bốn tấc. Bây giờ cây Bồ Đề được yên ổn bao bọc bởi bức tường đá bên ngoài hơn một trượng.
Phía đông cây Bồ Đề, có tinh xá cao 167 thước. Nền tảng rộng hơn 20 bộ, là loại đá xanh tẫm màu than. Bên trên tinh xá có tượng bằng vàng, bốn bức tường đều có tạo những hình lạ. Hoặc hình hoa sen, hình chư Thiên. Trên đó có những trái xoài bằng đồng. Phía đông giáp với những nhà cao xây cất cả ba tầng. Đòn dông của những nhà nầy nằm san sát bên nhau được điêu khắc chạm trỗ bằng vàng bạc ngọc ngà bao chung quanh. Bên trong phòng ốc cũng có ba tầng. Phía ngòai cửa tả hữu mỗi nơi đều có phòng riêng. Phía bên tả thờ tượng đức Quán Tự Tại Bồ Tát. Phía bên hữu thờ tượng đức Từ Thị Bồ Tát làm bằng bạc trắng cao hơn 10 trượng. Nơi tinh xá cũ nầy, Vua A Dục đã kiến tạo một tịnh xá nhỏ và sau đó có Bà La Môn xây rộng thêm.
Đầu tiên, vị Bà La Môn nầy không tin Phật Pháp mà tin theo Đại Tự Tại Thiên hay nghe theo những thiên thần trong núi Tuyết và cùng người em đến đây cầu nguyện.
Chư Thiên nói:
– Phàm các nguyện cầu được phước quả. Điều được chẳng phải của anh, cũng chẳng phải tôi làm được điều đó.
Bà La Môn hỏi rằng:
– Tu phước gì có thể toại tâm toại ý? Vị trời đáp:
– Muốn trồng giống lành, cầu phước điền tốt, nơi gốc cây Bồ Đề có thể thành Phật quả.
Sau khi nghe xong liền trở lại cây Bồ Đề kiến lập đại tinh xá và tạo nên hồ nước lớn để cúng dường mong rằng uớc nguyện sẽ thành tựu.
Bà La Môn ấy theo lời dạy của chư Thiên nên phát đại tín tâm hồi đầu, người anh xây dựng tinh xá, người em đào ao cho có nước, và rộng tu cúng dường cần cầu tâm nguyện để mai sau được hưởng quả làm Vua, Đại Thần. thường được nhân duyên vào trong nơi nầy. Sau khi tinh xá hoàn thành liền chiêu mộ công nhân muốn làm tượng của Như Lai lúc thành Phật. Qua năm tháng chẳng có người nào có thể đáp ứng. Lâu sau, có Bà La Môn đến và bảo họ rằng:
Chính ta đây có thể họa vẽ hình tượng Diệu tướng của Như Lai. Hai người bảo:
– Nay muốn tạo tượng thì nhan sắc phải như thế nào?
Đáp rằng:
– Màu của khói hương. Nên để trong tinh xá một ngọn đèn thôi. Tôi sẽ vào đây, đóng cửa lại, sáu tháng sau mới mở ra.
Lúc bấy giờ tăng chúng cứ như thế mà làm. Còn bốn ngày nữa đủ sáu tháng, tăng chúng liền mở xem thử, thấy trong tinh xá tượng Phật ngồi nghiễm nhiên kiết già phu tọa chân phải để lên trên, tay trái để lên trên tay mặt, mặt xây về hướng đông, hình dáng tự tại, ngồi cao bốn thước hai tấc, ngang hai thước năm tấc. Bệ thờ cao một thước năm tấc. Hai bên hông tám thước tám tấc. Hai vai sáu thước hai tấc, tướng hảo cụ túc, hình dáng từ bi thật đẹp. Tuy phía trên ngực bên phải chưa làm xong, mà đã thấy người vào cho nên thần biến mất. Chúng tăng buồn khổ than trách và bảo cho mọi người biết. Lại có một vị Sa Môn tâm tánh thuần hậu, nằm mộng thấy một Bà La Môn đến bảo rằng:
– Ta chính là Từ Thị Bồ Tát, sợ công nhân không thể đo luờng được dung nhan của bậc Thánh, cho nên chính ta đã đến để vẽ và làm tượng Phật, tay bên phải giống như đức Như Lai hàng phục ma binh khí ma chúng quây chung quanh, có một vị hiện ra giúp Phật hàng ma. Như Lai bảo rằng:
– Ngươi đừng sợ hãi. Ta dùng nhẫn lực mà hàng phục cho xong.
Ma Vương đáp:
– Ai là người có thể chứng được?
Như Lai liền chỉ tay xuống đất mà nói rằng:
– Sẽ chứng ở đây.
Lúc bấy giờ vị địa thần thứ hai từ dưới đất liền chứng. Cho nên tượng bây giờ tay thả xuống như ngày xưa. Chúng tăng biết sự linh nghiệm đó nên hết buồn tiếc. Liền sơn lên phía bên trên chỗ chưa xong những đồ quý báu và trang trí những anh lạc quý giá trân bảo.
Sau khi Vua Thiết Thường Ca chặt cây Bồ Đề rồi, liền muốn phá hoại tượng Phật nầy, nhưng khi thấy từ dung, tâm chẳng an, nên hồi giá trở về và ra lệnh đại thần rằng:
– Đập tượng Phật đi chỉ để lại tượng Đại Tự Tại Thiên.
Quan quân y lời và than rằng:
– Phá hủy Phật thì đời kiếp sẽ chẳng an, mà sai trái Vương mệnh thì mạng sống không còn mà gia tộc cũng bị diệt.
Tiến lui đều khổ không biết làm sao! Đem lòng tín tâm mà tự sát. Bỗng nhiên trước tượng gạch ngói đổ xuống, thấy ánh đèn phía trước bay về cõi Tự Tại Thiên. Vua nghe như vậy lòng rất lo sợ sai người đến xem thử, thấy tượng vẫn không hề gì. Các thần sau khi phá trở lại, đập bức tượng nầy. Lúc ấy trải qua nhiều ngày ánh đèn vẫn không tắt. Tượng vẫn còn tự tại. Thần sắc vô cùng. Ở bên trong căn phòng ngọn đèn vẫn cháy liên tục. Muốn thấy từ nhan nhưng chưa rõ được.
Vào một buổi sáng mang một tấm kính lớn để chiếu lại thì thấy linh dị vô cùng. Phàm kẻ nào thấy được tự tăng lòng cảm thương. Như Lai đã thành Chánh Giác theo lịch Ấn Độ vào nửa đêm ngày mồng tám tháng Phệ Xá Khư, nhằm ngày mồng tám tháng ba bây giờ. Trong khi đó theo Thuợng Tọa Bộ nói rằng Như Lai thành Chánh Đẳng Chánh Giác vào nửa đêm ngày 15 tháng Phệ Xá Khư tức là ngày 15 tháng 3. Lúc ấy Như Lai 30 tuổi, hoặc có nơi nói Như Lai 35 tuổi.
Phía bắc nơi cây Bồ Đề là nơi kinh hành của đức Phật. Sau khi Như Lai thành Chánh Giác, Ngài không rời khỏi tòa ngồi, có bảy ngày nhập định. Sau đó đứng lên và đi về phía bắc của cây Bồ Đề, rồi bảy ngày sau nữa đi qua lại hướng đông và hướng tây. Đi hơn mười bước có bông hoa quý hiện lên dưới chân ngài. Người đời sau nhân đây mà khắc thành dấu tích, cao hơn ba thước. Tương truyền rằng Thánh tích nầy là nơi tu hành đoản kỳ của con người, đầu tiên thành tâm phát lời nguyện sau đó sẽ được độ, tùy theo sự tu học dài ngắn và sự thành tâm sẽ được tăng giảm.
Đường đi phía bắc nơi kinh hành có một tảng đá lớn, trên đó có một tịnh xá, trong đó có tượng Phật mắt ngước lên. Ngày xưa, đức Như Lai ở nơi nầy bảy ngày để hướng về cây Bồ Đề mắt đăm chiêu không nháy vì để cảm ơn cây Bồ Đề cho nên ở đây gọi là nơi chiêm vọng. Phía tây cây Bồ đề không xa, trong đại tinh xá có một tượng bằng ngọc sáng, trang sức rất là tân kỳ. Ngồi xây mặt về hướng đông. Phía trước có một tảng đá xanh có chạm nhiều chữ lạ. Đây là nơi đức Như Lai sau khi thành Chánh Giác, Phạm vương tạo nhà Thất Bảo, Đế Thích xây chỗ ngồi Thất Bảo và Phật đã ở nơi đó bảy ngày để tư duy. Ngài phóng quang minh chiếu xuống cây Bồ Đề. Các vị Thánh ra đi, lưu lại dấu tích trên đá.
Phía nam cây Bồ Đề chẳng xa mấy lại có một Bảo Tháp cao hơn 100 thước, do Vua A Dục dựng nên. Sau khi tắm dưới sông Ni Liên, Bồ Tát đi đến cây Bồ Đề, phải tự mình suy nghĩ lấy gì để làm chỗ ngồi và tự nghĩ ra phải lấy cỏ Cát Tuờng (Kusa). Thiên Đế Thích hóa thân làm người cắt cỏ mang đi trên đường. Bồ Tát hỏi:
– Ta có thể dùng cỏ ngươi đang mang đó chăng?
Người biến hóa đó nghe như vậy phát tâm cung kính dâng cỏ cho Bồ Tát. Nhận xong, Bồ Tát đi đến phía trước.
Phía đông bắc chỗ nhận cỏ không xa mấy có một Bảo Tháp. Đây là nơi Bồ Tát sẽ chứng Phật quả. Những con công xanh và con nai quây quần quanh đây. Ấn Độ là nơi có nhiều linh ứng, cho nên trời Tịnh Cư tùy thuận thế gian nầy để hóa hiện ra những loài bay nhảy linh hiển như thế.
Con đường phía đông nơi cây Bồ Đề hai bên đều có Bảo Tháp. Đây là nơi Ma Vương quấy nhiễu Bồ Tát. Khi Bồ Tát sắp chứng Phật quả, Ma Vương khuyên nên trở thành Luân Vương. Đề nghị ấy được nêu lên nhưng không được thực hành, mà còn làm nguợc lại. Ma Vương biến thành người nữ để dụ dỗ Bồ Tát. Oai thần của Bồ Tát linh động biến hiện để trừng trị sắc đẹp kia. Khi dụ dỗ không được liền bỏ mà đi.
Phía tây bắc cây Bồ Đề có một Tịnh Xá, trong Tịnh Xá ấy có thờ tượng Phật Ca Diếp. Tượng nầy thường hay phóng hào quang và người xưa nói rằng nếu có ai chí thành đảnh lễ và đi nhiễu bảy tuần, thì tại nơi đây sẽ được túc mạng trí.
Phía tây bắc của Tinh Xá Ca Diếp có hai phòng bằng gạch nung. Mỗi nơi đều có tượng địa thần. Ngày xưa, nơi đây đức Như Lai sắp thành Chánh Giác, một vị báo Ma Vương đến, một vị cảm niệm ân đức của Phật thành đạo mà vẽ đồ hình.
Phía tây cây Bồ Đề chẳng xa mấy có một Bảo Tháp, đây là nơi có cây Nghệ (Uất Kim Hương). Tháp cao hơn 40 thước, do những thương nhân của người nước Tào Cự Thác lập nên. Tích xưa kể lại rằng: Có một đại thương chủ người nước Tào Cự Thác, có việc muốn tìm đến Thiên Thần để cầu phước lợi, khinh miệt Phật Pháp chẳng tin Nhân Quả. Sau đó, việc buôn bán với những người bạn không được gì hết. Lúc ấy, thuyền gặp gió lớn, trôi dạt trên biển Nam Hải. Gió trôi đánh bạt cả ba năm như thế, đồ ăn thức uống không còn một thứ gì. Những người cùng thuyền sớm tối không biết làm sao. Họ hiệp lực ra sức chí thành hướng về chư Thiên, khổ công khó nhọc nhưng chưa được việc gì, họ thấy được một đỉnh núi cao và hai ngày sau thấy được ánh sáng huyền diệu. Lúc bấy giờ thương nhân mới an ủi với nhau rằng:
– Chúng ta có phước cho nên mới thấy được núi nầy. Nếu ở lại đó được thì chắc là an lạc.
Thương chủ nói:
– Chắc không phải núi đâu mà là con cá Ma Kiệt đó. Không thấy đỉnh cao chót vót sao?
Hai ngày sau lại thấy ánh sáng chiếu rọi tiếp. Đang bàn cãi và nói chuyện chưa xong gió lại thổi. Thương chủ vì các thương nhân mà bạch rằng:
– Con nghe đức Quán Tự Tại Bồ Tát thường cứu giúp chúng sanh gặp nguy hiểm.
Bạch như thế xong, mỗi người thành tâm niệm danh hiệu ngài và chí thành. Hai ngày sau đỉnh núi kia biến mất. Họ thấy một Sa Môn uy nghi tịch tinh tay cầm tích trượng từ hư không mà đến giúp họ đến nước nầy. Do vậy tín tâm của họ kiên cố luôn luôn cầu phước chẳng thôi, rồi họ kiến thiết Bảo Tháp tu phước cúng dường và lấy màu Uất Kim Hương sơn chung quanh Tháp, rồi phát tín tâm cùng lòng tu học, mọi người đều đến lễ Thánh tích cùng quan sát cây Bồ Đề. Ai chưa phát được lời quy thuận, thì chờ đến ngày sám hối mà quy y. Những người thương nhân đồng đi đến và nói rằng:
– Núi sông là nơi lo lắng mà quê hương cố quốc lại xa vời, cho nên kiến lập Bảo Tháp nơi đây, nhưng khi tôi ở tại đây ai là người quét dọn chăm sóc. Nói xong liền đi nhiễu, đến nơi nầy thì gặp Bảo Tháp, sợ hãi với lý do nầy cho nên đến đây chiêm ngưỡng đảnh lễ và nơi quê hương cũng sẽ kiến tạo Bảo Tháp. Cho nên ngày nay ở Ấn Độ gọi là Tháp Uất Kim Hương.
Phía đông nam cây Bồ Đề nhằm nơi cây Ni Câu Luật, lại có một Bảo Tháp bên cạnh có Tịnh xá, bên trong có tạo một tượng Phật ngồi. Đây là nơi Như Lai ngày xưa mới chứng Phật Quả. Đại Phạm Thiên Vương khiến thỉnh ngài chuyển Diệu Pháp Luân. Chung quanh bốn bên cây Bồ Đề đều có những Bảo Tháp lớn. Tại nơi đây ngày xưa đức Như Lai nhận cỏ kiết tường rồi đi đến nơi cây Bồ Đề trải qua bốn lần đại địa chấn động mới đến Kim Cang Tòa, sau đó mới an tịnh. Bên trong thánh tích đẹp đẽ là Cây Bồ Đề biến đổi khổ tai ách nạn. Phía bên ngoài cây Bồ Đề hướng tây nam có một Bảo Tháp là nơi nhà cũ của hai nàng mục nữ dâng bát cháo sữa (Cháo Nhũ Mi). Ở phía Bảo Tháp nầy, một cô nấu cháo đoạn dâng cháo cho đức Như Lai và ngài thọ nhận.
Bên ngoài cửa phía Nam cây Bồ Đề có một hồ lớn, chu vi 700 bộ. Nơi đây rất nhiều cá và rồng. Hai anh em Bà La Môn theo y lệnh của Đại Tự Tại Thiên mà làm hồ nầy. Tiếp đó ở phía nam có một cái hồ nữa. Ngày xưa khi Như Lai mới thành Chánh Giác, ngài muốn tắm gội, Thiên Đế Thích hóa ra hồ ấy cho Phật. Phía Tây có một tảng đá lớn. Nơi đây đức Phật giặt y và muốn cho mau khô. Thiên Đế Thích từ trong núi Tuyết mang nắng đến. Phía bên Bảo Tháp, Như Lai nhận lại y nầy.
Tiếp đến, trong rừng phía Nam có một Bảo Tháp, nơi đây Như Lai thọ nhận y áo của một Bà Lão nghèo. Đế Thích hóa ra một cái ao ở phía rừng, đó là cái hồ của Mục Chi Lân Đà Long Vương. Nước của hồ nầy xanh biếc vị trong ngọt. Phía tây của hồ nầy có một tinh xá nhỏ, bên trong có tạo một tượng Phật. Ngày xưa khi Như Lai mới thành Chánh Giác ở nơi đây nhập thiền định suốt bảy ngày. Lúc ấy Long Vương hầu hạ đức Như Lai rồi dùng thân mình quấn Phật bảy vòng, hóa thành nhiều đầu để làm cái lọng che Phật. Bên bờ hồ phía đông có một căn phòng và phía đông hồ Mục Chi Lân Đà Long Vương, ở giữa rừng có một tinh xá và trong tinh xá ấy có một tượng Phật.
Đây là nơi kinh hành của Phật, chiều dài 70 bộ. Nam Bắc mỗi bên đều có cây Tất Bát La. Xưa nay những người bị tật bịnh hay dùng hương và dầu đến cúng dường nơi tượng nầy đa phần được khỏi bệnh. Đó là nơi Bồ Tát tu khổ hạnh. Như Lai hàng phục ngoại đạo, nhận lời thỉnh cầu của Ma Vương, tu khổ hạnh sáu năm, mỗi ngày ăn một hạt gạo và hạt lúa mạch, hình dung tiều tụy da bọc lấy xương. Ngài đi qua lại cây nầy và sau đó đứng lên. Nơi cây Tất Bát La mà Bồ Tát tu khổ hạnh có một Bảo Tháp. Đây là nơi mà năm anh em A Nhã Kiều Trần Như ở. Nơi đầu tiên Thái Tử rời khỏi hoàng cung, bàng hoàng trước núi sông cây cỏ. Lúc bấy giờ Vua Tịnh Phạn cho năm người đi tìm, biết rằng Thái Tử đang tu khổ hạnh với anh em Kiều Trần Như rất tinh cần.
Phía nơi ở của anh em Kiều Trần Như đi về hướng đông nam có một tháp . Đây là nơi Bồ Tát vào sông Ni Liên tắm gội. Phía bên sông chẳng xa là nơi Bồ Tát thọ nhận bát cháo Nhũ Mi và phía hai tháp nầy có một truởng giả hiến lúa mật. Đức Phật ngồi kiết già phu tọa dưới gốc cây điềm nhiên an tịnh, nhận được sự giải thoát an lạc, qua bảy ngày sau ngài từ định mà dậy. Lúc ấy có hai thương chủ đi từ rừng ngoài vào và bị thần rừng bảo các thương chủ rằng:
– Thái tử dòng họ Thích đang ở tại nơi đây, sơ chứng Phật quả tâm thường nhập định đến 49 ngày rồi mà chưa thấy ăn. Tùy theo đó mà cúng dường tạo phước đức.
Lúc ấy hai vị thương chủ mỗi người đều mang lúa mạch lên phụng cúng và Thế Tôn nạp thọ.
Phía Truởng giả hiến lúa mật lại có một Bảo Tháp, nơi mà Tứ Thiên Vương phụng cúng Bình Bát, để thương chủ cúng lúa mật. Khi đó đức Thế Tôn đang nghĩ lấy đồ gì để đựng thì bốn vị Tứ Thiên Vương từ bốn nơi lại, mỗi vị đều mang bát vàng đến phụng cúng. Thế Tôn mặc nhiên không nạp thọ, vì người xuất gia không dùng bát quý nầy, đoạn Tứ Thiên Vương bỏ bình bát vàng dâng bình bát bạc, rồi pha lê, lưu ly, mã não, xa cừ, trân châu v..v… nhưng đức Thế Tôn không nhận tất cả những lọai nầy. Tứ Thiên Vương phải lấy lại và cúng dường bát đá. Bát màu xanh lóng lánh rất nặng mang đến để hiến cúng. Lúc ấy đức Thế Tôn nhận tất cả bát nầy, rồi chọn một bát bên ngoài có chạm trỗ chung quanh.
Phía bên Tứ Thiên Vương cúng bát có một Bảo Tháp, nơi mà Như Lai Thuyết Pháp cho mẹ. Sau khi thành Chánh Giác, được tôn xưng là Thiên Nhơn Sư. Mẫu Hậu Ma Gia nghe tin từ thiên cung xuống nơi nầy. Đức Thế Tôn theo căn cơ giáo hóa làm lợi lạc an vui. Nơi đây có một cái hồ, bên bờ hồ có một Bảo Tháp là nơi mà ngày xưa Như Lai thấy và có nhân duyên gặp gỡ các chư thần biến hoá. Ở phía bên nơi hiện thần biến hóa lại có một Bảo Tháp là nơi mà đức Như Lai độ cho ba anh em Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp cùng với hơn 1000 người đệ tử. Như Lai vì con đường thiện mỹ mà tùy cơ nghi ứng phó để hàng phục. Thế rồi, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp cùng năm trăm người phát tâm hành trì theo lời Phật dạy. Ngài Ca Diếp nói :
– Ta cùng với các ngươi hãy bỏ đường mê, đến đây theo Phật.
Đức Như Lai bảo:
– Hãy cởi tất cả y áo bằng da nai đốt đi.
Lúc ấy các vị Phạm Chí cung thừa Thánh Giáo, cởi y phục bỏ xuống sông Ni Liên, nhận chìm xuống nước. Ngài Ca Diếp thấy y trôi lềnh bềnh để xem huynh đệ động tĩnh, thì thấy một số đã đổi y hoại sắc. Dà Gia Ca Diếp và hai trăm đệ tử nghe sư huynh mình đã bỏ pháp lại cũng đến nơi Phật cũng phát nguyện tu Phạm Hạnh.
Nơi độ cho huynh đệ Ca Diếp, phía bắc lại có một Bảo Tháp, nơi đây là nơi mà Như Lai đã hàng phục con rồng lửa của Ca Diếp. Như Lai hóa thành người để chế phục con rồng lửa của Phạm Chí. Nửa đêm con rồng phun khói. Phật bèn nhập định liền nổi ánh sáng lên và động ấy tự nhiên phát ra ánh sáng dữ dội. Lúc ấy các vị Phạm Chí sợ Phật bị thiêu, không ai không chạy khỏi trong bi lụy thương tiếc. Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp vừa chạy vừa nói:
– Nay thấy việc lửa cháy chưa xong đó là việc Sa Môn hàng phục rồng lửa. Như Lai bắt nhốt con rồng lửa trong bình bát, ngày hôm sau mang đến cho các ngoại đạo môn nhân xem.
Bên cạnh Bảo Tháp là nơi mà năm trăm vị Độc Giác cùng vào Niết Bàn một luợt.
Phía nam của hồ rồng Mục Chi Lân Đà có một Bảo Tháp, đó là nơi mà ngài Ca Diếp cứu đức Như Lai bị ngập nước. Lúc bấy giờ huynh đệ ngài Ca Diếp vận dụng thần thông làm cho xa gần đều ngưỡng mộ mọi người đều quy y. Thế Tôn trên đường đi hóa đạo để nhiếp hóa mọi loài. Lúc ấy mây che và mưa lớn, nhưng chung quanh chỗ Phật ở không có một chút nước nào. Lúc ấy ngài Ca Diếp thấy mây mưa vần vũ như thế liền nói với môn nhân rằng:
– Chỗ ở của Sa môn chắc chắn sẽ không thể không chìm xuống nước, phải dùng thuyền đến cứu.
Lúc ấy đức Thế Tôn đi trên mặt nước như đi trên đất, đạp trên sóng rẻ nước ra. Khi nước rẻ ra cát liền hiện lên. Ca Diếp thấy như vậy cho nên tâm phục mà thối lui.
Cửa ngoài bên phía đông nơi gốc cây Bồ Đề cách hai ba dặm có một cái phòng của con rồng mù. Con rồng nầy bị tai ương, vì túc nghiệp quả báo nhiều đời nên sanh ra đã bị mù. Trước khi đức Như Lai từ núi Chánh Giác muốn đi thẳng đến cây Bồ Đề, giữa đường gặp một hang rồng. Con mắt rồng tự nhiên sáng lên, lại thấy Bồ Tát sẽ thành Phật dưới cây đó nên thưa với Bồ Tát rằng:
– Nhân thấy không còn bao lâu nữa, ngài sẽ thành Phật, mắt của con đã mù từ lâu rồi mà có Phật ra đời cho nên mắt của con sáng lại. Trong hiền kiếp nầy khi ba vị Phật quá khứ qua đời thì lúc đó mắt con được sáng cho đến bây giờ mắt con mới mở được cho nên con biết rằng ngài sẽ thành Phật.
Phía bên cửa đông của cây Bồ Đề lại có một Bảo Tháp, Đây là nơi mà Ma Vương khủng bố Bồ Tát. Đầu tiên Ma Vương biết Bồ Tát sắp thành Chánh Giác liền dụ dỗ dấy loạn làm cho mọi người lo lắng không yên tập trung các chúng quỷ thần lại để chỉnh trang binh ma, sửa soạn binh lính để mang đến uy hiếp Bồ Tát làm gió mưa sấm sét nổi lên, rồi lửa gió khói cát đá hỗn tạp với nhau. Rồi chuẩn bị những cung tên để bắn. Lúc ấy Bồ Tát đang nhập định đại từ cho nên những binh khí gậy gộc biến thành liên hoa, Ma quân khiếp đãm bèn tan rã thối lui. Nơi nầy chẳng xa lại có hai Bảo Tháp nữa do Đế Thích Phạm Vương kiến tạo nên.
Bên ngoài cổng phía bắc của cây Bồ Đề có ngôi chùa tên là MahaBodhi. Đầu tiên do Vua nước Tăng Già La kiến tạo. Trong vuờn có sáu chùa viện đều có ba tầng, chu vi rất rộng rãi và cao ba bốn thước. Những nhân công tài nghệ dùng những nét đan thanh để trang sức cho đến tượng Phật cũng bằng vàng, bằng bạc và tất cả những đồ trang sức bằng trân bảo treo lên trên các Bảo Tháp rất đẹp. Ở giữa có thờ Xá lợi của đức Như Lai. Những cốt xá lợi nầy lớn như lóng tay, ánh sáng trắng trong chiếu từ trong ra ngoài và nhục Xá Lợi của Phật như châu bảo quý, ánh sắc hồng hồng.
Mỗi năm, đức Như Lai biến đại thần thông vào những ngày của tháng trăng tròn (15 tháng giêng), để thị hiện phóng quang hoặc mưa hoa. Tăng đồ ít hơn 1000 người, học tập theo giáo lý Đại Thừa nhưng hành trì theo Thuợng Tọa bộ. Giới luật oai nghi trang nghiêm thanh thoát. Ngày xưa, Vua nước Nam Hải Tăng Già La thâm tín Phật Pháp phát tâm tự nhiên trong gia tộc có người em xuất gia muốn đến Thánh tích của Phật. Từ xa xôi đến Ấn Độ ngụ ở chùa nầy, nhưng bị khinh chê liền trở về bổn quốc. Vua thân chinh đi đón. Sa Môn buồn thảm giống như chẳng nói được lời nào. Vua hỏi:
– Hiền đệ sao có vẻ buồn vậy?
Sa môn trả lời:
– Nương tựa vào uy của quốc gia mà ra đi học đạo. Qua nước khác lạ, gặp bao chuyện nắng mưa gió lạnh lại còn bị nhục mạ, thấy rất là nguy cơ, cho nên âu lo xấu hổ. Ai có thể hoan hỷ được.
Vua hỏi:
– Như thế nghĩa là sao?
Đáp rằng:
– Đó là ý chơn thành của Đại Vương về việc phước điền nơi mà các ông vua Ấn Độ xây dựng chùa chiền làm cho các Thánh Tích đó được rạng rỡ mà nhờ ân của tiên vương để lại cho đời sau.
Hỏi rằng:
– Việc đẹp như thế nghe qua thì đâu có gì?
Mang đồ quý sang hiến cho Ấn Độ, Vua nhận lễ cống rồi vẫn còn nhớ đến ngày xưa cho nên sai sứ thần đến bảo:
– Nay ta muốn đến để báo đáp.
Sứ thần thưa:
– Vua Tăng Già La cúi đầu trước Vua Ấn Độ. Ngài có uy đức chấn động xa gần, mà đất nước của tôi có vị Sa Môn nhờ gió đưa đến để chiêm lễ liền đến nước ngài để chiêm bái Thánh tích, chỉ ở chùa mà không thấy những nhà trọ, cho nên rất khổ tâm xấu hổ mà quay về. Cho nên từ xa đến đây mong muốn được kiến tạo Già Lam tại Ấn Độ. Sau khi sứ giả đến đây rồi, liền có cơ sở. Sau đó hai nước giao lưu vui vẻ mọi việc tốt đẹp. Vua nói:
– Như Lai hoằng hóa những phong vị vẫn còn đây. Thánh tích là nơi đó, nếu sứ giả muốn báo ân báo đức cùng với quần thần đến chiêm bái, đồng thời tập họp để hỏi ý kiến các vị Sa Môn kiến lập. Sa Môn đáp:
– Nơi gốc cây Bồ Đề, trước sau chư Phật đều từ ở nơi nầy mà thành Chánh Giác. Khảo sát những điều xưa nay thì không có đâu bằng, mang của quý của nước chúng tôi đem đến đây để kiến tạo Già Lam, vì chư tăng nước nầy mà tu phúc cúng dường.
Tạo một bảng đồng để lại như sau:
– Phàm việc chu cấp là phải vô tư theo lời dạy của chư Phật, để cho những người hữu duyên tu học trí tuệ, nhằm làm sáng tỏ lời dạy của bậc Thánh. Nay tôi là em của Vua muốn xây dựng Già Lam nơi Thánh Tích. Phước ấy là do tổ tiên. Huệ ấy là do dân chúng. Không phải chỉ có tăng ở nước chúng tôi được tự tại mà tăng của nước nào khác cũng đồng là tăng vậy. Họ là những người truyền thừa đời đời miên viễn về sau. Cho nên tại Già Lam nầy có nhiều chư tăng từ nước Chấp Sư Tử (Tích Lan).
Phía nam cây Bồ Đề hơn 10 dặm, gần bên Thánh Tích khó mà có chỗ đầy đủ vì mỗi năm sau khi các vị Tỳ kheo giải chế an cư, bốn phương chư Tăng và Phật tử về đây cả trăm ngàn vạn người. Trong bảy ngày bảy đêm luôn luôn có hương hoa trống nhạc tuần du trong rừng để lễ bái cúng dường. Tăng Tín Đồ của Ấn Độ cũng y theo lời Phật dạy. Tất cả đều nhập hạ an cư, trước ngày mồng một tháng Thất La Phạt Nõa, nhằm ngày 16 tháng 5 và xả an cư vào ngày 15 tháng 8. Lịch tháng của Ấn Độ căn cứ theo các vì sao mà thành. Xưa nay giữa các bộ phái đều có sự sai khác nhau. Có thể tốt với địa phương nhưng khi di chuyển đến nơi khác chưa chắc đúng và sự phân chia thời gian năm tháng có sai biệt. Do vậy có nơi an cư vào ngày 16 tháng 4 và giải hạ vào ngày 15 tháng 7.
Đại Đường Tây Vức Ký hết quyển tám