Qua hơn một thế kỷ, từ khi thực dân Pháp chiếm đóng Việt Nam, đạo Phật đã chìm vào suy tàn do chính sách đàn áp Phật giáo của nhà nước bảo hộ. Trong suốt gần hai trăm năm đó, đạo Phật ở Việt Nam đã co cụm, biến thái và pha tạp với đủ thứ tín ngưỡng ngoại lai để tồn tại. Do đó, Phật giáo Việt Nam (PGVN) đã trở thành một thứ mê tín bị xã hội khinh miệt, không còn vai trò cứu khổ chúng sanh như nó vốn được Đức Bổn Sư Thích Ca tuyên bố khi Ngài thành đạo.
Công cuộc Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam do một số thiền sư và cư sĩ có tâm huyết với đạo pháp và dân tộc khởi xướng và thực hiện lần lượt trên khắp ba miền Nam, Trung, Bắc trong các năm 1930 – 1950 như một tiếng chuông cảnh tỉnh vang dội vào hàng ngũ Phật giáo đồ cả nước, đồng thời cũng mang ý nghĩa PGVN , bằng hành động thiết thực, nói lên tiếng nói không cam chịu sống kiếp áp bức do ngoại bang tròng lên cổ hàng triệu tăng, ni và Phật tử Việt Nam.
Một trong những hành động thiết thực của phong trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam là việc thành lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục (TNPHĐD) do Cư sĩ bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, hội trưởng Hội An Nam Phật Học tại Huế chủ trương. Đoàn TNPHĐD quy tụ rất đông thanh niên tân học trí thức thời ấy đến với đạo Phật, làm cho đạo Phật trở nên tươi trẻ và tràn trề sức sống, nhất là phục hồi những giáo lý giá trị vốn có của đạo Phật do bì đàn áp mà đã mai một suốt một thế kể qua. Đoàn TNPHĐD là khởi nguyên của Gia Đình Phật Tử về sau.
Từ ngày ra đời (1940), trải qua hai lần thay đổi danh xưng [Gia Đình Phật Hóa Phổ (1943) rồi Gia Đình Phật Tử (1951) ] đến nay, tổ chức giáo dục thanh, thiếu, đồng niên này của PGVN không ngừng được hoàn thiện về tổ chức, về chương trình tu học, về phương pháp giáo dục. Một nét son đặc biệt của GĐPT là dù trải qua nhiều thời kỳ thay đổi Giáo hội, nhưng thành phần lãnh đạo GĐPT từ trung ương đến địa phương vẫn không thay đổi. Điều đó nói lên tính đoàn kết thống nhất cao trong nội bộ hàng ngũ những người Áo Lam. Đây là một điều tốt đẹp hiếm có mà bất cứ một tổ chức hay đoàn thể nào cũng mơ ước có được.
GĐPT hiện nay sở hữu những vốn quý đã tích lũy qua nhiều năm tháng, đó là :
1-Một đội ngũ huynh trưởng gần 10.000 người đang sinh hoạt tại các đơn vị GĐPT trong cả nước. Anh chị em này đã được tu học và huấn luyện qua nhiều năm tháng và đã trở thành những người Phật tử chân chính, thuần thành, sẵn sàng hy sinh tất cả để phụng sự đạo pháp và dân tộc. Họ là những hoằng pháp viên không tên tuổi, tự nguyện đi về các vùng sâu vùng xa cách tỉnh lỵ hàng trăm cây số để đem giáo lý đến với các Phật tử trẻ.
2-Một lực lượng đoàn sinh thanh, thiếu, đồng niên hơn 70.000 người đang sinh hoạt tại các đơn vị cơ sở. Họ là những búp măng non đang được chăm sóc, uốn nắn từng ngày theo đạo đức Phật Giáo, là lực lượng dự bị kế thừa bổ sung cho “vườn tre nhân sự” của tổ chức Áo Lam.
3-Một chương trình tu học giáo lý Phật Đà hết sức khoa học, tinh vi , khả thi và hiệu quả được chư thầy, tổ nghiên cứu biên soạn và được tu chỉnh qua nhiều kỳ đại hội GĐPT toàn quốc. Điểm đáng quan tâm của chương trình tu học này là : không những có đầy đủ các giáo lý phổ thông dành cho Phật tử tại gia, mà còn có cả nền giáo lý đại thừa liễu nghĩa như các bộ kinh : Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn v.v… Điểm quan tâm thứ hai là : không những dạy Phật pháp, mà còn có thế gian pháp như : các bài học về kỹ năng sống, luân lý xã hội, tin học, âm nhạc, hội họa v.v…
4-Phương pháp giáo dục liên hoàn được áp dụng tùy theo độ tuổi và tâm lý của từng ngành đối tượng. Đó là : phương pháp huân tập, phương pháp lý giải, phương pháp hoạt động và phương pháp quán niệm đã được hàng ngũ huynh trưởng thực hành một cách nhuần nhuyễn qua nhiều năm tháng trau dồi nghề nghiệp.
5-Tinh thần hy sinh, cúng dường Tam Bảo mà không đòi hỏi được bất cứ điều gì của tất cả huynh trưởng GĐPT. Đây chính là mạch sống, là tinh hoa của đoàn viên GĐPT. Chính tinh thần này là động năng giúp cho người huynh trưởng chịu đựng vất vả, gian truân để hoàn thành nhiệm vụ mà không bao giờ đòi hỏi sự đãi ngộ nào từ Giáo hội. Chính nhờ tinh thần này mà tổ chức GĐPT đứng vững trước bao nhiêu biến thiên lịch sử và trước sự vô thường của thế gian pháp.
6-Một lực lượng cựu đoàn viên GĐPT có thể là vài trăm ngàn người, bao gồm tăng, ni và cư sĩ hiện đang sinh sống và hoạt động trong khắp các ngành nghề trong cả nước, cùng với một lực lượng cảm tình viên (không thể thống kê) đang sinh hoạt ở khắp các cơ sở Phật Giáo tại các địa phương. Đây là lực lượng sẵn sàng động viên, giúp đỡ, che chở, đùm bọc GĐPT mọi lúc mọi nơi, bất cứ khi nào GĐPT cần đến.
Với việc sở hữu sáu vốn quý trên đây, GĐPT có thể được xem là một tài sản quý báu của giới cư sĩ Phật tử nói riêng, của GHPGVN nói chung.
Tuy nhiên, trong tâm tư người đoàn viên GĐPT vẫn còn một trăn trở, đó là trong cả nước hiện nay chỉ mới có 34 trên 64 tỉnh, thành có sinh hoạt GĐPT, đồng nghĩa với việc còn rất nhiều thanh, thiếu, đồng niên trong nước hiện nay không có cơ hội được đến với sinh hoạt GĐPT, tức là không có cơ hội được tiếp cận với giáo lý Phật Đà. Điều đáng ghi nhận là ngay tại một số tỉnh, thành phía nam, mặc dù trước kia đã từng có sinh hoạt GĐPT , thì hiện nay lại hoàn toàn trắng tay không có lấy một ngôi chùa nào tổ chức GĐPT.
Nội Quy GĐPT năm 2013, trong Lời Nói Đầu có ghi :”… Gia Đình Phật Tử luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Phật giáo hợp pháp. Ngày nay, Gia Đình Phật Tử sinh hoạt tu học trong pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam…” Chúng ta có thể hiểu nôm na câu văn trên như sau :Trong ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam mà chủ gia đình là Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tức là người cha, người mẹ; còn GĐPT là con trong nhà. Hiểu như vậy là đã thấy ngay vai trò và trách nhiệm của từng thành viên trong ngôi nhà PGVN. Vì vậy, trách nhiệm điều hành các mặt sinh hoạt của GĐPT là công việc của người cư sĩ huynh trưởng GĐPT; nhưng đứa con GĐPT có lớn mạnh hay không, tương lai của nó có sáng sủa hay không lại là do cha mẹ, tức chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN các cấp quyết định.
Người viêt bài này ngàn lần không dám đánh giá việc làm của giáo hội trong vấn đề GĐPT. Chúng tôi nói lên nguyện vọng này với tinh thần “Con có khóc, mẹ mới cho bú” để mong sao chư tôn đức lãnh đạo GHPGVN các cấp quan tâm phát triển sinh hoạt GĐPT mạnh hơn nữa để các Phật tử trẻ có nơi tu học, rèn luyện đạo đức Phật giáo. Được như vậy tức là GHPGVN đã góp phần cùng với nhà nước cải thiện tình trạng xuống cấp về đạo đức trong một bộ phận không nhỏ giới trẻ hiện nay.
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.
Phẩm Song Yếu 1