I.Mục đích giáo dục trong GĐPT
II.Nội dung giáo dục trong GĐPT
1) Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử (Trí dục – Đức dục)
2) Kỹ năng sống (Hoạt động thanh niên) (Thể dục – Đức dục)
3)Hoạt động xã hội (Đức dục)
4) Văn nghệ (Mỹ dục)
5) Tu tập tự thân (giáo dục Tâm linh)
III. Phương pháp giáo dục trong GĐPT
1) Phương pháp huân tập
2) Phương pháp lý giải
3) Phương pháp hoạt động
4) Phương pháp quán niệm
Nền giáo dục Phật giáo chủ trương hướng về nội tâm của mỗi cá thể, dùng Chánh niệm và Chánh định điều phục nội tâm, làm hạn chế và đi đến đoạn tận các pháp bất thiện do vô minh mà có. Một khi nội tâm mỗi người đã trở nên thanh tịnh, các pháp bất thiện đã được đoạn tận, thì từ suy nghĩ, lời nói, cho đến hành động của người ấy sẽ dung hợp với chân lý của cuộc sống, không còn bị các lậu hoặc che mờ dẫn tới những hành vi bất thiện. Đạo Phật quan niệm "Tâm làm chủ các pháp"; "Tâm bình, thế giới bình". Tóm lại, muốn thế giới an lạc hạnh phúc, không phải lo phát triển khoa học kỹ thuật, mà chính là phải điều phục nội tâm con người để từ đó tạo nên một thế giới thiện lạc. Phật giáo không đồng ý cách tính toán hạnh phúc của một quốc gia qua GDP (thu nhập quốc sân) của nền kinh tế quốc gia đó, mà hạnh phúc thực sự có được khi nào nhân dân nước đó có đời sống nội tâm thánh thiện, hợp với chân lý, đem an vui cho mình và cho mọi người xung quanh mình
Tổ chức Gia Đình Phật Tử trung thành với đặc tính nêu trên của nền giáo dục Phật giáo, vì thế, bên cạnh các phương pháp giáo dục: huân tập, lý giải, hoạt động, tổ chức Áo Lam còn một phương pháp giáo dục quan yếu nữa, đó là phương pháp Quán Niệm.
a-Định nghĩa: Quán = xem xét một cách tận tường, tư duy một cách thấu đáo về một đề tài nào đó; Niệm = nhớ nghĩ một cách sâu sắc, miên mật về một đối tượng hay một đề tài nào đó. Quán và Niệm đều là một phần quan trọng trong pháp môn Thiền Định của Phật giáo. Cũng có thể nói Quán Niệm chính là Thiền Định
Quán niệm hay Thiền định là phương pháp điều phục tâm rất kỳ đặc của Phật giáo. Các Thiền giả thường nói về "Thập Mục Ngưu Đồ" nghĩa là "Mười bức tranh chăn trâu", diễn tả con đường điều phục tâm của người tu Thiền, trong đó người vẽ lấy hình ảnh con trâu hoang để biểu tượng cho cái tâm vô minh đầy vọng động của con người. Qua bức tranh này, chúng ta thấy rằng Thiền định là một khoa học về tâm linh, chứ không phải là một hành vi tín ngưỡng đa thần hay nhất thần như các tôn giáo khác.
Mục tiêu ban đầu của phương pháp Quán niệm là định tâm. Khi tâm được định rồi thì trí tuệ phát sinh. Trí tuệ đã phát sinh thì nhìn vào sự việc gì cũng thấy rõ đạo lý (chân lý) của nó. Khi chân lý đã được phát hiện thì ý nghĩ, lời nói và hành vi của một người từ đó mà được dung hợp với đạo lý, tức hướng thiện vậy.
Nói rằng "Tâm định thì trí tuệ phát sinh" thì ai trong chúng ta cũng có thể có một vài kinh nghiệm. Thí dụ:
-Có những việc lúc ban ngày ta không thể nghĩ ra (vì tâm lúc ấy luôn vọng động). Nhưng sau khi ngủ được nửa đêm, bỗng nhiên tâm trí ta tìm được lời giải cho sự việc ban ngày ấy.
-Sau một đêm ngủ ngon, lúc vừa thức dậy, các em học sinh học bài rất mau thuộc, còn đối với người lớn chúng ta cũng thường có những tư duy sáng suốt và những cách xử lý vấn đề rất thông minh. Đó cũng là kết quả của một đầu óc an tịnh sau một đêm ngủ ngon.
Vì vậy, việc làm cho tâm thường xuyên được định là bước đầu quan trọng cho một quá trình điều phục nội tâm của các Thiền giả.
b-Ứng dụng vào việc tu học trong GĐPT:
Quán niệm (hay Thiền) trong GĐPT không đặt ra mục tiêu cao xa như ở các thiền viện. Ở đây, đoàn viên GĐPT chủ yếu được hiểu một cách khái lược về Quán niệm và thực tập một vài bước đi đầu tiên căn bản của Thiền, qua đó giúp anh chị em có những trải nghiệm hữu ích về Thiền ngay trong hiện tại. Việc áp dụng phương pháp Thiền trong sinh hoạt GĐPT mang ý nghĩa "gieo hạt giống Phật pháp" vào mảnh đất tâm của đoàn viên để sau này khi hội đủ duyên lành sẽ phát triển thành cây thành trái nơi mỗi người trong số anh chị em hôm nay.
Phương pháp Quán niệm được áp dụng trong nền giáo dục GĐPT gồm các bài học sau:
b1-Niệm Phật: đoàn sinh mới gia nhập GĐPT đã được học về ý nghĩa, mục đích và cách thức Niệm Phật. Đề tài này được tiếp tục hướng dẫn xuyên suốt 4 năm để các em thông suốt lý thuyết và thực hành thường xuyên ở chùa cũng như tại nhà. Đây là hình thức sơ đẳng nhất trong phương pháp Quán niệm.
b2-Thực hành Chánh niệm: trong chương trình tu học mới được tu chính năm 2006 và thực hiện đến nay, có đề tài "Thực hành Chánh Niệm". Đề tài này được Hòa thượng Tiến sĩ Thích Chơn Thiện biên soạn trong sách "Tìm Vào Thực Tại" và được tổ chức GĐPT lấy làm sách giáo khoa về môn thực hành Chánh niệm, tức những bước căn bản về Thiền, trong GĐPT.
Để phù hợp với căn cơ đoàn sinh ngành Thanh, Thiếu và Đồng, HT Thích Chơn Thiện biên soạn 10 bài thực tập dành cho các em thực hành vào mỗi buổi sinh hoạt, xuyên suốt 4 năm học, trong đó các bài 1, 2, 3 dành cho các em ngành Đồng ( 9 – 12 tuổi); các bài 1, 2, 3, 4, 5, 6 dành cho đoàn sinh ngành Thiếu ( 13- 17 tuổi); các bài từ số 1 đến số 10 dành cho đoàn sinh ngành Thanh ( 18 tuổi trở lên).
Trong sách "Tìm Vào Thực Tại", HT Thích Chơn Thiện khẳng định: "Thiền định là con đường tu tập chính thống, độc nhất đi đến giải thoát của Phật giáo"
Và: "Thiền không dành riêng cho hạng người nào, không dành riêng cho độ tuổi nào; Tất cả mọi người đều có thể thực hành Thiền và đạt kết quả nhất định nếu thực hành đúng phương pháp"
Bài học "Thực hành Chánh niệm" đang áp dụng trong GĐPT được HT Thích Chơn Thiện biên soạn theo pháp môn Thiền Tứ Niệm Xứ. Trong 10 bài căn bản, đoàn sinh được hướng dẫn những nội dung sau:
-Điều hòa thân (thế ngồi, thời điểm, thời gian, nhập thiền, xả thiền)
-Các bài thực tập:
+Bài số 1: theo dõi hơi thở vào ra
+Bài số 2: đếm hơi thở vào ra (Quán sổ tức)
+Bài số 3: Niệm Thân (Thân Niệm Xứ)
+Bài số 4: Niệm Thọ (Thọ Niệm Xứ)
+Bài số 5: Niệm Tâm (Tâm Niệm Xứ)
+Bài số 7: tập chung bài số 3 và 4
+Bài số 8: tập chung bài số 5 và 6
+Bài số 9: tập chung các bài 3, 4, 5, 6
+Bài số 10: tập như bài số 9
b3-Các hình thức quán niệm khác: Ngoài bài học Niệm Phật và Thực hành Chánh niệm, trong sinh hoạt GĐPT, phương pháp Quán niệm còn được áp dụng trong nhiều trường hợp khác như:
-Tụng kinh, lễ Phật trước giờ sinh hoạt
-Niệm Phật trước khi bắt đầu một bài học
-Những buổi lễ Sám hối được tổ chức cho toàn gia đình vào các ngày 14, 30 âm lịch
V.v…
Mục đích của tổ chức GĐPT là đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật tử chân chánh. Do vậy, nền giáo dục GĐPT chính là phục vụ cho mục tiêu này. Trong chương này, chúng tôi đã trình bày một cách khái quát về 4 phương pháp giáo dục được áp dụng vào việc giáo dục trong GĐPT gồm:
1-Phương pháp huân tập
2-Phương pháp lý giải
3-Phương pháp hoạt động
4-Phương pháp quán niệm
Ba phương pháp đầu là những phương pháp phổ biến trong bất cứ nền giáo dục nào. Riêng phương pháp thứ tư là điểm đặc thù của nền giáo dục Phật giáo có mục đích hướng con người đến giác ngộ và giải thoát, vượt lên trên thân phận của kiếp người vô minh mãi chìm trong đau khổ.
Người viết bài này tin rằng, sau khi đọc loạt bài "Tìm hiểu về GĐPT", mọi người sẽ có cái nhìn chính xác hơn về sinh hoạt GĐPT, từ đó, đặt GĐPT vào vị trí xứng đáng với giá trị của một tổ chức giáo dục, hơn là xem GĐPT như một "câu lạc bộ thanh, thiếu niên, có cũng được mà không có cũng được".