I.Mục đích giáo dục trong GĐPT
II.Nội dung giáo dục trong GĐPT
1) Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử (Trí dục – Đức dục)
2) Kỹ năng sống (Hoạt động thanh niên) (Thể dục – Đức dục)
3)Hoạt động xã hội (Đức dục)
4) Văn nghệ (Mỹ dục)
5) Tu tập tự thân (giáo dục Tâm linh)
III. Phương pháp giáo dục trong GĐPT
1) Phương pháp huân tập
2) Phương pháp lý giải
3) Phương pháp hoạt động
4) Phương pháp quán niệm
Bất cứ nền giáo dục nào cũng đều có những phương pháp giáo dục phù hợp với đường hướng, nội dung, mục đích của nền giáo dục ấy.
Riêng nền giáo dục GĐPT chọn 4 phương pháp sau đây để hướng dẫn đoàn sinh tu học nhằm đạt 5 nội dung giáo dục: trí – đức – thể – mỹ – tâm linh. Bốn phương pháp đó là:
1) Phương pháp huân tập
2) Phương pháp lý giải
3) Phương pháp hoạt động
4) Phương pháp quán niệm
Sau đây, chúng ta lần lượt tìm hiểu về bốn phương pháp giáo dục đang áp dụng trong GĐPT.
-Huân = xông ướp chất thơm, hun khói, vui vẻ tươi tỉnh.
-Tập = làm một việc gì thường xuyên cho đến độ thuần thục, nhu nhuyến
-Huân tập hiểu theo nghĩa rộng là: như một tấm gỗ nếu được hun trong khói lâu ngày sẽ không còn bị mối mọt, hoặc xông ướp với các chất thơm trong thời gian dài thì tấm gỗ sẽ thấm hương thơm bền lâu. Cũng vậy, một em đoàn sinh thường xuyên sinh hoạt trong môi trường thiện lành (ngôi chùa Phật Giáo), thường xuyên tập tành những điều tốt đẹp trong một cộng đồng tốt đẹp ( tăng, ni, đoàn sinh GĐPT ) sẽ dần dần hình thành những điều tốt đẹp nơi chính em, như câu tục ngữ "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" mà ông bà ta thường dạy.
Áp dụng vào sự giáo dục trong GĐPT, phương pháp huân tập rất thích hợp với lứa tuổi nhi đồng, khi mà tâm hồn các em còn như tờ giấy trắng và lý trí các em chưa phát triển đầy đủ để lý giải các sự việc diễn ra chung quanh. Nhất là khi ở vào độ tuổi này các em rất hay bắt chước người lớn (tăng, ni, huynh trưởng…) về hành vi, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, thái độ ứng xử trong giao tiếp v.v…
Với đặc điểm tâm sinh lý của lứa tuổi nhi đồng như vừa phân tích, các anh chị trưởng không thể giảng dạy cho các em những đề tài giáo lý trừu tượng, khó hiểu, ý nghĩa thâm sâu đòi hỏi sự lý giải, phân tích, quy nạp… bằng lý trí.
Chúng ta cần cho các em huân tập những điều tốt đẹp bằng cách thường xuyên trông thấy, thường xuyên thực hành để các em bắt chước những lời nói hòa nhã, hiền lành; nhưng cử chỉ từ tốn, nhu hòa; những thói quen lễ phép, vâng lời, hòa ái với mọi người; những đức tính siêng năng, kỷ luật, chuyên cần v.v…
Thí dụ, tập cho các em:
-Đi sinh hoạt đúng giờ, biết vâng lời anh chị trưởng, biết đối xử hòa ái với bạn đoàn, biết giữ gìn quần áo, tập vở sạch sẽ, biết chuyên cần học tập v.v…
-Đến chùa biết thành kính đảnh lễ Phật, biết chắp tay chào tăng ni, Phật tử, biết giữ gìn sạch sẽ nơi trang nghiêm, biết ngồi Chánh niệm, biết ăn chay, phóng sanh, biết niệm Phật v.v…
Phương pháp huân tập càng đem lại hiệu quả cao nếu tất cả mọi người trong ngôi chùa (tăng, ni, Phật tử, huynh trưởng…) đều là những tấm gương tốt đẹp trong hành vi, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, thái độ ứng xử trong giao tiếp và tác phong tốt trong sinh hoạt thiền môn v.v… Đó chính là "Thân Giáo" mà đạo Phật chúng ta hay nói đến.
Bên cạnh phương pháp huân tập là chính, các anh chị huynh trưởng còn hướng dẫn các em tìm hiểu về lịch sử Đức Phật Thích Ca và một số đề tài căn bản trong đạo Phật như: Tam Bảo, Quy y Tam Bảo, Ăn chay, Niệm Phật, Lễ Phật, thực tập chánh niệm và những điều thường thức trong sinh hoạt GĐPT. Tất cả những đề tài nêu trên được thể hiện một cách nhẹ nhàng, tinh tế như kể một truyện cổ tích (Lịch sử Đức Phật Thích Ca) hay như một cuộc trò chuyện giữa anh (chị) với các em (những đề tài khác) chứ không phải như hình thức một lớp học mà trong đó huynh trưởng là giáo viên, đoàn sinh là học trò (một thứ mà các em rất ngán ngẩm trong đời sống thường ngày)
(Chính vì cách giáo dục của GĐPT mang tính dung dị, bình lặng và cởi mở như thế nên những người không hiểu sâu về GĐPT đứng ngoài trông vào thường phê phán: "sinh hoạt GĐPT nghèo nàn, đơn điệu, thiếu sức sống…" Thực ra, nền giáo dục GĐPT không bao giờ đóng vai trò là trường học thứ hai sau ngôi trường mà các em đang học hằng ngày, vì thế việc hướng dẫn đoàn sinh cũng không bao giờ mang tính chất, không khí và hình thức của một lớp học vốn luôn quá tải vì áp lực từ chương trình học và áp lực từ nhiều thứ khác.)
Tóm lại, việc học trong GĐPT không hề là nhồi nhét kiến thức để thi lấy bằng cấp; Sự học trong GĐPT luôn luôn được gọi với hai từ: TU và HỌC, trong đó việc TU (tức huân tập cái tốt đẹp) mới là chính, trong khi việc HỌC được ví như ngọn đèn soi đường cho sự tu được tinh tấn, đúng đường hướng, không bị lệch ra khỏi Chánh pháp. Chư cổ đức thường dạy:
"Tu mà không học là tu mù
Học mà không tu là cái đãy đựng sách"
Phương pháp giáo dục huân tập, ngoài việc áp dụng cho lứa tuổi nhi đồng, còn được chú trọng áp dụng đối với lứa tuổi lớn hơn như ngành Thiếu hay ngành Thanh. Nhưng khi ấy, nó được xem như một nguyên lý giáo dục hơn là một phương pháp giáo dục, bởi vì, dù áp dụng phương pháp giáo dục nào (lý giải, hoạt động, quán niệm) thì tính chất huân tập vẫn được chú trọng để hỗ trợ cho các phương pháp giáo dục sau.
Trong bài viết sau, chúng ta sẽ thấy rõ điều này hơn.