I.Mục đích giáo dục trong GĐPT
II.Nội dung giáo dục trong GĐPT
1) Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử (Trí dục – Đức dục)
2) Kỹ năng sống (Hoạt động thanh niên) (Thể dục – Đức dục)
3)Hoạt động xã hội (Đức dục)
4) Văn nghệ (Mỹ dục)
5) Tu tập tự thân (giáo dục Tâm linh)
III. Phương pháp giáo dục trong GĐPT
1) Phương pháp huân tập
2) Phương pháp lý giải
3) Phương pháp hoạt động
4) Phương pháp quán niệm
Qua những bài trước, người viết đã trình bày đến quý độc giả về các nội dung giáo dục trong Gia Đình Phật Tử (GĐPT), gồm: Trí dục, Đức dục, Thể dục, Mỹ dục.
Như chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh, giáo dục GĐPT khác với nền giáo dục thế học ở chỗ:
-Nền giáo dục thế học chỉ nhắm vào 4 nội dung chính là: trí dục, đức dục, thể dục và mỹ dục để phục vụ đời sống xã hội.
-Riêng nền giáo dục GĐPT, ngoài 4 phương diện trên, còn đặc biệt chú trọng phần giáo dục tâm linh với mục đích thoát ra khỏi kiếp sống vô minh, đạt tới chỗ giác ngộ và giải thoát, vượt lên trên đời sống đầy tham ái tầm thường.
Trong bài viết này, chúng tôi xin trình bày về phần giáo dục tâm linh, cái đích đến của mọi người con Phật.
Đạo Phật ra đời được xây dựng trên nền tảng toàn bộ chân lý về vũ trụ và nhân sinh mà Đức Phật Thích Ca, bằng trí tuệ siêu việt của một vĩ nhân, đã khám phá ra bởi từ quá trình tu tập nhiều đời nhiều kiếp mà có được.
Trong những chân lý về nhân sinh, có một sự thật được Đức Thích Ca đúc kết như sau: Một con người được sinh ra là do kết hợp bởi bảy thứ (thất đại) gồm: đất (chất rắn), nước (chất lỏng), gió (chất khí), lửa (hơi nóng), không (hư không), kiến (sự thấy biết), thức (sự phân biệt). Trong bảy đại này thì năm đại đầu thuộc về phần vật chất, riêng đại thứ sáu và bảy là thuộc về tâm linh (không hình tướng). Tâm linh chính là phần quyết định cho nhân cách một con người: thánh thiện hay quỷ dữ, thông minh hay ngu tối v.v… đều do tu tập (rèn luyện) tâm linh mà có.
Thế giới hòa bình hay chiến tranh cũng do tâm linh con người quyết định, đời sống hạnh phúc hay đau khổ cũng đều do tâm linh chi phối v.v…
Khả năng con người nằm ở tâm linh chứ không nằm ở xác thịt, một đạo sĩ Yoga khéo tu luyện có thể vượt qua những điều kiện bình thường của thể xác để đạt đến sức mạnh siêu nhiên, phi thường mà nhiều người do không hiểu, cho là do thần linh hay thượng đế ban cho sức mạnh đó.
Tóm lại, mục đích tu tập của đạo Phật nói chung, nền giáo dục GĐPT nói riêng là nhắm đến mục tiêu cải tạo, đào luyện, làm chủ, điều phục… cái phần tâm linh này. Giáo dục tâm linh là một khoa học chứ không phải là sự gởi gấm tâm hồn cho thượng đế một cách mù quáng, thụ động. Trong Thiền tông có lưu truyền một tác phẩm hội họa gọi là "Thập Mục Ngưu Đồ" nghĩa là "10 bức tranh mô tả sự điều phục trâu", trong đó, hình ảnh con trâu chính là biểu tượng của tâm thức, tâm linh con người. Qua đó, cho thấy việc giáo dục tâm linh không có chi là huyền bí, đó chẳng qua là một sự tập luyện từng phút, từng giờ, từng ngày…để cho tâm linh ngày càng giác ngộ và giải thoát.
Nền giáo dục GĐPT giáo dục tâm linh người đoàn viên áo Lam như thế nào?
Trong chương trình tu học GĐPT có nhiều đề tài nhắm đến nội dung giáo dục tâm linh cho đoàn viên, thí dụ:
1)Niệm Phật: trong đạo Phật, niệm danh hiệu chư Phật và chư Bồ tát không phải là để cầu khấn Phật, Bồ tát ban cho mình cái hạnh phúc hữu lậu trong đời. Khái niệm đó chỉ có đối với tín đồ các tôn giáo nhất thần, đa thần và trong tín ngưỡng dân gian. Ở đây, niệm Phật là để tưởng nhớ, chiêm nghiệm, quán tưởng về hình tướng trang nghiêm và nhất là các hạnh lành của chư Phật và Bồ tát. Thí dụ: niệm danh hiệu Phật Di Đà là để học tập và thực hành hạnh thanh tịnh của Ngài, niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm là để học và hành hạnh từ bi của Ngài v.v… Niệm Phật như thế là tập cho tâm linh của mình hằng ngày huân tập những hạnh lành của chư Phật và Bồ tát như: hạnh trí tuệ, hạnh hỷ xả, hạnh tinh tấn, hạnh từ bi, hạnh thanh tịnh v.v… cho đến khi toàn bộ suy nghĩ, lời nói và việc làm thường ngày của mình tràn đầy những đức tính thánh thiện ấy một cách tự nhiên, không gượng ép. Nhờ pháp môn niệm Phật hằng ngày mà người đoàn viên GĐPT cải tạo bản thân trở thành một con người thiện lương, gần gũi điều thiện, xa rời điều bất thiện.
2)Thiền định: Thiền tông có nhiều phương pháp, nhiều môn phái nhưng dù chọn phương pháp nào, dù ở môn phái nào thì mục tiêu của thiền vẫn là điều phục tâm linh, phát sinh trí tuệ, làm chủ hành vi, cải tạo đời sống… để hướng tới chân – thiện – mỹ của kiếp nhân sinh, tức nhận ra Chơn Như, Phật Tánh, Bản Lai Diện Mục v.v… của chính mình.
Trong chương trình tu học hiện nay của GĐPT, pháp môn Thiền Tứ Niệm Xứ do Hòa Thượng Thích Chơn Thiện biên soạn được chọn làm sách giáo khoa về Thiền cho các đoàn viên thực tập với tên gọi "Thực hành Chánh Niệm". Hòa thượng Chơn Thiện nói rõ: Thiền là dành cho tất cả mọi người, bất cứ ai thực tập đúng phương pháp đều có thể đạt kết quả. Kết quả nhiều hay ít, sâu hay cạn còn tùy thuộc vào căn tánh, nghiệp duyên và công phu của mỗi người, nhưng nhất định Thiền không phải chỉ dành riêng cho một hạng người nào.( trích dẫn sách Tìm Vào Thực Tại – Thích Chơn Thiện – NXB TP.Hồ Chí Minh – 2000)
Trong buổi sinh hoạt hằng tuần, trước hoặc sau giờ lễ Phật, đoàn viên GĐPT đều có thực tập Chánh niệm trong vòng 10 – 15 phút. Ngoài ra, các em được khuyến khích thực tập Thiền tại nhà trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, mỗi lần 15 – 30 phút. Đoàn sinh GĐPT, nhất là các em ngành Đồng ( 6 – 12 tuổi) tập Thiền rất thuận lợi vì xương cốt các em còn mềm mại, tâm trí các em còn trong sáng, ít bận bịu việc đời. Thực tế cho thấy, lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng thực tập Thiền đem lại kết quả nhanh chóng, chỉ cần các em thường xuyên thực tập hai bài đầu tiên (theo dõi hơi thở và đếm hơi thở) một thời gian, kết quả là trí nhớ và óc thông minh đều tăng trưởng, rất lợi ích cho việc học bài và làm bài ở trường.
3)Ngoài hai pháp môn vừa nêu, các bài học giáo lý hằng tuần cũng có tác dụng giáo dục tâm linh rất công hiệu. Các giáo lý căn bản của đạo Phật như: Nhân duyên, Nhân quả, Nghiệp báo, Luân hồi, Vô thường, Vô ngã, Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo v.v… có công năng cải tạo hoàn toàn nhãn quan các em trước các diễn biến của cuộc đời. Đời sống tâm linh của các em vững chãi, tự tin, bình tỉnh hơn trước những vấn đề trong cuộc sống, đấy là những vấn đề mà chỉ có Phật pháp mới có đủ đạo lý để trả lời và đối phó.
Trong suốt lộ trình sinh hoạt và tu học trong GĐPT, nhiều phương pháp thực hành khác được áp dụng phù hợp với độ tuổi các em. Thí dụ:
-Ăn chay, phóng sanh để tăng trưởng tình thương đối với người và vật
-Bố thí để tập cho tâm hồn rộng rãi, biết sống vì người khác
-Học Tứ Ân để biết ơn mọi người trong xã hội
-Học Lục Hòa để sống đoàn kết hơn v.v…
Tất cả đều nhằm mục đích điều phục tâm linh, cũng giống như thuần phục một con ngựa, một con trâu… rừng để nó trở thành một con thú có ích trong nhà vậy.