Mục Lục
V.Nội quy GĐPT và Nội quy Huynh trưởng GĐPT
1) Ý nghĩa ra đời Nội quy GĐPT và khái quát các chương, điều
2) Ý nghĩa ra đời Nội quy Huynh trưởng và khái quát các chương, điều
3) Huynh trưởng GĐPT, một hình ảnh người Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam
Những kết quả đạt được qua phong trào chấn hưng Phật Giáo:
Công cuộc chấn hưng Phật Học khởi đầu tại Nam kỳ, sau đó lan ra Trung Kỳ và Bắc kỳ. Từ khi Hội Phật Giáo đầu tiên được thành lập tại Nam kỳ (1931) đến Cách Mạng Tháng Tám (1945), phong trào chấn hưng Phật học trải qua 14 năm hoạt động, đã làm được thành quả quan trọng. Đứng về lý duyên khởi mà luận, thì những thành quả của phong trào không phải không có ảnh hưởng gì đến tình hình đất nước, nhất là đối với công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của người Việt Nam. Chúng tôi xin khái quát một số thành quả của phong trào chân hưng Phật Giáo như sau:
1)Đứng về phương diện Phật học, có thể khẳng định phong trào đã đạt nhiều kết quả. Sự có mặt của các tạp chí bằng quốc ngữ (Viên Âm, Đuốc Tuệ, Từ Bi Âm, Pháp Âm, Quan Âm, Tam Bảo, Tiếng Chuông Sớm, Duy Tân, Tiến Hóa…) và một số kinh sách phổ thông về Phật học (Phật Giáo Sơ Học, Phật Giáo Vấn Đáp, Phật Giáo Giáo Khoa Thư v.v… và những kinh bản bằng quốc ngữ như Kim Cương, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm v.v..) đã làm cho sự học Phật trở nên dễ dàng đối với đại chúng. Thêm vào đó, những buổi giảng diễn giáo lý đã tạo cơ hội cho nhiều người làm quen với Phật Pháp. (*)
2)Đứng về phương diện đào tạo tăng tài, các hội Phật Giáo ba miền liên tiếp mở nhiều trường lớp đào tạo tăng tài. Tuy số lượng tăng tài được đào tạo chưa thấm vào đâu so với yêu cầu của tình hình, nhưng đã vực dậy được tinh thần cầu học trong hàng ngũ xuất gia. Những vị Tăng xuất thân từ các trường Phật học nói trên đã trở thành những thủ lĩnh Phật Giáo, thu hút được nhiều quần chúng tham gia các hoạt động do Phật Giáo chủ trương trong khoảng những năm 1945 – 1975, nhất là tại miền Nam. (*)
3)Đứng về phương diện văn hóa, ta có thể nói là phong trào đã góp phần đáng kể trong việc xác định rằng yếu tố Phật Giáo là một trong những yếu tố căn bản làm nền tảng cho văn hóa Việt nam. Đến như học giả Phạm Quỳnh, một người theo Tây học, làm đến chức thượng thư Bộ Quốc Gia Giáo dục chính phủ Nam triều, cũng phải xác nhận: “…Cái tinh thần Việt Nam của chúng ta đây, tất phải nhờ các học thuyết tạo thành, mà xét về đức dục thì một phần lớn là do công nghiệp của Phật học. Phật học đã có ảnh hưởng về luân lý đạo đức trong dân tộc ta như vậy, thì ai là người muốn bảo tồn tinh thần dân tộc Việt Nam, tất phải tán thành cho Phật học…" (*). Trong thời gian này, các tạp chí Phật học đăng tải, phổ biến rất nhiều bài vở về lịch sử Phật Giáo Việt Nam, các tác phẩm cổ của PGVN và vô số bài viết nói về tinh thần tự do, bình đẳng, vô úy của Phật Giáo để chứng tỏ cho thế hệ ham chuộng tân học thấy rằng những hình thức cầu nguyện, cúng lạy lâu nay họ thấy chỉ là một hình thức của đạo Phật bình dân, rằng chân tinh thần của Phật Giáo rất hợp với tinh thần thực nghiệm và khám phá khách quan của khoa học, và đạo Phật của tuổi trẻ là một đạo Phật không mê tín, không ỷ lại thần quyền, không chán đời, không nhu nhược yếu đuối.
4)Đứng về phương diện chính trị xã hội, các nhà sử học cho rằng phong trào chấn hưng Phật Giáo đã không làm được gì nhiều, bởi tính chất và đường lối đấu tranh của phong trào là thiên về "khai hóa dân trí – khôi phục ý thức hệ dân tộc" chứ không chủ trương bạo động. Tuy nhiên phong trào cũng đã gây được tiếng vang với sự kiện đêm 14/6/1941 tại chùa Sắc tứ Tam Bảo, làng Vĩnh Thanh Vân, tỉnh Rạch Giá (nay là thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) Chùa Tam Bảo là trụ sở Hội Kiêm Tế Phật học do Hòa thượng Thích Trí Thiền, thế danh Nguyễn Văn Đồng (1882 – 1943) thành lập vào tháng 3 năm 1937. Hội xuất bản tạp chí Tiến Hóa, mở cô nhi viện, phòng thuốc nam miễn phí, các lớp học bình dân và tổ chức nhiều hình thức cứu tế giúp đỡ cho dân nghèo. Chùa Tam Bảo còn là địa điểm hội họp bí mật của Xứ Ủy Nam Kỳ và là nơi cất dấu vũ khí, tài liệu, thuốc men… tiếp tế cho quân kháng chiến. Vào đêm 14/6/1941, mật thám Pháp bất ngờ bao vây lục soát chùa, phát hiện nhiều lựu đạn tự chế, truyền đơn, thuốc men cất dấu trong các hầm bí mật. Trong lúc bọn mật thám lục soát, một nhà sư trong chùa là Thiện Ân đã quăng lựu đạn vào tên sĩ quan Pháp khiến hắn bị thương nặng. Chúng đã bắt Hòa thượng Trí Thiền và Sư Thiện Ân đưa ra tòa kêu án tử hình Sư Thiện Ân, lưu đày HT Trí Thiền ra nhà tù Côn Đảo. Riêng Sư Thiện Chiếu, linh hồn của tạp chí Tiến Hóa, may mắn không có mặt tại chùa trong đêm đó nên thoát nạn.
Giáo sư Nguyễn Lang, tác giả Việt Nam Phật Giáo Sử Luận, cho rằng "Thành công có ý nghĩa nhất của phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam 1930-1945 là việc đưa tuổi trẻ vào đạo Phật", tác giả muốn đề cập đến phong trào thanh thiếu niên Phật tử, tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam về sau này.
Vào khoảng năm 1940, các hội Phật Giáo chú trọng đặc biệt đến giáo dục thanh thiếu niên, nhất là ở Trung kỳ. Hội An Nam Phật Học mở lớp dạy về Phật học cho thanh niên tân học. Sau đó Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục (TNPHĐD) được thành lập dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Lê Đình Thám, vừa có tân học, vừa vững chãi về Phật học, đoàn thanh niên này tiến bộ rất mau chóng. Đến đầu năm 1942, báo Viên Âm (của Hội An Nam Phật Học) được giao lại cho Đoàn TNPHĐD. Từ đó, Viên Âm trở thành một tập san gần như của giới tuổi trẻ tân học.
Đoàn TNPHĐD lúc ấy tượng trưng cho một đạo Phật rất "mới". Bài ca chính thức của đoàn được soạn và hát bằng tiếng Pháp. Bài này về sau được viết thành lời Việt và đặt tên "Sen Trắng", tức bài ca chánh thức hiện nay của GĐPTVN. Chúng tôi xin chép tặng bạn đọc đề làm tư liệu (các bạn có thể hát bài này theo giai điệu của bài ca Sen Trắng)
Rangeons nous, mes amis
pour chanter gaiement en choeur
Portons tous vers Bouddha
notre foi et notre ardeur
Engageons-nous à tout prix
sur la route qui monte brille
Et ce chant s'élèvera
pour unir nos jeunes coeurs
Đoàn TNPHĐD lập tức tổ chức Phật học tùng thư, xuất bản sách cho tuổi trẻ đọc. Đồng thời những lớp thiếu niên, thiếu nữ Phật tử (gọi là Đồng Ấu) được thành lập dưới sự hướng dẫn của Đoàn. Vào năm 1942 đã có 12 ban Đồng Ấu được thành lập, mỗi đoàn khoảng 40 em.
Vào ngày Phật đản năm 1944, một đại hội Thanh Thiếu Niên Phật Tử quy tụ trên 400 đoàn sinh tại đồi Quảng Tế gần chùa Từ Hiếu, khai sinh tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ, tiền thân của tổ chức Gia Đình Phật Tử sau này.
Đại hội này đánh dấu sự phát động phong trào thanh niên Phật tử tại đất Việt.
(*) Theo Việt Nam Phật Giáo Sử Luận – Nguyễn Lang – NXB Lá Bối 1972