1)Sự nương tựa tâm linh của đoàn viên GĐPT vào ngôi Tam Bảo
2)Mối quan hệ tương duyên giữa GĐPT với Thầy trụ trì và các cấp
lãnh đạo Giáo hội địa phương
3)Nguyên nhân cội rể về tình trạng phân hóa hiện nay trong tổ chức GĐPTVN
Tổ chức Gia Đình Phật Tử (GĐPT) bắt nguồn từ Phật Giáo Việt Nam, cụ thể là Hội An Nam Phật Học tại Huế. Trên bước đường phát triển vào Nam, ra Bắc của tổ chức Áo Lam cũng đều xuất phát từ một tổ chức Phật Giáo tại mỗi miền như : Hội Phật Học Nam Việt hay Hội Việt Nam Phật Giáo (miền Bắc).
Sau này, khi GĐPT đã thống nhất toàn diện về tổ chức thì vẫn nương tựa vào một giáo hội hợp pháp theo từng thời kỳ như Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ( 1964 – 1975 ) hay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam ngày nay.
Tóm lại, ta có thể hình dung về tổ chức GĐPT giống như một chồi non mọc ra từ cây đại thụ Phật Giáo Việt Nam; Là đứa con hiếu của tổ chức giáo hội Phật Giáo Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử của đất nước.
Mục đích khởi nguyên của tổ chức GĐPTVN là : “Đào luyện thanh thiếu đồng niên thành Phật tử chân chánh…” Mục đích ấy dù trải qua bao biến thiên của lịch sử đất nước và giáo hội, đến nay vẫn không thay đổi (có thay đổi chăng chỉ là một vài chữ nghĩa cho khế hợp với thời thế mà thôi). Từ mục đích ban đầu cho ta một khái niệm về sự nương tựa tất yếu, không thể tách rời về phương diện tâm linh giữa đoàn viên GĐPT với Ba Ngôi Báu, giống như sự nương tựa tất yếu của đứa con nhỏ vào tình thương của cha mẹ hay như một chồi non cần nguồn nhựa nuôi sống từ một cây đại thụ.
Từ khái niệm nêu trên cho ta thấy rằng đoàn viên GĐPT cần biết bao tình thương, sự ân cần chăm sóc và những dòng pháp nhũ từ Tam Bảo để nuôi sống tâm linh của mình; Rằng đoàn viên GĐPT phải là hiếu tử của chư tăng, ni, người đại diện cho Tam Bảo tại thế gian này. Đồng thời từ khái niệm nêu trên, cũng cho ta thấy thiên chức của giáo hội là nuôi dưỡng và dạy dỗ những đứa con của mình, xin đừng từ chối hay ghét bỏ mà tội nghiệp cho chúng, vì chúng cũng nằm trong sự nghiệp “chúng sanh dị độ” của hàng Tăng Bảo.
Không hiểu do đâu mà có câu “Trẻ vui nhà, già vui chùa” khiến cho đạo pháp của Đức Thích Ca để lại chỉ độ được cho người già, người bệnh, người sắp chết, người thất tình, người thất bại trên đường đời… Còn lớp tuổi thanh thiếu đồng niên phơi phới xuân xanh, là rường cột tương lai của đất nước, của xã hội… thì bị bỏ quên, bị xua đuổi mỗi khi các em lân la đến cửa chùa. Như vậy thì sao được coi là “dị độ”?
Việc chấp nhận sự có mặt của thanh thiếu nhi đến với chùa, thậm chí bày ra các phương tiện để quy tụ, đoàn ngũ hóa và giáo dục cho các em… còn tùy thuộc vào lý tưởng, quan điểm và đường lối tu hành của thầy trụ trì ngôi chùa.
Nơi nào có nhiều vị trụ trì có lý tưởng, quan điểm, đường lối hành đạo đúng đắn thì nơi đó GĐPT dễ phát triển.
Cổ nhân có nói “ Nước trong quá thì không có cá” để ngụ ý rằng : người quá nghiêm khắc và quá kỷ tính thì ít kẻ dám gần. Vì vậy, nơi nào mà thầy trụ trì quá yêu chuộng sự sạch sẽ và yên tĩnh, không thích trẻ con, ghét sự ồn ào… thì nơi đó không bao giờ có mặt GĐPT.
Quý thầy và Phật tử lớn tuổi ở những chùa không tổ chức GĐPT thường lấy lý do: đoàn sinh GĐPT làm ồn quá, đoàn sinh GĐPT không biết lễ phép với chư tăng ni và Phật tử lớn tuổi, đoàn sinh GĐPT không làm gì lợi ích cho chùa, đoàn sinh GĐPT nghe lời huynh trưởng chớ không nghe lời tăng ni và Phật tử v.v…
Nhưng, ở những chùa có GĐPT sinh hoạt tốt thì thầy trụ trì và Phật tử lớn tuổi nơi đó lại nói khác. Rằng : nếu muốn độ cho giới trẻ thì phải nhẫn nại chịu đựng sự ồn ào của các em, miễn là biết hướng sự ồn ào đó vào mục tiêu hướng thiện cho các em.
Rằng : đoàn sinh GĐPT đến chùa sinh hoạt xem tăng ni là cha mẹ, xem Phật tử là chú bác cô dì. Nếu nói đoàn sinh GĐPT không lễ phép, không nghe lời tăng ni và Phật tử lớn tuổi thì nên xét lại trách nhiệm làm cha mẹ của mình, bởi người xưa có nói : con nên là nhờ cha mẹ khéo dạy, con hư là do lỗi cha mẹ không biết dạy dỗ, chứ có cha mẹ nào đổ lỗi cho con trẻ đâu!
Rằng: trên thế giới, quốc gia nào cũng tiêu tốn hàng nghìn tỷ đô la mỗi năm để phát triển nền giáo dục từ mẫu giáo cho đến đại học. Chẳng thấy có nhà nước nào than : “học sinh sinh viên chẳng làm lợi gì cho đất nước” đâu ! Nền giáo dục GĐPT tuy không thấy cái lợi trước mắt, nhưng là cái lợi lớn lao và lâu dài cho đạo pháp, cho dân tộc và còn đóng góp phần lợi lạc cho đời sống nhân loại nữa đấy !
(Còn tiếp…)