Vươn Lên Từ Đời Chợ

G

Được gọi là Ấp Chợ vì nơi đây thuộc khu mua bán sầm uất. Đời sống người ấp Chợ có phần dễ chịu hơn người ở các ấp khác trong thị trấn này. Ví như ấp Bình San, nơi có khu Di tích Văn hóa núi Bình San là lăng mộ và đền thờ ông Mạc Cửu, người có công khai mở vùng đất này từ năm 1700; ấp Pháo Đài có đồi Pháo Đài, nơi thời vua Minh Mạng cho đặt súng thần công canh chừng bọn hải khấu xâm lấn vùng biển quê nhà; ấp Tô Châu nép mình dưới chân núi Tô Châu, soi bóng hồ Đông thơ mộng…

Tôi có duyên được sống ở Ấp Chợ. Tôi là người kẻ chợ. Tiếc thay “người kẻ chợ” này… với tiền lương giáo viên thời đó, tôi không sao nuôi nổi tám đứa con và ông chồng đang thất nghiệp. Tệ hơn, đã có lúc toàn dân thị trấn – có tôi – vừa trở về sau trận Diệt chủng Pôn Pốt. Ôi! Đau thương là cái thân tôi. Ngó đi ngó lại, nhà cửa tan tành, túi thì rỗng. Để mưu sinh, không gì hơn, tôi đưa cả nhà ra chợ. Chồng tôi và hai con gái thay nhau bán thuốc lá ở chợ. Hai thằng con đang học, đứa lớp bảy, đứa lớp tám, mới mờ sáng đã thức dây đến lò nhận bánh mì đi bán quanh chợ. Trong đêm khuya tĩnh mịch, tiếng rao của chúng dội về xé nát ruột gan tôi. Bốn thằng em của chúng, sáng chiều sau giờ tan học đi bán “da-ua”, thuốc lá, dạo khắp chợ nhà lồng, chợ cá, chợ rau… Riêng tôi, vừa đứng lớp hay soạn bài xong, liền lao vào đan áo, móc giỏ, kịp đem ra chợ; có khi kết nút, đơm khuy cho các tiệm may. Chồng tôi vốn là thầy giáo kỳ cựu ở đây, bỗng dưng phải ra chợ bán từng điều thuốc Hoa Mai, Đà Lạt. Ngày ngày chứng kiến bao cảnh chướng tai gai mắt. Nhiều khi gặp bạn bè hoặc học trò cũ của mình đến mua thuốc, ai nấy nghẹn ngào không nói nên câu. Phần thầy cũng làm thinh như kẻ xa lạ. Chấp nhận lẽ đời vô thường là chịu nhẫn nhục nuôi con, lấy câu “Hàn Tín còn phải luồn trôn giữa chợ” hoặc câu “Khi tôi khóc, tôi không có dép để mang thì tôi lại phát hiện có người không có chân” làm lẽ sống và phương châm răn dạy mình.

Vuon Len Tu Doi Cho 1

Phải lăn lóc giữa chợ, tôi được các chị em tiểu thương ở đây khuyến khích, dạy cách làm chủ hụi kiếm lời. Tôi vốn không quen chuyện xông pha giữa chợ, cứ lần chần e ngại nhưng chính họ đứng ra mời gọi các tay em có uy tín vào cuộc. Không ngờ tôi và con gái làm hụi rất tốt, chằng bao lâu mua được chiếc xe đẩy, giải phóng chồng tôi khỏi bán thuốc lá, chỉ bán sức lao động của mình bằng nghể đẩy nước, đẩy hàng hóa ra chợ cho thân chủ. Sau đó tôi mua mấy tấm tôn rồi mua thêm cái bàn học.

Đời chợ và tôi từ đó kết duyên.

Chợ cho tôi nhiều bạn tốt, có người là ân nhân. Chợ cũng cho tôi nhiều bài học vô giá. Ở đó sẵn kho kịch bản trời cho, mỗi ngày mỗi diễn trò hỉ nộ ái ố, diễn sinh động ngay trước mắt tôi để tôi rút kinh nghiệm bản thân. Ví như cảnh chửi bới tranh nhau chút chỗ ngồi chật hẹp hoặc cò kè, so bì thiệt hơn rồi là cảnh mua gian bán lận, kể cả cảnh hào phóng làm từ thiện, gọi nhau chung góp tiền bạc, áo quần, cứu giúp người này kẻ nọ, rất chân thật, cụ thể. Lại có khi chỉ là câu nói chơn chất của một ai đó, hoặc như một người đã nói với tôi “Nghe thằng con thím rao bánh mì, tôi hỏi nó, sao con không rao bánh mì nóng giòn đây như mấy đứa kia mà rao bánh mì đây, vậy thì ai thèm mua. Thím biết nó trả lời sao không? Nó nói: “Bánh ra lò hồi bốn giờ sáng, bây giờ đã hơn sáu giờ, con lại không có đồ ủ nóng thì làm sao nóng giòn được. Con rao như vậy mới đúng sự thật” Tội nghiệp thằng nhỏ, lại thấy thím dạy con khéo quá. Tui mua cho nó một hơi bốn năm ổ bánh”.

Và tôi làm sao quên được một đời chợ của tôi có ông chủ quán tạp hóa ở đầu chợ, thường bán chịu cho lũ con tôi khi chúng đến mua đường, bột ngọt hoặc tiêu, tỏi… Hôm ấy, tự dưng ông đưa cho chúng một bọc đường, cả bọc đậu xanh, nói rằng: “Chú thèm chè thưng mà thím bận quá, nhờ mấy đứa đem về nấu giùm chú. Nấu hết nghe con, ăn cho đã”. Chừng nấu xong, tụi nhỏ bưng cho ông nguyên nồi. Ai dè ông la lớn: “Trời đất, cho chú một chén thôi, chú muốn cho mấy đứa con ăn, đem về ăn đi con”. Nói rồi ông nháy mắt cười, giọng nhỏ hẳn: “Chú ăn cắp đường đậu của bà. Đừng nói với thím”.

Thời gian đời chợ và tôi cứ thế thuận buồm xuôi gió, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ người thầy, đạt cả danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi” và: Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”.

Đã đến lúc gia đình ông chủ quán kia dọn về quê. Vì cuộc sống, chúng tôi không liên lạc, bặt tin nhau, không nhớ về nhau hơn chục năm. Đến một ngày đủ duyên, ông xuất hiện trong nhà tôi, thật quá bất ngờ. Chúng tôi mừng vui khôn xiết, hỏi thăm nhau rối rít. Sau đó ông buồn rầu kể khổ về chuyện ông về quê tiếp tục bán tạp hóa, sanh được thằng quí tử, chuyện buôn bán phất lên như diều gặp gió. Vì bận lo làm ăn, vợ chồng ông không có thì giờ chăm sóc con. Bây giờ nó hư đốn, sanh tật cờ bạc, ham chơi, trốn học. Năm nào cũng ngồi lại lớp, miệng thì chửi thề như bắp rang. Răn dạy mãi không được, ông gửi nó cho ma-xơ trong nhà thờ nuôi dạy. Xơ cũng chịu thua, trả về. Trong khi cùng đường, ông sực nhớ đến vợ chồng và lũ con tôi. Thế là ông liều mạng về đây nhờ tôi… nuôi dạy nó, không để tôi chịu thiệt thòi. Tôi nghe mà hết hồn. Lẽ nào gia đình tôi đang êm ấm, con cái chăm ngoan, dưng không dung chứa thành phần bất hảo dù chỉ là một đứa con nít. Và lẽ nào, ông ta biết tìm đèn thắp sáng cho con để tôi phải chịu cảnh tối đen như mực. Dù vốn có thiện cảm với ông nhưng tôi không thể đáp ứng yêu cầu quá lớn của ông, nhất là hai đứa con gái tôi, chúng cật lực phản đối, bảo rằng: “Ba má đã quá khổ cực vì tụi con rồi”. Nghe thế mà ông cứ nài nì mãi, thiếu điều muốn khóc khiến vợ chồng tôi xiêu lòng. Con gái tôi thẳng thừng tuyên bố: “Má nhận nuôi thằng này, con sẵn sàng bỏ học”. Câu nói như nhát dao đâm thẳng tim tôi và làm đau lòng ông khách. Tôi vô cùng bối rối, không còn tin bản thân, tự trách mình thương con sao lại thương luôn người dưng nước lả để rước họa vào thân. Tôi lại giận chồng tôi, sao không mạnh dạn từ chối ông ta. Quá bức bách, tôi dùng kế hoãn binh, hẹn ông ba ngày sau, xin ông thông cảm.

Đó là ba ngày tôi sống trong lo âu phiền não, không biết phải thuyết phục thế nào với các con để trước là tôi, sau là ông khách an lòng. Tôi trằn trọc suốt đêm, ngày thì bần thần bồn chồn, tâm trạng rối bời khó tả. Bỗng đâu tôi nghe tiếng ai hát: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng…”, tôi sực nhớ lời Phật dạy để dạy các con: “Sự chấp trước của ngày hôm nay sẽ là niềm hối hận cho ngày mai”; “Đừng khẳng định cách nghĩ của mình quá, như vậy sẽ đỡ phải hối hận hơn”. Tôi còn nói thêm: “Má tin nhà mình sẽ nuôi dạy tốt thằng nhỏ. Sau này nó thành người có ích cho gia đình và xã hội, nhà mình được phước báu. Bằng không, nó hư hỏng thì tội cho nó và chú thím lắm. Ví như nhà mình chẳng may có hư đứa này, còn đứa khác, người ta chỉ mỗi thằng con. Lúc đó nghĩ đến chú, mình ân hận lắm, con ạ!”

Không ngờ tôi nuôi dạy thằng nhỏ suôn sẻ suốt thời gian nó học lớp bốn rồi lớp năm một cách chóng vánh. Thật như một phép lạ, tánh tình và đức hạnh của nó thay đổi hoàn toàn. Rồi nó học lên cấp hai, cấp ba, đến lớp mười hai, chẳng hề lưu ban. Khi bầy con tôi lần lượt vào đại học thì chính nó là đứa con thứ chín của tôi. Nó phụ giúp tôi việc nhà, kể cả việc ra chợ mua rau quả hoặc thu gom tiền hụi, không sứt mẻ một xu. Bà con, bạn bè tôi hết lời khen tôi có phước và mở lòng thương yêu thằng nhỏ. Nay nó đã là thầy giáo của một trường dạy Anh ngữ, đang theo học thạc sĩ. Ngày thành hôn của nó, ba mẹ nó không ngần ngại nhờ ông anh bà chị kết nghĩa của mình là vợ chồng tôi đứng làm chủ hôn, chủ lễ.

Vuon Len Tu Doi Cho 2

Thị trấn quê tôi nay đã là thị xã. Cái tên Ấp Chợ chỉ còn trong ký ức nhiều người. Tên được thay mới là phường Đông Hồ, trụ sở phường nằm bên đầm Đông Hồ nhìn qua núi Tô Châu, có phường Tô Châu cũng vừa được xây dựng qui mô. Và để thực hiện đề án qui hoạch hóa đô thị, chợ được dời về khu trung tâm thương mại, khang trang sạch sẽ, mang tên chợ Bách hóa. Quanh chợ, từng dãy nhà cao tầng mọc lên ngăn nắp, có cả chợ đêm, đèn sáng trưng khắp lối, thu hút người địa phương lẫn khách du lịch hòa chung dòng chảy, tràn về.

Chợ “của tôi” hồi đó, bây giờ là khu công viên sông, được gọi Công viên Trần Hầu.

Đời chợ giúp tôi ổn định cuộc sống, nuôi tám đứa con ăn học thành tài. Từ chợ vươn lên, các con tôi bây giờ đứa nào cũng có cuộc sống tốt, biết giúp đời, giúp người. Chồng tôi vì thế cũng có phần đóng góp công sức mình cho quê hương trong công trình nghiên cứu. Tuy thế, cứ mỗi lần nhắc đến “chợ”, cả nhà tôi không ai ngăn nổi cảm xúc, nhớ lại từng khuôn mặt, vóc dáng người bán hàng, bán quán, rồi bà bán cá, chị bán thịt, bán rau, cả những người bây giờ không còn nữa. Rồi là từng mét đường đi vào chợ nằm giữa hai dãy quán “kề vai sát cánh” trong chợ nhà lồng; cái nhớp nháp tanh hôi ở chợ cá; mùi nồng thơm ở chợ rau, vv…

Giờ đây tôi không còn nhọc công đi chợ lo hai bữa ăn, chỉ dạo chợ mua sắm khi có bạn bè theo các “tua” du lịch về đây. Vào chợ, gặp lại người xưa cũ, ai cũng hỏi thăm chồng và các con tôi mà không quên thêm một câu hỏi thăm thằng nhỏ. Tôi trả lời đến ríu cả lưỡi. Có người còn hỏi: “Cô có khỏe không? Sao lâu quá không thấy cô đi chợ?” Liền có người cười, nói: “Lúc này cô bỏ chợ, chỉ đi chùa…”

Tôi cười chào mà chớp lia đôi mắt lão. Tưởng mình không sao ngăn nổi cảm xúc.

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang