Bà Thứ Phi

G

Với tôi, điều bất hạnh lớn trong đời là đến bây giờ, hơn nửa đời người tôi vẫn chưa biết chút gì về quê hương mặc dù giọng nói và nếp sống của tôi đặc sệt Huế. Nghe tiếng Huế của tôi, có người say sưa nói về Huế như nói với một người đồng điệu hiểu Huế. Tôi vừa hài lòng vừa hổ thẹn, cố lấp liếm bằng những cái gật gù ừ hử. Tôi dàn trải cảnh đẹp sông Hương núi Ngự, chùa chiền lăng miếu lung linh trong trí tưởng tượng.

“Ôi Huế của tôi” do tôi bày vẽ là vậy đó.

Thuở nhỏ, mạ ru tôi điệu hò mái đẩy, giọng hát nam ai. Lớn lên, mạ kể nhiệt tình cuốn hút về những thành quách cung điện, những triều nghi vua chúa cùng những nhân vật nổi tiếng (đã đi vào lịch sử), về chính trị cả về đờn ca thi họa. Mạ kể về Bà  như một điều bí ẩn ít ai biết, chuyện của Bà mỗi người nói một cách nhưng đều tỏ ra tôn kính và trân trọng. Riêng ba tôi, thịt xương cốt tủy là Huế mà lại không muốn kể, thậm chí không muốn nghe ai nói đến Bà. Điều đó thách thức tôi ghê gớm.

Đại từ “Bà” trong chuyện như một danh từ riêng viết hoa. Bà thực sự huyền ảo, vừa thần thoại vừa thi ca, lung linh một chút liêu trai, một chút “cổ học tinh hoa” đối với tôi lúc đó.

Bà thực sự huyền ảo, vừa thần thoại vừa thi ca, lung linh một chút liêu trai (ảnh minh họa. Nguồn: Phượng Khấu)

Một hôm, nhân nói về đại gia đình của tôi ở Huế, mạ tôi thương hại nói: “Bà còn tân”. Lý ra tôi phải lần mò, phăng tìm câu chuyện để biết Bà, đằng này tôi bộp chộp hỏi: “Bà là ai rứa mạ? Mình có bà con chi với Bà không, mạ?” Mạ trợn tròn nhìn tôi trách móc: “Cái con ni, mi vô duyên. Bà là Bà nớ chớ còn ai” (Mạ tôi luôn luôn quên rằng tôi không phải từ Huế mà lớn lên)

Từ đó tôi hiểu lờ mờ về “Bà nớ”. Hôm khác, mạ mua về một trái đu đủ hườm thật tót. Biết tánh tôi, mạ dặn: “Không được ăn nghe!” Trưa đó, mạ đem đu đủ ra gọt tỉa thành một đóa tường vi tuyệt đẹp. Mạ nói với tôi nhưng thật ra để nói với chính mạ: “Bà tỉa bông bằng đu đủ khéo lắm. Phù dung, thược dược, hồng, tường vi… cái nào ra cái nấy”.

Tôi say sưa ngắm “tường vi đu đủ”, vô tình hỏi: “Bà mô rứa mạ?” Liền tức khắc tôi nhận cái trợn tròn của mạ. Lần này tôi hiểu Bà kha khá. Qua người lớn, tôi còn biết vào thời Ông Diệm, Bà dạy nữ công gia chánh ở một trường Nữ Trung học Sài Gòn, được hưởng chế độ có taxi đưa rước, ngoài ra Bà còn dạy đàn cho tư nhân.

Đại loại chuyện của Bà là như vậy.

Và có một hôm, anh tôi đàn xong bản “Songe d’été”, tôi vỗ tay khen hay. Vẫn cầm đàn, anh tôi mơ màng nhìn ra sân, nói: “Nói về đàn thì Bà đàn hay hơn anh nhiều”. “Bà mô mà dám đàn hay hơn anh?” Tôi sôi nổi nói. “Rứa cô không biết Bà?” Anh tôi ngạc nhiên.

Tôi ngây thơ: “Bà mô làm răng em biết?”. “Bà…là chị của anh, là chị của cô…” Tôi khẽ khàng nhắc lại: “Bà là chị của anh, là chị của em…”  rồi hỏi tiêp: “Mạ của anh là chị của ba em. Anh là con của O mà là em của Bà à? Vậy ba mạ anh có gọi Bà là Bà không?”. “Cũng phải gọi là Bà chớ” . Rồi anh hạ giọng cười: “Riêng một người không gọi là Bà thôi”

* * *

Con đường Ngô Tùng Châu hun hút dài đối với người còn xa lạ đất Sài Gòn. Tôi đến thăm Bà nhân lúc tôi về đây nuôi mạ tôi nằm viện. Phòng Bà chỉ có ba người, phải lên nhiều bậc thang và qua một cửa thông của một tòa nhà rộng mà tầng trệt là cơ quan công an. Tôi mang tâm trạng của người đi khai quật đồ cổ. Càng mong gặp càng hồi hộp muốn biết.

Nhờ giọng Huế của tôi, một người sốt sắng ra đón tôi, đó là chị tôi. Chúng tôi thuộc cùng nhánh trong cây phả hệ mà tuyệt nhiên chưa ai biết ai. Tôi cầm tay chị cảm động nói: “Em là em của chị” đồng thời mở gia phả miệng. Chị tôi mừng rỡ gọi mẹ: “Thưa mạ, có dì… con của chú H đến thăm”. Một cụ già đang nằm chợt trở mình ngồi lên, chậm chạp tiến về phía chúng tôi, nheo mắt hỏi: “O ni ở mô rứa?”

Mạ của chị là bác dâu tôi. Hai người đưa tôi đến giường Bà cạnh đó. Họ giúp Bà ngồi dậy từ trên chiếc nệm trắng. Tôi xúc động chắp tay nói được hai tiếng : “Bẩm Bà” rồi lặng thinh. Bác tôi chỉ vào tôi, hỏi Bà: “Rứa Bà có biết đây là ai không?” Bà nheo nheo đôi mắt hiền lành nhìn tôi cười: “Làm răng mà biết được!”

Bác tôi giới thiệu: “O ni là con chú H. Bà còn nhớ chú H. không?”. Bà mừng rỡ reo: “Ôi, chao ơi, quý hóa quá”, đoạn Bà quơ chân tìm dép muốn đứng lên. Tôi quỳ xuống, lồng đôi dép hạ vào chân Bà. Bà lần bước ra ghế ngồi.

Bà nhỏ người, mềm mại, thanh thoát lạ kỳ, tưởng chừng chỉ một tiếng động thô là Bà đã tan ra. (ảnh minh họa. Nguồn: Phượng Khấu)

Bà nhỏ người, mềm mại, thanh thoát lạ kỳ, tưởng chừng chỉ một tiếng động thô là Bà đã tan ra. Nệm gối, áo quần, dép hạ của Bà, tất cả đều trắng nhưng không toát. Đó là cái màu trắng ảm đạm của tháng năm nhàu nát. Quanh Bà, ngổn ngang chai lọ đựng thuốc, cùng là khăn mặt, chén trà, ấm nước… Trên tường, lủng lẳng chiếc đàn tranh, đàn nguyệt đầy bụi mốc. Vô hồn. Tôi bàng hoàng đến tê dại, thương cho tôi khi tận mắt thấy nhân vật “thi ca” của mình trong khung cảnh này.

Hình như là có sự cố ý, muốn ém nhẹm tung tích Bà. Cố làm cho Bà phải tội nghiệp hơn, phải tầm thường hơn mức độ. Chợt Bà nhỏ nhẹ cất tiếng: “ Bửu H. chừ mô rồi?”. Tôi thưa: “Bẩm Bà, ba con mất đã lâu”. “Mất ở mô?” Bà hỏi. “Bẩm Bà, ba con mất ở Phan Thiết”. “Rứa à… Rứa ai ở Lagi? Ai cưỡi ngựa trên đồn điền Lagi?”

Tôi chưa đáp vì chính tôi chưa biết điều đó thì bác tôi nói: “Chú H. đó Bà nờ. Khi chưa gặp thím Đông, chú ở Lagi”. Bà hỏi tiếp: “Có phải Bửu H. làm thơ, đánh đàn giỏi không? Đánh tài bàn cũng khá lắm”. Bác tôi nói với tôi: “Rứa đó cháu. Chuyện đời mô tù huy tù huýt thì Bà nhớ không sót, còn chuyện đời ni, Bà không nhớ một chút chi”. “Rứa chị Đông mô rồi, có khỏe không?” Bà lại hỏi. Đông là tên của mạ tôi. Tôi nuốt nước mắt nói một điều không thật: “Bẩm Bà, mạ con… còn khỏe” trong khi tôi biết mạ tôi sẽ không qua khỏi. Bà nói: “Khi tê, tui với chị Đông chơi thân, tui dặn khi mô chị đẻ con gái nhớ đặt cho tui cái tên Tường Vi.

Tôi xúc động quá đỗi, chụp lấy tay Bà cầm lên, nói: “Bẩm Bà, con là Tường Vi… Tường Vi là con đây”. Vô tình một con rệp trong tay áo Bà rớt ra. Tôi thò tay tính bắt con khác để giết thì Bà hất tôi ra, giật lùi tay, người hơi ngã ra sau. Tôi bị sốc nhưng Bà vẫn hồn nhiên tươi tắn. Chốc sau, một chú công an sầm sập bước vô. Tôi rất khó chịu, thầm nghĩ “có lẽ nào…”, nhưng thấy họ quen thân. Chú công an nói với Bà: “Này bà cụ, chiều nay đi tắm. “Ra” nệm phải để cô Hai thay nghen”. Bà đưa đôi mắt trẻ thơ nhìn một lượt hết mọi người, cười vô thức. Chị tôi giải thích: “Khổ nỗi là Bà không cho ai đụng vào người Bà, thành ra việc tắm rửa, vệ sinh cho Bà cực lắm. Bà chỉ sợ mỗi công an thôi. Phải chi dì tới sớm độ một năm thì dì sẽ được Bà làm thơ tặng và nhất là được nghe Bà đờn. Bác ở được với Bà là nhờ vậy. Năm ngoái, hai cụ còn “khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên” thỉnh thoảng dạo khúc với nhau mùi mẫn, nghe nhớ Huế đứt ruột đứt gan…”

(Còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang