HIỆN HỮU

1.

Từng người, từng người một nhanh chóng cởi bỏ bộ mặt tươi vui nhí nhảnh của mình để rất khuôn phép – trong y trang kiều diễm – bước ta làm lễ Tổ. Nơi đây họ còn nghe tiếng đùa vui của họ lẫn trong lời khẩn cầu và mùi trầm hương ngọt ngào.  Cúng xong, họ sang phòng bên, đưa mắt vào tấm gương soi, tô lại mắt môi hoặc quay ra sửa cho nhau những đường tua quanh chiếc eo thon và bộ ngực trần man rợ.

Cúng Tổ trước giờ ra sân khấu là chuyện bình thường nhưng tôi phải là người đến với Tổ sau rốt. Tôi muốn có đủ thời giờ nói với Tổ những điều tâm huyết. Tôi luôn lặp lại mà lúc nào đứng trước Ngài, tôi cũng thấy điều đó chưa được nói ra. Tôi cầu xin Tổ ban cho tôi thật nhiều nghị lực và ý chí để tôi tự biết mình hơn nữa. Có thế tôi mới vươn lên diễn tốt, diễn nốt vai trò của mình trên sân khấu cũng như ngoài đời.

Chiều nay Mộng Hoa – người bạn thứ mười mấy của tôi – nằm viện, các bạn lần lượt vào mỹ viện từ bao năm nay chỉ để … Chốc nữa tôi phải điền khuyết vai diễn của Hoa. Diễn rằng:

“Khi bạn bước đi trên phố,
hiện diện giữa mọi người,
dù bạn ăn mặc ra sao,
điều quan trọng là phải
thành công trong việc đầu tiên:
Bạn phải là một phụ nữ trước đã!
Và có thể nói bạn là chính mình,
nhưng trước tiên bạn phải là một phục nữ…”

Có thể các bạn trong đoàn không hiểu tôi. Họ hối thúc tôi làm cái việc như họ để có đôi nhũ hoa căng tròn “thiên phú”. “Dẫu sao phải là một phụ nữ trước đã” Họ nói.

Thật ra, tôi không phải là người gan góc để mặc cái thân xác đàn ông trong một tâm thức đàn bà mà không đau khổ. Tôi đã khóc như đứa trẻ có thói ganh tị khi tôi nhìn các bạn biểu diễn tuyệt vời trong điệu vũ cuồng si. Họ rung chuyển tấm thân mềm mại trên đôi chân dài với giày cao gót. Họ phơi bày những bờ vai, những ngực trần, những đầu tóc búi, những chiếc cổ mượt mà thanh tú cùng những đường tua kim tuyến rung rinh chớp nhá làm nổi bật đôi gò bồng đảo tưng tưng bốc lửa…

Tất cả bọn họ say đắm trong ánh đèn hoa hoảng loạn rực rỡ. Riêng tôi chìm ngập trong niềm cô đơn khủng khiếp. Hẳn là một nỗi thèm muốn khát khao vừa dấy lên tưởng rằng không sao dập tắt.

Hien Huu 1
Tất cả bọn họ say đắm trong ánh đèn hoa hoảng loạn rực rỡ. Riêng tôi chìm ngập trong niềm cô đơn khủng khiếp. (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

2.

Tôi lớn lên bình thường nhưng đến năm mười hai tuổi, lứa tuổi hồn nhiên tươi trẻ nhất của đời mình thì tôi lại hiểu một cách lơ mơ về cuộc sống. Tôi không còn thấy thích thú gì khi ngồi cùng bàn hoặc chơi đùa với những con bạn của tôi. Ngược lại, chơi căn, chơi bi của các bạn trai là điều giờ đây tôi tối kỵ. Tôi bắt đầu để tóc dài, thích ngồi hàng giờ ngắm mình trước gương, cầm cây lược chải qua chải lại mớ tóc và tôi nghĩ đến cách kết thân với bọn con trai.

Rồi tôi nghe thôi thúc tiếng chuông rung reng kèm tiếng gọi đầy ma lực của bà rao dạo: “Em nhỏ xỏ lỗ tai. Em nhỏ xỏ lỗ tai, đeo bông liền”. Tôi mơ tưởng tới bà ta, đúng hơn là việc làm của bà ta mà không dám nhìn nhận rằng càng lúc tôi càng dấn sâu hơn vào trong lãnh vực giới tính. Tôi đợi bà ta ngay trước cổng nhà khi ngoại tôi đi vắng. Cả hai chúng tôi ngồi bệt dưới lùm cây. Tôi chịu đau một chút như kiến cắn để sau đó tôi được “mọi thứ”. Tôi nhớ khi xong việc, bà ta âu yếm xoa đầu tôi, trên mớ tóc dài của tôi mà khen “Em gái nhỏ đẹp quá”. Tôi chưa kịp vui, chưa kịp nhìn mình trong gương thì một trận đòn tới tấp giáng xuống đầu tôi sau đó. Ngoại không ngần ngại gọi thợ đến nhà hớt cao tóc tôi gần như trọc. Ngoại nhìn chăm chăm vào đôi dái tai còn đỏ màu thuốc của tôi, ngoại ngứa mắt lấy kéo cắt liền sợi dây xâu, rút ra “cho mày bít cái lỗ”. Tủi hổ quá chừng, tôi liều mạng để ngoại hành hạ tôi, sau đó tôi ghét ngoại kinh khủng. Tôi bỏ học, lầm lì nuôi ý định phải ra đi. Khi giận ngoại, tôi quên bẳng là tôi đã mất mẹ khá lâu. Ngoại nuôi tôi từ nhỏ và thương tôi rất mực.

3.

Giờ thì ngoại hiểu tôi đôi chút. Điều đó thật may cho tôi. Ngoại bắt đầu nói chuyện, mua quà, dọn mùng mền cho tôi và hạnh phúc biết bao khi tôi để tóc dài trở lại, ngoại không phản ứng. Rồi tôi uốn tóc. Tóc tôi quăn tít hợp thời trang. Thú thật là ngoại có chới với, sững sờ nhưng rồi đâu cũng vào đấy. Không lâu sau tôi mặc áo hoa, có phần sặc sỡ.

4.

Ngoại dời nhà về thị xã chỉ vì ngoại không muốn tôi dốt. Ngoại động viên tôi đi học trở lại và tất nhiên tôi phải ngồi lại lớp. Lúc này tôi nhổ giò khá nhanh, nhìn từ bên ngoài, tôi đúng là một nữ sinh. Một nữ sinh có cục xương A-đam giúp tôi có giọng hát đặc biệt trầm ấm mà lê la lả lướt, bởi thế tôi luôn luôn có mặt trong các buổi sinh hoạt văn thể của trường. Tôi nhảy cao, nhảy xa và chạy đường trường cũng khá lắm.

Nhà trường nuôi tôi như một báu vật, đưa tôi đi thi đấu nơi này nơi nọ với các trường trong khu vực, kể cả ra đến Hà Nội. Thành tích của tôi chính là thành tích của trường được thêm vào nên trường tôi đạt danh hiệu “Lá cờ đầu” cũng phải thôi. Nhưng oái oăm thay, cái danh hiệu lá cờ đó bị xé toạc ra cũng chính tại tôi. Những kẻ không được phần muốn khuấy cho hôi, họ đồn ầm lên rằng trường tôi chơi trò ma giáo, đem nam sinh giả dạng nữ sinh để thi đấu.

Thế là họ đưa tôi ra bàn cãi, thiếu điều bắt tôi cho bác sĩ làm việc. Học bạ của tôi cũng được lật tung ra xem xét, mổ xẻ như chính bản thân tôi vậy. Họ phát hiện có ai đó cố tình đánh mất chữ “Văn” trong họ tên tôi và cả năm sinh của tôi, cũng được làm trẻ lại. Tồi tệ nhất là cái đêm hôm ấy, trong giấc ngủ say, tôi bỗng thấy nhột nhạt như có người muốn thốc tháo tôi ra. Trời ơi, cái cảm giác khốn khổ đó không hiểu sao nó âm ỉ sống trong tôi như giấc ngủ đông, chợt thức dậy khi có điều kiện.

5.

Người ta nhìn tôi chẳng ra làm sao, vừa ghê tởm vừa khinh bỉ lại vừa thương hại. Tôi xuống tinh thần dữ dội, khóc không ra khóc, cười không ra cười. Khốn nạn thân tôi. Tôi khởi sự đi lang thang đầu trên xóm dưới, có khi la cà ở một nơi nào đó: bãi đậu xe, bến sống, vườn hoa hay rạp hát. Khi đó tôi đã biết săm soi hộp phấn, lọ kem, vặn vẹo thỏi son, cây cọ và chọn cho mình những thứ cần dùng lỉnh kỉnh khác rất ư là phụ nữ. Mà phụ nữ nhất là tài nấu nướng của tôi. Ngoại đã từng khen tôi vô bếp giỏi mà lị. Tiếc thay việc vô bếp đó xưa rồi. Sau này, tự dưng tôi cắt bớt những bữa ăn chung với ngoại, dần dần cắt luôn thói quen về nhà ngủ.

Giờ đây, mái ấm của tôi là nơi tôi đi đứng nằm ngồi vô chừng mực. Thời gian này tôi tìm gặp những con người như tôi, nghĩa là cũng đang giãy giụa trong dòng sông định mệnh của mình, cố sức vùng vẫy cất đầu lên mà mỗi lúc một chìm sâu hơn. Chìm sâu nhưng miệng vẫn cười vui ca hát, lòng thì rã rời cay đắng. Chúng tôi kết với nhau thành đoàn để cùng vui chơi đàn hát, ăn uống, ngủ nghê rồi cùng nghe chửi, cùng bị xua đuổi, đánh đập, có khi cùng vào… đồn Công an.

6.

Ngoại không ồn ào la mắng tôi mà ngoại kể: hồi đó nội hỏi cưới mẹ tôi về với cha là để nội được rảnh rang. Nội khắt khe độc ác với mẹ, cha tôi không chịu được đành cùng mẹ bỏ xứ vô Nam. Ở xứ lạ quê người, cha tôi phải đi làm thuê, mẹ đi ở mướn. Bảy năm sau, cha mẹ tôi cất được cái nhà nhỏ, đồng thời mẹ có dấu hiệu mang thai tôi. Lúc này cha tôi đã có chút “máu mặt” sinh ăn nhậu, hờn ghen, đánh đập mẹ tôi nhưng buồn thay, đó chỉ là cái cớ để ông lăng nhăng bay bướm.

Không ngờ ít lâu sau, ông vét sạch tiền của, bỏ mặc mẹ tôi với cái bụng bầu, đi biệt tăm. Mẹ tôi buồn khổ lắm nhưng cũng phải ra sức buôn bán làm ăn để tự nuôi sống mình và đứa con sắp ra đời. Ngày sanh gần kề, hơn nữa lúc này tôi hay thúc hối, quẫy đạp liên hồi trong bụng mẹ nên bà sợ sẽ không kịp nữa khi tôi ra đời. Mẹ nghĩ cách “đào mỏ” nhanh và tốt nhất là phải tận dụng “cái cân thủy ngân” cổ điển để đong đo.

Mặc dầu ngoại không nói rõ, nhưng tôi hiểu trong buôn bán gian lận có khi mẹ tôi phải thề thốt điêu ngoa và tất nhiên mẹ phải bị người ta chửi bới nguyền rủa, mong cho những điều xấu xa tệ hại nhất mau nhập vào cái thai trong bụng của bà. Bởi thế, tôi không tin lắm cái gien di truyền nơi tôi mà dám nói một cách “đúng đắn” rằng tôi bị vướng lời thề hay lời nguyền gì đó. Thật là một hậu quả khủng khiếp. Sau khi sanh tôi, mẹ bị băng huyết không cúu kịp, ngoại tôi nuôi mẹ cũng đành bó tay!

Nghe ngoại kể xong, tôi đóng cửa nằm lì ở nhà, trùm chăn ngủ vùi cho quên hết sự đời, cho rục rã thể xác và tâm hồn này nhưng nào có được, nhiều lần trong đêm tôi mơ thấy một người đàn ông. Tôi nhìn ông lạ hoắc nhưng vía tôi lại bảo đó chính là cha tôi, người đẻ ra số phận tôi.

Hien Huu 2
(ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

7.

Ngoại sắm cho tôi đủ bộ mùng mền, chiếu gối và một va li đầy nhóc áo quần, nữ trang, cả dù hoa và giày cao gót. Ngoại nói một cách nghiêm túc là ngoại đưa tôi đến thụ giáo với một bậc thầy đáng kính trong giới chúng tôi. Ngoại sợ để tôi “rong rêu” kiểu này có ngày mang họa, mà ở nhà “lì lợm” như mấy hôm nay ngoại càng sợ hơn, nhất là tôi cứ đăm đăm nhìn xuống lòng giếng hoặc ngẩn ngơ nhìn vào đâu đâu.

Rõ ràng là tâm lý của tôi ngày càng phức tạp hơn. Thời tiết còn có dự báo chứ tôi thì giữa đồng tình – hân hoan – phẩn nộ không hề có ranh giới.

Ngoại nói:

-Mỹ Thuận à, về với người ta con phải ngoan và học hành tiến bộ. Mọi thứ đều có nhân quả, con hãy tin vào đó. Đức tin giúp con bình thản, vui lòng chấp nhận số kiếp. Rồi con sẽ tạo nhân tốt, ngoại tin sẽ tốt hơn những người đã sinh ra con.

Tôi nói:

-Con nào có làm hại ai đâu, ngoại

-Ngoại biết! ngoại biết! Chẳng qua là ngoại sợ con nghe lời cù rủ, ngoại sợ con đi làm cái gì đó. Người ta nói mấy đứa như con thích đi làm cái chỗ đó. Ngoại dặn: Trời sinh sao để vậy, đừng cãi ý Ngài trong trường hợp của con.

Tôi nói gắt:

-Trời đã không thương con, ngoại cũng không. Ngoại cản trở con nhiều quá.

Ngoại tôi cười:

-Thì ngoại đã công khai tình trạng của con trước dư luận và xã hội rồi mà, ngoại sắm cho con đủ các thứ con thích, sao nói là ngoại không thương?

– …

-Mỹ Thuận, cái tên của con đem gắn vào thân phận và số kiếp con, nghe thật oái oăm và nực cười nhưng nó bao hàm cái ý mà ngoại mới nói với con. Phải thuận ý Trời thôi con.

8.

Thế là tôi về với sư phụ.

Ở đây có nhiều đệ tử sàng sàng cỡ tôi. Chúng tôi thường sinh hoạt với nhau nên dễ hòa đồng. Tôi như vầy mà được xếp vào hàng lớn con, đẹp mã, ăn nói đàng hoàng. Trước đây chúng tôi mỗi đứa đều có việc làm tạm ổn ở quân nhà: Mai Hoa làm nghề uốn tóc, Minh Yến làm móng, Mỹ Lan bán quán cà phê, Diệp Thúy bán sách báo, Quỳnh Tiên coi bói, Lệ Thủy ngồi đồng, Thiên Nga bốc thuốc, Mộng Hoa bán mỹ phẩm… Cuộc sống chúng tôi nói chung là vậy nhưng thật ra lại rất tẻ nhạt vì chúng tôi ý thức rất rõ cái khoảng cách – đúng hơn là sự cách biệt – giữa mình với mọi người trong xã hội. Chúng tôi dễ dàng gây cho người khác cái cảm giác vừa khó chịu vừa buồn cười, cả cảm giác sợ hãi và khinh miệt… Không ai hiểu rằng bản thân chúng tôi cũng như mọi người đều có những bức bách riêng về tình cảm, cũng đam mê say đắm, cũng mãi miết đi tìm hỏi: “Một nửa của tôi đâu?”

Chúng tôi đến với nhau đơn giản chỉ vì không ai hiểu chúng tôi bằng chính chúng tôi. Bọn tôi cần được chia sẻ và đồng cảm. Mặt khác, sư phụ tôi phát biểu: “Ta kêu gọi các con đến đây không phải để đi hát phục vụ đám ma mà để làm một điều gì đó có ý nghĩa hơn trong cuộc sống. Các con có năng khiếu về ca nhạc, tại sao ta không thành lập một đội ca múa nói về mình?”

9.

Ca rằng:

“Bạn chỉ có thể gây ấn tượng
với những người chung quanh
sau khi bạn thành công trong việc đầu tiên
Bạn phải là một phụ nữ trước đã!
Điều quan trọng là phải tồn tại
phải ghi nhớ rằng
sự thật luôn là sự thật,
vậy cứ bước tới và không mặc cảm e ngại
Rồi bạn sẽ có thể vươn tới bất kỳ một ngôi sao nào
Khi ấy bạn có thể làm điều bạn muốn
Và hân hoan nói mình là chính mình,
nhưng trước tiên bạn cần phải là một phụ nữ (*)

Sư phụ bảo tôi:

-Mỹ Thuận, con phải độc diễn. Ta tin con diễn tốt tâm trạng và nỗi lòng mình qua hình hài của con.

Tôi không hiểu, ngơ ngác hỏi:

-Thế là sao ạ?

-Vì “sự thật luôn là sự thật, vậy cứ bước tới và đừng mặc cảm e ngại”. Sư phụ nghiêm trang nói.

Sư phụ hóa trang tôi thành một con người kỳ dị lạ đời. Đó là tôi. Thì ra tôi diễn tôi: Một hình thù gồm phân nửa bên tả có mái tóc cao, áo vét-tông, quần tây, nơ cánh bướm. Phân nửa bên hữu với mái tóc dài, mắt xanh, môi đỏ, má hồng, áo đầm xòe, giày cao gót… Ôi, một âm dương trái khuấy tội nghiệp trong một cơ thể duy nhất!

Vì đã nói tôi diễn, nên tôi ra sân khấu không cần nhập vai, tôi cũng chiếm lĩnh hết toàn bộ, dễ như chơi. Tôi vừa hát vừa nhảy một cách say đắm điên cuồng, tôi quên tôi trong hồn nhạc. Âm nhạc, điệu vũ chính là tôi. Tôi đưa lướt toàn thân, mặt khi hướng bên này, khi bên kia. Tôi không nhìn xuống khán giả để khỏi thấy cái cảnh những đôi nam nữ hạnh phúc ngồi bên nhau nhưng tôi biết chắc họ chăm chú nhìn tôi, cái hình tướng sắc phục ái nam ái nữ. Tôi không cần biết họ nghĩ gì về tôi, điều đó vô ích. Tôi chỉ biết rằng sân khấu là thứ có sức hút lớn nhất và tôi đang sống hết mình trong những âm giai cung bậc tuyệt vời nhất trên đời, ngay giây phút đó mà thôi.

Có ai tán thưởng và muốn chụp ảnh với tôi ư? Hãy chờ sau buổi diễn. Khi đứng bên tôi, một diễn viên múa tài ba, họ đâu còn nhớ cái hình thái lưỡng phân bề ngoài của tôi mặc dù sau đó tôi thui thủi một mình trong thân phận. Chính lúc này là lúc lòng tôi cồn cào nhớ ngoại. Tôi khóc. Cám ơn ngoại đã tìm cho con một lối thoát. Nghĩa nặng ơn sâu với ngoại, con chưa kịp trả.

Và trên nữa là thầy tôi, sư phụ biên đạo múa của tôi. Vì trong vũ khúc, tôi cảm nhận sự thôi thúc kỳ diệu, nó đưa tôi hòa nhập vào nghệ thuật, đó là đam mê, đó là sự sống, là tồn tại.

Giờ đây tôi mới thật sự là chính mình.

(*) Lời Việt dịch từ một bài ca nước ngoài

 

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.