Mạ tôi mất!
Năm sau anh tôi gửi thư về báo tin Bà mất.
Bà!
Thật sự tôi không bao giờ muốn sánh Bà với nàng Kiều nhưng hai người như cặp bài trùng luôn song hành trong trí tôi mỗi khi nhớ đến, Kiều bán mình chuộc cha nhưng Bà hoàn toàn không phải vậy. Bà là bóng mát, là gốc rễ để gia đình được vinh thân.
Truyền thuyết về Bà có nhiều, mặc sức cho người đời thêu dệt nhưng có một điều không chối cãi là hình ảnh người lính trong buổi “áp giải” tiến cung luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng, bám riết lấy Bà cho đến khi Bà mất.
Kiều tan nát đời hoa, chữ trinh chỉ còn giá trị tâm hồn nhưng Bà thì mãi mãi còn “tân” vì theo như nhiều người được biết về vua Khải Định… Phải, chính Bà là thứ phi vua Khải Định, người thứ phi cuối cùng của một triều đại vua chúa trị vì 143 năm trên đất nước Việt Nam này.
Tôi cắm nhánh hoa tường vi lên bàn thờ mạ, báo cho mạ biết Bà đã về cõi Phật. Bỗng nhiên hình ảnh con rệp trong tay áo Bà lóe sáng trong tôi.
* * *
Năm 1999, “Bà thứ phi” được báo Nhớ Huế đăng ở tập 44.
Cuối năm 2016, từ Hà Tiên, tôi qua Mỹ nuôi chị tôi bệnh, nhân đó động viên các con chị cho tôi đưa chị về nước. Chị muốn sau này được nằm bên ba mạ chúng tôi. Một ngày nọ có đôi vợ chồng người bạn của chị đến nhà thăm chị, lại có thêm cặp vợ chồng sồn sồn cùng đi cho vui. Nghe cái giọng miền Nam lơ lớ của cặp vơ chồng ham vui khiến tôi tò mò hỏi ra mới biết họ là người Huế.
Câu chuyện đẩy đưa không biết làm sao mà hai người đàn bà Huế chúng tôi cùng nhận ra nhau là bà con thuộc phòng Trấn Định (Trấn Định Quận công phòng). Họ cho biết sáng nay đã sửa soạn đi chùa nhưng lại đi theo anh chị này.
Trời ơi! Đúng là duyên số. Nếu chị tôi không đổ bệnh thì làm gì có buổi kỳ ngộ hôm nay để hai người vốn không quen biết nhau lại ở hai nơi rất xa, không thuộc Tổ quốc mình, cùng nhận ra nhau là bà con cật ruột, được “xuất xưởng” từ cái lò đế vương Minh Mạng, có quan hệ dì-cháu. Bởi vậy tôi làm sao ngăn được cảm xúc. Khóc chuyện mình sao lạ quá! Rồi cháu kể, nhiều năm qua, lúc “Bà thứ phi” của tôi còn sống, chính mẹ cháu tuy ở Mỹ nhưng là người cưu mang đùm bọc Bà. Khi Bà mất, tự tay cháu lo đám cho Bà, mấy năm sau cháu mới qua Mỹ. Tôi cũng khoe với cháu là tôi có gặp Bà và có viết về Bà.
Về Hà Tiên, tôi liền gửi bài “Bà thứ phi” cho cháu. Sau đó cháu trả lời nguyên văn:
Thưa dì,
Con đã nhận được lá thư trước của dì, đọc xong con vội lưu vào một chỗ riêng trong máy để trả lời, nhưng có lẽ vì cẩn thận như vậy nên con quên và khi nhớ sực ra thì không biết lưu ở đâu trong hàng trăm cái email quan trọng cần lưu lại trong máy.
Con biết thế nào dì cũng gởi bài cho con nên ráng chờ nhận được thì phải trả lời liền. Đọc bài dì viết về “bà dì Tân” con thật cảm động. Ngày nhỏ lên chơi nhà ông Cậu Biên con thường gặp bà sống trên một căn chòi lá rất đẹp và thơ mộng xây trong vườn nhà ông Biên. Cung cách thanh thoát pha trộn nét trong sáng và mơ mộng nhưng cũng xa cách với thế giớ thực tại của bà làm con vừa sợ vì xa lạ nhưng cũng vừa ngưỡng mộ. Những năm sau khi con gần 20 tuổi bà hay dắt con đi chơi nơi này, nơi kia bằng xích lô hay taxi, lúc này bà thực tế hơn, quên dần cung cách vua chúa ngày xưa và có một điều mà con nhận ra ở bà là nỗi niềm cô đơn và cuộc sống luôn luôn phải che giấu tâm trạng khao khát của mình. Bà rất thích bàn luận về tình yêu, điều mà suốt đời bà không được phép nghĩ tới cho bản thân mình. Bà luôn hỏi về đề tài này và luôn quan tâm để làm mai làm mối cho mấy đứa sau này trong nhà. Mỗi lần nghe chuyện yêu đương của đứa nào là bà vui và rạng rỡ lắm. Nghĩ đến bà thấy thật là uổng phí cho một tài năng, nếu như bà được sống bình thường như muôn người phụ nữ khác thì tinh hoa mới được phát tiết ra ngoài. Chắc chắn bà sẽ là một nhà thơ hay một nhà văn với những câu chuyện tình ướt át vì tâm hồn lãng mạn và nhạy cảm của bà. Con máy mắn được gần gũi bà khá nhiều, những ngày cuối đời của bà, có khi lên thăm bà, con phải leo qua hàng rào, vì nhà của bà mà bà bị đẩy lên sống trên sân thượng nóng như hỏa lò, phía dưới họ chiếm gần hết và đóng cổng chính lại “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nên con phải leo rào. Bà nằm một chỗ nên lưng bị lở loét và lủng một lỗ, lúc này bà đâu còn biết gì nữa đâu.
Con thầm so sánh và ngậm ngùi cho thế sự thăng trầm. Từ cuộc sống trong nhung lụa nhưng chua xót lẫn cay đắng của bà, rồi đến phút cuối đời trở thành một người vô danh chết thầm lặng trong cô đơn. Bà thật sự cô đơn từ trong cuộc sống đến tâm hồn. Con làm đám ma cho bà, một đám ma lặng lẽ với vài người thân thích nhưng không thân cận, không con cái lẫn bạn bè.
Những ngày cuối đời khi còn minh mẫn bà còn dặn dò một điều:”Nhớ lấy cái hình này để thờ cho dì nghe”, bà đưa ra một tấm hình chụp hồi trẻ rất đẹp. Bà muốn mọi người nhớ đến bà lúc nào cũng xinh đẹp, cao sang ngay cả khi bà đã ngồi trên bàn thờ. Bà tiếc nuối không phải cái thời vàng son trong cung cấm mà là tuổi thanh xuân mai một trong nỗi khát khao rất đời thường. Con hiểu điều đó và thấy ngậm ngùi làm sao. Con rất muốn việt một cái gì đó về bà nhưng bao năm qua không có dịp, nay dì viết thật hay dưới một góc cạnh trong cuộc sống của bà, nếu “người trong cuộc” đọc thì mới cảm hết được, phải không dì?
Con chúc dì và dượng luôn mạnh khỏe và gia đình luôn bình an dì nhé, bây giờ đã 1 giờ 30 sáng bên Mỹ, con hay làm việc khuya và cũng giờ này mới viết lách dông dài được dì ơi! Bao giờ dì Huyền về bên đó vậy dì? Kể ra sống bên này thì dù phương tiện hơn nhưng lại thiếu nhiều thứ, thôi để dì Huyền về bên đó ấm áp hơn phải không dì?
Khi nào rảnh dì viết thư cho con nhé. Số điện thoại của má con (xxx)
Thương quý
Con, Ánh Nguyệt.
(Xin phép Ánh Nguyệt cho dì đưa bức thư này của con vào chuyện “Bà thứ phi” của dì -tức bà Tân Du của dòng tộc mình- dì nhận thấy cả hai dì cháu chúng ta đều muốn kể những chuyện về một người tuy ở các góc độ khác nhau nhưng cùng phản ảnh thân phận người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến mà ta luôn tưởng rằng chỉ trong giai đoạn lịch sử đó, người phụ nữ mới phải hy sinh cả cuộc đời mình vì lợi ích riêng của gia đình, nhưng thật ra những thân phận ấy lại đầy dẫy ở bất cứ thời thế, xã hội nào, con ạ).