Có lẽ chỉ có Huế của Việt Nam mới có cái diễm phúc sở hữu hai sắc màu độc đáo của nhân loại. Đó là màu vàng, dành cho triều nghi vua chúa và màu tím của văn nhân. Người Huế, cả người không phải Huế mặc nhiên thừa nhận, coi như tự nó phải thế, có khi lại tự hào. Thời đó cả thế giới cũng biết vàng là màu của triều đình Huế qua vẻ đẹp rất mực dịu dàng của hoàng hậu Nam Phương trong sắc phục áo thụng vàng, khăn vành vàng, thay vương miện đính kim cương, hình ảnh con tem Bưu chính Việt Nam chạy khắp toàn cầu. Và mỗi người xưa cũ chúng ta, giờ đây, khi nói đến bà Nam Phương, tức thì cái màu dễ thương đó hiện ra, đồng thời liên tưởng đến khối kim loại vàng trong Tuần Lễ Vàng có bà tham gia tích cực, được nhân dân trân trọng và lịch sử đánh giá là rất tiêu biểu. Tôi tự hỏi, phải chăng vẻ đẹp của bà Nam Phương trong sắc phục vàng làm cái màu vàng trở nên sang trọng, quý phái hay chính màu vàng tôn vinh vẻ đẹp của bà thêm phần thiện cảm. Vàng Huế đặc trưng còn là màu nhũ vàng lấp lánh ở những câu liễn đối và những đại tự trong cung điện, phủ thờ nhà Nguyễn.
Ấy là vàng vua.
Những kẻ “biết điều” trong xã hội ta thời đó, không ai dám đụng tới vàng vua để dùng riêng cho mình, dù rất muốn.
Chuyện kể khi vua Duy Tân bị đày sang Réunion, vua cũng đòi cho được Vàng của Huế theo. Vàng vua bằng xương bằng thịt là bà Mai Thị Vàng, hoàng quý phi của vua (Bà sang Réunion ở cùng vua được hai năm thì lui về cố quận vì không hạp thủy thổ xứ người). Và vàng Huế, xưa, có nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, quê ở Quảng Trị, khi vô Huế học, có dịp đi qua một đồng lúa chín trĩu hột, vui quá, ông thốt lên: “Trên đồng lúa vàng”. Chẳng mấy chốc, những từ này trở thành điệp ngữ ở những nốt nhạc reo vui làm rộn rã lòng người – ca khúc nhạc đồng quê của ông – thời đó rất được ưa chuộng và trở nên nổi tiếng. Vàng Huế cũng là nắng vàng để cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lần chạnh lòng hỏi: “Nắng vàng, em đi đâu mà vội?”.
Cũng vàng Huế, thoạt tiên là sắc màu từ bi muôn thuở của chùa chiền miếu mạo. Nhưng có lúc vàng chùa phải chịu cảnh tang thương, áo cà sa nhuộm máu, đó là lúc Phật tử Huế đấu tranh chống chính quyền nhà Ngô đàn áp Phật giáo.
Vàng Huế tôi
Chiều hôm tê,
Thầy gọi
Xuống đường rồi.
Sư sãi tham gia
Chúng bắn vào ta
Biết bao người gục ngã…
* * *
Những năm còn khỏe, cô tôi thường nói với chung tôi – đám con cháu của cô – một cách tự hào rằng hồi đó cô học trường Đồng Khánh tức trướng Áo Tím Huế.
Tôi hỏi cô:
– Cô ơi, màu tím, áo đồng phục của các cô do nhà trường tự chọn hay do chính quyền chọn, biểu mình phải theo?
Cô nói cô không biết. Tôi lại hỏi:
– Cô vô đó học trước khi có đồng phục tím hay sau khi?
– Trước hay sau chi, tau cũng có mặc
Tôi hỏi nữa để bắt bí cô:
– Cô mặc áo tím đẹp quá, vậy cô có biết bài “Màu tím Huế” của nhà thơ Nguyễn Bính không?
– Tau thấy đẹp là đẹp, cần chi phải đọc thơ ai mới biết
Chúng tôi cười ồ lên, đồng thanh: “Cô mình đã quá!”
Khi cô tôi già yếu nhưng chưa mê muội, chỉ hơi lừng khừng nghễnh ngãng, không còn đủ sức “lỗi phải” với ai nữa, nhân đấy, chúng tôi hay giỡn với cô cho vui, có khi cô chưa kịp vui (do chậm trễ), chúng tôi đã bò lăn ra cười. Giỡn đi giỡn lại, thế nào cũng có đứa nói với cô: “Thưa nữ sinh áo tím, uống dùm “anh” ly sữa” hoặc là: “Thôi thế là em cách biệt rồi / Đường đi mỗi bước lại xa xôi / Tim tím rừng chiều, tim tím núi / Tim tím chiều hôm, tim tím mai / Ban chiều tim tím nhớ mong nhau / Đêm tối kìa em tím rất nhiều / Anh cúi xuống hôn màu tím giấy / Thư về em, tím nét thương đau” (1) Thấy chúng tôi, đứa nào cũng nhe răng ra cười, cô cười theo tỉnh khô, đưa tay cầm ly sữa uống cạn mặc dù trước đây “nữ sinh” rất sợ cái mùi sữa “tanh tưởi” này. Lạy trời, đó là cách dụ khị tốt đẹp, có hiệu quả nhất của bọn chúng tôi khi chúng tôi cần cung cấp cho cô phần dinh dưỡng sữa.
Bây giờ cô tôi nằm liệt giường. Chúng tôi không đứa nào dám giỡn với cô nữa. Mỗi đứa chia nhau ngồi bên cô canh chừng từng giọt nước thuốc chảy vào tủy xương cô. Thư Hương, cháu cưng của cô nghiêm chỉnh nói: “Cô ơi, con đọc thơ tím Huế cho cô nghe nì”. Cô không ừ hử. Nó đọc:
“Tui qua Đồng Khánh thẫn thờ
Áo O tím cả câu thơ tui rồi
Hôm tê thành nội mưa rơi
Nón O vừa đủ che đôi chúng mình
Răng O cúi mặt mần thinh
Tay vân vê áo, cho tình tui thương
…
Bằng lăng tim tím đường chiều
Tui nhung nhớ lắm hương yêu tím hồn
…
Mai này trên nẻo ngược xuôi
Trong tui tím Huế cả đời còn vương…” (2)
* * *
Trong nỗi đau, thời gian là liều thuốc tiên.
Trong vật chất, thời gian là sắc màu.
Màu thời gian ngăn ngắt rêu phong, xỉn mốc, bám víu bậc thềm, thành quách, cung điện, lăng tẩm và tượng đá. Ai đã từng đến Huế mà không nhận ra. Người ở Huế lại càng thấy rõ hơn. Và thời gian cũng làm phai nhạt sắc màu, xóa nhòa chính thể, biến “vàng” không phải của riêng ai, để cho, dầu là kẻ “thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần” cũng có thể thoải mái ung dung chơi màu “sắc tứ” của vua, chơi luôn tím e ấp, tím bâng khuâng ngập ngừng trong xiêm y, giày dép của họ. Bây giờ, vàng của vua cũng được mấy tay thợ chụp hình khai thác, hái ra tiền. Khách vào thăm di tích cung điện Huế, được họ mời chào, khoác vào người bộ áo mão xênh xang để làm vua trong chốc lát. Chàng nhạc sĩ kia lại khắc khỏai kêu lên: “Vàng phai”.
* * *
Mỗi lần ở Huế bị trời hành làm lụt lội bão tố thì cả nước đồng thanh kêu gọi: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương…” Thế là cái màu nhiễu đỏ trên bàn thờ tổ tiên chúng ta hiện ra nguyên hình như thúc bách chúng ta hãy nhanh chóng hành động bằng gạo, bằng rau, bằng câu an ủi.
Ai đã từng ở Huế mà không từng cảm nhận nỗi sợ hãi của mình khi bước vào phòng thờ, vốn âm u, vắng lạnh, bị mấy tấm nhiễu đỏ hớp hồn. Nhớ lần đó, mạ sai tôi vào bàn thờ lau chùi tro nhang và các thứ. Tôi đang lui cui, bỗng đâu có luồng gió ập vô làm ngọn đèn dầu chong trên bàn thờ lung lay rồi tắt phụp vừa lúc nhìn lên, thấy tấm nhiễu đỏ trên giá thờ cũng lung lay như ông bà mình trong đó sửa soạn bước ra. Tôi chưa kịp hét lên thì có con mèo đen “bất nhơn” đang rình chuột dười bàn thờ phóng mình nhảy sột một cái. Tôi rớt tim, xỉu liền tại chỗ. Sau trận đó, mạ tôi làm mâm cơm lớn, xin ông bà tổ tiên cho phép ba mạ tôi “hỏa táng” mấy tấm nhiễu đỏ. Từ đó chị em chúng tôi thoải mái vô ra phòng thờ, nhìn rõ chân dung ông bà mình, có khi vừa lau chùi dọn dẹp vừa hát.
Đỏ của Huế là đỏ của nhau rốn máu thịt. Đỏ của nhiễu điều yêu thương. Đỏ của cờ đỏ hòa bình, thống nhất đất nước. Đỏ của cờ, phướn trong các lễ hội đình đám.
Ôi, sắc màu Huế là nhịp tim, là sức sống của Huế.
(1) Thơ Nguyễn Bính
(2) Thơ Diệu Linh