Tiếng Hát Bên Kia Đồi

Trên con dốc đổ dài xuống bãi đậu xe, buổi sáng có sương mù. Mù sương như lụa trời không đủ che mờ hàng cây hay những ngôi nhà ven đường. Và không đợi mặt trời lên, nó tan biến sau khoảnh khắc.

Tôi nhớ rõ, qua khỏi con dốc này có một ngã ba. Rẽ trái, gặp con lộ rộng chạy tít tắp. Đường phân cách giữa lộ cũng dài theo, được trồng nhiều hoa, cả cây kiểng uốn hình chim nai ghe tàu trơ cứng. Nhưng biển đã chận nó bằng cái cổng bằng cao su đỏ rực bắc qua lộ, hằn lên giữa trời hàng chữ: “Kính chào quý khách”. Bên vệ đường cạnh cổng, nhân viên phòng bán vé cũng “chào” bằng nụ cười với cái vé vừa bán xong.

Đi bên tôi, Kha nói: “Vào ngày lễ hội nơi đây rợp bóng cờ, nhiều nhất là cờ chuối, đủ hết các màu sắc. Ngày đêm gió đánh phần phật, vui cả tai mắt”. Và tôi cũng nhớ bên phải, chỗ bãi đậu xe đi miết sẽ đến Dốc Mơ, lên Đồi Mơ. Sáng nay tôi quyết định không đến nhà Kha trên đó để chào bác trai, cha của Kha (bác gái mất đã lâu). Tôi không còn gì để thưa với bác thêm nữa. Mọi thứ đã ổn rồi. Hơn nữa, Kha còn nói thêm: “Cha mắng anh là đồ bất hiếu. Anh sợ nhất mấy tiếng này thốt ra từ miệng ông”.

Thật sự, tôi nhớ Kha gần muốn khóc. Giờ này có lẽ anh chưa thức. “Sớm quá mà” là câu anh cằn nhằn, khi mỗi sáng tôi thường rủ anh xuống biển bơi lội, ra ghềnh mò cua bắt ốc hay đi vòng vèo quanh xóm núi. Khám phá cảnh sắc thiên nhiên cũng là khám phá, khai hoang nội tâm mình, tôi nghĩ thế. Ngay lúc này tôi biết mình chỉ cần bấm máy nhắn tin thì dù đang say cả trăm cái giấc nồng hay đang ở đâu trong thành phố này, Kha cũng chạy vù đến, ôm chầm lấy tôi. Tiếc thay, trong khung cảnh quen thuộc đầy hơi ấm của Kha, tôi cần đơn độc. Sự đơn độc giúp tôi tỉnh táo chiêm nghiệm, xét suy trước khi quyết định chuyện hệ trọng đời mình. Tôi nhớ Kha thích pha trò và hay triết lý vụn để tôi cười vui, có khi tôi chống chế, giận hờn rất trẻ con. Thật ra, tôi chưa bao giờ là trẻ con hay tỏ ra nình còn con trẻ trước tình yêu của Kha. Không hẳn vì tuổi đời mài nhẵn, triệt tiêu hương vị một tình yêu “hoa lá cành” nơi tôi mà đó là vì bản tánh trời định sẵn.. Chưa bao giờ tôi biết nũng nịu, dỗi hờn với ai, cả với Kha. Không hứng thú gì, anh bảo: “Em lặng lẽ, đoan trang quá, thiếu hẳn sự nồng nàn say đắm!”.

Tieng Hat Ben Kia Doi 1

Đến đầu ngã ba, tôi định rẽ trái, quay về chỗ nghỉ là cái resort trong khu du lịch, tôi vừa đến ở. Rồi sẽ mua cái vé “Trò chơi trượt máng” nghĩa là được ngồi trong lòng máng, nó kéo mình lên đỉnh núi, bất thần đâm ào xuống tận chân núi chỉ trong nháy mắt. Tìm cảm giác mạnh, xua tan nỗi buồn là đúng thôi. Ác thay, điều tưởng như vô tình đó lại xoáy vào khổ đau. Hóa ra chính tôi chứ không ai khác đi tìm khổ đau cho mình. Tôi từng trân quý, đeo đẳng cái cảm giác nồng ấm tinh khôi cả cảm giác được bảo bọc che chở khi lần đó tôi cùng anh ngồi máng trượt. Máng vừa trượt dốc, tôi “đoan trang” ngày nào, giờ ôm rịt lấy anh, hét toáng. Hai chúng tôi dính cứng vào nhau, khống chế nỗi sợ hãi (phần lớn là do tôi). Trong khi những người cùng chơi thì vui sướng hét la vang rền góc núi, lại hối thúc anh cho máng trượt xả hét tốc lực, càng nhanh càng thích. Lúc rời máng bước ra, Kha gần như phải ẵm tôi lên, vuốt ngực, xoa đầu.

Rồi tôi sẽ tắm biển. Biển êm như mặt hồ, thỏa sức tôi bơi lội. Thả bè là nằm ngửa trên nước, trôi tự do. Có cai nón rộng vành che nắng, tôi tha hồ nhìn trời mây, đếm từng con chim bay qua lượn lại và nghe cả tiếng hát, tiếng cười nói lao xao đâu đó trôi trong nước, vỗ nhẹ vào hai tai thứ âm thanh xa vắng lạ lùng như từ cõi âm u nào rất xa vọng lại. Có khi tôi tưởng mình đang ngủ thật êm.

Bước chân đưa tôi đi dài cho đến khi tôi nghe tiếng hát văng vẳng. Tôi bắt đầu chú ý đến điệu nhạc và đi tìm. Càng lúc tiếng hát càng rõ dần. Khi thì: “Anh là trai phải ra chiến trận phen này”. Khi thì: “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi. Ngắm mặt biển xanh xa tít chân trời…”.Khi thì: “Nòi giống Lạc Hồng, giống Rồng Tiên, nguyện ôm bao đời đất mẹ…”. Khi thì: “Búa liềm vàng rực giữa trời, là niềm hy vọng chói ngời tim ta…”

Từ Dốc Mơ, đứng bên bờ ruộng vừa gặt xong, tôi ngây ngất trong mùi rạ ẩm vừa nhìn lên đồi Mơ, chợt tôi nhận ra mình rất hiếu kỳ, mãi nhìn những cụ ông cụ bà trong bộ đồng phục trắng đang tập thể dục dưỡng sinh, cạnh nhà Kha. Họ tập những động tác nhẹ nhàng từ tốn, theo từng bài hát riêng. Có lúc họ dùng gậy, vòng Olympic hoặc cờ. Những tay cờ đỏ rực chụm vào nhau, tay kia bung xòe rồi cất cao như những cánh hoa vừa nở. “Hoa” di chuyển thật nhẹ nhàng bỗng dưng tách rời đi về hai phía xuống sườn đồi vừa lúc tiếng nhạc dứt. Lòng tự nhiên vui. Tôi thoạt thấy bác trai trong mấy cụ già, cầm cờ đi trở lên.

Buổi sáng như loãng ra.

Tieng Hat Ben Kia Doi 2

* * *

Cuộc viếng thăm nhà Kha lần đó, tôi thừa sức hiểu chuyện gì sẽ đến với tôi. Bác trai cha của Kha là ông Thu, sau ngày vợ mất, ông dồn sức chăm sóc gia đình, quản lý các con kỹ lưỡng. Đặc biệt, ông không tục huyền mà ở vậy cho đến già lão, lấy việc tập luyện dưỡng sinh, chăm sóc cây cảnh làm thú tiêu khiển. Có lẽ nhờ vậy, các con ông đều chăm ngoan tiến bộ. Đôi khi ông tự hào về sự thành đạt của con mình. Nhưng gần đây, ông có chuyện không vui với Kha. Kha được học bổng đi học bốn năm tại Trung Quốc. Ở đây Kha gặp tôi, bạn cùng lớp. Tôi là dân Ba Tàu Chợ Lớn chính gốc, được sinh ra và lớn lên ở Chợ Lớn, thuở nhỏ học trường Tàu, nói tiếng Tàu, tiếng Việt thông suốt. Chúng tôi vừa tốt nghiệp, được yêu cầu ở lại Trung Quốc làm việc hai năm như một cách đền ơn đáp nghĩa. Nếu không, phải hoàn trả bốn năm học phí. Ông Thu bảo Kha cứ chọn phương án hai. Ông sẵn sàng bán đất thừa tự của mình để giải quyết sòng phẳng, mặc Kha nài nỉ van xin. Ông nói: “Cha tin con, lại tin cuộc đời vô thường, làm sao biết được điều gì xảy ra trong hai năm đó. Cha tiếc đã cho con học bên ấy, có lúc cha ân hận. Cha càng không muốn dòng tộc “máu me” nhà mình bị pha tạp. Cha van xin các con đừng làm cái chuyện mà cha không ưa”. Ông còn nói với Kha nhiều hơn thế. Buồn cười thay, phần tôi, chệt (*) nói chết muốn tôi tìm lại cội nguồn, trở về quê cha đất tổ lập nghiệp, sinh sôi nẩy nở (!)

* * *

Tôi yêu Kha, xao xuyến nhớ anh quá chừng. Một thân một phận, đứa con gái là tôi, xách gói vượt trên 300 cây số, trở lại thành phố quê anh, có anh hiện hữu mà tôi im hơi lặng tiếng như thế này, sao gọi là “đoan trang”? Tôi nực cười trong mắt lệ. “Nồng nàn”, “Say đắm” là gì tôi chưa hiểu. Chỉ biết rằng, nếu quả thực có giác quan thứ sáu và chúng tôi có duyên nợ với nhau thì hãy cho anh thực hiện cái giác quan đó là lang thang để gặp tôi, đến với tôi đêm nay. Lạy trời cho anh đi qua đời tôi trong đêm nay bởi sự ân cần dâng hiến.

Ngày mai, khi tiếng hát bên kia đồi vọng lại, tôi đã về với Mẹ.


Chú thích :

(*) Tiếng Tàu, có nghĩa là cha

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.