Tôi bỗng giật mình khi lần lượt gọi tên hai nữ sinh vào phòng thi kỳ thi học sinh giỏi hôm ấy. Một em mất bàn tay phải, một em có hai chân quá chênh nhau.
Hình ảnh đó buộc tôi nhớ tới Thanh, thì ra suốt mấy mươi năm qua, tôi đã mê muội ở phương trời nào mà quên hẳn em như quên chiếc lá khô bên đường. Bây giờ thì ray tứt.
Em Thanh,
Hẳn em còn nhớ dạo ấy, năm 196…, em là nữ sinh của cô, lớp Ba trường Nữ Tiểu Học Phan Thiết. Em ốm nhỏ tong teo, hai tay khẳng khiu, hiện hữu nhưng vô dụng. Chiếc cặp, ai đã quàng vào em khi tan trường và ai đã mở ra cho em khi em vào học? Ai đặt em ngồi bàn đầu, chiếc bàn dài chỉ có em và Bích?
Và ngày nào, ông Trưởng ty Tiểu học vào lớp, em làm gì để cô và các bạn phải nhỏ lệ, ông Trưởng ty xoa đầu em thương cảm? Từ đó rất nhiều đồ chơi, dụng cụ học tập, bánh kẹo của Ty Tiểu học, của các thầy cô, các bạn gửi đến tặng em và có cả tiền nữa, em nhớ không? Riêng cô, vì không muốn thấy em vất vả dùng chân chải tóc nên cô thường đến trường sớm hơn, chải lại cho em suối tóc mềm óng ả, không quên buộc nơ vào hai chùm tóc vổng đuôi chồn.
Thế mà em đã bỏ trường bỏ lớp ra đi. Đúng hơn, có người buộc em phải làm thế. Em nghỉ học rồi, kể về em, buồn như kể về cái đám ma nhỏ âm thầm.
Bọn nó cướp mất em. Cướp mất tuổi thơ của em. Các bạn kể, sau khi ngả giá, chúng đến nhà em, làm hung làm dữ với mẹ. Buộc bà phải đích thân đến trường gọi em về nhưng em không chịu về. Đợi đến tối, chúng áp vào nhà, trao cho mẹ số tiền gấp bội. Thế là hết. Hết một đời học sinh tươi đep của em. Bắt đầu mở ra trang sử mới thảm thương đời em. Nghe em khóc và chạy trốn, cô càng thương em hơn. Tự hỏi, sao có kẻ ác tâm, tung tiền mua đứng em thơ, ngang nhiên khai thác, kinh doanh trên thân thể tật nguyền của em? Và tại sao lúc đó không có ai lên tiếng đứng ra bảo bọc, che chở em? Ngay cả bản thân cô?
Em Thanh,
Em đã bị đòn một ngày mấy trận vì em không chịu biểu diễn với khỉ áo đỏ, không chịu chải tóc, viết chữ, đánh trống bằng chân? Em không biết điều mong muốn duy nhất của bọn chúng là em phải làm thật nhiều trò lạ mắt để người đời mua vui, có thế, chúng mới thu nhiều lợi nhuận. Đó là tội ác và lòng tham, chắc em chưa hiểu.
Có bạn kể, một hôm thấy em vừa khóc vừa hô cho khỉ làm trò. Nhiều khi chúng bắt em đứng hát nghêu ngao lấp đầy thời gian chúng giải lao.
Nói về em, tim cô thắt lại, thế là không bạn nào dám nhắc đến em nữa. Bẵng một dạo, cô hay tin đoàn xiếc bán thuốc Sơn Đông “của em” tan rã (cô chắc là tại em). Chúng bán em với giá cao cho đoàn xiếc lớn ở Sài Gòn ra. Nghe thế tự dưng cô vui lên. Tưởng rằng cuộc sống của em giờ đây có thể sẽ khá hơn vì ông chủ là người của hòn ngọc Viễn Đông, em à! Nhưng biết đâu em nhỉ, có ai cấm được bọn chúng khai thác, sử dụng tài nghệ của em một cách tinh vi, triệt để hơn…
Em Thanh, giờ em ở đâu?
Cô muốn hỏi: “Về chủ mới em sống ra sao? Làm sao em có thể đương đầu với những khó khăn vất vả đầy cạm bẫy giữa cuộc đời? Có người đàn ông nào thương em thật lòng, xây dựng gia đình hạnh phúc với em hay em vẫn còn nghiệp chướng nặng nề với chúng? Có ai thật tình giúp đỡ em hay họ chỉ muốn lợi dụng sự trong trắng ngây thơ của em? Em có được may mắn như bé Remy trong truyện “Vô Gia Đình” được ông già thương yêu?”
Ôi Thanh ơi, cả trăm câu hỏi cần giải đáp dằn vặt làm cô ray rứt không yên. Có ai biết em Thanh tật nguyền, học lớp Ba trường Nữ Phan Thiết mấy mươi năm trước, nay ở đâu?
Thanh ơi, em ở đâu?
* * *
Không phải hình như mà chính là tôi đã gặp Thanh. Em hát. Vì chỉ có em mới hát được những lời ca chất ngất thương đau, nghẹn ngào nức nở: “Thành phố đã vào hè, bạn bè đã vào hè mà sao em còn trong mê mãi”… Con ve đã kêu hè mà sao em còn trong đớn đau… Ôi, đứa em cút côi… Từ đây không còn được ca hát nữa… Ôi, đứa em cút côi… chúng đã giết em rồi…” Tiếng vỗ tay rào rào cùng lời hoan hô của khán giả làm tôi sực tỉnh. Không. Không phải em mà là người thí sinh bất hạnh ngày nào tôi gặp trong phòng thi. Thanh ơi, sao có sự ngẫu nhiên trùng hợp kì lạ đến thế? Duyên phận nào đưa tôi đến nhập cuộc vui “Tiếng hát hoa phượng đỏ”để gặp lại bé cụt tay. Thêm một lần ray rứt. Về cả hai.
Vẫn không thôi, một lần nữa, tôi nhìn thấy em. Em xiếc. Chính em trong đoàn xiếc đang biểu diễn múa dẻo, uốn lượn, bất thần ngửa người, dùng chân bắn một mũi tên xuyên thủng quả bóng đang treo. Bể nát. Tôi vui mừng vụt gọi: “Thanh! Thanh!” lạc trong tiếng vỗ tay tán thưởng. Và ánh đèn bật sáng. Thanh của tôi vụt biến. Hiển hiện là một bé gái trong đoàn xiếc Rạng Đông. Chỉ có thế.
Thanh ơi… Bây giờ em ở đâu?
Phải chi từ bao năm qua tôi đừng vô tâm phó mặc, quên bẳng em như quên chiếc lá khô lăn lóc bên đường.