Tìm Hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 61: Đổi Mới Sinh Hoạt Gia Đình Phật Tử Như Thế Nào? (tt)

G

TÌM HIỂU VỀ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

CHƯƠNG IV:

NHỮNG THUẬN LỢI VÀ THÁCH THỨC

ĐỐI VỚI
 SINH HOẠT GĐPT HIỆN NAY

1) Những thuận lợi chủ quan và khách quan

2) Những khó khăn chủ quan và thách thức từ hoàn cảnh khách quan

3) Đổi mới sinh hoạt GĐPT như thế nào?

KỲ 61

ĐỔI MỚI SINH HOẠT GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

NHƯ THẾ NÀO?


(Tiếp theo kỳ trước)

Kỳ trước, chúng tôi đã nêu lên một số đánh giá sai lệch về sinh hoạt GĐPT, dẫn đến những cách thức đổi mới sinh hoạt GĐPT không hiệu quả và đi lệch mục đích và tôn chỉ giáo dục của tổ chức Áo Lam.

Trong bài viết kỳ này, chúng tôi xin giới thiệu đến độc giả gần xa về tinh hoa và sự “quyến rủ” của sinh hoạt GĐPT đối với tuổi trẻ, đã thu hút hàng triệu  thanh, thiếu, đồng niên đến với tổ chức Sen Trắng suốt hơn 60 năm qua, từ khi tổ chức này ra đời.

Chính những giá trị tinh thần này đã tạo nên sức quyến rủ của GĐPT, chứ không phải những thứ vật chất mà thế gian cho là quý báu như: tiền bạc, lợi danh, địa vị, chức tước, quyền lực…hay những thú vui giải trí tầm thường theo kiểu “mì ăn liền” làm nên giá trị của GĐPT.

III.TINH HOA VÀ NÉT QUYẾN RỦ CỦA SINH HOẠT GĐPT:

Trước khi nói đến những giá trị đích thực của GĐPT, chúng tôi thấy cần xác định chân dung người đoàn viên GĐPT.

1)Chân dung người đoàn viên GĐPT:

Tìm Hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 61
Chân dung người đoàn viên Gia Đình Phật Tử (ảnh minh họa).

Có một thực tế ở đời là: “Cái gì mà mọi người cho là tốt đẹp nhất thì không phải ai cũng thích; Cái gì mà mọi người cho là xấu xa nhất thì không phải ai cũng ghét”. Bởi vậy, trong cuộc sống này có đủ hai mặt tốt và xấu: người hiền đức và kẻ bất lương;  điều thiện và điều ác; có những thầy thuốc tận tụy cứu người thì cũng có những kẻ buôn ma túy giết hết thế hệ này đến thế hệ khác. V.v…

Từ đó suy ra: sinh hoạt GĐPT không phải ai cũng thích. Chỉ có những con người có các tố chất sau đây mới yêu và gắn bó suốt đời với huy hiệu Sen Trắng.

1- Đó là những người có chủng tử Phật pháp trong tàng thức từ lúc lọt lòng mẹ. Lớn lên, khi tiếp xúc với những gì có liên quan đến đời sống tâm linh Phật Giáo như: hình ảnh ngôi chùa quê, bóng dáng hiền lành của chư tăng ni, âm ba tiếng chuông chùa ngân vang mỗi buổi sáng sớm hay lúc chiều tàn v.v… liền có cảm tình một cách tự nhiên như đã thân quen từ kiếp nào. Lớn thêm chút nữa, có cơ hội tiếp xúc với giáo lý Đạo Phật, họ chấp nhận ngay luật nhân quả – luân hồi – nghiệp báo và khái niệm tội – phước cùng nhiều giáo lý khác… của đạo Phật như thể họ đã được dạy khi còn nằm trong bụng mẹ.

2- Đó là những người có cuộc sống lương thiện, thích làm việc lành, sợ làm điều ác, sống một cuộc sống ít bon chen, thường bị đời chê là “nhát gan” và “an phận” . Dù ở ngành nghề nào, họ vẫn chỉ là người thừa hành nhiệm vụ một cách tận tụy, âm thầm. Họ không bao giờ có đủ điều kiện để phất lên làm những ông chủ “hét ra lửa” hay những đại gia “xài tiền như nước” hoặc là những vị “tai to mặt lớn” ăn trên ngồi trước trong xã hội.

3-Đó là những người tuy không giàu mà lại có tánh hay bố thí, dù chỉ là một vài món tiền nho nhỏ; thích giúp đỡ người khác bằng khả năng của mình và nhất là muốn chia sẻ với mọi người về Phật Pháp mà họ xem như món tài sản quý nhất trong đời. Họ thường bị những người thân trong gia đình chê là “ăn cơm nhà đi lo việc thiên hạ” . Đôi khi họ cũng mang tiếng là  “không biết làm giàu”.

4-Đó là những người có tâm hồn trẻ thơ dù họ đang ở bất cứ độ tuổi nào. Họ yêu trẻ thơ và trẻ thơ cũng yêu thương họ. Họ có thể từ chối một thú vui cá nhân để không phải bỏ một buổi sinh hoạt Gia đình mà nơi đó có đàn em đang chờ đợi họ. Ngoài quyến thuộc trong dòng tộc, họ còn có một quyến thuộc cũng thân thương không kém, đó là Gia đình Áo Lam.

Tìm Hiểu về Gia Đình Phật Tử – Kỳ 61
Đoàn viên Gia Đình Phật Tử là những người yêu thích trẻ thơ (ảnh minh họa).

2)Những giá trị đích thực của sinh hoạt GĐPT cần phát huy:

2/1-Tình thương: Chất keo gắn kết mọi thành viên trong một đơn vị GĐPT chính là tình cảm yêu thương trong sáng của những đoàn viên Áo Lam dành cho nhau. Họ đối xử với nhau, trong nhiều trường hợp, còn thân ái hơn anh chị em một nhà. Điều này cũng dễ hiểu bởi họ có chung một lý tưởng, một con đường để đi, đó là con đường Đạo Pháp.

Vì vậy, người lãnh đạo một đơn vị GĐPT muốn cho đơn vị mình thu hút đông huynh trưởng và đoàn sinh (gọi chung là đoàn viên) thì phải làm sao cho Tình Thương lan tỏa khắp mọi người trong Gia đình. Làm gương trước hết phải là giữa huynh trưởng với huynh trưởng, rồi đến huynh trưởng vơi đoàn sinh và tiếp tục lan tỏa giữa đoàn sinh với đoàn sinh trong cùng một đoàn, sau đó lan rộng ra giữa đoàn sinh các đoàn trong cùng Gia đình.

Muốn xây dựng tình thương trong Gia đình, trước hết cần bắt đầu bằng một hình thức căn bản là đoàn kết, tức là không chống báng nhau, không có cái kiều “bằng mặt chớ không bằng lòng” giữa huynh trưởng với nhau. Có đoàn kết, không chống báng nhau mới có thể nói đến tình thương.

Nếu một đoàn viên đến với tổ chức GĐPT mà được sống trong một môi trường tràn ngập tình thương, người đoàn viên ấy sẽ gắn bó lâu dài với đơn vị. Trái lại, nếu trong một đơn vị Gia đình mà thiếu tình thương, huynh trưởng chống báng nhau ra mặt, hoặc bằng mặt mà chẳng bằng lòng, thì đó chính là nguyên nhân làm cho Gia đình lần hồi sa sút về số lượng và dẫn đến sa sút nhiều mặt sinh hoạt khác.

Nếu một đoàn viên đến với tổ chức GĐPT mà được sống trong một môi trường tràn ngập tình thương, người đoàn viên ấy sẽ gắn bó lâu dài với đơn vị (ảnh minh họa) 

Nếu một đơn vị đã thiếu tình thương giữa mọi người với nhau thì đoàn viên sẽ sinh ra tâm lý chán chường, không còn cảm thấy vui thú khi đến chùa sinh hoạt nữa. Nỗi chán chường này rất dễ lây lan ra toàn đơn vị, hậu quả là Gia đình ngày càng vắng bóng đoàn viên. Người lãnh đạo đôi khi không nhận ra điều này, họ tưởng rằng, muốn cho Gia đình đi lên thì phải cứu nguy bằng cách tổ chức cho Gia đình đi chơi xa; hoặc tổ chức những game show bắt chước Đoàn Thanh niên ngoài đời; hoặc tổ chức đội bóng đá, đội văn nghệ v.v… Tất cả những chiêu trò này đều rất tốn kém (trong khi GĐPT là rất nghèo!). Kết quả của những nỗ lực trên có thể khơi dậy sức sống cho Gia đình được một, hai tuần đầu, nhưng nếu tình trạng mất đoàn kết, thiếu tình thương trong đơn vị vẫn không cải thiện được thì dù có tốn bao nhiêu tiền đi nữa, thì rồi đơn vị cũng lại tiếp tục lún vào vũng lầy chán chường như cũ, trong khi khả năng tài chánh của ban huynh trưởng đâu có đủ để tổ chức hết đợt đi chơi này đến đợt đi chơi khác cho đoàn sinh ?

Đổi mới sinh hoạt GĐPT như kiểu trên đây là không khả thi và không hiệu quả. Trong khi cái giá trị đích thực của sinh hoạt GĐPT là Tình Thương đã không có, thì dù tổ chức bất cứ hình thức “cứu nguy” nào cũng đều là “uống thuốc không đúng bệnh”.

Uống thuốc không đúng bệnh thì đừng hỏi sao vẫn cứ còn bệnh hoài?

(Còn tiếp…)


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 10 năm 2024
29
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 3
Ngày Bính Dần
Tháng Giáp Tuất
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
27
Tháng 09
Kiên Giang