Xin bác sĩ cho biết tại sao ta lại đổ mồ hôi, nhất là khi trời nóng bức?
Trần Quỳnh
Ðổ mồ hôi là một hiện tượng sinh học tự nhiên và lành mạnh với nhiệm vụ quan trọng là giữ nhiệt độ cơ thể bình thường. Hệ thần kinh giao cảm nằm ở mặt trong của lồng ngực điều khiển sự hoạt động của các tuyến mồ hôi. Khi thần kinh này quá nhậy cảm thì mồ hôi tiết ra nhiều.
Ðàn bà có nhiều tuyến mồ hơn đàn ông nhưng các ông lại sản xuất nhiều mồ hôi hơn quý bà vì tuyến của họ hoạt động mạnh hơn.
Ở người khỏe mạnh, mồ hôi thường toát ra khi làm việc lâu và mạnh nhất là trong môi trường không gió hoặc đi bộ giữa trưa hè, thời tiết nóng nực.
Khi nhiệt độ trong cơ thể lên quá 37º C, các mạch máu ngoại vi mở rộng, chứa nhiều máu để đẩy bớt hơi nóng trong người ra ngoài rồi lưu hành trở lại với máu mát hơn.
Nếu nhiệt độ không khí tiếp tục lên cao, sự thoát nhiệt qua máu không đủ và cơ thể phải tiết ra chất lỏng để tán nhiệt. Ðó là sự đổ mồ hôi trên da. Trong một giờ, cơ thể có thể toát ra tới 1,5 lít mồ hôi. Nếu mồ hôi mất nhiều quá mà không được bù đắp thì ta có thể sỉu, bất tỉnh vì máu lưu thông tới các cơ quan giảm, nhất là hệ thần kinh.
Mồ hôi là chất nước trong không mầu, kiềm tính với 2% vật thể đặc. Bình thường, mồ hôi gồm có nước, muối sodium chloride, potassium,urea.
Ðông y coi Ðổ Mồ Hôi như một hình thức trị bệnh để loại trừ một số tác nhân độc hại xâm nhập cơ thể. Gây đổ mồ hôi là một trong ba phương thức trị bệnh cổ truyền: Gây ói, gây xổ và gây đổ mồ hôi. Cạo gió bằng dầu nóng, đánh cảm với cám rang là để ra mồ hôi, xông với lá Hương Nhu làm nhẹ vài bệnh nóng sốt.Và ngày nay người ta tắm hơi, ngồi sauna cũng cùng mục đích để toát mồ hôi. Cho người thư dãn, sảng khoái và cũng để nhẹ bớt mấy cân của tấm thân hơi bồ sứt cạp.
Nhưng mồ hôi nhiều ít cũng đưa tới một vài khó chịu cho cơ thể, đôi khi bệnh hoạn.