Những vấn đề sức khỏe ngày tết và lời khuyên từ chuyên gia

G

Tết đến xuân về là thời điểm họp mặt của người thân, bạn bè. Đây cũng là dịp các lễ hội truyền thống diễn ra liên tục. Mọi người thường quá mải miết với các cuộc vui mà “bỏ bê” sức khỏe. Bên cạnh đó dịp cuối năm đầu xuân, đa phần nếp sống sinh hoạt của mọi người bị xáo trộn đặc biệt về chế độ dinh dưỡng và tập luyện thể thao kéo theo các vấn đề về sức khỏe phát sinh hoặc phát triển theo chiều hướng xấu.

1. Những căn bệnh thường phát sinh vào dịp Tết

Là kỳ nghỉ quý giá trong năm để mọi người nghỉ ngơi sau một năm miệt mài làm việc và cống hiến song Tết cũng là thời điểm mà nhiều bệnh tật phát sinh, như:

  • Rối loạn tiêu hóa. Đây là tình trạng thường gặp vào dịp Tết. Người bệnh thường vó biểu hiện đau bụng sau khi ăn, chướng bụng đầy hơi, khó tiêu. Có thể xuất hiện nôn, buồn nôn, tiêu chảy. Rối loạn tiêu hóa được hiểu là tình trạng ăn uống quá nhiều, vượt qua khả năng tiêu hóa và hấp thụ bình thường của cơ thể, bắt buộc cơ thể phải đào thải bớt thức ăn ra ngoài. Ví du như khi một người ăn uống quá nhiều thứ một lúc hay ăn uống quá nhiều dầu mỡ và các thực phẩm khó tiêu hay uống qua nhiều bia rượu thì sẽ bị đầy bụng, chướng hơi, buồn nôn, có thể nôn sau đó tiêu chảy. Với bệnh này thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn, có thể cho người bệnh uống men tiêu hóa, nhai một ít gừng tươi, ăn các thực phẩm có tác dụng hỗ trợ cho tiêu hóa như sữa chua… và đi lại nhẹ nhàng sau khi ăn để hệ thống dạ dày ruột hoạt động hiệu quả hơn. Nếu sau đó các triệu chứng vẫn không đỡ thì có thể đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị.
  • Ngộ độc thực phẩm: Do vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm dịp lễ Tết rất phức tạp và khó kiểm soát nên rất nhiều vụ ngộ độc thực phẩm xuất hiện. Đa phần có biểu hiện đau bụng, nôn mửa, đi ngoài, sốt nhẹ và mệt mỏi nhiều. Chất độc ở đây có thể là các chất phụ gia cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất  hoặc độc tố vi rus, vi khuẩn, các độc tố được tao ra do quá trình hư hỏng của thực phẩm hay thậm chí là độc tố người sản xuất vô tình hay cố ý cho vào. Tùy theo loại chất độc mà người bệnh có thể có các biểu hiện khác nhau. Các biểu hiện của bệnh thường xuất hiện sau khi ăn khoảng từ 30 phút, người bệnh có thể thấy đau bụng, buồn nôn, nhức đầu choáng váng, sau đó nôn nhiều hoặc tiêu chảy, kèm theo đó người bệnh có thể bị sốt nhẹ… Mức độ trầm trọng của bệnh sẽ khác nhau tùy theo mức độ độc và loại chất độc. Khi các triệu chứng này xuất hiện, cần ngưng sử dụng ngay các thực phẩm nghi ngờ và đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà hay dùng các loại thuốc dân gian hay thuốc tây để làm cầm tiêu chảy hay giảm nôn mửa.
  • Dị ứng thực phẩm: Tết là dịp mà mọi người có thời gian rảnh rỗi để chế biến những món ăn mới lạ hấp dẫn. Tuy nhiên đối với nhiều người có cơ địa dị ứng thì đây chưa hẳn là ý hay. Nhiều người khi ăn thực phẩm lạ nhất là hải sản lạ có biểu hiện ngứa toàn thân, nổi dát, hoặc các đốm xung huyết, xuất huyết. Nặng hơn có thể khó thở và tím tái cần cấp cứu ngay.
  • Viêm tụy cấp: Câu nói kinh điển trong y văn về nguyên nhân của viêm tụy cấp là viêm tụy sau bữa ăn thịnh soạn. Phần lớn tất cả các trường hợp viêm tụy cấp đều xuất hiện sau một bữa ăn giàu dinh dưỡng. Người bệnh có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, nôn ói dữ dội, người mệt lả kèm theo sốt và nhịp tim nhanh… Những trường hợp này nên đưa đi viện cấp cứu ngay.
  • Tăng đường máu đột ngột: Những ngày Tết quả là những ngày khó khăn với người bệnh tiểu đường trong việc duy trì và kiểm soát chỉ số đường máu. Các món ăn đặc trưng ngày Tết như bánh trưng, bánh tét, mứt… thường có hàm lượng đường và tinh bột cao. Việc ăn các thức ăn này với lượng nhiều không kiểm soát có thể dẫn dến tình trạng đường máu tăng cao có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm.
  • Các cơn gout cấp: Cũng giống như viêm tụy cấp, gout cấp cũng xảy ra sau bữa ăn giàu dinh dưỡng và chất đạm. Các cơn gout cấp đa phần khởi phát vào ban đêm với đặc trưng sưng nóng đỏ đau khớp bàn ngón chân cái (cũng có khi gặp ở các khớp khác như khớp cổ chân, khớp cổ tay, khớp ngòn tay, gân gót… trong các thể không điển hình)
  • Tăng huyết áp: Là một trong các bệnh thuộc nhóm rối loạn chuyển hóa bởi vậy chịu rất nhiều sự ảnh hưởng từ chế độ ăn uống và sinh hoạt. Việc sử dụng rượu bia, chất kích thích, các thức ăn sẵn đóng hộp, các loại thực phẩm muối chua, đồ ăn nhiều dầu mỡ là nguyên nhân khiến cho chỉ số huyết áp tăng cao.
  • Các vấn đề về bệnh tim mạch: Hàng năm mỗi dịp lễ Tết số ca nhập viện cấp cứu về bệnh lý tim mạch trong đó có nhồi máu cơ tim, đột quỵ tăng đột biến. Đây phần nhiều là hậu quả của tình trạng tăng huyết áp, tăng đường máu, tăng rối loạn chuyển hóa…
  • Ngộ độc rượu: ngộ độc rượu có thể là do uống quá nhiều rượu bia hoặc uống phải rượu giả. Những ca ngộ độc rượu luôn chiếm tỷ lệ cao trong các ca nhập viện ngày Tết sau tai nạn giao thông. Ngộ độc rượu khi không được cấp cứu kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến tử vong.

Lý do dẫn đến sự bùng phát của các căn bệnh vào dịp Tết

  • Tâm lý cả năm mới gặp gỡ nên vui hết mình, bỏ quên việc dùng thuốc và kiêng khem dẫn đến bệnh chuyển biến xấu và biến chứng. Điều này thường gặp ở các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính cần dùng thuốc thường xuyên như tăng huyết áp, đái tháo đường…
  • Tâm lý kiêng kị dùng thuốc và nhập viện đầu năm vì sợ cả năm bị “dông”, ngại phiền hà con cháu dịp Tết… dẫn đến việc nhiều người điều trị tại nhà, chậm trễ nhập viện.

Đấy là chưa kể đến tình trạng say rượu tai nạn giao thông, đâm chém nhau hoặc tình trạng bị thương do pháo nổ… luôn khiến các phòng cấp cứu ngày Tết quá tải.

Một đối tượng khác cũng cần được quan tâm ngày Tết đó là trẻ em. Những ngày nghỉ Tết trẻ không phải đi học kéo theo đó là hàng loạt các xáo trộn trong sinh hoạt, ăn uống ngủ nghỉ của trẻ. Việc di chuyển đường dài, nhất là các tỉnh miền bắc trong thời tiết giá lạnh có thể khiến trẻ bị cảm. Bên cạnh đó các loại hạt dinh dưỡng được sử dụng trong dịp Tết hoặc bánh kẹo, lẩu… có thể dẫn đến những tai nạn đáng tiếc như bỏng, hóc dị vật… Hoặc đơn cử là tình trạng ăn quá nhiều đồ ngọt, nước uống có ga khiến nhiều trẻ sau nghỉ Tết tăng cân không kiểm soát.

Nhung Van De Suc Khoe Ngay Tet Va Loi Khuyen Tu Chuyen Gia

2. Một số lưu ý trong chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và xử trí các tình huống cấp cứu dịp Tết

Theo lời khuyên của PGS.TS.BS. Võ Văn Thắng dịp Tết cần lưu ý

– Ăn mặc: trời lạnh, người lớn tuổi cần ăn mặc đủ ấm khi đi ra ngoài, chú ý giữ ấm cổ, ngực, bàn tay, bàn chân, đặc biệt là đối với những người mắc các bênh như tăng huyết áp, bệnh tim mạch… không nên ra khỏi nhà vào ban đêm và tập thể dục vào sáng sớm. Nếu luôn giữ cơ thể đủ ấm, ăn uống đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý sẽ giữ được sự khỏe mạnh chống chọi với thời tiết lạnh bất thường.

– Sinh hoạt: Duy trì nếp sinh hoạt hàng ngày, tránh làm việc quá sức. Không nên đi chơi quá xa. Không ra ngoài gió lạnh ngay sau khi uống bia rượu.

– Về ăn uống: luôn luôn đảm bảo ăn 3 bữa sáng, trưa, tối đúng giờ, tránh quá bữa, bỏ bữa, chỉ nên ăn vừa no để dễ tiêu hóa. Hạn chế các thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ. Tránh uống rượu bia, hút thuốc lá quá nhiều.

– Cần chú ý là, khi có các triệu chứng của ngộ độc thức ăn hay rối loạn tiêu hóa, tuyệt đối không được dùng các thuốc làm cầm tiêu chảy hay giảm nôn ói. Các biểu hiện này là phản xạ tự bảo vệ của cơ thể nhằm tống các chất độc hay vi khuẩn ra ngoài, nếu dùng thuốc để ức chế các phản xạ này làm ứ đọng vi khuẩn và độc tố trong cơ thể, làm trầm trọng hơn tình trạng của bệnh. Điều cần làm là cho người bệnh uống nhiều nước, dung dịch Oresol và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

– Đối với những người bị tăng huyết áp và đái tháo đường cần đặc biệt lưu ý dùng thuốc đúng giờ, kiểm tra huyết áp và đường máu thường xuyên. Cũng nên lưu tâm trong vấn đề ăn uống. Cố gắng duy trì tập luyện thể thao nhẹ nhàng để tiêu hao năng lượng dư thừa. Cần nhập viện ngay khi huyết áp hoặc đường máu tăng quá cao hoặc có biểu hiện đau ngực, yếu liệt nửa người…

– Nhà có trẻ nhỏ cần trông nom cẩn thận để tránh các tai nạn không đáng cớ. Nên cho trẻ ăn uống vừa phải, không nên để trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo, mứt, nước ngọt…

Trên đây là những bệnh lý thường khởi phát vào dịp Tết và những lưu ý về sức khỏe, chế độ dinh dưỡng tập luyện cho mọi người. Hy vọng tất cả chúng ta sẽ có một cái Tết an toàn, vui vẻ và tràn đầy yêu thương.

Thầy thuốc Việt Nam

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 10 năm 2024
15
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 3
Ngày Nhâm Tý
Tháng Giáp Tuất
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
13
Tháng 09
Kiên Giang