Phát Loa Gọi Em Về

G

Em là con nhà họ Lê, ngụ tại xóm Chòm Mả ở chân núi Ngũ Hồ thuộc khu phố 3, phường Đông Hồ, thị xã Hà Tiên, một cảnh nhà mang truyền kiếp nghèo khổ và thất học. Người ta nói cha dẫn mẹ em về lúc hai người còn quá trẻ, chưa ai có việc làm và chưa ai thật sự nên người. Rồi họ sinh con, nuôi con ngoài sự hiểu biết của mình. Oái oăm thay, năm sau lại sanh ra Thu. Đang thất nghiệp, đứa lớn nuôi chẳng ra gì, nay “bị” thêm đứa nữa… Thế là cùng cực. Thiếu ăn và bận rộn. Họ đâm ra bực tức, gây gổ, đánh đập nhau. Người đàn ông trụ cột gia đình, thay vì phải cật lực lao động kiếm cơm, đàng này y mượn rượu giải sầu. Rượu càng nặng đô thì nỗi sầu kia càng được giải tỏa mau lẹ. Thế là tan nát. Bà nội Thu mở rộng lòng, chấp nhận nuôi Thu. Họ mừng, giao hẳn đứa con gái bé bỏng của mình cho mẹ, quên hẳn bà cũng nghèo khổ lại già yếu. Thằng anh của Thu, cũng được người cô nuôi giùm với điều kiện mỗi sáng đầy xe trái cây ra chợ, chiều đẩy về, giúp cô mua bán. Đôi khi nó bị đòn roi vì tội ham chơi bỏ bê công việc, nhưng nó biết nghe lời cô dạy.

Năm Thu lên ba, cha mẹ em chia tay. Mẹ qua Campuchia làm nghề bia ôm. Cha xuống biển đặt nò kiếm cá, lên bờ uống rượu thay cơm, chiêu chiều dắt ghế tựa cửa ngồi chửi đổng, văng tục, xem như trò giải trí… Bà nội Thu chứng kiến cảnh nhà, héo hon thân xác. Thu bé bỏng tội nghiệp, thiếu mẹ mà không dám gần cha. Trong hơi thở nồng nặc rượu, cha hay quắc mắt nhìn em, cố tìm dấu vết mẹ. Thu ngồi ủ ê trong lòng bà mãi cũng chán. Em bắt đầu la cà nhập bọn cùng trẻ trong xóm, có khi được mấy bà mấy chị cho ăn đỡ lòng. Có lẽ từ lúc này em nhận biết tấm giấy mà người ta gọi là tiền có sức hấp dẫn kỳ diệu. Thế là gặp nó ở đâu em cũng lận vào túi để mỗi khi thấy cha ngồi khóc hu hu ở bậu cửa, em lấy nó nhét vào tay ông. Bà biết thé, phớt lờ để em làm “nhiệm vụ”. Có khi bà gào lên: “Thu ơi, kiếm cho ba mày ít rượu, khóc quá tao chịu hết nổi”. Không hiểu sao bà và cha Thu cứ mãi vô tư trước đồng tiền em cầm về mà không biết để có nó, em phải trả giá bằng đòn roi và cái tát.

Phat Loa Goi Em Ve 1

Vì không ai thấy em khóc bao giờ.

Trơ lì. Cam chịu là chứng tật cố hữu của em. Không ai giải thích nổi một bé gái như em lại có sức chịu đựng quá lớn. Người trong xóm khuyên bà cho em đi học. Không phải họ nhìn tương lai em bằng con đường học vấn mà vì họ muốn thấy em bớt tội nghiệp hơn, bớt hoang dã rừng rú hơn. Nhà trường sẽ là nơi cho em trốn nắng mưa, trốn cả đòn roi và sự phẩn nộ của nhiều người. Em sẽ đàng hoàng tươi tỉnh hơn, biết ca hát, biết dạ thưa, chí ít là trong bộ cánh. Nhưng khốn nổi, với em, đi học là dư thừa phí phạm. Em vô đó như người ta bắt cóc bỏ vô đĩa!

Năm sau, cha đưa Thu về Châu Đốc. Ở đây, em có mẹ kế. Bà này bắt em đi lượm đồ phế thải để bán, cả việc đi ăn xin. Hôm nào thất thu, em bị mẹ kế đánh đập. Những trận đòn chí tử đều đặn trút xuống đầu em. Phải chi em khóc, phải chi em mở miệng van xin. Roi vọt cứ thế mà quất vào da thịt em như quất vào gỗ đá. Mọi dây thần kinh trong em đều chết tiệt ư? Em lì đến rợn người. Em cam chịu khổ đau trong cô đơn hờn tủi. Tâm hồn, thể xác em trở nên khô cứng, có phần độc ác! Bỗng đâu mẹ kế ruồng bỏ cha em. Cha “ở vậy” được vài tháng lại có vợ khác.

Từ đó Thu đi hoang.

Không bao lâu xóm Chòm Mả lại dấy động lên vì cha con Thu vừa quay về! Người ta thấy Thu bây giờ, đúng là dân cô hồn thứ thiệt, rõ nhất ở cặp mắt, dáng vẻ và lời ăn tiếng nói, tuy em vẫn ốm tong teo, da sần sùi đen nhém, tóc vàng cháy xác xơ. Thu hoạt động mại dâm tại bến tàu. Có người thương tình, báo với bà nhưng bà em không tin, chửi rân trời. Cha em thì lớn tiếng hăm dọa sẵn sàng giết chết những ai nói tới chuyện này… Chẳng bao lâu Thu bị “hốt” về đồn công an. Ba em làm giấy bảo lãnh, đem con về đánh gần chết rồi cạo phăng một nửa đầu tóc em để em xấu hổ không dám ra khỏi nhà. Em ra tiệm xin cạo nốt tóc, đội nón lên, đi nữa. Cha tức giận lôi em về đánh tiếp, cùm chân em lại. Em tháo xích đem bán đồng nát. Chừng đó, bà nội em đầu hàng chịu thua, cha cũng chịu thua, nhất quyết không cho em vô nhà.

Cũng may, bấy giờ cạnh nhà em có nhà cô C. một cộng tác viên trong nhóm Sức khỏe cộng đồng của chương trình H.C.C.N. do Canada tài trợ. Thấy em đi đứng khó khăn, cô đưa em đi khám phụ khoa, thì ra em bị bệnh giang mai khá nặng dù đang ở tuổi 12! Thu cho biết mỗi lần “đi khách” em được trả 20.000 đồng. Hôm đó, trong bóng đêm nhập nhằng, thằng chả dúi vào tay em tờ 20.000 đồng, em yên chí chợp mắt để sáng trả chợ cho đời. Chợt em thức dậy bởi tiếng hát “Chào buổi sáng” và tiếng tập thể dục Một – Hai – Ba trên cái loa ở đầu chợ. Có chút gì trong em, hình như là niềm vui hòa cùng tiếng hát. Sáng nay em sẽ có bữa điểm tâm no là tô cháo lòng em ưa thích. Nhưng hỡi ôi! Khi xòe tay ra em sững sờ chết điếng. Tiền là tấm vé số nhàu nát vừa xổ chiều hôm qua. Mẹ kiếp! Em gục liền tại chỗ trong tiếng hát còn rộn rã chưa chịu dứt

Mặt trời chưa ló dạng
Người lớn đã cướp mất bình minh của em
Em không có bình minh
Không có giữa trưa
Hoàng hôn cũng không nốt
Ngày ngày là địa ngục
Trần gian

Bằng mọi cách, người ta chà đạp lên thể xác và tâm hồn em, một đứa trẻ còn quá nhỏ, không thể tự bảo vệ mình.

Căm giận. Đau xót.

Em đang tâm xé nát đời em.

Vỡ vụn.

Muôn vạn mảnh vụn.

Thả sông. Thả núi. Thả rừng.

Cho cá tôm lóc rỉa, cọp beo sư tử ngấu nghiến, voi, ngựa giày xéo.

Cho thỏa mãn.

Cho hả dạ kẻ lừa đảo khốn kiếp vô luân.

Phải chi em khóc.

Khóc đi em.

Cố mà khóc đi em.

Thu ơi!

Phat Loa Goi Em Ve 2

Trả chợ, em lếch thếch về xóm mình, leo tót lên cây trứng cá ngủ tiếp. Cô C. nói: “Từ đó cả xóm đồn rằng nơi đây có ma vì em đen thui, nhỏ xíu, nằm vắt vẻo, áo quần tóc tai lòa xòa rũ rượi, chân cẳng thòng cả xuống”.

Người ta đâu biết cành cây vô tình đan kết thành một chỗ nằm như thể đón chờ chiếc lưng hao gầy của một sinh linh nhỏ bé là em tựa vào. Cành kia cho em làm gối, nâng giấc ngủ em, cành nọ giữa chân em khỏi té. Cây vỗ về em đợi mặt trời lên cùng đàn chim ríu rít gọi bình minh.

Những ngày mưa gió, em ngủ lây lất trong nhà lồng chợ hay trên sân khấu ở quãng trường. Có người thấy vậy mua tặng em chiếc võng để em đong đưa cho xong một kiếp người.

Có khi, em kiếm tiền bằng nghề ăn cắp. Đó là cách sống của em để tồn tại. Một hôm, bị bắt quả tang, em lãnh đủ trận đòn nhừ tử trước khi người ta giải em về đồng công an.

Tin hành lang nói sau trận đó em được đưa vô trại Giáo dưỡng ở tỉnh, nhưng thật ra không phải vậy. Em không đủ tuổi vô đó để hoàn lương. Luật pháp đã quy định vậy rồi. Phải chăng luât pháp không ngờ trên thế gian này lại có những trẻ vị thành niên hư hỏng mạt kiếp như em nên bỏ sót. Thật tình, họ đã bỏ sót.

Không được vô đó thì hiện giờ em ở đâu? Sao em không về với cô C. Có tổ chức H.C.C.N. chờ đón em, sẽ trị dứt bệnh cho em, những bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, hoàn toàn miễn phí. Rồi em sẽ được đi học, sẽ có công ăn việc làm để nuôi thân như điều mong ước, có lần em đã nói.

Ai biết hiện giờ Thu ở đâu, xin mở rộng lòng, nhanh chóng gọi về phòng khám miễn phí H.C.C.N., Trung tâm Y tế Thị xã Hà Tiên thuộc Sở Y tế Kiên Giang, điện thoại số: (0297) 3952726.

Xin người đời và xã hội hãy quan tâm đến những trẻ thơ như Thu. Hãy cứu vớt, giúp đỡ các em bằng mọi cách. Xin trả lại tuổi thơ cho em, tuổi mười hai, mười lăm đẹp nhất đời người.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang