Hãy Tự Mình Thắp Đuốc Lên Mà Đi

G

TK.THÍCH MINH CHÂU

Một lần, khi Đức Phật nhuốm bệnh ở Beluvà, trước sự lo âu buồn khổ của tôn giả Ananda; một lần, trước tin tôn giả Sàriputta đã mệnh cung và trước sự lo âu của tôn giả Ananda, Đức Phật đã tuyên bố lời dạy này, vừa là lời chỉ dạy tóm thâu mọi phương pháp tu hành của Ngài được cô đọng lại, và cũng là lời trăn trối của một bậc Đạo sư biết mình sắp lâm chung, nên có những lời nhắn nhủ và khích lệ đệ tử của mình những gì các đệ tử cần phải tu tập sau khi bậc Đạo sư viên tịch : "Vậy nên này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác…"

Trong lời dạy trên đây, Đức Phật nhấn mạnh hai điểm :

1)Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác.

2)Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác.

Chính hai quan điểm này có thể được xem là phản ảnh trung thực đời sống tìm đạo, hành đạo, chứng đạo của Thế Tôn dựa trên kinh nghiệm bản thân của Ngài và cũng gói ghém trọn vẹn tất cả giáo pháp Ngài dạy trong suốt 45 năm thuyết pháp độ sanh của Ngài để truyền lại cho hàng đệ tử.

Thật vậy, chúng ta thấy rõ, trong suốt thời gian tìm đạo, hành đạo và chứng đạo, Thế Tôn đã tự mình dùng nỗ lực cá nhân, đã tự mình tìm đạo, hỏi đạo, đã tự mình hành trì khổ hạnh, đã tự mình tự lực hành thiền, đã tự mình tự lực phát triển trí tuệ và cuối cùng thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề, thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Ngài không nhờ một thần lực nào, không phải là hiện thân của một đấng thiêng liêng nào. Ngài chỉ là một NGƯỜI với sức mạnh thể lực và trí lực của con người, đã tự mình tìm đạo và tìm đạo thành công, đã tự mình hành đạo và hành đạo có kết quả, đã tự mình chứng đạo và chứng đạo hoàn toàn viên mãn, như chúng ta đã thấy rõ trong đời sống của Ngài, nếu chúng ta gạt bỏ qua một bên những thêm thắt về sau để thần thánh hóa đời sống của Ngài.

Đối với bậc Đạo Sư đã dựa vào tự lực để tìm đạo, học đạo và chứng đạo, nên trong 45 năm hoằng pháp độ sanh, lời dạy chủ yếu của Ngài cho các đệ tử cũng là lời dạy tự lực tự trí :  "Hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình y tựa chính mình, chớ y tựa một cái gì khác. Dùng chánh pháp làm ngọn đèn, dùng chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một cái gì khác…"

1908458 349860365191952 6681726332316606528 n

Trước hết, Đức Phật xác nhận cầu xin và ước vọng không có lợi gì, không những trên con đường thực hành chánh pháp mà còn cả vấn đề ước vọng thế gian.. Ngài dạy rằng : "Nếu có người làm mười ác hạnh, rồi một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khấn mong rằng người ấy sẽ được sanh thiện thú, thiện giới. Sự cầu khấn như vậy vô ích, vì người ấy làm mười ác hạnh sẽ bị rơi vào địa ngục ví như một người quăng một tảng đá vào hồ nước, rồi một số đông đảo quần chúng đến cầu xin, cầu khấn rằng tảng đá ấy sẽ được nổi lên. Sự cầu khấn như vậy là vô ích, vì tảng đá ấy, với sức nặng của nó, không thể nổi lên, không thể trôi vào bờ như lời cầu xin của quần chúng ấy.

Trái lại, một người từ bỏ mười ác hạnh, làm mười hạnh lành,nếu có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khấn rằng người ấy sẽ bị sanh vào địa ngục, thì lời cầu khấn ấy cũng không được thành tựu. Người ấy vẫn được sanh lên thiện thú, thiện giới, cõi người. Ví như một người nhận chìm một ghè dầu vào trong hồ nước, rồi đập bể ghè dầu ấy, thời số dầu ấy sẽ nổi lên trên mặt nước. Dẫu cho có một quần chúng đông đảo đến cầu xin, cầu khấn rằng số dầu ấy hãy chìm xuống đáy nước. Lời cầu xin ấy tất nhiên không có kết quả, số dầu ấy vẫn nổi lên trên mặt nước. Như vậy, có cầu khấn, có cầu xin cũng không được lợi ích gì" (Kinh Tương Ưng – tập IV – trang 313).

Đối với sự việc ở đời cũng vậy, không phải do nhân cầu xin, do nhân ước nguyện mà thành tựu. Đã là người, thường hay mong ước được năm điều khả lạc, khó tìm được ở đời như tuổi thọ, dung sắc, an lạc, danh tiếng tốt và được sanh cõi trời. Đức Phật nói rất rõ : muốn có thọ mạng không thể cầu xin hay tán thán thọ mạng để làm nhân đem lại thọ mạng. Muốn có thọ mạng cần phải thực hành con đường đưa đến thọ mạng, đưa đến dung sắc, đưa đến an lạc, đưa đến danh tiếng tốt, đưa đến sanh thiên mới thành tựu được, mới đạt được năm điều khả lạc mà mình ước muốn ở đời.

Dạy về niềm tin, bậc Đạo Sư nói rõ trong Kinh Kalamasutta : "Này các Kalama, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe người ta nói; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân suy luận; chớ có tin theo thiên kiến; chớ có tin vì đó là thầy của mình… Nhưng này các Kalama, khi nào tự mình biết rõ như sau :"Các pháp này là bất thiện, các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đưa đến khổ đau. Thời này Kamala, hãy từ bỏ chúng…" Nhưng này các Kamala, khi nào tự mình biết như sau : "Các pháp này là thiện,các pháp này nếu chấp nhận và thực hiện sẽ đưa đến hạnh phúc an lạc. Thời này các Kamala, hãy chứng đạt và an trú."

Sau khi Đức Thế Tôn nhập diệt, các Bà la môn đến hỏi ngài Ananda :

-Thưa tôn giả Ananda, Sa môn Cồ Đàm đã có chỉ định vị Tỳ kheo nào thay thế Ngài làm chỗ nương tựa cho các vị sau khi Ngài nhập diệt không ?

Tôn giả Ananda trả lời :

-Này Bà la môn, không có một vị Tỳ kheo nào được Thế Tôn chỉ định làm chỗ nương tựa cho chúng tôi cả !

-Quý vị không có ai để nương tựa, vậy làm sao chúng Tăng có thể hòa hợp?

-Này Bà la môn, chúng tôi không phải không có chỗ nương tựa. Này Bà la môn, chúng tôi có chỗ nương tựa, và Pháp là chỗ nương tựa của chúng tôi.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 05 năm 2024
18
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Ngọ
Tháng Kỷ Tỵ
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
11
Tháng 04
Kiên Giang