Đại Đường Tây Vức Ký (kỳ 3)

G

ĐẠI ĐƯỜNG TÂY VỨC KÝ

                                                                             Pháp Sư HUYỀN TRANG

(kỳ 3)

QUYỂN THỨ NHẤT
(34 nước)

3) Nước Phạt Lục Già

Đông tây hơn 600 dặm. Nam Bắc hơn 300 dặm, chu vi thành nội 56 dặm, thời tiết phong tục điều hòa. Chữ viết dùng giống như nước Quật Chi. Tiếng nói ít đổi khác. Có sự giao thiệp với nước lân bang rất tốt. Chùa viện có hơn 10 cái. Tăng tín đồ hơn 1000 người tu theo Tiểu Thừa, thuộc Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ. Phía tây bắc hơn 300 dặm từ núi đá đến Lăng Sơn, phía nầy có núi cao và bình nguyên. Có nhiều sông chảy về hướng đông, núi cao có tuyết. Mùa xuân mùa hạ vẫn còn đóng băng, tùy lúc băng tan rồi trở thành nước.

Đường đi hiểm trở, mùa đông gió lạnh thê lương. Nơi đây đa phần những kẻ phạm nhân bị đày, đường đi khó khăn, chẳng mang theo được đồ dùng, kêu nhau lớn tiếng. Nếu có vi phạm thì nguy đến tính mạng. Gió thổi mạnh làm cát đá bay như mưa. Nếu ai gặp phải chẳng toàn sinh mệnh. Đi núi suốt như thế hơn 400 dặm thì tới ao rất lớn, nơi nầy còn gọi là biển nóng, chu vi ngàn dặm. Phía đông tây dài phía nam bắc thì hẹp, bốn phía đều là núi, nước chảy từ trên ấy xuống. Màu nước xanh đen, vị thường đăng đắng. Sóng chao gió đảo có rồng cá đủ loại, linh quái nổi lên. Cho nên khách vãng lai phải tạo phước. Những loài thủy tộc nầy đa phần là cá lớn. Ao nước nầy từ phía tây bắc đi hơn 500 dặm, đến thành Tố Diệp Thủy.

Thành nầy chu vi 67 dặm, đây là nơi các nhà buôn bán ở với nhau lẫn lộn. Thổ sản ở đây là lúa mạch, nho, cây rừng. Khí hậu gió mùa rất lạnh, phía tây thành Tố Diệp nầy còn có mười thành khác riêng lẽ, thành nào cũng dài, nhưng không dùng đến. Tất cả đều loang lỗ. Từ thành Tố Diệp Thủy đến nước Yết Sương Na có địa danh là Tốt Lợi. Người cũng như vậy. Văn tự ngôn ngữ rất tùy tiện. Chữ căn bản rất đơn giản, chỉ có hai mươi chữ. Từ đó phát sanh lưu chuyển rộng rãi. Cũng có thư ký ngồi đọc kinh văn để phụ giúp những giáo thọ sư, ăn mặc đơn giản. Áo phủ đầu, nhưng tóc để lộ ra ngoài hoặc đôi khi che kín, trông hình dung thật khác thường. Tánh tình cũng vậy, phong tục thuần hóa nhưng không thành thật, nhiều tánh tham lam. Cha con kế thừa lợi tức, tiền càng nhiều càng quý. Tiền là trên hết. Có rất nhiều người giàu, tiền bạc lương thực, kẻ ăn người ở rất nhiều.

Phía tây Tố Thành đi bốn trăm dặm hơn đến 1000 cái suối, người địa phương gọi là ngàn suối, cách hơn 200 dặm về phía nam, có núi Tuyết, ba mặt khác giáp bình nguyên, đất đai tốt tươi, cây trái xanh tốt. Những tháng mùa xuân có hoa lạ, nước nơi ngàn suối nầy cung cấp mà nên. Sau đó chảy vào nhiều nơi khác nhau, làm cho mọi nơi được xanh tốt. Người qua lại chỗ nầy chốn nọ cũng không có gì kinh sợ lắm. Họ thường quây quần với nhau. Kẻ có tội thì giết, không có ân xá. Cho nên sự sống thành tập đoàn nầy rất có ý nghĩa.

Từ phía tây một ngàn suối nầy đi hơn 145 dặm đến thành Đản La Tu, thành nầy chu vi 89 dặm, các nước buôn bán tạp lục ở đây. Đất đai khí hậu cây cối ôn hòa, đi về phía nam hơn 10 dặm có một thành riêng biệt, nơi đó có 300 căn nhà, trong ấy có người ở. Ngày xưa chỉ là những hang động. Sau nầy thành nước non để cùng giữ thành nầy. Những người sống trong đó ăn mặc giống nhau, tiếng tăm lễ nghĩa vẫn còn bảo tồn. Từ đây đi qua phía tây nam hơn hai trăm dặm đến thành Bạch Thủy, thành nầy chu vi 67 dặm, đất đai thổ sản phong tục khí hậu hơn hẳn ở Đản La Tu. Phía tây nam đi hơn 200 dặm thì đến thành Cung Ngự, thành nầy chu vi 56 dặm, nơi đây có nhiều cây cối to lớn. Từ phía nam nầy đi hơn 45 dặm, đến nước Xích Kiến.

4) Nước Xích Kiến

Chu vi hơn ngàn dặm, đất đai tốt tươi, nhà xây tường. Cây cỏ hoa trái sum sê, có nhiều loại nho quý. Thành ấp có trăm thành, mỗi thành có vị đứng đầu. Đến lui đi ở thưa trình. Tất cả tụ lại thành khu và tổng xưng là nước Xích Kiến. Từ phía tây bắc đi hơn 200 dặm, đến nước Giả Thời.

5) Nước Giả Thời

Chu vi hơn ngàn dặm, phía tây giáp Diệp Hà, phía đông tây hẹp, phía nam bắc dài, đất đai khí hậu cũng giống như nước Xích Kiến. Thành ấp hơn mười cái, mỗi cái đều có vị đứng đầu, nhưng không có người tổng chỉ huy. Từ phía đông nam nầy, hơn ngàn dặm, đến nước Phế Hãn.

6) Nước Phế Hãn

Chu vi bốn ngàn dặm. Bốn bề núi bao bọc, đất đai hẹp, nhà cửa xây tường, có nhiều hoa quả và ngựa dê. Khí hậu gió mưa con người đều cương trực. Ngôn ngữ khác với các nước kia. Hình hài cũng khác biệt. Từ hơn mười năm không có vị đứng đầu. Vì lẽ ai cũng tranh quyền lực không phục nhau. Có hiểm họa sẽ chia đất. Từ phía tây đi đến hai ngàn dặm thì đến nước Tốt Đỗ Lợi Sắc Na.

7) Nước Tốt Đỗ Lợi Sắc Na

Chu vi một ngàn bốn trăm năm chục dặm, phía đông giáp sông Diệp, từ sông Diệp nầy về hướng bình nguyên phía bắc, từ tây bắc chảy tiếp tục với lưu lượng nước chảy xiết, đất đai phong tục cũng giống như nước Giả Thời, từ xưa đã có Vương Phủ cai trị. Từ phía tây bắc vào đến sa mạc chẳng có cỏ nước gì cả. Giữa đường khó biết được biên giới nơi đâu, chỉ nhìn núi cao để tìm dấu vết, mới có thể biết được. Từ đó đi qua hơn năm trăm dặm nữa, đến nước phong Mạc Kiến. 

8) Nước Phong Mạc Kiến

Chu vi một ngàn sáu trăm bảy mươi dặm, phía đông tây dài, phía nam bắc hẹp, chu vi của thủ đô hơn 20 dặm, có nhiều Cư dân sinh sống. Có nhiều hàng hóa trân quý của các nước khác đem đến nước nầy, đất đai màu mỡ, nhà làm bằng gỗ và xây tường. Cây cỏ hoa quả tốt tươi, nơi đây có nhiều ngựa quý và có nhiều đồ công nghệ tốt đẹp. Khí hậu ôn hòa, phong tục sống động. Phàm các nước lân cận đến nước nầy, phải theo quy tắc xa gần mà giữ lấy. Vua của nước nầy tôn trọng luật pháp của lân bang. Binh mã hùng dũng, đa phần giống như tánh cách hùng dũng của người nước Giã Thời và nước Yết Sương Na, xem nhẹ sự chết không luyến tiếc. Từ đây đến phía đông nam đi đến nước Nhi Mạc Hà.

9) Nước Nhi Mạc Hà

Chu vi bốn trăm năm chục dặm, có nhiều sông; đông tây hẹp, nam bắc dài, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến. Từ phía bắc đến nước Kiếp Bố Đãn Na.

10) Nước Kiếp Bố Đãn Na

Chu vi 1450 dặm, phía đông tây dài, phía nam bắc hẹp, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến. Từ nước nầy đi về phía tây hơn 300 dặm, đến nước Quật Tương Nhi Ca.

11) Nước Quật Tương Nhi Ca

Chu vi một ngàn bốn trăm năm mươi dặm, đông tây hẹp, nam bắc dài, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến. Từ nước nầy đi qua phía tây hai trăm dặm hơn đến nước Yết Hãn.

12) Nước Yết Hãn

Chu vi hơn một ngàn dặm, đất đai phong tục giống như nước phong Mạc Kiến, từ phía bắc nước nầy đi về phía tây hơn 400 dặm đến nước Bổ Yết.

13) Nước Bổ Yết

Chu vi một ngàn sáu trăm bảy mươi dặm, đông tây dài nam bắc hẹp, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến. Từ nước nầy đi về phía tây hơn bốn trăm dặm đến nước Đại Địa.

14) Nước Đại Địa

Chu vi hơn bốn trăm dặm, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến, từ đây đi về phía tây nam hơn năm trăm dặm, đến nước Hóa Lợi Tập Di Già.

15) Nước Hóa Lợi Tập Di Già

Hai bên có sông bao bọc, đông tây hơn hai mươi ba dặm, nam bắc hơn năm trăm dặm, đất đai phong tục giống như nước Đại Địa, ngôn ngữ không khác mấy. Từ nước Hóa Lợi Tập Di Già đi về phía tây nam hơn 300 dặm, đến nước Yết Tương Na.

16) Nước Yết Tương Na

Chu vi một ngàn bốn trăm năm chục dặm, đất đai phong tục giống như nước Phong Mạc Kiến, từ đây đi về phía tây nam hơn hai trăm dặm đến núi, đường núi hẹp rất nguy hiểm ít người qua lại, hiếm cỏ cây và nước. Từ núi phía đông nam đi hơn ba trăm dặm, qua một cái cổng làm bằng sắt, hai bên cổng sắt núi non bao phủ, càng lúc càng hẹp, sự hiểm trở càng nhiều hơn. Đường hai bên đá dựng đứng màu sắc giống như màu thiếc, tất cả đều giống như thiếc vậy. Có nhiều chuông làm bằng sắt treo nơi cửa ra vào để kiểm tra sự nguy hiểm. Ra khỏi cổng sắt đến nước Đỗ Hóa La.

Nước nầy nam bắc hơn ngàn dặm, đông tây hơn ba ngàn dặm, phía đông nguy hiểm có núi cao, phía tây tiếp xúc với Ba Lặt Kỳ, phía nam có núi tuyết, phía bắc có cổng sắt, chung quanh sông ngòi bao bọc chảy về hướng tây, từ hơn một trăm năm nay, vương tộc không có người nối quyền. Do vậy những thế lực cạnh tranh với nhau để nắm quyền, thật là nguy hiểm. Nước nầy chia làm 27 nước nhỏ, chỉ có một khu tổng hành dinh. Khí hậu nơi đây khá ôn hòa nhưng dễ sinh bệnh.

Cuối mùa đông đầu mùa xuân, luôn luôn có mưa phùn, do vậy cảnh trí ở phía nam ôn hòa hơn phía bắc, phong thổ của nước nầy thuộc ôn đới nên có nhiều bệnh tật. Vào ngày 16 tháng 12 Tăng tín đồ của nước nầy vào an cư đến 15 tháng 3 thì giải chế, mùa nầy cũng là mùa mưa cho nên cũng thích hợp vậy. Phong tục nầy đã lâu đời, mọi người tuân theo tin tưởng vào sự tu học. Ngôn ngữ được dùng khá khác biệt với các nước khác. Chữ gốc chỉ có 25 chữ, từ đó phát triển ra, để dùng viết thư, chữ viết ngang, đọc từ trái qua phải. Ngôn ngữ đa phần giống như chữ của nước Tốt Lợi, y phục, hàng hóa dùng tiền để mua, đối với nước nầy từ sông phía bắc xuống hạ lưu đến nước Đãn Mật Quốc.

17) Nước Đãn Mật Quốc

Chu vi đông tây hơn 600 dặm, nam bắc hơn 400 dặm. Thủ đô của nước này hơn 20 dặm. Đông Tây dài, Nam Bắc hẹp. Có hơn 10 cảnh chùa. Tăng tín đồ hơn 1.000 người. Nước này nằm gần biên giới của nước Tốt Đỗ Lợi. Nơi đây, có xây nhiều ngọn tháp; nhưng nay đã không còn. Các tượng Phật cũng như các tượng thần linh dáng vẽ khác nhau. Đi đến phía Đông thì gặp nước Diệt Ngạc Hạnh Na.

18) Nước Diệt Ngạc Hạnh Na

Chu vi đông tây 400 dặm hơn. Tây bắc hơn 500 dặm. Chu vi thủ đô hơn 10 dặm. Chùa chiền có năm cơ sở. Tăng tín đồ rất ít. Đi đến phía đông là nước Nhẫn Lộ Ma.

19) Nước Nhẫn Lộ Ma

Chu vi đông tây hơn 100 dặm. Nam bắc hơn 300 dặm. Chu vi của thủ đô hơn 10 dặm. Nước này có Vua. Chùa có hai ngôi. Tăng tín đồ trên 100 người. Phía đông giáp nước Dụ Mạn.

20) Nước Dụ Mạn

Chu vi đông tây hơn 400 dặm. Nam bắc hơn 100 dặm. Chu vi thủ đô hơn 16,7 dặm. Nước này cũng có Vua. Chùa có hai ngôi. Tăng tín đồ rất ít. Phía Tây nam giáp với sông. Kế đến là nước Cúc Hòa Hạnh Na.

(Còn tiếp…)

Như mái nhà vụng lợp,
Mưa liền xâm nhập vào.
Cũng vậy tâm không tu,
Tham dục liền xâm nhập.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
26
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 6
Ngày Tân Mão
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 06
Kiên Giang