Câu Chuyện Gieo Duyên

ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ: Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên pháp danh Diệu Hạnh, hiện là Đoàn trưởng đoàn Nữ Phật tử thuộc Gia Đình Phật Tử Tam Bảo-Hà Tiên. Chị xuất thân là nhà giáo, tham gia hoạt động văn học từ thập niên 1990, đến nay tác phẩm của Chị đã xuất hiện trên các báo và tạp chí như : Văn, Giáo Dục& Thời Đại, Áo Trắng, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ Cuối Tuấn, Chiêu Anh Các, Nhớ Huế, Văn Hóa Phật Giáo, Sông Hương.

Ngoài ra, tác phẩm của Chị còn được xuất bản thành sách, bao gồm:

* Sách in riêng : Hành Khất Phu Nhân (1994); Thời Nõn Giá (2004); Bến Sông (2012)

* Sách in chung:Truyện ngắn chọn lọc (tỉnh Kiên Giang); Tuổi Thơ Bầm Dập; Mắt Bão (1998); Xa Xứ (2001)

Trước thềm năm mới Mậu Tuất-2018, Ban biên tập có nhận được tập ký & truyện “Đường Về” của Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên gởi tặng. Nhận thấy nội dung tập truyện  có phần gần gũi với tâm tư tình cảm của độc giả trang web gdptkiengiang.vn, trong đó đại đa số là đoàn viên Gia Đình Phật Tử, chúng tôi đã xin phép tác giả đăng lại toàn bộ ba mươi mốt truyện & ký trong “Đường Về” để bạn đọc thưởng thức.

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu truyện thứ chín có nhan đề :“Câu Chuyện Gieo Duyên “.

Trân trọng kính mời quý độc giả thưởng thức.

* * *

Tôi vốn không ưa những ai khi làm không được việc hoặc muốn lánh nặng tìm nhẹ liền kiếm cớ nói “tùy duyên”, “chưa gặp duyên”. Tôi nghĩ nếu vậy, người ta cứ ung dung ăn không ngồi rồi, chờ duyên đến như chờ sung rụng thì khỏe quá.

Một ngày có duyên, tôi được gặp người xưa là Sư cô H.T, trụ trì chùa Giang Thành, để tôi có đề tài viết tham luận “Một Sư cô nơi biên địa”, bài được chọn đăng ở một kỷ yếu. Và có phải vì duyên mà sau bữa lễ ở Phú Quốc, lý ra ai về nhà nấy thì tôi và hai em Kiều, Liên cùng Ni sư Thích Nữ Như Minh, trụ trì chùa Thanh Hòa (xã Thuận Yên) và Sư cô Thích Nữ Như Kim (chùa Sắc Tứ Tam Bảo-Hà Tiên) có mấy ngày đêm, “tùng tam tụ ngũ” kẻ đạo người đời cùng ở chung nhau trong khách sạn, chuyện trò rất thân mật, cởi mở.

Số là sau lễ hôm ấy, Phú Quốc mưa dữ quá! Mưa suốt ngày, đợt này vừa qua, đợt kia kéo đến, lật qua lật lại như thể nướng cái bánh phồng trên than đỏ khiến lòng dạ chúng tôi còn đỏ hơn cái lò than. Bởi vì khi đi, ai cũng hẹn với nhà chùa và gia đình, qua lễ về liền.

Ở đảo, nếu gặp mưa bão, liền bị cô lập. Có khi mười ngày nửa tháng. Máy bay, tàu cánh ngầm, tàu cao tốc hay tàu gì gì cũng phải nằm im một chỗ. Nội bất xuất ngoại bất nhập. Chúng tôi thêm nỗi lo cái hầu bao bị nhẹ dần. Thế là không phân biệt kẻ xuất gia người tại thế, chúng tôi đưa Ni sư và Sư cô về chung phòng. Hằng này Kiều, Liên đội mưa đi mua thức ăn chay nấu sẵn, tôi lo trăn trở áo quần của nhau vừa giặt phơi. Lúc này ai cũng bình đẳng ăn nằm ngủ nghỉ, xem ti vi hoặc nhìn ra ngoài… chờ đợi. Sư cô Kim than: “Không thấy trời, không thấy đất, chỉ thấy mưa”.

Tôi thì hát: “Mưa chi mưa mãi / Mưa chi mưa hoài / Lòng nhớ thương ai / Trăng lạnh về non không trở lại…”

Hát để tạm vui chứ người sốt ruột, bồn chồn nhất chính là người xưa nay Tịnh. Vì chỉ còn mấy ngày nữa, chùa Tam Bảo-Hà Tiên khai giảng khóa Hạ, có hơn năm mươi Sư cô từ các chùa đến học. Ni sư Như Hải trụ trì chùa thì đang nằm viện, giao hết nhiệm vụ tổ chức cho Ni sư Minh và Sư cô Kim, vậy mà giờ này hai vị còn đủng đỉnh nơi đây, muốn điều khiển tầm xa cũng không được, vì bị mất sóng hoặc khi được khi không. Chúng tôi chỉ biết cầu Phật độ trì mau hết mưa.

Để Ni sư bớt rầu lo, tôi xin Ni sư giảng pháp. Chúng tôi ổn định quanh hai vị vô cùng thân mật, ấm cúng. Tôi nói :

– Bạch thầy, không hiểu vì sao bản thân con xưa nay không làm điều gì ác mà sao khi làm điều thiện, con thường nhận điều không như ý, khiến lòng con vô cùng bứt rứt khổ sở. Như chuyện mới đây, trong nhiệm vụ trưởng nhóm, con tổ chức thuê xe để các bạn nam nữ trong nhóm đi Vũng Tàu chơi. Xe chạy, các bạn nói chuyện rôm rả. Chị A chọc cười, kể chuyện tiếu lâm, chuyện càng lúc càng nặng phần bậy bạ, con thấy kỳ quá, nhất là trên xe có mấy bạn nam. Con cảnh báo: “Buổi sáng khí hậu trong lành mát mẻ, sao trong đây lại bị ô nhiễm”. Chị ta không hiểu hay không chịu hiểu, chuyện tiếu lâm cứ thế mà phang tới, tiếng cười lại rân lên. Con bực lắm, muốn chuyển hướng đề tài nhưng không biết cách nào. Chợt thấy trên bục xe, chỗ gần tài xế có để tượng Phật nhỏ, con lanh miệng nói: “Mấy anh chị ơi, tôi có chuyện này muốn hỏi các anh chị, xin các anh chị ráng suy nghĩ, trả lời giùm”. Nhiều người đồng thanh: “Nói đi cô, nói đi” Con bắt đầu: “Nhiều lần đi xe, tôi thấy trong xe có khi người ta để tượng Phật nhìn xuống hành khách, có khi nhìn ra trước đường. Vì sao vậy? Xe này mấy anh chị thấy không? Phật đang nhìn chúng ta”. Liền có người nói: “Tôi cũng thấy như vậy”. Chờ một hồi lâu không thấy ai giải đáp, chị ngồi cạnh con lên tiếng: “Cô biết thì nói giùm đi”. Con nói: “Theo tôi hiểu, tùy quan điểm của nhà xe, họ để tượng Phật trong xe mình. Khi đặt tượng nhìn ra trước, chủ xe muốn nhờ oai lực huệ nhãn nhìn thấy sự việc, Phật xua ta mọi tai ương hoạn nạn trên đường đi, đem bình yên đến cho hành khách. Còn khi đặt tượng nhìn xuống hành khách, chủ xe muốn hành khách nhìn chân dung Phật, tâm yên ổn, không còn xao động lo lắng về việc mình đi đường. Vì thật ra mỗi hành khách ngồi trên xe, có một hoàn cảng, một tâm trạng riêng. Phật từ bi an ủi họ”. Nghe xong, có bạn khen con nói chuyện hay, nhưng cũng có bạn lấy câu chuyện kể của con làm đề tài để giễu cợt, con rất buồn. Nghĩ kỹ, con thấy mình có lỗi, mọi tội lỗi là do mình, tại mình làm tài lanh kể chuyện để người ta đùa cợt, không kiêng nể Phật. Tại mình! Tại mình! Con sợ quá, nhắm mắt niệm Phật, xin lỗi Phật gần muốn khóc!…

Câu nói vừa dứt là tiếng cười ồ lên. Lần đầu tiên tôi thấy Ni sư Minh cười to, cười giòn như thế. Em Kiều nhìn tôi thương hại, nói:

– Cô kể chuyện hay mà tội nghiệp cô quá chừng!

Câu nói vô tư chân thật khiến mọi người cười thêm trận nữa về phía tôi. Ni sư nhìn tôi, nói:

– Như vậy là mình gieo duyên chưa phải lúc hoặc chưa gặp duyên.

Tôi nói:

– Biết khi nào phải lúc mà gieo, thưa Ni sư?

– Vậy cô có buồn giận “người ta” không?

– Dạ không. Tôi đáp. Con chỉ thấy tội nghiệp họ. Họ làm ác mà không hay. Con muốn tốt cho họ nhưng bị phản tác dụng. Xét ra mới thấy mình có lỗi. Còn chuyện này nữa, Ni sư ơi, để con kể tiếp.

Diệu Liên ngồi cạnh tôi, nói:

– Xích lại đây nè cô, coi chừng mưa tạt.

Hai vị sư liền ngồi chụm vào nhường chỗ. Tôi kể: “Lần này còn đau khổ hơn. Cũng trong nhóm bạn ấy, con thấy chị T hay câu mâu thắc mắc với chị B. Chị C cũng hay rầy rà với chị nọ chị kia. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ không tốt. Con bèn mời mấy chị đến nhà con ăn sáng, chị em có dịp giãi bày, giải quyết dứt điểm. Vì thấy mấy chị hay đi chùa, con mở kinh Thủy Sám, đọc các đoạn quan trọng. Đọc một hồi, con thấy chị T lơ là không muốn nghe. Con đưa quyển kinh cho chị và nói: “ Nhờ chị đọc, tụi mình biết chỗ nào Phật nói trúng tánh mình thì mình sám hối, xin sửa chữa”.Tưởng rằng chị T đọc sẽ không thể lơ là, ai ngờ chị ta đẩy quyển kinh sang chị C: “Bà đọc đi” . Chị C như bị phỏng lửa, trợn mắt giận dữ, nói: “Bữa nay bà móc họng tui, biết  tui đau khổ vì không biết chữ mà biểu đọc”. Chị T khoái chí, ngữa mặt cười ha ha…Ni sư ơi! Một lần nữa con hết hồn chới với, không ngờ từ một việc làm tốt, mình trở thành kẻ gây chiến tranh, khiến hai chị này gây sự buông lời đấu đá”.

Tôi nói đến đâu, Sư và mấy em cười đến đó, “tụi nhỏ” thì bò lăn ra: “Trời ơi, còn mất tiền bao ăn nữa chớ!”

Cuối cùng Ni sư Minh nói:

– Cô đừng buồn. Tại mình với người ta ở kiếp trước có chuyện gây cấn nhau, bây giờ gặp lai, cứ nghịch ý nhau. Cô chưa gặp “duyên”. Nghiệp chướng còn nhiều.

– Vậy chừng nào con mới được thiện duyên, thưa Ni sư? Tôi hỏi.

– Mô Phật, chuyện duyên khởi khó luận bàn. Ni sư đáp. Nếu cô vui vẻ trả nghiệp, lần hồi nghiệp chướng mòn dần rồi hết. Như thầy đây cũng vậy. Có người ở đâu thật xa, lặn lội về đây gặp thầy, xin quy y. Có người ở sát bên thầy lại qua chợ xin quy y với thầy Tam Bảo, ngược lại có người ở sát chùa Tam Bảo lại qua Thanh Hòa xin quy y, làm đệ tử chùa… Có duyên với nhau thì tìm đến nhau. Vợ chồng gặp nhau cũng do duyên nợ. Hết duyên hết nợ rồi thì…thăng!” .

Nghe thế, Kiều và Diệu Liên lại cười nữa vì Kiều có ông xã hết nợ không thăng mà… xuất gia đi tu, lâu mới thăng.

Ni sư Minh nói tiếp:

– Cổ nhân có câu: “Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Cô nên lấy đó làm phương tiện cảm hóa con người, trong khả năng của mình, được chút nào hay chút nấy.

* * *

Không biết ai truyền rao, sáng hôm sau đang lúc thầy trò chúng tôi ngồi rầu rĩ, bỗng có hai người xa lạ đẩy cửa bước vào, chắp tay xá hai sư rồi nói: “Con có hai vé máy bay đi Rạch Giá, xin cúng dường hai sư, hai sư nhanh chóng đi theo con ra sân bay làm thủ tục đổi tên trong vé”. Chúng tôi mừng quá, đúng là Phật độ. Hai sư đi rồi, ba chúng tôi ở lại nhìn nhau cười hoài, quên số phận mình, biết chừng nào mới có tàu về Hà Tiên. Tôi muốn đáp máy bay về Sài Gòn, tìm xe đi Hà Tiên. Nhưng bỏ lại nhị vị Kiều, Liên, đâu nỡ.

Không đầy bốn tiếng đồng hồ sau. Ni sư Minh điện thoại cho biết hai sư đã về chùa yên ổn. Chúng tôi vỗ tay hoan hô, mừng ơi là mừng, rồi tiu nghỉu, cùng nhau chờ đợi “duyên” đến thật mau, mình được về nhà.

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.