“Cánh Cửa” Dành Cho Em

G

Trăm năm trong cõi người ta…

Hồi đó, anh chị Ba của chồng tôi đang dạy học ở Hà Tiên bèn bỏ nhiệm sở theo kháng chiến. Ở mật khu Cà Mau, anh làm hiệu trưởng trường Trung học Nguyễn Văn Tố, sau đó anh chị tập kết ra Bắc. Ở miền Nam, chồng tôi cũng đang dạy học, phải đi lính vì lệnh tổng động viên của Việt Nam Cộng Hòa. Ngày thống nhất đát nước, anh em ruột thịt chưa kịp gặp mặt nhau thì chồng tôi đã đi học tập cải tạo “cho nên người”. Tôi một mình nuôi dạy tám đứa con với đồng lương 10 đồng/tháng (theo mệnh giá năm trăm đổi lấy một đồng) và chỉ được mua cho riêng mình 13 kí gạo/tháng. Thiên hạ cứ để mặc tôi với bầy con đói khát. Đồ đạc, tư trang lần hồi tôi bán sạch. Thất vọng, tủi hổ, tôi chỉ muốn vượt biên ra nước ngoài, nhưng nhớ tới chồng con, tôi lại lao vào công việc. Người ta bảo, cứ làm tốt, chồng sẽ mau được về.

Chồng tôi về sớm thật, nhờ anh chị Ba tôi bảo lãnh. Rồi giặc Pôn Pốt đến. Cả thị trấn quê tôi phải sơ tán. Chồng tôi, trong số ngụy quân ngụy quyền vừa cải tạo về, đước chính quyền đưa đi nơi khác. Nhà tôi (nơi sơ tán) lại bị xúc đi kinh tế mới, dù tôi là giáo viên dạy giỏi lại đông con. Cầu cứu ông Giáo dục, tôi được ở lại dạy nhưng phải dời nhà vì nhà tôi nằm ngay đường vô khu quân sự (dã chiến). Chồng tôi đang chịu quản chế, được cho về dời nhà. Tan giặc, ai về nhà nấy. Vì khi chạy giặc, nhà tôi ở chợ phải dỡ ra, đến lúc trở về chỉ còn cái nền đầy cỏ dại. Gia đình chúng tôi lại phải ra sức làm đủ mọi thứ việc để kiếm sống mà vẫn phải dạy và học tốt. Thời đó, ai có lý lịch xấu sẽ không được thi vào đại học, các con tôi cũng vậy thôi. Nhân lúc trường Đại học Cần Thơ mở lớp dự bị tuyển học sinh rớt đại học, hai thằng con tôi khấp khởi mừng vì nếu là “tuyển” thì cả hai đứa đều “dư sức qua cầu”. Nhưng không ngờ thằng em được gọi đi học, còn thằng anh thì chờ hoài không thấy. Sốt ruột, thằng em đi hỏi thầy Hiệu trưởng. Thầy nói: “Do tỉnh, phải về tỉnh hỏi”.

Với cái túi rỗng và chiếc xe đạp còm, từ Cần Thơ nó đạp hơn 100 cây số về Rạch Giá. Trời tối, nó vô thẳng nhà cô Trưởng ban tuyển sinh, bấy giờ là cô D.T.H. Cô ngạc nhiên nói: “Ủa, vậy là do dưới quê em, cô đã báo về dưới lâu rồi. Em nói má hỏi lại xem”.

Với cái túi rỗng và chiếc xe đạp còm, từ Cần Thơ nó đạp hơn 100 cây số về Rạch Giá. (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

Bỗng đâu cô lại hỏi: “Em đã ăn gì chưa?” Nó thành thật đáp: “Dạ, từ sáng tới giờ con chưa ăn gì”. “Chết rồi, sao dữ vậy, bộ không có tiền đi xe hả?” Thôi vào đây cô cho ăn cơm, tôi nghiệp chưa, đạp xe như vậy mệt lắm phải không? Uống nước nè em”. Cô rối rít hỏi. Ăn xong nó cầm bát đi rửa, cô giành lấy không cho, còn móc túi lấy tiền, bảo: “Em cầm… về xe”. Cảm động quá, nó không dám nhận tiền của cô.

Nghe lời cô H, tôi cầm hồ sơ con tôi trong nỗi hồi hộp đầy mặc cảm, ngỏ lời xin trình bày với ông Bí thư Huyện ủy, bấy giờ là ông N.T.D. Ông hứa sẽ xem xét. Tôi lại hồi hộp chờ, nghĩ rằng phải mất một tuần. Nhưng không ngờ, chỉ nội ngày sau, con tôi được giấy chấp nhận cho nhập học dù đã trễ hơn hai tháng. Giờ đây, tôi mới hiểu vì sao trong nỗi vui mừng người ta lại khóc.

Từ đó về sau, năm đứa em của chúng tuần tự tốt nghiệp đại học. Báo Thế Giới Mới số 326 năm 1999 có nói đến tôi “Nhà giáo nghèo có nhiều con tốt nghiệp đại học nhất”. Rồi báo E-Chip với cái tựa “Từ Hà Tiên tới Cần Thơ – Câu chuyện chú bé bán bánh mì và D32”. Trong ngày Đại hội Gia đình Hiếu học tỉnh Kiên Giang, ông Giám đốc Sở Giáo dục nói với tôi: “Nhật Quang con cô, không hẳn là người của Kiên Giang. Anh ấy bây giờ là người của cả nước. Chương trình D32 của anh đã được đưa vào nhà trường. Còn người được Sở Giáo dục cấp bằng khen, tôi mới biết cũng là con của cô”.

Tôi nghe vậy lại khóc, vì thật ra, tôi có tài tình gì đâu, trăm sự là nhờ một hành động nhỏ của một tâm hồn lớn. Nếu đêm ấy không có chén cơm dành cho thằng bụng đói con tôi và ngày đó không có cái tâm của người đi trước thời đại, thấy trước cảnh u tối tụt hậu của cái óc đói là sự giam hãm trí tuệ con người…Lại nếu không có những lời “nói vô” của những anh chị học trò cũ của chồng tôi đang làm việc tại quê nhà, chắc chắn gia đình chúng tôi không được như ngày hôm nay. E rằng thằng con sẽ tiếp tục bán bánh mì hoặc làm công nhân bốc vác than bùn ở Vàm Rầy như trước đây, hoặc đã chết giữa biển khơi, hoặc trôi nổi vật vờ ở đâu đó. Giả sử chúng có đến được “vùng đất hứa” thì cũng chỉ sống bằng nghề cắt cỏ, làm “neo” hay những nghề linh tinh khác.

Tôi nghĩ, tôi không thể không cám ơn báo Tuổi Trẻ mở mục “Những câu chuyện làm thay đổi cuộc sống”, thật đúng vào chuyện của gia đình chúng tôi. Và xin thưa với quý vị ân nhân cùng quý bạn đọc gần xa, người được Sở Giáo dục cấp bằng khen chính là thằng nhỏ được cô H. cho cơm ăn và tiền đi xe. Cảm kích tấm lòng nhân hậu và đền đáp ơn cô, tám năm qua, khi làm chủ doanh nghiệp mình, mỗi năm nó gửi về trường Trung học Hà Tiên = ngôi trường đã dạy nó nên người – 10 suất học bổng xem như chén cơm ân tình năm xưa. Còn người có công trình “D32” được nêu trong kỷ yếu Hội nghị Granular Computing 2006 ở Atlanta và được đi các nước báo cáo thành quả nghiên cứu của mình chính là đứa được ông Bí thư nói trên phê chuẩn “được nhập học”, nay cậu ta là Tiến sĩ, hiệu phó một trường đại học công lập. Và quí báu hơn nữa, cha cậu phấn khởi thấy các con mình học tập thành đạt, ông chuyên tâm nghiên cứu lịch sử Hà Tiên, để lại cho đời những công trình có giá trị. Ông nghĩ đó là cách tốt nhất mình đền ơn quê cha đất tổ, đền ơn con người và cuộc sống hôm nay.

Một đời ghi tâm khắc cốt những người ơn. Tôi làm sao quên được trong giai đoạn lịch sử ấy, có người gạt bỏ hận thù, cố chấp và tị hiềm, dang tay nâng đỡ cứu vớt những người như chúng tôi vượt qua nỗi tuyệt vọng…


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang