Cái Duyên Thật Diệu Kỳ

G

ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ: Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên pháp danh Diệu Hạnh, hiện là Đoàn trưởng đoàn Nữ Phật tử thuộc Gia Đình Phật Tử Tam Bảo-Hà Tiên. Chị xuất thân là nhà giáo, tham gia hoạt động văn học từ thập niên 1990, đến nay tác phẩm của Chị đã xuất hiện trên các báo và tạp chí như : Văn, Giáo Dục& Thời Đại, Áo Trắng, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ Cuối Tuấn, Chiêu Anh Các, Nhớ Huế, Văn Hóa Phật Giáo, Sông Hương.

Ngoài ra, tác phẩm của Chị còn được xuất bản thành sách, bao gồm:

* Sách in riêng : Hành Khất Phu Nhân (1994); Thời Nõn Giá (2004); Bến Sông (2012)

* Sách in chung:Truyện ngắn chọn lọc (tỉnh Kiên Giang); Tuổi Thơ Bầm Dập; Mắt Bão (1998); Xa Xứ (2001)

Trước thềm năm mới Mậu Tuất-2018, Ban biên tập có nhận được tập ký & truyện “Đường Về” của Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên gởi tặng. Nhận thấy nội dung tập truyện  có phần gần gũi với tâm tư tình cảm của độc giả trang web gdptkiengiang.vn, trong đó đại đa số là đoàn viên Gia Đình Phật Tử, chúng tôi đã xin phép tác giả đăng lại toàn bộ ba mươi mốt truyện & ký trong “Đường Về” để bạn đọc thưởng thức.

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu truyện thứ tám có nhan đề : “Cái Duyên Thật Diệu Kỳ ”.

Trân trọng kính mời quý độc giả thưởng thức.

* * *

1.

“Người ta phải bước khó khăn đến nhà
Đồng tiền bát gạo mang ra,
Rằng đây cần kiệm gọi là làm duyên”…

Tôi không hiểu vì sao khi người ăn xin đến nhà, mình có chút gạo chút tiền dành dụm cũng đem cho mà “gọi là làm duyên”. Có phải “duyên” này là của cái “má lúm đồng tiền trông duyên ghê” hay “chị ấy da ngâm đen mà lại có duyên” ? Suy nghĩ mãi cho đến khi hiểu được lý nhân duyên trong nhà Phật. Kinh chép “Chư pháp trùng trùng duyên khởi”.

Càng hiểu thêm khi nghe kể, khoảng cuối thập niên 50 của thế kỉ trước, được ông Tỉnh trưởng Lưu Bá Châm cho phép, ông Chánh Hội trưởng Tỉnh hội Phật học Bình Thuận cùng một vị cư sĩ – sau này là Hòa thượng Thích Ấn Nghiêm lúc sinh thời trụ trì chùa Xuân Thọ (Phan Thiết) – đứng ra xây một cái nhà nhỏ làm Niệm Phật đường trong khuôn viên nhà tù Phan Thiết. Bởi vì Hội Phật học Bình Thuận mong muốn các tù nhân bị giam giữ có nơi cúng lạy nương nhờ cửa Phật. Ít nhất đến ngày Tết, ngày lễ Phật, người tù cũng còn được nghe câu kinh tiếng pháp.

Niệm Phật đường làm xong, hai thầy trò ông Chánh Hội trưởng thắp đèn gióng chuông cúng lạy. Từ đó, lời kinh tiếng mõ vào chốn lao tù. Năm 1963, vị cư sĩ ấy bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt nhốt vì “cái tội” công khai chống đối nhà Ngô đàn áp Phật giáo. Mọi người không ai ngờ trước đó, thầy Ấn Nghiêm có cái duyên xây chùa trong tù là…  để cho mình. Bao nhiêu năm ở tù là bấy nhiêu năm Thầy an nhiên tự tại đến “chùa mình” tụng niệm, gia trì công phu. Bởi tâm bồ đề kiên cố, quả nhiên về sau Thầy trở thành một vị danh sư.

“Con ạ, nhà Phật không thừa nhận cái gọi là may mắn hay số mệnh. Duyên nghiệp tạo tác, quyết định tất cả, ngay cả sự mất – còn của mọi chúng sanh”. Lời Thầy nói tôi còn nhớ mãi.

 

2.

Không biết duyên nào đưa đẩy, có bữa tôi đi xe ôm nhằm ông nhiều chuyện, ông mách rằng ở chùa Giang Thành khi đào đất, phát hiện một tượng Phật bằng gỗ quý, cao chừng bảy tấc có đường nét chạm khắc rất tinh xảo. Tôi tò mò đến chùa tìm hiểu. Ấy là ngôi chùa quê, nằm hẻo lánh nơi biên giới, xây thời Minh Mạng (1820 – 1840), được vua ban sắc thừa nhận. Vì thời cuộc và hoàn cảnh, chùa bị hoang phế một thời gian. Phải băng qua hàng loạt đám cỏ lát, năn, bàng và lác đác vài đám ruộng lúa còn xanh, rồi qua ba bốn bận “đi ngả này” do người chỉ đường hướng dẫn, tôi mới thấy mái chùa – mà cứ tưởng là mái nhà ai – lờ mờ thấp bé bên cái cây thật lớn.

Sư cô trụ trì dáng người cao ráo, nhanh nhẹn, đặc biệt tiếng nói to, miệng cười tươi tắn hồn nhiên. Sư cô tiếp tôi chân tình cởi mở, dường như lâu rồi mới thấy người kẻ chợ vô thăm. Tôi lạy Phật, cúng dường Tam Bảo, ngắm nhìn tượng gỗ rồi đi quanh chùa. Chỉ cần vài bước chân, tôi đã đi cùng khắp. Tôi than: “Chùa nghèo quá!” Một mối dây thân thiện không biết từ đâu thắt chặt chúng tôi. Câu chuyện đưa chúng tôi ra sân trước sân sau, tôi ngạc nhiên thấy ở đây không có một ai khác. Ra về, tôi bùi ngùi nghĩ đến người nữ tu đơn độc và ngôi chùa nhỏ khép mình bên làn ranh biên giới, gọi là vùng sâu vùng xa.

3.

Phải nói năm đó tôi có duyên lớn, được theo quý Thầy và đoàn Phật tử ra Phú Quốc dự lễ cầu siêu tịnh độ các anh hùng liệt sĩ.

Lễ diễn ra tại đồi nghĩa trang liệt sĩ trong hai ngày, vô cùng trọng thể. Hơn ngàn người từ các nơi, kể cả nhóm người tài trợ ở Hà Nội đổ về. Cờ Phật giáo được giăng khắp ngã đường dẫn đến nghĩa trang. Phật tử y giới trang nghiêm, đứng thành hai hàng tả hữu tại sân lễ đổ dài xuống chân đồi, nghinh đón đoàn rước hài cốt chiến sĩ vừa được tìm thấy. Đứng trên này, chúng tôi nghe tiếng chuông mõ, tiếng tụng kinh rì rầm trong gió mà chưa thấy đoàn. Tiếng tụng rõ dần là lúc dưới chân đồi, ngay đường lên nghĩa trang, toàn thể các chư tôn đức, quân nhân trong đoàn quân nhạc, Phật tử, đơn vị tài trợ, đồng loạt xuống xe đi bộ tiến lên lễ đài. Tiếng tụng kinh vẫn không dứt. Hai dãy người đứng nghinh đón từ dưới, kịp thời chắp tay niệm Phật, từ từ nhập vô đoàn, đi lên.

Trời mưa nhẹ.

Tôi không sao quên được cảm giác bồi hồi xúc động khi lần đầu tiên trong đời chứng kiến cảnh đoàn quân nhạc Xã hội chủ nghĩa nước ta trong nghi thức lễ phục toàn trắng, thổi kèn bài Phật Giáo Việt Nam, hòa tiếng trống bập bùng và nhịp chân đưa thẳng. Tự nhiên nước mắt tôi ứa ra.

Thương biết bao những chiến sĩ trận vong, lại thương cuộc đời đổi mới như có sự tỉnh thức, rồi thương cả nỗi cay đắng của mình. Bởi từ ngày thống nhất đất nước, vì chấp ngã, tôi chưa một lần tự khai lý lịch bản thân đã bao đời theo đạo Phật, mà khai là đạo “Thờ cúng ông bà” .

Tỉnh thức. Đó là tiếng reo vui bậc nhất đời tôi.

Qua hôm sau trời vẫn mưa, đến chiều tối còn lâm thâm, ngay vào giờ cử hành lễ dâng đèn hoa. Sau thời kinh khá lâu bằng tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Phạn là lời xưng tụng công trạng các anh hùng liệt sĩ, cảm thán lòng tri ân, ngưỡng mộ, quyết tâm noi gương, tiếp nối con đường đấu tranh vì đất nước của người còn sống. Sau cùng là lời kêu gọi thấu trời xanh các vong hồn liệt sĩ “bên này bên kia” hãy xóa bỏ hận thù, một lòng quy y Phật, sớm được siêu thoát.

Lễ xong, ban tổ chức liền phát mỗi người một cành hoa hồng và ngần ấy ly đèn sáp từ Hà Nội mới gửi vào theo chuyến bay. Đoàn người theo các Sư niệm Phật, từ từ bước lên nghĩa trang, nhiễu quanh tượng đài. Sau đó, mỗi người đến từng ngôi mộ niệm Phật, cắm hoa, đặt đèn nhang. Đi một đỗi, có người chụp lấy tôi: “Bà ơi, đứng đây được rồi, lên trển không nổi đâu. Trời mưa, coi chừng té”. Trong bóng đêm nghe tiếng nói quen, tôi quay ra, thì… Mô Phật! Sư cô chùa Giang Thành. Tôi mừng quá, lật đật cầm tay Sư cô, chưa kịp nói gì, cô đã lên thẳng tượng đài. Sau lưng tôi, vô số ánh đèn lấp lóe, trườn lên, trườn lên trong tiếng niệm A Di Đà.

 

4.

Thằng con tôi đang làm việc ở Sài Gòn, tự dưng suốt mấy bữa, ban ngày biến đâu, tối về ăn cơm… Cuối cùng nó tha về nhiều sản phẩm mỹ nghệ: giỏ, túi xách, cặp sách, nón, đủ kiểu, đủ kích cỡ khá đẹp. Tất cả được làm bằng tay với chất liệu cỏ bàng, cỏ lát. Tôi gạn hỏi. nó cười, nói: “Sư cô chùa Giang Thành ở tận vùng sâu là nhà từ thiện tầm cỡ của Kiên Giang. Vừa qua có cuộc triển lãm nhân Hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới lần thứ II tại Thành phố Hồ Chí Minh, con giúp Sư cô thiết kế phòng triển lãm, giới thiệu sản phẩm tự làm. Tiện thể con mua mấy thứ này. Má lấy mà dùng”.

Tôi chưng hửng. Cơ duyên nào run rủi, thằng nhỏ suốt ngày ru rú, cặm cụi bên máy vi tính với nghề mỹ thuật đồ họa, chẳng biết chùa chiền là gì, nay bỏ cả việc làm, tiếp giúp Sư cô tận tình vui vẻ. Rồi bữa đó tình cờ xem đài truyền hình Kiên Giang, tôi la lớn: Kìa… kìa, Sư cô Huyền Thanh trụ trì chùa Giang Thành lên tivi nhận bằng khen. Thì ra Sư cô đã làm nhiều việc to tát trong sứ mệnh: “phụng sự chúng sinh là thiết thực cúng dường mười phương chư Phật”.

Thật không ai ngờ, Sư cô xóa được 300 hộ nghèo ở năm xã biên giới phía Tây Nam, giúp họ tự làm ra sản phẩm mỹ nghệ để bán; khoan giếng nước; xây cầu bê tông; cấp quan tài, xuồng, xe lăn; mua máy may; máy vắt sổ; mở lớp dạy may tại chùa; cùng Hội Khuyến học giúp học sinh nghèo…

Ở chùa nghèo nơi vùng quê hẻo lánh, Sư cô tích cực lo tô điểm cuộc sống bao con người bằng cái Tâm Từ bi Thanh tịnh, không mưu cầu lợi ích riêng hay tu bổ chùa mình cho sang trọng. Tôi ngưỡng mộ Sư cô, không dám “ăn theo”, không dám cùng Sư cô đi đến chỗ này chỗ khác. Nhưng sao lạ quá, cái duyên nó băt tôi cứ gặp Sư cô trong những trường hợp hy hữu rất tình cờ, chưa kể duyên nào khiến thằng con tôi gặp Sư cô, dù trước đó nó không hề…


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang