Sau hơn một tuần í ới gọi nhau qua phôn, bọn chúng tôi – ở các tỉnh thành miền Đông miền Tây Nam bộ – quyết định lần này phải chọn “Hà Tiên thập cảnh” làm nơi họp bạn, nhân kỉ niệm ngày toàn quốc ghi ơn các anh hùng liệt sĩ, hai bảy tháng bảy thay vì những năm trước chúng tôi chọn ngày Quốc Khánh, hai tháng chín, hoặc ngày sinh nhật Bác, mười chín tháng năm. Địa điểm họp khi ở tỉnh này, khi tỉnh khác.
* * *
Khách sạn Pháo Đài độc chiếm đồi Kim Dữ Lan Đào, cũng gọi là Đảo Vàng Chắn Sóng. Bây giờ một bên đồi phía Đông bị xẻo thịt để làm cầu Tô Châu, nối quốc lộ 80 chạy tuốt về biên giới.
Vào thị xã, xe chúng tôi qua cầu, lượn vòng rẽ phải rồi chui gầm cầu, bám sườn đồi bò lên khách sạn. Cảnh quan thay đổi hẳn. Nhìn bao quát thị xả: phía Đông, phố chợ đặc kin nhà cao tầng, san sát như dính vào nhau. Rồi nào pa-nô, bảng hiệu màu sắc rực rỡ. Xe cộ thì be bé, không ngớt đan xen qua lại. Khu sầm uất thưa dần về phía đầm Đông Hồ trước khi mất dạng. Bên kia đầm, núi Tô Châu sừng sửng án ngữ. Chùa Ngọc Tiên, Ngọc Đăng chênh vênh sườn núi, mơ màng soi bóng nước… Đằng Tây, biển cả mênh mông, hiện rõ những đường nước đục lờ và xanh nhợt nhạt như thể những gam màu vụng về của tạo hóa vẽ nên bức tranh biển nơi đây. Lại có nhiều ghe tàu thư thả lướt sóng. Dưới chân đồi, nấp vào lùm mắm, chỗ gò đất là mấy chiếc ghe vừa lên ụ đang được sửa chữa, không ngớt tiếng búa, tiếng người nói lao xao. Xa xa, khu lấn biển hiện rõ nhiều con đường ngang dọc cùng hàng hàng dãy dãy trụ đèn vươn gọng thép cong cong… Hứa hẹn một thành phố mở.
Chúng tôi mãi mê ngắm cảnh mà quên nỗi mệt nhọc sau một đêm đường dài ngồi xe mất ngủ. Và giữa lúc cả bọn đang nhốn nháo nói cười thì Thu Loan, từ góc đồi đi lên, khệ nệ cái giỏ xách, chắc hẳn đựng đầy thức ăn và trái cây. Một bé gái đi cùng. Chúng tôi ùa đến Loan, ríu rít:
-Ông xã đâu, sao không đến chơi, ra mắt bọn này?
Loan cười, nói:
-Xin lỗi nhé, ổng bận sửa ghe, không dám bỏ ngày công
-Trời! Làm gì dữ vậy. Tôi nói.
Nhớ lần họp mặt đầu tiên ở Thành phố Hồ Chí Minh, gặp đồng đội cũ, chúng tôi ôm riết nhau. Khóc. Thấm thía nỗi đau thời hậu chiến và câu ai hát “vui sao, nước mắt lại trào”.
Chừng đã ổn định nơi ăn ở xong, chúng tôi tụ tập tại phòng ăn nhà khách, tha hồ đào xới dỉ vãng, thỏa tình đồng chí. Tôi dáo dát tìm người đẹp Thu Loan, vừa ở đây, đã chạy đâu.
Thu Loan, người con gái một thời đã cho tôi những rung động đầu đời. Tôi ôm ấp nâng niu mối tình nồng chờ ngày đơm hoa kết trái. Có ngờ đâu chỉ vì hai tiếng “chiến tranh” mà chúng tôi chả là gì của nhau. Chỉ biết vào lúc cuộc chiến lên cao điểm, bọn trẻ chúng tôi phải chiến đấu tới cùng, nghĩa là mỗi đứa đi vào mỗi trận địa. Lâu dần không tin tức. Chỉ gặp lại nhau sau ngày hòa bình. Bồi hồi, xót xa quá đổi! Lúc này chúng tôi cùng nhận ra, chuyện cũ đã lui vào dỉ vãng, để lại bao kỷ niệm ngọt ngào khó quên. Nhưng giờ thì ai có phận nấy và cũng không ai còn trẻ nữa để ca cẩm một mối tình. Cho nên, để không phụ lòng nhau, tôi thường gọi Loan bằng “bà”, có ý giỡn chơi mà thân mật như cách gọi chung những phụ nữ bạn mình. Đáp lại, Loan cũng gọi tôi bằng “ông” cho phải phép. Chúng tôi chỉ quan tâm hỏi han nhau khi cần thiết. Hôm ấy, tôi nói với Loan:
-Bà lấy chồng Hà Tiên, coi như người bổn xứ, vậy thì cho tôi hỏi, vì cớ gì cái tên Kim Dữ Lan Đào có nghĩa Đảo Vàng Chắn Sóng nghe thơ mộng thế bỗng dưng lại thành Pháo Đài, nghe máu vậy?
Loan cười, nói:
-Theo lời mẹ chồng tôi kể, hồi năm 1834, đời vua Minh Mạng, Hà Tiên bị giặc Xiêm tấn công dữ dội. Sau đó người ta chọn ngọn đồi này xây lên cái đồn lớn, có đặt súng đại bác để phòng thủ. Từ đó nơi đây có tên Pháo Đài. Khách sạn Pháo Đài này do quân đội quân khu 9 đầu tư khai thác và quản lý,
Nói rồi, Loan đưa chúng tôi đi khắp trên đây. Tôi thích nhất hàng cây có thân to, tán rộng, lá dầy xanh mượt, che mát cả một góc sân. Đặc biệt trái nhỏ mà rất sai, bám sát cành và thân. Tôi hỏi bạn:
-Cây gì vậy, bà Loan?
Loan đáp gọn:
-Cây sộp, ông ơi!
Thế là cả bọn cười ồ lên, đồng nói: “Cây Ông Ơi” để ghẹo tôi và Thu Loan. Từ đây, với bọn này, Hà Tiên có cây “Ông Ơi” để nói về cây sộp và cũng để nói về cái “tình già trên đầu non” này.
Loan lại đưa chúng tôi vào xem triển lãm ảnh nghệ thuật đen trắng, nhân kỷ niệm ngày Thương Binh Liệt Sĩ, được trưng bày ở đại sảnh khách sạn, lúc này đã có đông người xem, ý chừng vừa làm lễ khai mạc xong. Những bức ảnh sống động khơi dây trong chúng tôi bao nỗi nhớ thương đến bàng hoàng xót xa. Nỗi niềm cứ thế mà vận vào người khiến ai cũng muốn lần xem từng bức ảnh. Chúng tôi vì thế tản dần ra, lẫn vào đám đông lúc nào chẳng rõ.
Tôi buộc phải dừng lại sau khi được lọt vào trước một bức ảnh khá lớn, chiếm một khoảng tường nơi phòng số hai. Có lẽ nhờ ở vị trí trang trọng, bức ảnh đã đẹp, càng thêm lực hút. Đó là bức bán thân ghi hình bốn cô gái đang độ trăng tròn, đứng quanh nhau nói chuyện. Tôi ngắm nghía với niềm cảm xúc lâng lâng êm dịu và vô cùng thích thú bởi trang phục của các cô cũng chính là trang phục chúng tôi thời ấy. Nó sang trọng mà đơn sơ giản dị, chỉ là áo bà ba đen, cổ trái tim gài cúc trắng với chiêc khăn rằn ở cổ, chi chít ô vuông đen trắng. Trong ảnh, chiếc khăn được xếp dày, chiều dài gấp đôi, lằn gấp nằm trễ giữa khuôn ngực cao, hai phần khăn còn lại, vắt qua hai vai để lộ cái cổ tròn nõn nà tươi trẻ. Nhờ ảnh đen nền trắng làm chiếc khăn láng bóng, ánh lên những ô vuông một sắc đen rực rỡ, thoạt nhìn như chúng được dát lảnh Mỹ A – Tân Châu. Sự phát quang sáng tươi ấy khiến bức ảnh ngời đẹp lạ thường.
Nhìn kĩ, bốn cô gái có chung sắc mặt nghiêm trang. Hơi buồn tuy đôi môi hé mở như cười. Tôi đặc biệt chú ý cô đứng giữa có nét mặt hơi giống ai, tôi đã gặp hoặc là ai đó có nét mặt giống cô. Súng AK cô mang hơi trễ xuống, quai súng vắt hờ trên bờ vai gầy mỏng. Bên hông, tay cô nắm nhẹ vào báng súng.
Bức ảnh tức thì gây xôn xao.
Mãi quan sát ảnh, tôi tự hỏi phải chăng bên trong nó còn chất chứa cả sự nồng nàn thâm thúy mặc dầu măt họ buồn mà cháy rực một khí sắc, tạo nên một kiểu mẫu thần tượng ở thời điểm chống Mĩ cứu nước.
Tôi quên nói, bức ảnh còn có sức lan tỏa bởi hàng chữ bằng tiếng Anh được in đậm bên dưới YOUNG SOUTH VIETNAMESE WOMAN EXCHANGE EXPERIENCES IN REVOLITIONNARY WORK (Những thiếu nữ miền Nam Việt Nam trao đổi kinh nghiệm trong công tác cách mạng).
Vì đứng một chỗ hơi lâu, tôi bị đoàn người xem ảnh đẩy qua từng bước nhỏ. Tôi thoát sang phòng kế bên, xem cho hết ảnh trưng bày. Khi trở lại tìm bạn, thấy nơi tôi đứng ban nảy có người phụ nữ dán mắt vào bức ảnh “Bốn cô gái” tôi vừa xem mà hai mắt bà đỏ hoe như đang khóc. Bà ta có cái gì đó khiến tôi đánh mất phép lịch sự cả sự xấu hổ mà chăm bẩm nhìn bà ta hơn cả tò mò dò xét! Phải nói rằng bà ta già, cỡ bọn tôi hay hơn một chút, đang sở hữu đầu tóc bạc và nhiều nếp nhăn hơi sâu trên mặt, tuy thế vẫn thấy bà đẹp lão.
Bỗng nhiên bà ta quay mặt, khó chịu bởi cảm giác bị quan sát. Bà đi ra, mắt nhìn tôi, bẽn lẽn đưa hai tay lên vai, khẽ xốc chiếc khăn rằn. Tôi bỗng nhận ra nơi cái khăn ấy, những ô đen bóng láng, lấp lánh lảnh Mỹ A cùng sắc diện cô gái trong ảnh, mang AK, đứng ở giữa…
Tôi đứng lại nhìn bà thêm một lúc.
* * *
Không thấy các bạn đâu, nghĩ họ đã rút vào phòng ăn, tiêu thụ cho hết thức ăn Loan cung cấp. Quả vậy, khi tôi vừa bước vào, các bạn cười ào lên:
-Còn gì đâu mà ăn. Tiếng anh Tư Hiền rổn rảng
Anh Hai Mạnh bồi thêm:
-Bà Loan nảy giờ đi tìm ông muốn đứt hơi.
Loan giãy nảy như bị phỏng, nói lớn:
-Thôi nhen, ai lo cho mấy người ăn. Tìm ổng hồi nào!
Mọi người lại rân lên.
Chốc sau, Loan đưa một phụ nữ cả cháu gái đi cùng Loan hồi sáng giới thiệu và xin nhập cùng bọn này trong chương trình ngày mai đi thắp nhang ở Nghĩa trang Liệt sĩ, sau đó đi biển Mũi Nai, khu du lịch Núi Đèn, Thạch Động, Đá Dựng, Chùa Hang, Hòn Phụ Tử, núi Mo So. Ngày mốt đi núi Tà Lơn ở nước bạn Campuchia, có Loan làm hướng dẫn viên và cũng là “tài trợ viên”. Riêng tôi cứ thộn mặt ra nghĩ về hai người mới nhập bọn mà đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Trời ạ, thì ra người đó là bà ta, tôi gặp trong phòng tranh còn đứa bé là cháu bà chứ không ai khác.
Xế chiều, ở cà phê sân vườn khách sạn, chúng tôi lại tụ tập. Có người lên tiếng:
-Vì thời gian và sức khỏe, chỉ trong một ngày, ta không thể nào đi hết các nơi đã định. Đề nghị sang năm ta lại về đây đi… vét đuôi.
Cả bọn lại rân lên, nhất trí.
Tôi vui quá liền nói:
-Nếu ngày mai ngày mốt, bà Loan không mời ông xã bà đến họp mặt với tụi này thì đừng trách bị phạt nặng đấy nhé. Tránh né hoài sao được!
Chừng đã về đêm, Thu Loan thố lộ “chuyện bây giờ mới kể”. Loan nói:
-Tôi biết trước đây và cả bây giờ, nhiều bạn có thành kiến với tôi. Giận tôi là người cách mạng mà lấy chồng sĩ quan chế độ cũ. Tôi thấy các bạn nghĩ vậy cũng phải nên không dám trách cứ ai, im lặng hứng chịu lời ong tiếng ve cho đến ngày hôm nay, vợ chồng tôi đã có cháu nội.
Tôi sống với ba má tôi từ nhỏ ở đất bạn Campuchia và được ăn học tử tế. Năm 13 tuổi, tôi hoạt động cách mạng. Thật ra, việc tôi làm là để che mắt thế gian, bảo vệ an toàn tổ chức cách mạng. Tôi làm giao liên, khi lớn lên tôi vào bộ đội Cụ Hồ, thuộc sư đoàn 200, quân khu 9. Nơi đây tôi được học sơ cấp rồi trung cấp ý tá. Một thời gian sau, tôi xin chuyển ngành, về làm y tá ở Ban Tổ chức tỉnh và được học y sĩ. Năm 1980 tôi về làm tại bệnh viện NTH giữ chức Bệnh viện phó. Tôi nhớ cũng năm đó, tôi tiếp nhận một ca cấp cứu là một người đàn ông. Với chuyên môn nghề nghiệp, thêm ý thức trách nhiệm lại được dạy dỗ y đức “lương y như từ mẫu”, tôi ra sức cứu chữa, chăm sóc người bệnh rất đáng thương đó. Tôi không biết cái nợ nần duyên số gì đâu, nó buộc tôi đem lòng thương yêu anh ta thật nhiều dẫu biết anh ta là người thuộc phe lính cộng hòa, mang cấp bậc trung úy, đã được cải tạo.
Như các bạn biết, người đó chính là Sơn, chồng tôi hiện nay.
Không một ai trong tổ chức Đảng chấp nhận cuộc tình tôi. Tôi phải đương đầu đối phó. Trong buổi họp quyết định đời tôi, anh Sơn đứng bên ngoài hồi hộp chờ tin. Trước các vị lãnh đạo cáp cao, tôi chỉ xin thưa một câu thật lòng: “Tôi cần có chồng con, chỉ có chồng con mới là người săn sóc thuốc men, cơm bưng nước rót cho tôi khi tôi già yếu chứ không ai khác. Đảng không thể lo cho tôi có một người chồng vắng bóng tình yêu”. Tôi còn nói: “Trước đây làm cách mạng, cán bộ ta đôi khi phải núp bóng trẻ con để che mắt địch. Mẹ chồng và chị Hoàng Mai, người chị chồng của tôi làm công tác nội thành được suôn sẻ cho đến ngày thống nhất đất nước cũng nhờ núp bóng thằng con, thằng em của mình làm lính cộng hòa để hôm nay bà là cán bộ phụ nữ nòng cốt. Chị Hoàng Mai năm đó lại được cử ra Bắc học tập, trở thành một người trong bức ảnh “Các thiếu nữ miền Nam Việt Nam trao đổi kinh nghiệm trong công tác cách mạng”. Hai người trong số họ đã hi sinh. Bức ảnh là sức mạnh thuyết phục, hóa giải cuộc tình tôi.”
Loan vừa dứt lời, tràng vỗ tay vang lên, bọn tôi cùng đến bên Loan chia sẻ, có chị Hoàng Mai và bé gái ngồi cạnh.
Tôi bỗng nhận ra trí nhớ mình không tồi. Đúng. Đứa bé – cháu nội chị Hoàng Mai – có nét mặt giống chị thời trẻ, người trong ảnh mang AK đứng giữa…
* * *
Từ chân đồi lại vang lên từng nhịp búa quen thuộc. Loan thầm nhủ giờ này mà Sơn còn mải mê công việc. Đèn neon dưới đó sáng rực. Xuống lưng đồi rẽ trái, Loan theo lối mòn có ánh đèn bảo hộ khách sạn, đi dần xuống chỗ ụ ghe.