Bài Gia Huấn Ca Không Lời

G

ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ:

Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên pháp danh Diệu Hạnh, hiện là Đoàn trưởng đoàn Nữ Phật tử thuộc Gia Đình Phật Tử Tam Bảo-Hà Tiên. Chị xuất thân là nhà giáo, tham gia hoạt động văn học từ thập niên 1990, đến nay tác phẩm của Chị đã xuất hiện trên các báo và tạp chí như : Văn, Giáo Dục& Thời Đại, Áo Trắng, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ Cuối Tuấn, Chiêu Anh Các, Nhớ Huế, Văn Hóa Phật Giáo, Sông Hương.

Ngoài ra, tác phẩm của Chị còn được xuất bản thành sách, bao gồm:

* Sách in riêng : Hành Khất Phu Nhân (1994); Thời Nõn Giá (2004); Bến Sông (2012)

* Sách in chung:Truyện ngắn chọn lọc (tỉnh Kiên Giang); Tuổi Thơ Bầm Dập; Mắt Bão (1998); Xa Xứ (2001)

Trước thềm năm mới Mậu Tuất-2018, Ban biên tập có nhận được tập ký & truyện “Đường Về” của Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên gởi tặng. Nhận thấy nội dung tập truyện có phần gần gũi với tâm tư tình cảm của độc giả trang web gdptkiengiang.vn, trong đó đại đa số là đoàn viên Gia Đình Phật Tử, chúng tôi đã xin phép tác giả đăng lại toàn bộ ba mươi mốt truyện & ký trong “Đường Về” để bạn đọc thưởng thức.

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu truyện thứ mười một có nhan đề: “Bài Gia Huấn Ca Không Lời “.

Trân trọng kính mời quý độc giả thưởng thức.

* * *

Cha tôi là y tá. Năm lên mười, tôi mới thực sự có cha. Bởi khi mẹ mang thai tôi, năm 1940, cha phải sang Pháp trong nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe đoàn lính khố đỏ được đưa sang đó. Vì chiến tranh, cha kẹt lại đến mười năm. Về nước, cha tiếp tục làm y tá ở bệnh viện Phan Thiết. Gia đình tôi ở nhà ông ngoại cùng các dì tôi tại xóm Chợ Gò.

Thoạt tiên, cha tôi là bạn làng thơ trong nhóm Liên Thành thi xã mà ngoại tôi là người trưởng nhóm. Mẹ tôi thường nói văn là người, thơ cũng là người. Qua văn thơ của cha, ngoại hiểu và cảm mến cha nên gả mẹ tôi cho người bạn thơ tâm đắc.

“Câu thơ lối trước tình bè bạn
Chén rượu ngày nay nghĩa rể con” [1]

Khi vừa tuổi lớn, tôi đã biết cảm thụ văn thơ. Tôi thường lắng nghe ngoại và cha nói chuyện thơ văn, có khi tò mò rình xem các cụ Đại La, Phú Khê, Nam Trân, Đức Huy, Mạnh Gia, Tế Nam, Thuận Thành, Thạch Sơn v,v… mà ai cũng khăn đen áo dài, dựa ghế rung đùi, có khi nằm dài trên đi-văng ngâm nga bình thơ tại nhà ngoại, tất nhiên có tác giả Phú Sơn, cha tôi. Tôi quên sao được âm thanh rít thuốc rộn rã phát ra từ nơi cái ống thuốc lào màu nâu vàng, khắc họa mấy con chim đậu trên cành tre cả hình ảnh cái cần điếu là ống trúc dài, cong vỗng lên. Nên chi, tôi hiểu thế nào là bình thơ, thế nào là gieo vần, họa vần và lấy làm lý thú với: Ôi thôi rồi nồi xôi; Không chồng lông xông bông; Xô cô vô ô rô; Đồng lòng mong công ông v.v… Và chính lúc đó, tôi hiểu cha tôi hơn tôi tưởng.

Trong thơ, cha thương người, trọng nhân cách, thích bảo tồn nét cổ, ghét thói xu nịnh, hối lộ, ghét cả tánh thượng đội hạ đạp. Trong cuộc sống, cha cũng chủ trương sống mực thước và luôn làm như vậy.

Bài Gia Huấn Ca không lời
Và chính lúc đó, tôi hiểu cha tôi hơn tôi tưởng (ảnh minh họa)

Một hôm cha thấy ông Cổn, người lao công bệnh viện, đầu đội mâm mãng cầu lớn, đi ngang phòng làm việc của cha. Cha kêu lại hỏi, ông ta nói là của cô mụ Y sai đem biếu quan Đốc (người Pháp). Cha bảo:

-Chú mi đưa cái mâm đó vô đây, bọn mình cùng ăn, tội chi đem cho mấy thằng Tây. Rồi cha cười khẩy:

-Ta ăn cho cô mụ Y biết tay.

Ông Cổn sợ hãi dợm bước.Cha quát:

-Mi đưa vô đây mau! Cứ nói với cô mụ nớ là do tau[2] biểu!

Hôm đó, các đồng minh của cha được một bữa ăn thật vui. Báo hại mẹ tôi bị cô Y đến tận nhà mắng vốn, xỉ vả. Mẹ phải năn nỉ và xin lỗi mãi, sau đó mua đền một mâm mãng cầu lịch sự. Tuy mẹ có cằn nhằn cha nhưng mẹ lại cười. Ở đường Nhà Thương xóm tôi, nay là đường Hải Thượng Lãn Ông, lúc đó có nhà “bọt đền” chứa gái. Đối với bọn trẻ con chúng tôi, nhà “bọt đền” là khu cấm địa. Mẹ tôi căn dặn:

-Nếu có việc phải qua đó thì cắm đầu chạy cho mau.

Cha tôi nghe vậy, nói:

-Phải biểu hắn đừng đi qua đó chớ. Xóm này đâu chỉ một con đường?

Với trẻ, điều cấm kỵ có nghĩa là sự hấp dẫn, cho nên “tụi nhỏ” cứ mỗi khi đi ngang qua chỗ ấy thì cố ý chầm chậm để quay nhìn mấy cô gái đầu tóc “phi dê”, miệng đỏ chót, quần áo trắng muốt.

Năm 1950, mẹ tôi sanh em bé là thằng con trai, cả nhà tôi và bà con xóm giềng ai cũng mừng. Liên Thành thi xã liền có buổi họp làng thơ, ngoại tôi cảm tác:

Độc lập chờ nay mới lọt lòng
Trời cho quí tử vợ chồng Đông[3]

Mừng nhà, mừng nước, mừng con rể
Thêm số công dân giống Lạc Hồng.

Năm 1952, ở Phan thiết có trận lụt lớn. Nhà ngoại tôi nằm trên gò đất cao nên không lo chạy lụt, chỉ lo kê 32 tạ gạo mới mua để bán và đồ đạc lên cao. Nửa đêm người trong xóm lục tục kéo đến nhà ngoại mỗi lúc một đông mà cha tôi biến đâu mất. Mẹ tôi giận lắm …

Ôi, thì ra, cha đến nhà bảo sanh Hồng Đức gần đó, cõng từng sản phụ lên gò. Áo cha còn loang vết máu. Rồi nước lên nhanh, trời thì mưa tầm tả. Tiện có chiếc ghe của người tị nạn, cha nhờ đưa cha đến căn lầu nhà “bọt đền” kêu gọi bọn Tây và gái “bọt đền” đi cứu lụt. Suốt đêm, cha cùng bọn họ di tản an toàn tất cả mẹ con sản phụ, lại còn bơi đi cứu những người khác đưa về điểm cao là nhà ngoại hoặc trường Nữ Tiểu học. Cha nói:

-Thật không ngờ bọn vô tích sự kia cũng làm được việc đáng kể. Họ hết lòng cứu người, rất khẩn trương.

Dù ở chỗ cao, nhà ngoại vẫn bị nước ngập quá gối, trong khi ngoài kia xuồng ghe qua lại quanh các nóc nhà, cố sức cứu người còn mắc kẹt bên trong, thật khủng khiếp. Trước tình thế đó, cha xin phép ngoại cho phát chẩn số gạo nói trên, trước mắt là cứu đói các sản phụ. Thế là mẹ cùng các dì tôi suốt ngày đứng dưới nước, kẻ đong người phát liền tay. Mẹ tôi vừa mang thai, bị người ta xô đẩy giành giật đến ngất xỉu (sau đó mẹ bị sẩy). Rồi cái cảnh không chén bát, vậy là bao nhiêu chén kiểu quí giá từ lâu đời của bà ngoại tôi để lại, liền được phát ra. Chỉ một hai ngày là mất sạch.

Sau trận lụt đó, ngoại tôi được quốc trưởng Bảo Đại (Việt Nam) cấp bằng khen, chính quyền tỉnh gắn “mề đay”, chưa kể các thi hữu Hội làng thơ Hương Bình thi xã ở Huế làm thơ ca ngợi. Ngoại nói:

-Người được “mề đay” và bằng khen phải là anh Hiệp (cha tôi).

Bài Gia Huấn Ca Không Lời
Cha vẽ kiểu nhà đơn sơ nhưng cũng đẹp là nhờ cuộc đất trên gò cao gần nhà ngoại. (ảnh minh họa. nguồn: Internet)

Rồi cha cất nhà ra riêng. Cha vẽ kiểu nhà đơn sơ nhưng cũng đẹp là nhờ cuộc đất trên gò cao gần nhà ngoại. Cha chọn thế để tiện bề “em lo cơm cháo anh giùm thuốc thang” và nhất là cha được cùng ngoại ngâm vịnh, trao đổi thơ văn. Khi chuẩn bị cất nhà, cha biểu chị em chúng tôi mỗi chiều đi học về phải mang quang gánh lượn quanh xóm lượm gạch đá, gánh về chất đống. Nhà cất xong, cha khoe với mọi người: “Làm cái nhà này cũng có công lao của hai đứa nó”.

Có người nói cha tôi nệ cổ. Ở Pháp về mà cứ ăn trầu, hút thuốc Cẩm Lệ. Cha tôi có thói quen mặc áo cổ cứng, thắt cà vạt mà miệng lại nhai trầu, mỗi ngày mẹ tôi têm sẵn cho vào cái hộp nhỏ. Các bạn tôi, mỗi lần thấy cha đạp xe ngoài đường là chọc ghẹo tôi:

-Ông bố bạn trông thật tức cười, mặc đồ tây, thắt cà vạt mà miệng nhai trầu đỏ hoe. Tóc thì chải phồng cao trước trán, không biết làm sao, lúc nào cũng láng cứng, lại cỡi chiếc xe đạp có cái “ghi đông” thật lạ đời.

Có bạn tinh nghịch hỏi tôi:

-Vậy nước cổ trầu ông nhổ ở đâu? Bộ đem theo ống nhổ, hả?

Thế là cả bọn, có tôi cười rũ ra. Chuyện này tôi nghe cha phê bình mẹ và dì tôi rằng, ăn trầu, sao cứ nhổ nước cổ trầu đỏ lòm, dơ dáy quá. Dì tôi đáp trả:

-Tui và chị có ống nhổ đàng hoàng nghe.Không ai như anh sợ dơ, nước cổ trầu cứ nuốt vô bụng, có bữa…

Ở nhà, cha mặc bộ bà ba vải trắng. Đi chùa, đi cúng đình, cúng giỗ hoặc cùng các thi hữu ngâm vịnh, cha mặc áo dài đen, đội khăn đóng, mang dép hạ.

Tôi hồi đó, chỉ biết cha chơi thân với ông Vĩnh Giác vì cùng làm ở bệnh viện Phan Thiết, cùng ở xóm Chợ Gò. Gọi nhau bằng chú – cháu. Một hôm, ngoại tôi đi đâu về, nói chuyện gì với cha. Ngày sau, tôi thấy cha mặc lễ bộ Quốc phục, nhìn dáng người thật đẹp mà có vẻ buồn, cùng ngoại tôi đi chùa Phật Học, có cả con cái gia đình nhà ông Vĩnh Giác, họ đều bịt khăn tang. Con gái Nguyễn Phước Dạ Hương của ông, học chung lớp, chơi thân với tôi. Hương nói: “Ông nội tôi, vua Thành Thái chết rồi. Hôm nay chùa Phật Học làm lễ tang cho vua”.

Cha hay thức dậy sớm, một mình nấu nước pha trà. Ngồi thưởng thức chén trà sáng, lim dim tìm vần điệu. Đi làm về, cha tranh thủ đóng tủ bàn, sửa xe đạp hoặc đồ dùng. Những lúc này tôi phải giúp cha làm “ét”. Mãi tiếc cuộc chơi dang dở, tôi không tập trung, cứ đưa nhầm cái chàn ra cái đục; kềm bọ cạp với kềm mũi nhọn; đinh hai phân với đinh ba phân…khiến cha luôn miệng quát tháo. Ôi, nhờ khôn lớn trong từng việc lặt vặt của cha mà sau này tôi được người của tôi… nể mặt. Có khi cha cùng các bạn già đánh tài bàn, mạc chược, vui lắm thì đánh đàn. Cha chơi đàn nguyệt khá giỏi, ngoại tôi có thơ rằng:

“Vắng vẻ lâu ngày tiếng Bá Nha
Nay nghe đờn lại khúc âu ca
Chín năm những tưởng quên nâng nguyệt
Mười ngón đâu ngờ nhớ trổ hoa

(Còn tiếp…)

[1] Trong “Phú Khê thi tập” của cụ Đoàn Tá

[2] Tiếng địa phương, nghĩa là “tao”

[3] Đông là tên gọi tắt của mẹ tôi


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang