Giác Ngộ – Giải Thoát (2)

Thí dụ : người con Phật, ai cũng đã được học về  Vô thường, Vô ngã, Khổ, Không… trong rừng giáo lý của Phật Giáo; Thế nhưng có được bao nhiêu người được giải thoát thật sự khỏi các đau khổ do chấp thường, chấp ngã, chấp ngã sở hữu … đem lại? Đó là vì dù có hiểu nhưng không tu tập, tức không thực hành trong đời sống hằng ngày thì làm sao mang lại kết quả giải thoát cho được!

Do vậy, đối với việc đời, chỉ cần nắm được chân tướng sự việc, sự vật… là ta đã có ngay lợi lạc là giải thoát khỏi những nghi ngờ, đau khổ, sợ hãi, lo lắng… Nhưng trong phạm trù Đạo học, muốn được giải thoát thực sự thì chỉ giác ngộ không là chưa đủ, mà chúng ta cần có một lộ trình thực hành sự giác ngộ ấy trong đời sống thường ngày cho đến khi nó phát huy tác dụng cụ thể và trở thành thói quen, thành tập quán trong đời sống bản thân của mỗi người, thì mới được gọi là có giải thoát từ sự giác ngộ đem lại.

 

Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp, tưởng là giác ngộ thiệt, nhưng không ngờ là “giác ngộ giả”. Thứ giác ngộ giả này không bao giờ có thể mang lại giải thoát. Đó là những trường hợp vì “lợi ích nhóm” hay vì dốt nát mà diễn dịch sai kinh điển, biến Đạo Phật thành một thứ tín ngưỡng nhất thần và đa thần với đầy rẫy sự cầu khấn hoang đường, hoàn toàn đi ngược lại tinh thần Đạo Phật chân chính; Đó là những trường hợp “kinh doanh thần thánh”, biến những lời dạy vàng ngọc của Đức Thế Tôn thành những thứ rẻ tiền nhảm nhí để chạy theo “thị hiếu” của quần chúng tín đồ. Những thứ được gọi là “giác ngộ” này, dù có tu tập đến A tăng kỳ kiếp thì cũng không cách nào đem lại giải thoát được.

 

●●●

 

Phật Giáo Việt Nam vào thời điểm này, có thể nhìn bề ngoài mà nói rằng rất phát triển: nào chùa chiền được xây dựng, phục hồi, trùng tu khắp nơi; nào những hoạt động Phật sự hoành tráng náo nhiệt được tổ chức từ cấp trung ương cho đến thình, thành; nào lực lượng người xuất gia mỗi ngày một tăng trưởng về số lượng; nào lực lượng Phật tử và cảm tình viên với Đạo Phật ngày một thêm đông đảo v.v…

Thế nhưng, bên cạnh đó cũng xuất hiện “ăn theo” với biết bao kiểu tu ảo tưởng mê tìn, với những chiêu trò hành đạo thô tháo, tạp nhạp nhuốm đầy mùi lợi danh… thường được gọi là “phương tiện để độ người mới vào đạo” . Nếu cứ “phương tiện” mãi kiểu này thì thử hỏi đến bao giờ quý thầy mới dẫn dắt người Phật tử tại gia đi đến chỗ “giác ngộ và giải thoát” đây ?

 

●●●

 

Tương Ưng Bộ kinh có ghi lại câu chuyện như sau :

“Hôm nọ, có một chàng trai tên Kesy đến viếng Phật. Biết anh làm nghề luyện ngựa, bậc Đạo sư bèn hỏi thăm anh về khả năng chuyên môn. Nghe đúng sở trường, Kesy thao thao giảng giải về bí quyết nghề nghiệp của mình:

– Bạch Thế Tôn, con thường chia ngựa ra làm bốn loại:

1. Loại được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng.

2. Loại được nhiếp phục bằng lời thô ác.

3. Loại được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng lẫn thô ác.

4. Loại bất trị, không thể nhiếp phục nổi. Với hạng này chỉ còn cách đem giết thịt để khỏi mất danh dự của nhà luyện ngựa”.

Kesy hỏi Phật về cách nhiếp phục hàng môn đệ. Đức Đạo sư đáp rằng, Ngài cũng chia hàng đệ tử ra làm bốn loại:

1. Hạng người được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng: khi được chỉ dạy về các việc thiện của thân, khẩu, ý cùng các quả báo tương ứng ở cõi trời, người, họ liền tinh cần tu tập.

2. Hạng người được nhiếp phục bằng lời cứng rắn: khi được chỉ dạy về các hành động bất thiện của thân, khẩu, ý, cần nên tránh vì chúng sẽ đưa đến quả báo tương xứng nơi ba đường ác.

3. Hạng người được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng lẫn cứng rắn: bao gồm cả hai lối trên.

4. Hạng người bất trị, không thể nhiếp phục bằng lời mềm mỏng hay cứng rắn, thì đành phải giết đi.

Nghe đến đây, Kesy hốt hoảng hỏi: – Nhưng, bạch Thế Tôn, tại sao lại giết đi? Há không phải Ngài thường khuyên răn hàng môn đệ nên trì giới bất sát đó sao?

– Này chàng trai, trong giáo pháp của ta, giết đi chỉ có nghĩa là không thèm nói tới, vì đương sự không xứng đáng để bỏ công dạy dỗ, nhắc nhở nữa.

 

Ngày nay, trong Giáo hội cũng có 4 hạng người xuất gia :

-Thứ nhất, hạng người bất tài vô dụng vào chùa để trốn đời

-Thứ hai, hạng người lấy việc tụng kinh niệm Phật làm nghề mưu sinh

-Thứ ba, hạng người mượn chiếc áo thầy tu để mưu cầu danh lợi

Ba hạng xuất gia trên đây ví như hạng đệ tử bất trị mà Phật đã nói xưa kia. Những hạng người này không thể hy vọng gì về chuyện “giác ngộ và giải thoát” nơi họ.

-Riêng hạng thứ tư là những bậc chân tu, xuất gia vì lý tưởng giác ngộ và giải thoát; ôm ấp hoài bảo tự giác – giác tha – giác hạnh viên mãn; hết lòng vì sự nghiệp hoằng hóa lợi sanh mà Đức Từ Phụ đã để lại. Đây đúng là ngôi Tăng Bảo xứng đáng cho mọi người tôn quý, cúng dường và cầu học. Đáng buồn thay, những người xuất gia chân chính lại là thiểu số trong hàng ngũ được gọi là “Chúng Trung Tôn”!

 

●●●

 

Trong hoàn cảnh người tu thiệt thì ít, người tu giả thì nhiều như hiện nay, hàng cư sĩ thật khó khăn khi tìm hàng Tăng Bảo chân chính để quy ngưỡng. Tuy nhiên, hàng cư sĩ cũng đừng đòi hỏi quá nhiều ở chư tăng, vì như một vị giảng sư uyên thâm đã nói : “Chúng tôi đều là những “phàm tăng” đang đi trên con đường tìm chân lý. Có người đã đến gần với chân lý, nhưng cũng còn nhiều người vẫn ở rất xa mục tiêu giác ngộ-giải thoát”. Qua lời nói trên, chúng ta hiểu rằng: tuy đều là hạng xuất gia có lý tưởng, nhưng vị trí của mỗi người trên lộ trình giải thoát đều khác biệt nhau. Đôi khi, người cư sĩ quá cầu toàn khi đánh giá chư tăng mà quên đi thực tế ấy, từ đó có thể thối chuyển trên đường tu tập.

Ta hãy nghe tiếp một vị giảng sư thông bác khác nói : “Nếu quý vị bị lạc lối trong con đường hầm tối tăm, bỗng có một người cùi hủi hiện ra, cầm một cây đuốc soi đường, bảo quý vị đi theo anh ta ra khỏi đường hầm. Vậy quý vị có đi theo không ? Hay quý vị chê anh ta cùi hủi gớm ghiếc mà không đi theo?” Hàng cư sĩ chúng ta ví như những người lạc bước trong con đường tối tăm kia; Người cùi hủi kia ví như chư tăng , mặc dù đạo hạnh chưa hoàn chỉnh lắm, nhưng có hoài bảo và ý chí, sẵn sàng hướng dẫn chúng ta tu học. Vậy chúng ta có tu học theo giáo pháp do vị tăng kia hướng dẫn không ? Hay chúng ta chê vị thầy này “chưa hoàn chỉnh” mà không theo ?

Xin nhường lại phần kết luận của bài viết này cho quý độc giả tư duy thêm.

 

LỆ TÍCH

(TP.Hồ Chí Minh)


Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.