Kỳ trước, chúng tôi có đề cập đến một điểm son của tổ chức GĐPT như sau: “Từ ngày ra đời (1940), trải qua hai lần thay đổi danh xưng [Gia Đình Phật Hóa Phổ (1943) rồi Gia Đình Phật Tử (1951) ] đến nay… tổ chức GĐPT, mặc dù trải qua nhiều thời kỳ thay đổi Giáo hội, nhưng thành phần lãnh đạo GĐPT từ trung ương đến địa phương vẫn không thay đổi. Điều đó nói lên tính đoàn kết thống nhất cao trong nội bộ hàng ngũ những người Áo Lam. Đây là một điều tốt đẹp hiếm có mà bất cứ một tổ chức hay đoàn thể nào cũng mơ ước có được.”
Từ khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) cho phép tái lập sinh hoạt GĐPT trên cả nước vào năm 1997, hàng vạn đoàn viên Áo Lam từ Quảng Trị đến Cà Mau đều nức lòng hởi dạ, tin rằng rồi đây GĐPT Việt Nam có thể tiếp nối truyền thống hòa hợp đoàn kết như xưa để tiếp tục công cuộc “Đào luyện thanh, thiếu, đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chánh, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội”
Tuy nhiên, một chướng duyên không ai chờ đợi đã tới, khiến cho hàng ngũ Áo Lam “tan đàn sẻ nghé”, khiến cho anh chị em một nhà phải chịu cảnh “cách mặt xa lòng” suốt 20 năm qua.
Đối với người Phật tử chúng ta thì Phật pháp là món quý báu nhất trên đời. Chính Phật pháp đã đưa anh chị em chúng ta đến với nhau; Chính Phật pháp đã khiến anh chị em chúng ta vượt qua mọi rào cản giai cấp, mọi khác biệt về chính kiến để trở thành những anh em đồng tâm đồng chí trong suốt một chặng đường lịch sử của đất nước và dân tộc. Tình yêu Phật pháp đã biến thành Tình Lam cao quý thiêng liêng trong mỗi chúng ta, khiến anh em chúng ta đôi khi còn thân thiết hơn cả tình anh em ruột thịt v.v…
Vậy, trên đời này còn có cái gì cao quý hơn Phật pháp, mạnh mẽ hơn Phật pháp mà có khả năng phá tan truyền thống đoàn kết hòa hợp của anh chị em Áo Lam ? Cái gì đó xin để mọi người suy gẫm và đưa ra câu trả lời. Nhưng, Phật tử chúng ta nên nhớ rằng :
Đức Phật xưa kia đã từ chối con đường chính trị để xuất gia làm một vị Sa môn không nhà cửa, không tiền bạc, không danh vọng, không địa vị… Nếu Ngài chọn con đường làm chính trị thì Ngài đã là một vị Chuyển luân Thánh vương quyền thế cao tột (như lời tiên đoán của đạo sư A Tư Đà) , nhưng Ngài đã từ bỏ ngai vàng để bước vào con đường tìm kiếm chân lý, nhờ đó mà hôm nay mới có đạo Phật, mới có Giáo hội, mới có tăng, ni và Phật tử chúng ta. Như vậy không thể nói chính trị cao quý hơn Phật pháp. Ngày nay, nếu ai đó vì đi theo chính trị mà bỏ quên Phật pháp, gây cảnh “nồi da xáo thịt” trong hàng ngũ anh em Áo Lam tức là đã đi ngược lại bổn nguyện của Đức Phật rồi vậy.
Đức Phật, khi còn tại thế, cũng chưa từng thiết lập Giáo hội và Giáo quyền, vì, với trí tuệ siêu việt của bậc Chánh đẳng chánh giác, Ngài đã thấy trước rằng: hình thức giáo hội cũng là chinh trị hóa đạo Phật. Trong khi ngài đã từ bỏ con đường làm chính trị thì cớ sao Ngài lại làm công việc “chính trị hóa” đạo Phật ? Nếu đem giá trị của tổ chức giáo hội ra so sánh với Phật pháp thì cũng giống như so sánh một con chim sẻ với khoảng không vũ trụ bao la, chẳng có ý nghĩa nào hết. Vậy, nếu ai đó có ý nghĩ xem trọng giáo hội này, xem thường giáo hội kia… để rồi chia rẽ “quốc doanh” với “truyền thống” thì người đó chưa thấm nhuần tư tưởng của Phật, lấy giả làm chân, bám lấy con chim sẻ mà bỏ quên khoảng không vũ trụ rồi vậy.
Phật Giáo Việt Nam là người bạn trung thành luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam. Điều đó đã được lịch sử dân tộc ta khẳng định và không ai có thể nói ngược lại. Như chúng ta đều biết, lịch sử dân tộc luôn luôn biến đổi. Bắt đầu từ Nhà Đinh rồi đến Nhà Lê, Lý, Trần, Hậu Lê, Mạc, Tây Sơn và Nguyễn …Đó là quy luật tự nhiên của xã hội con người, xã hội Việt Nam cũng không ra khỏi quy luật đấy.
Tuy đất nước có thay chủ đổi ngôi, nhưng PGVN lúc nào cũng khế thời, khế lý, hộ trì chính nghĩa, đứng hẳn về phía lợi ích dân tộc, không bao giờ bán đứng Tổ Quốc cho ngoại bang. Khi nhà Lý mất về tay nhà Trần, PGVN không vì cảm tình với nhà Lý mà chống đối lại nhà Trần. Trái lại, trong đời Trần, PGVN còn rực rỡ hơn bao giờ hết.
Rồi khi nhà Trần suy yếu, Trần Ích Tắc rước quân Minh về “dày mả tổ”, Lê Lợi tập họp toàn dân chín năm kháng chiến đánh đuổi quân Minh, đem lại độc lập cho nước nhà. Lê Lợi lên làm vua mở ra triều đại Hậu Lê là điều tất nhiên. PGVN cũng không vì nuối tiếc thời đại vàng son dưới đời Trần mà chống đối lại nhà Lê. Lịch sử dân tộc luôn lập lại như thế cho đến thời nhà Nguyễn.
Sang thời cận và hiện đại, kể từ năm 1884 đến 1975 , thực dân Pháp và đế quốc Mỹ lần lượt xâm chiếm Việt Nam, biến nước ta thành thuộc địa, bắt dân ta làm nô lệ, mưu đồ triệt tiêu PGVN để thay thế bằng tôn giáo của họ với thâm ý xóa bỏ bản sắc văn hóa Việt và thay thế bằng văn hóa và lối sông phương Tây. Trong cảnh nước mất nhà tan ấy, vị anh hùng Nguyễn Ái Quốc đã tập họp toàn dân trường kỳ kháng chiến trong 29 năm, cuối cùng đánh đuổi được ngoại bang, thành lập triều đại Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hiện nay.
PGVN một lần nữa đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, đứng về phía dân tộc và chính nghĩa, vận dụng con đường khế lý, khế thời để phát triển đạo pháp mà không tách rời lợi ích của dân tộc. Phương châm “Đạo pháp – Dân tộc” của PGVN có từ thời Vạn Hạnh thiền sư dựng nên Nhà Lý cho đến tận hôm nay vẫn còn nguyên ý nghĩa. Người Phật tử Việt Nam nhất định không bám theo cái bã lợi danh của ngoại bang mà phản lại dân tộc.
“Ta về ta tắm áo ta,
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn.”
(Còn tiếp)