Một Tấm Lòng

G

Người học trò suốt bốn mươi tám năm qua, tôi chưa một lần hồi nhớ. Nay nhân đọc tôi trên Văn hóa Phật giáo, bỗng dưng em đi tìm tôi.

Cuộc tìm kiếm đơn phương hy hữu để khi hội ngộ, có cả nước mắt lẫn tiếng cười. Tôi cố giữ em ở lại với tôi vài hôm nhưng em chỉ ngủ qua đêm. Chúng tôi nói chuyện cả đêm đến bốn giờ sáng mà vẫn thấy thời gian qua nhanh quá. Chuyện có lúc chuyển sang đề tài tâm linh khá sôi nổi là nghiệp quả, đi chùa, ăn chay. Em ăn chay, đi chùa dữ dằn hơn tôi. Tôi vô tư kể em nghe, hồi đó sau ngày thống nhất đất nước, chị bạn đồng nghiệp khá thân của tôi, qua thanh lọc vẫn còn đi dạy, nhưng rồi đi tu. Nghe nói bây giờ chị là sư cô Như L. trụ trì một ngôi chùa nghèo ở vùng quê, muốn đến đó phải đi đò qua sông. Lúc mới về chùa, sư cô kêu gọi các em con nhà nghèo trong xóm đến chùa để sư cô dạy chữ. Tôi chỉ biết vậy chứ chưa một lần đi thăm dù rất muốn. Tôi mãi đợi có người dẫn đi. Chuyện kể rồi quên.

Gần đây, nhân lúc đi Rạch Giá, tôi gọi điện cho em. Em ra bến xe đón tôi về nhà em mặc dù tôi đã đặt phòng ở nhà khách. Rồi em nhắn mấy bạn cùng lớp với em hồi đó đến thăm tôi, có cả ông xã bà xã của họ đến chào ra mắt. Ôi, vui và cảm động làm sao! Rồi các em thay nhau đưa tôi đi ăn nhà hàng cơm chay, đi cà phê đến chín mười giờ tối. Đây là lần đầu tiên tôi được biết có món lẩu chay điệu đàng xa lạ, ngon tuyệt vời. Rồi em tuyên bố hôm sau đưa tôi đến chùa Hòa Long. Tôi ngạc nhiên hỏi: “Chùa có gì mà mình đi thăm?” Em giật mình: “Trời, cô quên rồi sao, cái chùa bữa đó cô nói với em có sư cô trụ trì là bạn của cô“. Tôi à lên vui sướng.

* * *

Đứng trước cổng ngôi chùa bề thế, tôi hỏi em vừa chạy xe đến: “Sao không thấy mình đi đò qua sông?” Em cười rõ to: “Thì mình vừa qua cây cầu, cô à. Nhà nước mới xây cầu đắp lộ chứ trước đây, đường đi đâu được vậy”. Tôi à lên ngơ ngác.

Người mở cổng chùa cho tôi không phải “Lan” cũng không ai “cắt đứt sợi dây chuông” mà là chú lái xe ôm vừa chở tôi. Tôi hỏi: “Chú quen hả? Sao rành vậy?”. Chú đưa mắt nhìn cô học trò của tôi, cười cười rồi đẩy rộng thêm cánh cổng.

một tấm lòng - nguyễn phước thị liên
Tôi bỡ ngỡ trước cảnh chùa uy nghi còn tươi màu ngói mới lại có sân rộng, nhiều cây kiểng các loại và lối đi thoáng mát.

Đã bước chân vào sân chùa mà tôi còn chưa tin, cứ đinh ninh chùa Hòa Long lụp xụp lắm. Tôi bỡ ngỡ trước cảnh chùa uy nghi còn tươi màu ngói mới lại có sân rộng, nhiều cây kiểng các loại và lối đi thoáng mát. Một vị sư nữ ốm yếu gần như tiều tụy ra mở cửa sắt nhà khách. Tôi biết ngay đó là Kim Loan, bạn tôi ngày nào, còn in dấu nơi ánh mắt. Tôi cố giữ bình tỉnh, chắp tay vái chào: “A Di Đà Phật!” Vị tu sĩ chào đáp lễ, đoạn cầm tay tôi dắt vào bàn và thong thả nói: “Trông chị lạ quá, mất hết dáng vẻ xưa. Nếu không có Diệu Mỹ cho hay thì tôi không tài nào nhận ra”. Tôi nói: “Tôi cũng không thể nhìn ra… bây giờ sư cô ốm quá mà răng cỏ đi đâu hết trơn, họa chăng chỉ còn ánh mắt là muôn thuở”.

Chúng tôi đồng cười, lòng xao xác buồn…

Đối mặt nhau, bây giờ chúng tôi là hai cô giáo bạn già cùng thấm thía những mất-còn là lẽ đời vô thường và nghiệp nhân quả. Kim Loan bây giờ là sư bà cho biết mình hiện đang bị ung thư đã hai mươi năm mà chưa chịu chết. tin rằng đó là do sự mầu nhiệm do trì tụng kinh sám hối và lối sống an lạc, biết gạt bỏ hết mọi ưu tư phiền não mặc dầu hiện thời đang ở cảnh một chùa một thầy tu! Ban ngày có vài Phật tử thân cận đến giúp việc chùa. Chiều, sau giờ tụng kinh, họ lo cài then, khóa cổng chùa rồi ai về nhà nấy. Lúc chùa còn xập xệ, Phật tử trong xóm đến đóng, khi chùa được xây mới, vì một chút hiểu lầm, họ bỏ chùa. Sư bà chịu điều tai tiếng, coi đó là cái nghịch duyên, chỉ biết siêng năng tụng kinh niệm Phật, duyên lành tự khắc đến.

Và ngày đó, bỗng đâu có người khách lạ đến chùa xin gặp Sư bà trụ trì Như L. Người ấy tự xưng mình là Phật tử, pháp danh Diệu Mỹ, xưa là học trò của bạn sư. Nay muốn viếng chùa và thăm sư. Xin sư coi Diệu Mỹ này như học trò của mình. Rồi từ chỗ thấy hoàn cảnh chùa đìu hiu, vắng bóng Phật tử trong khi sư trụ trì tám mươi tuổi, bệnh hoạn mà đêm hôm chẳng có ai. Diệu Mỹ tình nguyện mỗi tuần ở lại chùa năm ba bữa để sư được ấm lòng, còn tranh thủ chăm nom chăm sóc chùa. Và khi biết nỗi niềm của sư, Diệu Mỹ lân la vào xóm, làm quen các Phật tử trước đây tạo sự thân thiện, sau đó giải bày ngọn nguồn những hiểu lầm đã qua. Nhờ vậy họ lấy lại lòng tin, từng người trở lại chùa.

Trời đã xế bóng mà đường về còn xa, chúng tôi lên lễ Phật, Sư bà trụ trì đánh chuông chứng minh. Tiễn chúng tôi ra cổng, sư nói:”Nếu không có Diệu Mỹ tiếp sức, không biết bây giờ tình trạng chùa này ra sao”

Cảm phục tấm lòng từ ái của cô học trò năm xưa, tôi nói: “Giờ đã quen đường đi nước bước, mai mốt tôi đưa các Phật tử bạn tôi ở Hà Tiên đến viếng chùa, thăm Sư bà và tụng kinh niệm Phật, có khi ở lại ngủ đêm, gây “huyên náo”, lập lại không khí thân mật, hy vọng việc này sẽ thường xuyên” Diệu Mỹ là người vui sướng nhất, em nói lúc đó em cũng đưa bạn em đến. Tôi đùa vui: “Chừng đó mình có món lẩu chay như hôm qua, phải không em?” . “Và còn hơn thế nữa”. Diệu Mỹ nhanh nhẩu đáp. Liền có tiếng cười ngập tràn cả sân chùa.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Không ôm hiềm hận ấy,
Hận thù được tự nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
03
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Chủ nhật
Ngày Tân Mùi
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
03
Tháng 10
Kiên Giang