Lễ Phật Đản Với Tuổi Thơ Tôi

G

Nguyễn Phước Thị Liên

ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ: Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên pháp danh Diệu Hạnh, hiện là Đoàn trưởng đoàn Nữ Phật tử thuộc Gia Đình Phật Tử Tam Bảo-Hà Tiên. Chị xuất thân là nhà giáo, tham gia hoạt động văn học từ thập niên 1990, đến nay tác phẩm của Chị đã xuất hiện trên các báo và tạp chí như : Văn, Giáo Dục& Thời Đại, Áo Trắng, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ Cuối Tuấn, Chiêu Anh Các, Nhớ Huế, Văn Hóa Phật Giáo, Sông Hương.

Ngoài ra, tác phẩm của Chị còn được xuất bản thành sách, bao gồm:

* Sách in riêng : Hành Khất Phu Nhân (1994); Thời Nõn Giá (2004); Bến Sông (2012)

* Sách in chung:Truyện ngắn chọn lọc (tỉnh Kiên Giang); Tuổi Thơ Bầm Dập; Mắt Bão (1998); Xa Xứ (2001)

Trước thềm năm mới Mậu Tuất-2018, Ban biên tập có nhận được tập ký & truyện “Đường Về” của Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên gởi tặng. Nhận thấy nội dung tập truyện  có phần gần gũi với tâm tư tình cảm của độc giả trang web gdptkiengiang.vn, trong đó đại đa số là đoàn viên Gia Đình Phật Tử, chúng tôi đã xin phép tác giả đăng lại toàn bộ ba mươi mốt truyện & ký trong “Đường Về” để bạn đọc thưởng thức.

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu truyện thứ tư có nhan đề:“Lễ Phật Đản với tuổi thơ tôi”.

Trân trọng kính mời quý độc giả thưởng thức.

* * *

Là đoàn viên Gia Đình Phậtt Tử, hẳn ai cũng có một vài kỷ niệm khắc sâu trong đời về ngày Phật đản để nhớ mãi.

Thuở ấy, tôi là đoàn sinh ngành Thiếu Gia Đình Phật Tử chùa Tỉnh Hội Phan Thiết. Trong không khí tưng bừng nhộn nhịp đượm hoa tươi và trầm hương tràn đầy đạo vị, ngày lễ Phật đản đối với tôi là ngày vui nhất trên đời bởi ngày ấy và trước đó cả mấy tuần, tôi được thoải mái đi chùa. Có thể nói ban ngày, ngoài giờ học ở trường, thời gian tôi ở chùa có khi nhiều hơn thời gian tôi ở nhà, nhất là vào ngày chủ nhật. Lúc này tôi được mẹ bao che, tha cho tôi khỏi làm việc nhà như gánh nước, dọn cơm, rửa chén, giặt giũ hay quét sân vì tôi phải đi chùa tập kịch, tập múa hát cho thuần thạo, ma quỷ đem tấm thân ngà ngọc của chúng ra dụ dỗ một người đang ngồi tịnh tu nơi cội bồ đề bằng điệu vũ tung tẩy nhiều khăn voan sặc sỡ trong bài ca Gấm Vàng ở ngày lễ Phật Thành Đạo thì bây giờ tôi và các bạn nhỏ phải lo hoàn chỉnh các vai diễn cho ngày Phật đản.

Gia Đình Phật Tử tập luyện văn nghệ Phật đản (ảnh minh họa – nguồn: AHVN)

Diễn rằng:

Cách đây 2.500 năm tại thành Ca-tỳ-la-vệ thuộc xứ Ấn Độ, có một vĩ nhân xuất hiện, đó là Thái tử Tất-đạt-đa. Nhớ về ngày xưa thời ấy, vua Tịnh Phạn trị vì Ca-tỳ-la-vệ, một đất nước phồn vinh, nhân dân an lạc thanh bình, thịnh vượng. Lúc ấy vua và hoàng hậu mong mỏi có một hoàng nam để sau này kế tục ngôi vua. Hai vị thường khấn vái thần linh, xin cầu con.Một đêm nọ, hoàng hậu nằm mộng thấy con voi trắng sáu ngà từ hư không hiện xuống đi quanh trong cung rồi cúi xuống dùng ngà khai hông bên hữu hoàng hậu, chui vào bụng. Từ đấy, hoàng hậu thụ thai. Khi thức giấc, hoàng hậu kể lại điềm chiêm bao với đức vua. Vua cho vời tiên tri đoán mộng. Rằng đó là một điềm lành, nhà vua sẽ có một thái tử ra đời. Đúng như là dự đoán, hoàng hậu đã mang thai. Thời gian trôi qua thắm thoát đã đến gần ngày sanh. Theo truyền thống Ấn Độ, người phụ nữ sanh con phải về quê mình sanh nở. Hoàng hậu cũng vậy. Trên đường về nhà, khi đi ngang vườn Lâm-Tì-Ni, hoàng hậu ra lệnh ngừng kiệu để bà vào xem hoa thơm cỏ lạ. Tại đây, có cây Vô Ưu, theo truyền thuyết, một ngàn năm mới nở hoa một lần, và khi hoa nở sẽ có thánh nhân xuất hiện. Vui thay, lúc này hoa nở, hoàng hậu với tay đỡ lấy đóa Vô Ưu tức thì thái tử đản sanh bên hông phải của bà. Ngài bước đi bảy bước và dõng dạc nói: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”.

Những năm đó lễ Phật đản được cử hành vào ngày mồng tám tháng Tư âm lịch. Bài hát “Ngày mồng tám tháng tư về đây. Ngày trần gian chào đón Đức Phật từ tôn chúng ta…” được bọn con nít chúng tôi hát vang khắp xóm.

Cả nhà tôi cũng bận rộn như tôi vậy. Bàn thờ Phật và bàn thờ ông bà được mẹ tôi chăm sóc kỹ như hôm Tết. Bà lau chùi tro nhang, chân đèn, lư hương, lư trầm, sắp xếp chung trà, đèn dầu, đèn điện, bình hoa, chưng bông trái… Tất cả đều tươm tất. Cả màn cửa, chậu kiểng, cây cảnh cũng được mẹ làm sạch rồi treo lên và sắp xếp chúng kỹ lưỡng, đẹp mắt. Bởi ông Ngoại tôi bấy giờ là Chánh Hội trưởng Tình hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận. Ba mẹ tôi ở nhà ông, một điểm của khuôn hội. Hằng tuần, các bà con Phật tử trong xóm đều đến đây tụng kinh lạy Phật. Riêng tôi cũng được mẹ “tân trang” bằng đôi bông tai vàng, đôi bông toòng teng mẹ đã lột cất sau Têt. Xăng-đan của tôi, mẹ cho thêm phấn đánh giày trắng, còn tóc tôi, vốn lòa xòa trước trán nay được cài lên bằng chiếc lược cài xanh, nhựa dẻo, chẳng dễ gì mà gãy.

Ngày mồng tám, mới mờ sáng, mẹ đã đánh thức tôi: “Dậy! Dậy sửa soạn đi chùa. Nhanh lên, con!”. Và cảm động biết bao, mẹ còn đưa cho tôi chiếc áo đồng phục Gia Đình Phật Tử mới được mẹ may. Mẹ nói: Mặc cái này vô, cái kia chật rồi, không đẹp” Tôi đỡ chiếc áo mới trên tay mẹ, sung sướng gần muốn khóc trong lời cảm ơn lúng túng.

Gia Đình Phật Tử trong ngày Phật Đản (ảnh minh họa. Nguồn: AHVN)

Ngày Phật đản năm ấy sao vui quá!

Sau khi đoàn chúng tôi cùng làm lễ với người lớn ở lễ đài chùa Tỉnh hội, được ăn uống no nê, cả đoàn lại kéo nhau ra phố, đi hết con đường Gia Long, xuyên qua thành phố rồi lên cầu, đi miết đến chùa Sư Nữ. Mặc đồng phục Gia Đình Phật Tử  ra đường, chúng tôi thấy dường như ai nhìn mình cũng thương mến, có thiện cảm. Phải chăng ngày lễ Phật, tâm Từ Bi rộng mở, không ai muốn chấp nê lỗi phải dù chúng tôi có làm điều chi quá đáng như cười to, nói lớn, đi đứng thiếu nghiêm chỉnh.

Đến chùa Sư Nữ, được quý Sư bà thương yêu, Gia Đình Phật Tử chúng tôi được phép lên chánh điện làm lễ Phật, sau đó trình diễn vài tiết mục văn nghệ để Sư bà Huyền Học và Sư bà Huyền Tôn xem qua rồi lại có thêm một trận ăn uống vui chơi, mãi đến quá ngọ mới tan về, không quên dặn nhau: “Chiều đến chùa Tỉnh hội cho sớm, đi diễu hành xe hoa rồi còn phải trình diễn văn nghệ” Việc trình diễn này, các anh chị huynh trưởng đã cho chúng tôi “chạy chương trình” tức tổng dợt từ ngày mùng bảy nên chẳng có đứa nào lo lắng về nó.

Và tối đó…

Đang nhập vai diễn, bỗng nhiên tôi sững người thấy dưới khán giả, nơi hàng ghế đầu, ông ngoại tôi đang ngồi xem, hàng dưới kia có mẹ tôi và các bác trong khuôn hội. Cha tôi thì đứng bên rìa, lẩn trong đám đông người xem. Về nhà, mẹ góp ý, chê tôi diễn không tự nhiên, không bao quát, thống lĩnh khán giả! Mắt hay nhìn vô cánh gà như chờ nghe nhắc tuồng. Tôi cười thầm, làm sao dám thống lĩnh khán giả như vậy được, và khen mẹ có nhận xét đúng.

Tôi lớn lên theo từng thời khắc của những ngày Phật đản như thế.

Không ngờ thời gian trôi nhanh quá, mới đó mà nay là ngày Khánh đản Phật lịch 2557. Tôi đã là một cụ bà bảy mươi tư. Cụ bà được duyên lành, tạm gọi là già gân vì tôi vẫn còn sinh hoạt Gia Đình Phật Tử trong màu áo năm xưa, nơi Hà Tiên rất xa chốn cũ. Già, tóc trắng phau phau mà được các em đoàn viên nhỏ xíu gọi mình bằng chị, Chị Đoàn trưởng ngành Thanh của Gia đình. Chị thấy mình trẻ lại và vô cùng hạnh phúc. Vào những ngày đại lễ trong năm, đêm đêm, chị cùng các huynh trưởng Gia đình vào chùa, tập dượt văn nghệ cho các em hay cắt dán bông hoa, làm nên những áo mão xiêm y kiều diễm, có cả đầu trâu, mặt ngựa… Chính những lúc đó, chị bồi hồi nhớ lại thời thơ ấu xưa, có mẹ như một vị ân sư dìu dắt chị trên bước đường học Phật.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang