Đường Về

G

Nguyễn Phước Thị Liên

ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ: Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên pháp danh Diệu Hạnh, hiện là Đoàn trưởng đoàn Nữ Phật tử thuộc Gia Đình Phật Tử Tam Bảo-Hà Tiên. Chị xuất thân là nhà giáo, tham gia hoạt động văn học từ thập niên 1990, đến nay tác phẩm của Chị đã xuất hiện trên các báo và tạp chí như : Văn, Giáo Dục& Thời Đại, Áo Trắng, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ Cuối Tuấn, Chiêu Anh Các, Nhớ Huế, Văn Hóa Phật Giáo, Sông Hương.

Ngoài ra, tác phẩm của Chị còn được xuất bản thành sách, bao gồm:

* Sách in riêng : Hành Khất Phu Nhân (1994); Thời Nõn Giá (2004); Bến Sông (2012)

* Sánh in chung:Truyện ngắn chọn lọc (tỉnh Kiên Giang); Tuổi Thơ Bầm Dập; Mắt Bão (1998); Xa Xứ (2001)

Trước thềm năm mới Mậu Tuất-2018, Ban biên tập có nhận được tập ký & truyện “Đường Về” của Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên gởi tặng. Nhận thấy nội dung tập truyện  có phần gần gũi với tâm tư tình cảm của độc giả trang web gdptkiengiang.vn, trong đó đại đa số là đoàn viên Gia Đình Phật Tử, chúng tôi đã xin phép tác giả đăng lại toàn bộ ba mươi mốt truyện & ký trong “Đường Về” để bạn đọc thưởng thức.

Tác phẩm mà chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến quý độc giả hôm nay có nhan đề được tác giả chọn làm tựa đề cho cuốn sách : “Đường Về”

Kính mời Quý độc giả thưởng thức.

***

Thuở nhỏ, mẹ thường dẫn tôi và em Minh Anh, con của dì Tư tôi đi chùa. Ít lâu sau mẹ đưa chị em tôi vào Gia Đình Phật Tử, mỗi tuần đi sinh hoạt vào ngày chủ nhật. Từ đó chúng tôi thích đi chùa, có khi rủ thêm vài đứa trong xóm lén nhà đi chùa. Có người trêu tôi, hát rằng:

“Vô chùa lạy Phật cầu chồng,
Phật cười Phật nói đàn ông hết rồi”.

Tôi nghe vậy bực lắm nhưng ngẫm nghĩ, câu này có cái vị chua chát cũng hay hay, nhất là khi chắp tay quỳ lạy. Bất chợt ngước lên tòa sen, tôi thấy đôi mắt tượng Phật khép hờ, miệng mỉm cười.

Bất chợt ngước lên tòa sen, tôi thấy đôi mắt tượng Phật khép hờ, miệng mỉm cười.

Thực ra, thời đó bọn con gái lóc cóc chúng tôi thích đi chùa là để được thỏa chí vui chơi, chẳng ai la rầy cản trở, miễn là đừng ra vào rộn ràng trên chánh điện hoặc lấp ló nơi nhà kho, nhà bếp. Ở sân chùa rộng và sạch, lúc nào cũng im mát, chúng tôi tha hồ chơi nhảy dây, đánh thẻ, kẻ ô chơi nhà lầu. Chừng đã chán chê, chúng tôi kéo nhau ra sau vườn chơi năm mười. Đứa tìm bắt, đứa núp sau các lùm cây hoặc sau mấy cái vại to đùng, đôi khi nhảy tót vô đó co người lại, cũng có khi leo tót lên cây, tiện thể vặt sạch mấy thứ quả chua đang mời gọi… Rồi phát hiện có khoảnh đất trống ở tận cuối vườn, chúng tôi cùng nhau ra đó “chia lô” để trồng cây. Nào là hành, hẹ, cà chua, cả nghệ và gừng. Bởi vậy, chúng tôi phải năng tới lui chăm sóc chúng, nào phải “cầu chồng” gì đâu.

Nhớ bữa dọn vườn “chia lô”, tôi dọn luôn mấy cái tổ kiến, cả bọn côn trùng phá hoại “mùa màng”. Em Minh Anh của tôi thấy vậy chép miệng than: “Tội nó quá” làm tôi phải hét lên: “Kệ nó!” rồi nhanh chóng đi xin lửa đốt sạch.

Lần khác, tôi thấy có con chim nằm chết dưới gốc cây, mình phủ đầy kiến, tôi nói: “Có đứa nào vừa bắn nó”. Em Minh Anh lật đật nói: “Chị để em đào lỗ chôn, tội nó quá”. Tôi cười khẩy: “Tội hả?” rồi liệng xác chim vượt qua bờ rào trong nỗi sững sờ của em. Cũng trong khu vườn chùa ấy, một hôm tôi đang ngồi tỉ mẫn với mấy cây vừa nhú lá thì có con ễnh ương vô phước không biết từ đâu nhảy đến, trơ mắt nhìn tôi, đưa cái bụng cứ phồng lên mỗi lúc trông thật đáng ghét. “À, nó muốn cự lại mình. Được rồi!” Nghĩ vậy, tôi liền đi tìm cục đá to, nhắm đúng tọa độ, buông tay. Đá rơi ngay chóc, kêu đánh “poóc” Không ngờ sau lưng tôi, em ôm mặt khóc. Tôi hỏi lớn: “Khóc cái chi?” Em nghẹn ngào trong nỗi ghê sợ: “Tội nó quá!” Tôi biết rõ trong ánh mắt em nhìn tôi lúc ấy muốn nói rằng: “Chị ác quá!”

Chơi trồng trọt mãi cũng chán, chúng tôi bắt chước các huynh trưởng, rủ nhau chơi trò diễn lại vở kịch “Phật Thích Ca thành đạo”. Không biết vì đâu, tôi luôn đóng vai nữ Ma vương đỏng đảnh, chuyên theo phá Phật, lung lạc lôi kéo Phật ra khỏi đường tu bằng nhục thể trong vũ điệu cuồng si, ngay lúc Ngài đang ngồi thiền định ở cội bồ đề. Còn em tôi thì chỉ đóng vai Đức Phật hoặc vai người đàn bà dâng sữa cho Ngài. Đám chúng tôi đi chùa chơi đã đời mà không đứa nào biết lên chánh điện thắp một cây nhang lạy Phật. Riêng Minh Anh đã làm việc đó, hầu như thường khi. Tôi lại hát khúc ca “Cầu chồng” để ghẹo em. Chúng tôi đi chùa như vậy cho đến lớn. Rồi em tôi theo dì dượng tôi ra Qui Nhơn. Tôi theo học lớp Sư phạm Nha Trang.

* * *

Tôi nhớ năm 1999 ở Huế có trận lụt lớn, dân ngoài đó khổ vô cùng. Đoàn Phật tử nơi tôi ở được thầy trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo phát động cuộc lạc quyên, đi cứu trợ. Chúng tôi hăng hái theo thầy ra Huế trong niềm vui được chia sẻ khó khăn với đồng bào ruột thịt. Lúc về, đoàn theo thầy ghé thăm một ngôi chùa, nơi đệ tử của thầy đang trụ trì.

Với tôi, cuộc ghé thăm này là bước ngoặt mới trong đời mình. Một cơ duyên đến rất đúng lúc khiến tôi xin phép thầy cho tôi ở lại đây vài hôm và sẽ về sau. Lý do không phải tôi muốn ở lại “kết mô-đen” với chùa này như lời trêu chọc của các bạn, mà là…

Khi vừa thức dậy, tôi ngơ ngác nhìn tủ, giường, đồ đạc quanh tôi, ngay cả khi tôi phóng mắt ra ngoài kia, tất cả đều rất lạ. Đang lúc tôi định thần thì có người bước vô, hỏi:

-Đêm nay chị ngủ có ngon không, chị?

Tôi quay ra mừng rỡ: “À, em!”, nhưng tôi bỡ ngỡ “tốp” ngay niềm vui bất chợt, vội vàng chắp tay lên ngực: “Mô Phật!” Hai tiếng Mô Phật tôi vừa thốt, nghe sao nghiêm kính, bài bản và máy móc nhưng thực ra lại rất lúng túng, ngượng nghịu, bởi vì tâm trạng tôi khi về đây, xao động một nỗi gì như thương cảm xót xa, khó nói lên lời… Thật, tôi không ngờ, gần như bị “sốc” khi biết vị Ni đang trụ trì ở chùa này… Trời ơi, người đó chính là em, Minh Anh một thời của tôi. Giờ ở bên em, xét lại mình, tôi hổ thẹn vì đã quá vô tâm. Hàng bao nhiêu năm nay, tôi chẳng hề biết em đi đâu, ở đâu để bây giờ tôi không sao biết mình phải xưng hô với em như thế nào cho phải phép nên cứ lúng ta lúng túng, khi thì thầy-tôi, khi thì thầy-con, khi thì em-chị. Điều đó làm tôi mất tự nhiên. Phải chi em giải vây cho tôi, nói cho tôi biết cách xưng hô, nói năng giữa tôi và em, vì tôi rất muốn cùng em ôn lại chuỗi ngày thơ ấu xưa, để ít ra, tôi được nói với em nỗi ân hận của tôi. Tôi thụ động chờ đợi em hé mở cánh cửa lòng, và khi ấy tôi sẽ giúp em mở tung cánh cửa thời quá khứ dù xa xôi nhưng rất đẹp.

Em chỉ kể: “Khi ra Qui Nhơn, em tiếp tục học lên cấp hai. Năm 17 tuổi, em xuất gia. Trước đó em đã lên chùa ở nhưng bị dì dượng tôi bắt về, đến ba lần như vậy, mặc dù khi em ở chùa này, khi ở chùa khác để đánh lạc hướng dì dượng. Đến lần thứ tư, em viết thư để lại, quyết định trốn nhà ra Huế tu”. Nghe vậy, tôi lạnh cả người, sực nhớ chuyến đi tu này, hồi đó em đã nói với tôi nhưng tôi lại cười rú lên, mắng sả vào mặt em: “Trời ơi, mi mà tu! Tu hú tằng hăng”.

Rồi không tự chủ, tôi nhìn em trong bộ áo lam cùng dáng dấp thanh thoát, tôi chắp tay nói:

-Bạch thầy… cho phép sáng mai… con về… chuyến xe…

-Mô Phật! Thầy chắp tay, khẽ nói.

Nói với thầy xong, tôi tranh thủ giúp nhà chùa ra sân quét dọn cỏ rác. Không một nơi nào trong sân chùa này mà không có ngọn chổi cùng bước chân tôi ghé đến. Tôi quét như một điệu vũ nhưng rất khác xưa, tôi đang quét sạch cỏ rác trong lòng tôi. Và hành trang đường về của tôi, ở trong kia…


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang