Đổi Mới Phương Thức Sinh Hoạt Gia Đình Phật Tử

G

LỜI GIỚI THIỆU:

Kính thưa Anh Chị Em Huynh trưởng,

Ban Hướng Dẫn Phân ban Gia Đình Phật Tử Trung ương đã quyết định tổ chức Hội nghị Đại biểu Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ 12 vào hạ tuần tháng 11-2018 tới đây.

Trong bản dự thảo Kế hoạch tổ chức hội nghị, Trung ương cho biết mục đích hội nghị lần này nhằm:

1-Tu chỉnh và bổ sung một số điều trong Nội quy GĐPT nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới và phù hợp với Hiến chương GHPGVN.

2-Tham luận, góp ý bổ sung để hoàn chỉnh tài liệu tu học và huấn luyện đã được biên soạn.

3-Đánh giá thành quả 20 năm sinh hoạt của GĐPT trong lòng Giáo hội

Hội nghị lần này là cơ hội cho tổ chức chúng ta đổi mới nhằm thích ứng với hoàn cảnh xã hội hôm nay để mỗi ngày một vươn lên phát triển ngang với tầm vóc của thời đại , hoàn thành mục đích giáo dục của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

* * *

Để hưởng ứng không khí sôi động, náo nức hướng về sự kiện trọng đại sắp tới của gần 80.000 đoàn viên áo Lam trong cả nước;

Và để tạo điều kiện cho anh chị em Huynh trưởng khắp nơi trực tiếp tham gia ý kiến vào các nội dung mà Hội nghị đang nhắm đến;

Ban biên tập Website gdptkiengiang,vn mở ra diễn đàn với tên gọi “Hướng đến Hội nghị Đại biểu Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ 12” để anh chị em đóng góp ý kiến vào các nội dung chủ đề của Hội nghị toàn quốc lần thứ 12.

Chúng tôi kêu gọi anh chị em Huynh trưởng khắp nơi nhiệt tình tham gia viết bài trên diễn đàn này để thể hiện tâm tư, tình cảm và nguyện vọng đổi mới của người huynh trưởng có trách nhiệm với tổ chức .

Sau đây, chúng tôi hân hạnh đăng bài viết  “Đổi Mới Phương Thức Sinh Hoạt Gia Đình Phật Tử” của Huynh trưởng cấp Tấn Nguyên Nghĩa Trần Văn Lễ, Ủy viên Tu thư BHD.PBGĐPT Trung ương

Xin trân trọng mời anh chị em vào diễn đàn.

BAN BIÊN TẬP

 

ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC SINH HOẠT
GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Vấn đề đổi mới hay cải tiến phương thức sinh hoạt tu học GĐPT đã đặt ra từ lâu. Ban hướng dẫn GĐPT/TW cũng đã đưa vấn đề này vào phương hướng nhiệm vụ từ năm 2009.

Năm 2009, trong hội nghị tổng kết Ban hướng dẫn PB/GĐPT/TW và Hội nghị huynh trưởng GĐPT toàn quốc năm 2011 tại chùa Từ Đàm (Huế), huynh trưởng Nguyên Trừng và huynh trưởng Nguyên Nghĩa đã thuyết trình tham luận, nhận định về đổi mới sinh hoạt tu học trong GĐPT và đề nghị những giải pháp, phương hướng thực hiện. Hội nghị đại biểu huynh trưởng năm 2011 đã thảo luận về vấn đề đổi mới phương thức sinh hoạt tu học GĐPT đã đi đến thống nhất: “Mỗi huynh trưởng tự làm mới mình, làm mới đơn vị thông qua các hình thức tu học phù hợp tâm sinh lý đoàn sinh trong thời đại mới, nhưng phải đúng nội qui”.

Sau đó GĐPT chúng ta chẳng có phương án khả thi để phổ cập, chẳng có kế hoạch hướng dẫn tập huấn cho các đơn vị để tiến hành, nên vấn đề đi vào quên lãng, sinh hoạt các đơn vị GĐPT 8 năm qua chẳng có gì chuyển biến.

Sự thật, đối với GĐPT đổi mới đâu phải là vấn đề mới mẻ gì. Hãy giở những trang sử ra đời, hình thành và phát triển tổ chức GĐPT. Cách đây hơn 70 năm, trước bối cảnh đất nước,  Đạo pháp thời Pháp thuộc, xã hội Việt Nam suy thoái về tinh thần và đạo đức, chạy theo vật chất; một tổ chức tuổi trẻ ra đời trong phong trào chấn hưng Phật Giáo nhằm mục đích giáo dục Thanh Thiếu Đồng niên theo tinh thần đạo đức Phật Giáo để đào luyện những Phật tử chơn chánh góp phần xây dựng xã hội. Từ đoàn Đồng Ấu, Thanh Niên Đức Dục, Gia Đình Phật Hóa Phổ rồi đến Gia Đinh Phật Tử. Để đạt mục đích, GĐPT xây dựng một nền tảng giáo dục đặc sắc và bền vững. Nền giáo dục GĐPT lấy Bi Trí Dũng làm mục tiêu, lấy Giới Định Tuệ làm định hướng, dựa trên tinh thần Ngũ Minh Pháp mà minh định nội dung giáo dục, kết hợp các pháp môn tu học của Phật Giáo với các phương pháp giáo dục tiên tiến thành phương pháp giáo dục đặc trưng của GĐPT. GĐPT qua các giai đoạn hoạt động, đúc rút kinh nghiệm mà nhiều lần tu chỉnh nội dung tu học huấn luyện khai quang đường lối, cải tiến phương pháp qua các kỳ Đại hội huynh trưởng toàn quốc. Dựa trên nền tảng đó, GĐPT qua hơn 70 năm xây dựng sự nghiệp giáo dục với những thành tựu không nhỏ trong công cuộc phụng Đạo giúp Đời, trải qua bao thăng trầm sóng gió vẫn giữ được sức sống mà tồn tại đến ngày nay.

Như vậy GĐPT là một tổ chức có một nền giáo dục rất đặc trưng vững chải, có tính năng chuyển hóa, hòa nhập vào thời đại để xây dựng con người ở mọi thời, mọi hoàn cảnh. Vậy thì ngày nay GĐPT đang ở trong một hoàn cảnh mới, trước mọi chuyển biến trong mọi lĩnh vực xã hội, trước hiện tình sinh hoạt của GĐPT, hiện tình ngoài xã hội ảnh hưởng tác động đến sinh hoạt GĐPT, chúng ta không thể “bình chân như vại” vì qui luật “không tiến là lùi” chứ không thể giữ nguyên một chỗ.

Đổi mới là vấn đề cấp thiết hiện nay, đổi mới như thế nào? Với tính chất đặc thù của tổ chức, đặc trưng của nền giáo dục GĐPT như đã trình bày trên, việc đổi mới chúng ta chỉ cần:

  • Làm tốt hơn, hiệu quả hơn thứ ta đã có.
  • Tiếp thu cái mới có lựa chọn để bổ sung vào sinh hoạt GĐPT.
  • Bỏ bớt những gì không còn phù hợp với việc giáo dục trẻ ngày nay.

Muốn đổi mới hay cải tiến phương thức sinh hoạt GĐPT chúng ta phải làm công việc nghiên cứu tìm hiểu:

  • Hiện trạng GĐPT: Tình hình – nguyên nhân – những khó khăn, thuận lợi
  • Hướng giải quyết: đề nghị những giải pháp cải tiến, làm mới các sinh hoạt tu học trong GĐPT

A. HIỆN TRẠNG GĐPT

I. Những trở ngại, khó khăn

1. Những nguyên nhân nội tại:

Trong bài “Nhận định về đổi mới sinh hoạt GĐPT”, anh Nguyên Trừng đã phân tích những hạn chế trong việc thực thi chương trình giáo dục và áp dụng các phương pháp giáo dục; nhận xét về một bộ phận không nhỏ thế hệ huynh trưởng hiện nay có những hạn chế, chưa thực hiện đầy đủ vai trò của chủ thể giáo dục. Do đó sự sinh hoạt tại các đơn vị cơ sở không đủ sức thu hút, trở thành đơn điệu nhàm chán.

(Xem lại chi tiết phần này trong bài tham luận của anh Nguyên Trừng)

2. Những tác động khách quan từ bên ngoài:

  • Do hoàn cảnh lịch sử, GĐPT phải chịu một thời gian 25 năm hụt hẫng bế tắt, gây khó khăn sinh hoạt làm mất nề nếp, sút giảm số lượng và chất lượng.
  • Hiện tại đoàn sinh còn chịu tác động cùng lúc cả 3 phía: gia đình – học đường – xã hội, gây khó khăn cho sinh hoạt GĐPT.

(Xem lại chi tiết phần này trong bài tham luận “Nhận định đổi mới sinh hoạt GĐPT” của anh Nguyên Trừng)

3. Về thực thi chương trình THHL

Năm 2006, GĐPT chúng ta đã tổ chức Hội nghị đại biểu huynh trưởng điều chỉnh chương trình tu học huấn luyện tại Tổ đình Vĩnh Nghiêm. Hội nghị đã đạt nhiều đổi mới quan trọng, có ý nghĩa:

  • Minh xác việc lấy Giới – Định – Tuệ làm định hướng giáo dục cho GĐPT.
  • Đưa phương pháp tu tập Chánh niệm (Thiền) vào trong mỗi bậc học từ ngành Đồng cho đến huynh trưởng.
  • Có những đề tài xuyên suốt giúp cho đoàn sinh từng ngành, bậc học để nắm bắt những vấn đề cốt yếu của tổ chức, của giáo pháp theo trình độ bậc học.
  • Giản lược nội dung cho phù hợp với hoàn cảnh của đoàn sinh.

Đã có được một chương trình giáo dục đạt nhiều đổi mới như vậy; nhưng trong thực tế, ba năm sau mới ban hành, đến năm 2012 mới có tài liệu tu học cho ngành Oanh và ngành Thiếu. Chương trình tu học cho các ngành đều có những đề tài xuyên suốt, năm trước học rồi, năm sau học lại, có những đề tài xuyên suốt từ 4 đến 9 năm.

Nhưng theo tài liệu, mỗi đề tài chỉ có một bài, trong khi yêu cầu của bài học theo đề tài xuyên suốt phải phù hợp trình độ tâm lý đoàn sinh từng bậc học, đi từ dễ đến khó, từ đơn giản đến sâu cao… Dựa vào tài liệu để soạn lại bài dạy theo yêu cầu đối với đa số huynh trưởng là việc rất khó, đòi hỏi vốn kiến thức, khả năng chuyên môn sư phạm mới làm được. Do đó, nhiều đơn vị GĐPT vẫn giảng dạy theo tài liệu cũ. Anh Minh Kim có soạn một bộ giáo án dạy Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử cho đoàn sinh giúp huynh trưởng giải quyết khó khăn vất vả soạn bài lên lớp. Bộ giáo án này đã gởi đến các Ban Hướng Dẫn PB GĐPT tỉnh thành năm 2016; nhưng phổ biến đến tay huynh trưởng các đơn vị GĐPT chưa được bao nhiêu. Thực tế 12 năm qua chúng ta chưa thực hiện đầy đủ những đổi mới theo chương trình tu chỉnh 2006.

Mười hai năm qua đối với thời đại mà những thay đổi với tốc độ ngày càng nhanh trong hầu hết mọi lĩnh vực xã hội. Về phía Phật Giáo nhiều sự chuyển biến bên trong cũng như bên ngoài Giáo hội phát sinh nhiều vấn đề đối với vai trò nhiệm vụ của Giáo Hội PGVN trong công cuộc xiễn dương Đạo Pháp. Gia đình Phật tử chúng ta, trong lĩnh vực giáo dục tuổi trẻ cũng phải chứng tỏ khả năng tri thức của mình, góp phần tích cực trong sự nghiệp chung của Giáo hội. Hơn nữa trong tình thế hội nhập, bên những thuận lợi cũng còn lắm khó khăn trở ngại với nhiều thách thức. Điều đó đòi hỏi đoàn viên chúng ta, nhất là đội ngũ huynh trưởng, không những thâm sâu Phật pháp mà còn phải thông hiểu nhiều lĩnh vực xã hội để chúng ta có trình độ diễn bày, đối thoại trước các luồng tư tưởng, kiên định giữ vững niềm tin, vượt mọi thử thách trở ngại.

Chương trình tuy có đổi mới, nhưng vẫn còn nặng tính giáo khoa với những đề mục hạn định, không có lối khai mở để khi thực hiện có thể thêm bớt cho thích hợp với hoàn cảnh thực tiễn, cập nhật tiếp nhận những cái mới theo đà tiến triển của xã hội và Phật Giáo.

II. Những thuận lợi và hy vọng

Do tình hình nguyên nhân kể trên, GĐPT đang gặp nhiều khó khăn, chướng ngại, nhưng chúng ta không bi quan buông xuôi cho thế cuộc. Bản chất GĐPT là một đoàn thể có mục đích trong sáng, họat động vì lý tưởng cao đẹp. Những biểu hiện trên chỉ là hiện tượng nhất thời trong hoàn cảnh lịch sử đất nước.

GĐPT khai sinh và lớn lên trong hoàn cảnh xã hội suy thoái đạo đức, tinh thần thời Pháp thuộc, đã thể hiện vai trò của mình rất hữu hiệu trong việc giáo dục các thế hệ thanh thiếu nhi Phật giáo. Trải qua bao thăng trầm,vượt qua mọi trở lực thử thách mà tồn tại đến nay.

Vậy thì trước hiện trạng xã hội, với tiềm năng nội lực của mình, chúng ta một lần nữa đứng dậy bắt đầu lại việc chấn chỉnh, làm mới mình mà thể hiện vai trò giáo dục của tổ chức, góp phần hoằng dương chánh pháp và góp phần xây dựng xã hội lành mạnh tốt đẹp.

Mặc dầu những trở ngại, thách thức vẫn còn đó, nhưng chúng ta cũng có những thuận lợi nhất định. Hiện tại chưa phải lúc chúng ta đòi hỏi hơn, hãy bằng lòng với những gì ta đang có mà nổ lực vượt qua khó khăn, khắc phục yếu kém, phát huy ưu điểm của mình để củng cố và phát triển. Chúng ta có những thuận lợi đó là:

  • GĐPT có pháp lý, được công khai hoạt động
  • GĐPT dần dần phục hồi và ổn đinh tổ chức từ TW đến các đơn vị cơ sở.
  • Các hoạt động xây dựng phong trào, đào luyện nhân sự, nâng cao chất lượng sinh hoạt tu học đang có dấu hiệu tiến triển.
  • Chúng ta còn một bộ phận khá nhiều huynh trưởng có bề dày kinh nghiệm, những huynh trưởng mới được đào luyện có khả năng chuyên môn nhiệt tâm vì lý tưởng GĐPT.
  • Giáo hội cũng đã quan tâm hơn về tổ chức giáo dục tuổi trẻ nầy, coi đây là một phật sự quan trọng.
  • Trước hiện trạng xã hội, các bậc phụ huynh lo lắng cho con em, cần tìm nơi tin cậy đế gởi gắm. Nếu sinh hoạt GĐPT tốt, thanh thiếu nhi sẽ gia nhập ngày càng nhiều.

Nhận định về tình hình, nguyên nhân làm sút kém chất lượng sinh hoạt trong GĐPT và những thuân lợi để chúng ta tìm cách khắc phục, mở lối tiến lên đổi mới.

B. HƯỚNG GIẢI QUYẾT

I. Chương trình tu học huấn luyện

Nay là lúc chúng ta cần phải làm việc nghiên cứu, sáng tạo thêm bớt nội dung chương trình THHL để việc đào luyện thế hệ trẻ vừa đi sát định hướng giáo dục GĐPT, vừa thích ứng với thực tại hoàn cảnh xã hội.

1. Triển khai việc tu học theo sát định hướng giáo dục (Giới – Định – Tuệ):

Ngoài những bài học về lý thuyết các pháp môn, cần có những bài hướng dẫn thực hành cụ thể. Cần có những bài học về hướng dẫn thực tập thiền quán, chú trọng thiền chánh niệm để triển khai phần Định trong tam học mà trước đây ta chỉ chú trọng Giới và Tuệ. Hiện nay phương pháp tu tập thiền chánh niệm đã đưa vào trong mỗi bậc học từ ngành Đồng cho đến huynh trưởng. Điều này đòi hỏi việc hướng dẫn tu tập cho đoàn sinh phải thích ứng với trình độ tâm lý độ tuổi. Nếu huynh trưởng không nắm bắt được những phương pháp cương yếu, không hành trì thường xuyên thì không thể có kinh nghiệm cần thiết hướng dẫn cho đoàn sinh. Do đó chúng ta phải:

  • Nghiên cứu việc soạn bài thực tập Chánh niệm cho đoàn sinh từng bậc học.
  • Tổ chức các lớp học phương pháp thiền chánh niệm cho đội ngũ huynh trưởng.

Định hướng giáo dục cũng phải cần rõ nét trong các môn học Hoạt động thanh niên – Văn nghệ – Xã hội. Khi truyền đạt kiến thức kỹ năng thực hành đoàn sinh hiểu ý nghĩa, lợi ích của việc làm, lòng yêu thích và trách nhiệm hoàn thành tốt công việc trên tinh thần Bát Chánh Đạo giúp các em sau này hành hoạt trong cuộc sống tốt đẹp trong sáng.

2. Cần xem xét thêm một số đề tài thực tiễn trong đời sống gia đình và xã hội

  • Ngành Đồng: Những bài học đào luyện tính tình như: Xây dựng lòng hiếu đạo, tập tính tốt của trẻ trong lối sống đối với gia đình, học đường, ngoài xã hội. Cần có những bài học thực tiễn.
  • Ngành Thiếu, ngành Thanh và Huynh trưởng: Ngoài những bài học có sẵn, cần thêm vào một số bài học thiết thực trong đời sống gia đình, xã hội, như:

a. Hướng nghiệp:

Hướng nghiệp được hướng dẫn tốt thì sẽ có nhiều lợi ích trong việc chọn nghề, bài học này dành cho đoàn sinh lứa tuổi phổ thông, chuẩn bị thi vào đại học, cao đẳng và trung cấp nghề. Chọn nghề theo sở trường năng khiếu, nghề có tính bền vững ổn định, có kỹ thuật cao để tồn tại và hữu ích cho xã hội. Liên quan đến hướng nghiệp và ứng dụng trong đời sống, đoàn sinh ngành Thiếu nên tăng cường các bài học sử dụng các phương tiện hiện đại phục vụ đời sống để giúp trẻ kỹ năng thực hành, ứng dụng trong cuộc sống như: Tin học, công nghệ thông tin,… Tăng cường bài học về môi trường, bảo vệ sức khỏe, an sinh xã hội, phòng cứu hộ, ứng xử trong giao tiếp,… Những bài học này phải được hướng dẫn tốt giúp đoàn sinh sau này trong lối sống hành động, nghề nghiệp, làm ăn tốt trên tinh thần chánh mạng, chánh nghiệp.

b. Giới tính – Tình yêu – Hôn nhân – Gia đình:

Đây là những vấn đề rất thường của đời sống con người. Về giới tính và tình yêu ngày nay học sinh đã được nghe truyền đạt ở nhà trường. Các vấn đề này cần được hướng dẫn nghiêm túc, cặn kẽ theo quan điểm Phật giáo để đời sống con người trong sáng đẹp đẽ. Vấn đề này chỉ truyền đạt cho đoàn sinh ngành Thiếu, ngành Thanh từ lứa tuổi 16 trở lên. Về xây dựng hôn nhân hạnh phúc gia đình theo tinh thần đạo đức Phật giáo cho ngành Thanh và huynh trưởng.

3. Lịch sử Phật Giáo

Học lịch sử Phật giáo Việt Nam, cần có thêm những đề tài về sự đóng góp của Phật giáo trong cuộc sống và giữ nước; ảnh hưởng Phật giáo vào nền văn hóa, nghệ thuật, đời sống tâm linh của dân tộc Việt. Học lịch sử Phật giáo thế giới có những đề tài về: Đạo Phật ngày nay, sự phát triển của Phật giáo ở các nước tây phương và các nước trước đây chưa có Phật giáo. Sự kiện và ý nghĩa Liên Hiệp Quốc chọn ngày Phật Đản làm ngày tôn giáo LHQ. Đưa thêm vào những bài học về thân thế và sự nghiệp các vị thiền sư trong hai triều đại Lý Trần.

4. Kiến thức tổng quát cho huynh trưởng, kiến thức chuyên môn cho đoàn sinh

Ngoài những đề tài đã có trong chương trình, cần thêm:

  • Các vấn đề giáo dục: GĐPT là một tổ chức giáo dục nên huynh trưởng cần hiểu biết nhiều về vấn đề này. Chương trình đã có nhưng còn hạn hẹp, cần mở rộng hơn nữa như: Vấn đề cải thiện chất lượng giáo dục, giáo dục kết hợp giữa khoa học hiện đại với Phật học, việc phát triển công nghệ thông tin ứng dụng vào giáo dục,…
  • Trong thời đại hội nhập, chúng ta cần hiểu biết ít nguồn tư tưởng, tôn giáo lớn khác để đối chiếu, so sánh, thấy được giá trị của đạo Phật mà vững vàng đối thoại, giữ vững niềm tin vào Chánh pháp.
  • Các vấn đề xã hội như: Phật giáo với việc xây dựng xã hội (công bằng, dân chủ, văn minh, hạnh phúc), các vận nạn xã hội và biện pháp khắc phục,…
  • Xã hội càng phát triển, nhu cầu về chuyên môn càng cao. Nên tăng cường, mở rộng, hiện đại hóa nội dung, phương tiện, phương pháp hướng dẫn truyền đạt các môn Hoạt động thanh niên, Văn nghệ và Xã hội cho đoàn sinh. Hướng dẫn học tập các môn học này theo hướng mới, ngoài việc giúp đoàn sinh hiểu biết những chuyên môn cần thiết lâu nay, còn tiếp cận hiện đại, tiếp thu những phát triển mới để ứng dụng theo tinh thần giáo pháp Bát Chánh Đạo.

5. Huấn luyện huynh trưởng

Xem xét lại cơ chế huấn luyện và thời gian huấn luyện cho mỗi loại trại, chú trọng phần kỹ năng chuyên môn, biến đất trại thành thao trường để đào tạo một thế hệ mới năng động tháo vát.

  1. Nên đưa bớt những bài học ít liên quan đến việc huấn luyện tay nghề huynh trưởng vào phần tu học.
  2. Cần tăng cường nội dung kiến thức, tăng cường thời gian thực hành, thực tập các bài học liên quan đến hướng dẫn tu học cho đoàn sinh, tổ chức điều hành quản trị trong đơn vị GĐPT như:
  • Bài học thực tập Thiền Chánh niệm để huynh trưởng nắm bắt phương pháp, kinh nghiệm về đơn vị hướng dẫn đoàn sinh các bậc học.
  • Các đề tài về giảng dạy, soạn bài và hướng dẫn học tập cho đoàn sinh cần có những bài đặc trưng cho từng môn học,… Ngoài phần lý thuyết, cần các giờ cho trại sinh tập soạn bài (giáo án), thực tập hoặc kiến tập. Nên chọn vài GĐPT tiêu biểu làm mẫu cho các buổi thực tập hay kiến tập này.
  • Các đề tài về tổ chức quản trị điều hành cần có thêm tiết thực hành, có thời gian cho trại sinh đi thăm khảo sát, học hỏi rút kinh nghiệm tại vài GĐPT tiêu biểu.

6. Sắp xếp các môn học của chương trình tu học

Các môn học cần sắp xếp lại, mỗi môn phân ra nhiều nhóm, mỗi nhóm có nhiều chủ đề. Mỗi chủ đề soạn một số bài tiêu biểu cần thiết để sau  có thể linh động thêm bớt  cho phù hợp với thời điểm (hoặc phù hợp với địa phương). Chương trình tu học của mỗi bậc học cho đoàn sinh ngành Đồng thời gian học xem lại có nên thay đổi (do đoàn sinh vào đoàn không cùng lúc hoặc khác độ tuổi).

II. Về biên soạn tài liệu tu học huấn luyện

Tài liệu THHL ngành Oanh và ngành Thiếu đã soạn xong và phát hành cho GĐPT cả nước từ năm 2012. Chúng ta không nên mất công điều chỉnh hay soạn lại. Tài liệu THHL là để huynh trưởng nghiên cứu, căn cứ vào đó để truyền đạt cho học viên đúng nội dung kiến thức. Khi giảng dạy, huynh trưởng phải soạn bài giảng dạy (giáo án) cho phù hợp với trình độ tâm lý tuổi của đoàn sinh mỗi bậc học. Việc nên làm là hướng dẫn huynh trưởng biết chọn phân bổ kiến thức cho các bậc học hợp lý, áp dụng phương pháp giảng dạy hợp tâm lý độ tuổi đoàn sinh.

Việc này anh Minh Kim đã công phu soạn một bộ giáo án để áp dụng vào việc giảng dạy môn Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử cho ngành Đồng và ngành thiếu. Bộ giáo án có những đặc điểm:

  • Các đề tài biên soạn đúng theo chương trình tu học hiện hành.
  • Nội dung kiến thức bài soạn hoàn toàn căn cứ vào tài liệu tu học của TW phát hành.
  • Giáo án biên soạn theo một trình tự giáo pháp (tiến trình Văn – Tư – Tu), nội dung kiến thức tiệm tiến theo trình độ mỗi bậc học, phương pháp giảng dạy phù hợp tâm lý, linh động hấp dẫn.

Khi chúng ta chưa có phương pháp khả thi đổi mới sinh hoạt tu học thì bộ tài liệu này giải quyết khó khăn cho huynh trưởng trong việc soạn giáo án giảng dạy theo chương trình và tài liệu tu học hiện hành.

III. Cải tiến phương pháp giáo dục

Trước đây phương pháp huân tập và phương pháp hoạt động áp dụng cho việc giáo huấn đoàn sinh ngành Đồng, phương pháp lý giải và quán niệm cho ngành Thiếu trở lên. Nay chương trình tu học có những đổi mới lấy Giới – Định – Tuệ làm định hướng giáo dục, đưa phương pháp tu tập Chánh niệm vào ngành Đồng cho đến huynh trưởng, với những đề tài xuyên suốt cho từng ngành. Thực hiện những đổi mới ta phải áp dụng bốn phương pháp cho các ngành. Áp dụng những phương pháp nào cho bài học tùy trường hợp, theo mức độ đẳng cấp của sự áp dụng, thích hợp với đề tài bài học, môn học và tâm lý đoàn sinh.

Phương pháp giáo dục của GĐPT theo hướng cải tiến, không những có mục đích truyền đạt kiến thức kỹ năng cho người học mà còn từ ý nghĩa bài học áp dụng cách thức vào phương pháp có tính năng huân tập cao, gieo vào tâm thức người học hạt giống tốt lành trên tinh thần của tám điều chơn chánh (Bát Chánh Đạo).

Áp dụng những phương pháp giáo huấn “tích cực”: Đoàn sinh nhỏ tuổi đang thời kỳ cảm quan theo trực giác nên áp dụng phương sách trực quan (nghe, nhìn, làm theo) sinh động. Đoàn sinh đã đến thời kỳ phát triển lý tính, giáo huấn bằng phương sách như: Nêu và giải quyết vấn đề, dạy học bằng dự án, theo chủ điểm giáo dục,… Những phương sách này mang tính huân tập cao “hành thâm thì chiếu kiến”. Đây là những phương sách “tích cực” giúp đoàn sinh tu học thông suốt chánh kiến, phát triển tư duy, thực hành chu đáo, phát huy tính năng động sáng tạo, tinh thần tự chủ, tự giác tìm học và tự rèn luyện tâm thân.

IV. Các sinh hoạt trong GĐPT

1. Chấn chỉnh nề nếp, cải tiến buổi sinh hoạt hàng tuần ở các đơn vị cơ sở GĐPT

Tổ chức các hoạt động và tu học trong buổi sinh hoạt thế nào để GĐPT không phải là một nhà trường thứ hai. GĐPT là nơi trẻ đến để “sống” trong an lạc, tự đào luyện phát huy chơn tánh dưới sự ân cần giáo dưỡng của Tăng Ni, sự hướng dẫn thân thương của anh chị trưởng và tình thân ái giúp đỡ của bạn đoàn. Các hình thức sinh hoạt vui tươi hấp dẫn tuổi ấu niên, phương cách hướng dẫn tu học nhẹ nhàng, chủ yếu phát huy tinh thần chủ động tự học tự rèn của đoàn sinh.

2. Các sinh hoạt ngoại khóa bổ túc, hỗ trợ việc tu học

a. Sinh hoạt bổ túc việc tu học:

Giáo dục GĐPT là khoa giáo dục “tâm tính”. Tu tâm sửa tính là trọng tâm của việc đào luyện. Tu thì phải hành. Có hành mới đem lợi lạc cho người học. Nên phải tạo điều kiện, cơ hội cho người học tu tập và áp dụng vào cuộc sống.

  • Tu tập thường xuyên: Sau mỗi bài học về Phật pháp, về đức tính, bổn phận cần có kế hoạch hướng dẫn người học tu tập và ứng dụng trong đời sống như: Niệm Phật, sinh hoạt làm việc trong Chánh niệm, thực hiện tốt các bổn phận đối với gia đình, xã hội.
  • Tu tập định kỳ: Nên tổ chức các buổi tu tập (một hoặc hai tháng một lần) cho huynh trưởng và đoàn sinh thực tập việc tu hành như: Tổ chức buổi pháp thoại (có Tăng Ni hướng dẫn), thực tập sống Chánh niệm, thiền định. Thực hiện buổi sinh hoạt có tính cách giáo dục đoàn sinh về tinh thần, tình cảm. Các việc này huynh trưởng phải chuẩn bị chu đáo về nơi chốn, đề cương tu tập, mời Tăng Ni hướng dẫn

b. Thông qua chương trình Hoạt động thanh niên – Văn nghệ – Xã hội tổ chức nhiều sinh hoạt ngoại khóa như: Du ngoại tham quan, cắm trại, trại họp bạn, thể dục thể thao, hội diễn văn nghệ, làm bích báo, tập san, triển lãm sức sống, các hoạt động từ thiện xã hội,… Những hoạt động này nhằm phát huy tính năng động, tháo vát, tinh thần hướng tiến, hướng thiện.

V. Tăng cường công tác quản lý

1. Quản lý nhân sự

Các ban hướng dẫn GĐPT chú trọng việc quản lý nhân sự, có kế hoạch đào luyện đội ngũ huynh trưởng có khả năng chuyên môn, nắm cương yếu cải tiến sinh hoạt tu học trong GĐPT.

Tổ chức hội thảo tập huấn cho huynh trưởng cầm đoàn, phụ trách giảng huấn biết áp dụng hình thức, phương pháp cải tiến phương thức sinh hoạt tu học trong GĐPT.

Việc quản lý trong GĐPT có sự kết hợp chặt chẽ giữa cá thể với nhau trong mối liên hệ trên dưới, liên hệ đồng sự làm thúc đẩy tính tích cực cá nhân, tạo sự thống nhất đoàn kết hỗ trợ lẫn nhau để tạo kết quả tốt hơn. Nên tổ chức hội thảo nhiệm vụ gia trưởng, liên đoàn trưởng trong việc điều hành đơn vị theo phương thức sinh hoạt cải tiến tu học GĐPT.

2. Quản lý chuyên môn

Các cấp quản lý chú trọng chỉ đạo việc thực hiện đúng và đủ chương trình các bộ môn tu học cho huynh trưởng và đoàn sinh theo yêu cầu cải tiến. Các sinh hoạt tu học nội khóa hay ngoại khóa đều phải có phương án với nội dung đầy đủ đúng đắn theo mục đích yêu cầu giáo dục đề ra, có phương pháp tiến hành, kiểm tra đánh giá hiệu quả.

Các ban hướng dẫn nên có thời gian đi thăm các đơn vị GĐPT để kiểm tra, giúp đỡ.

3. Quản lý chất lượng

Chất lượng là cái tạo nên giá trị của một sản phẩm hay phẩm chất của một con người. Trong lĩnh vực giáo dục, chất lượng là uy tín, danh dự của tổ chức. Các cấp quản lý phải tích cực trong việc quản lý nhân sự, quản lý chuyên môn để nâng cao chất lượng giáo dục GĐPT. Cần phải chú trọng việc chỉ đạo, đôn đốc, khích lệ, theo dõi, đánh giá chất lượng đào luyện trong GĐPT. Chất lượng quyết định sự phát triển, tồn vong của tổ chức.

C. Ý KIẾN ĐỀ NGHỊ VỀ TIẾN HÀNH ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC SINH HOẠT TU HỌC TRONG GĐPT

Qua phần A và B chúng tôi đặt vấn đề và đưa ra một số giải pháp giải quyết. Việc triển khai các giải pháp đề ra để đi đến chung kết một phương án khả thi bền vững cho việc đổi mới còn lâu, phải qua nhiều ứng dụng thử nghiệm rút kinh nghiệm mới hoàn thành.

Trước mắt, nếu không có sự hướng dẫn, nếu không có cơ sở ban đầu để dựa vào mà thực thi tiến hành sẽ xảy ra những sự việc như sau:

  • Không có cơ sở dựa vào mà thực thi, huynh trưởng biết làm thế nào cho đúng, nên họ sẽ ngần ngại.
  • Nếu họ làm không có hướng dẫn, họ sẽ tùy tiện, họ sẽ đưa những hình thức bắt chước bên ngoài vào, gọi là đổi mới nhưng không hợp tinh thần giáo dục GĐPT.
  • Không hướng dẫn, huynh trưởng sẽ làm theo cảm tính, tạo nên những thay đổi không hợp lý làm xáo trộn nề nếp sinh hoạt, tác dụng ngược lại làm giảm chất lượng giáo dục.

Vì lẽ đó, sau hội nghị huynh trưởng năm 2011 tại Từ Đàm – Huế, các huynh trưởng trong ban tu thư TW đã soạn: Tập khảo luận “Đại cương giáo dục GĐPT lý thuyết và thực hành”, “Giáo án dạy Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử cho đoàn sinh ngành Đồng và ngành Thiếu”.

Tập khảo luận “Đại cương giáo dục GĐPT lý thuyết và thực hành” do huynh trưởng Nguyên Nghĩa biên soạn. Tập này soạn theo trình tự như một “giáo khoa thư”, nhằm mục đích giúp huynh trưởng nắm được nhiệm vụ trung tâm của mình, cương yếu về các vấn đề giáo dục đào luyện trong GĐPT, có cơ sở dựa vào để tiến hành đổi mới sinh hoạt tu học. Nội dung tập khảo luận này là sự tập hợp, chọn lựa, hệ thống lại, phân giải lý thuyết và thực hành. Trong đó gồm có các thể thức nguyên thủy và cải tiến. Minh xác giá trị giáo dục truyền thống để phát huy, những đề nghị sửa đổi, mở rộng cho phù hợp với yêu cầu đổi mới nhằm nâng cao chất lượng đào luyện trong GĐPT.

Bộ “Giáo án dạy Phật pháp – Tinh thần – Lịch sử cho đoàn sinh ngành Đồng và ngành Thiếu” của tác giả Minh Kim chủ yếu giúp huynh trưởng giải quyết việc soạn bài giảng dạy theo chương trình THHL và tài liệu tu học hiện hành khi chưa có

phương thức giáo dục đổi mới. Bộ giáo án này thể hiện nhiều ưu điểm:

  • Giáo án căn cứ vào nội dung kiến thức của tài liệu tu học hiện hành, phân bổ dàn trải nội dung kiến thức theo trình độ mỗi bậc học.
  • Giáo án soạn theo trình tự hợp với tinh thần giáo dục Phật giáo (tiến trình Văn – Tư – Tu).
  • Về phương pháp thích ứng với môn học, bài học, hợp trình độ tâm lý đoàn sinh mỗi bậc học khá linh động hấp dẫn.
  • Dựa vào cách soạn giáo án này huynh trưởng có thể soạn bài giảng theo hướng cải tiến.

Hai tập tài liệu này Ban hướng dẫn PB GĐPT/TW đã gởi cho Ban hướng dẫn các tỉnh thành trong hội nghị tổng kết năm 2016. Tập khảo luận “Đại cương giáo dục GĐPT lý thuyết và thực hành” anh Nhu trưởng ban đã in phổ biến cho trại sinh trại Vạn Hạnh – Phú Yên và tác giả cũng đã thuyết giảng đề tài này cho trại sinh.

Chúng tôi cũng đang trông chờ sự góp ý của quý anh chị huynh trưởng dày kinh nghiệm, uyên bác, quý huynh trưởng trẻ tiếp cận hiện đại tiến bộ để bổ sung những điều có thể chúng tôi chưa biết, chưa nghĩ đến để hoàn thiện hơn.

Chúng ta không thể chờ đến khi có được phương án khả thi mới thực hiện việc đổi mới. Chúng tôi đề nghị có được gì chúng ta cứ tiến hành, vừa tiếp tục nghiên cứu, vừa thử nghiệm để rút ưu khuyết điểm mà điều chỉnh hoàn thiện các hình thức phương cách đổi mới dần dần đi đến chung kết cho một phương án khả thi, bền vững.

Trước mắt đề nghị:

  • Các Ban hướng dẫn tỉnh thành có các tài liệu về đổi mới sinh hoạt GĐPT trung ương đã gởi về phổ cập đến các GĐPT. Nên khuyến khích huynh trưởng nghiên cứu tài liệu để thực nghiệm (nếu có tổ chức hội thảo tập huấn càng tốt). Huynh trưởng lập kế hoạch sinh hoạt, soạn bài bản hướng dẫn tu học theo hướng cải tiến. Từ ứng dụng thực nghiệm trong thực tiễn, huynh trưởng thu thập kết quả (với những đề xuất, chất vấn nếu có) gởi về TW. Bộ phận nghiên huấn tu thư sẽ nghiên cứu những báo cáo đó trao đổi với huynh trưởng các đơn vị GĐPT để có chung kết. Từ đó chúng tôi soạn tiếp phần thực hành chi tiết, cụ thể cho các môn học hoàn chỉnh hơn để phổ biến đến các đơn vị GĐPT. Đồng thời ban nghiên huấn tu thư sẽ có tài liệu hướng dẫn cụ thể các sinh hoạt tu học trong GĐPT, cung cấp phương tiện giảng dạy như: Các tư liệu về chuyện kể, tranh ảnh, chuyện tranh, bài đọc thêm, cung cấp giới thiệu các tư liệu như phim ảnh giúp việc sinh hoạt tu học sinh động hấp dẫn theo hướng cải tiến.
  • Đề nghị cho ban nghiên huấn tu thư có một trang trên website GĐPT/TW để đăng những văn bản, tài liệu, liên lạc trao đổi với huynh trưởng các cấp ban hướng dẫn về nghiên huấn tu thư, với huynh trưởng các đơn vị GĐPT về đổi mới phương thức sinh hoạt tu học GĐPT.

Chúng tôi hy vọng với nhiệt tâm về lý tưởng, vốn kiến thức về giáo lý, kỹ năng chuyên môn, kinh nghiệm cầm đoàn và giảng dạy của đa phần huynh trưởng sẽ tích cực trong công cuộc đổi mới phương thức sinh hoạt trong GĐPT. Phong trào sẽ nở rộ, đơm hoa, kết quả.

Sài gòn, ngày 18  tháng 9 năm 2018
Nguyên Nghĩa Trần Văn Lễ


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Và người khác không biết,
Chúng ta đây bị hại.
Chỗ ấy, ai hiểu được
Tranh luận được lắng êm.

Phẩm Song Yếu

Tháng 09 năm 2024
11
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 4
Ngày Mậu Dần
Tháng Quý Dậu
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
09
Tháng 08
Kiên Giang