Làm Sao Để Gia Đình Vững Mạnh?

Là một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam, có ai không muốn đơn vị GĐPT nơi mình đang sinh hoạt ngày càng vững mạnh? Nhất là khi mình đang làm Liên đoàn trưởng của đơn vị thì sự mong muốn ấy càng to lớn và cấp bách hơn nữa.

Nhưng nếu có ai hỏi: “Tại sao Gia đình phải vững mạnh?” thì đôi khi chúng ta cũng ấp úng, khó trả lời ngay cho người hỏi thỏa mãn. Mở đầu đề tài hôm nay, tôi xin chia sẻ ý kiến về điều này.

I. TẠI SAO GIA ĐÌNH CẦN PHẢI VỮNG MẠNH?

Nếu có ai đó hỏi bạn: “Tại sao cần phải đưa sinh hoạt GĐPT đi lên vững mạnh? Cứ sinh hoạt tà tà, thế nào cũng được có khỏe hơn không? Nỗ lực vươn lên làm chi cho mệt?” thì bạn sẽ trả lời thế nào?

Tôi xin chia sẻ vài ý kiến để bạn tham khảo.

Tôi cần nỗ lực đưa sinh hoạt của đơn vị tôi ngày càng vững mạnh vì những lý do sau đây:

1) Vì danh dự của người Huynh trưởng GĐPTVN:

Ở đời ai cũng cần có danh dự. Danh dự là giá trị của mỗi người. Ai cũng muốn là người thành công. Không ai muốn làm người thất bại. Ai cũng muốn là người giỏi giang. Đâu ai muốn bị mọi người coi là yếu kém.

Đó chính là danh dự của mỗi người sống trong xã hội này.

Người thành công trong công việc được đồng đội quý mến, được tổ chức tin dùng và quý trọng. Người thành công đưa ra ý kiến gì cũng được mọi người lắng nghe và làm theo. Người thành công luôn tự tin ngẩng cao đầu trước mọi người.

Nếu bạn là liên đoàn trưởng của một đơn vị GĐPT vững mạnh thì bạn có quyền tự hào với thầy trụ trì, bạn tự hào với đồng đội, với đoàn sinh và bạn luôn tỏ ra tự tin trước các đơn vị khác. Giá trị của bạn tăng lên trong ánh nhìn của mọi người. Đó chính là danh dự của bạn đấy.

Nỗ lực làm việc vì danh dự là một động năng tích cực của cuộc sống. Đó không phải xuất phát từ tánh háo danh của kẻ tiểu nhân, mà xuất phát từ lòng tự trọng của người quân tử. Bị coi là hạng tiểu nhân háo danh là khi nào bạn dùng mọi thủ đoạn gian dối để đạt cho bằng được cái danh ảo. Còn khi bạn nỗ lực một cách chân chính để đạt được những giá trị chân thực thì đó là người quân tử, một tầng lớp người rất được quý trọng trong xã hội.

Lam Sao De Gia Dinh Vung Manh 1

2) Vì muốn làm tròn chức năng, bổn phận và trách nhiệm của người huynh trưởng:

Lý do thứ hai bạn cần nỗ lực đưa đơn vị trở nên vững mạnh vì đó là chức năng, bổn phận và trách nhiệm của người huynh trưởng. Những điều này đã được quy định rõ ràng trong bản Quy chế Huynh trưởng do Trung ương GHPGVN ban hành.

Danh hiệu “Vững mạnh” đâu có gì cao xa. Miễn là bạn làm tròn chức năng, bổn phận và trách nhiệm của bạn thì tất nhiên đơn vị bạn vững mạnh, thê thôi!

Nếu mỗi một huynh trưởng trong đơn vị đều làm tròn chức năng, bổn phận và trách nhiệm của mình, thì đó là các bạn đang thực hiện nền giáo dục GĐPT cho bản thân bạn rồi đấy. Bởi vì tổ chức chúng ta là tổ chức giáo dục thanh, thiếu, đồng niên theo tinh thần Phật giáo. Huynh trưởng có nhiệm vụ hướng dẫn đoàn sinh tu học, nhưng bản thân huynh trưởng cũng phải tu học. Không tự tu học, không tự rèn luyện các đức tính cho mình thì huynh trưởng lấy gì để nêu gương và hướng dẫn đoàn sinh? Muốn giáo dục đoàn sinh cho có kết quả thì huynh trưởng phải học và tu cho có kết quả trước, đó gọi là bài học “thân giáo”, một tính chất đặc thù của nền giáo dục Phật giáo. Đức Phật dạy rằng: “Mình muốn dạy cho ai điều gì thì bản thân mình phải chứng đắc điều đó trước. Nếu mình chưa chứng đắc mà đòi dạy cho người khác là mang tội dối trá”.

Huynh trưởng dạy đoàn sinh phải làm tròn bổn phận mà bản thân mình không làm tròn bổn phận ngay trước mắt các em thì làm sao các em chịu nghe theo mình?

3)Vì trách nhiệm làm cho tổ chức GĐPT ngày thêm hưng thịnh:

Bất cứ ai đứng trong tổ chức thì đều mang nặng trách nhiệm làm lợi ích, làm tăng trưởng, làm vinh dự cho tổ chức ấy. Ngày xưa, khi mới vừa thành lập Tăng đoàn xong, Đức Phật đã dạy các đệ tử rằng:”Các ông hãy đi mỗi người một ngả và đem Phật pháp lan truyền đến khắp mọi ngõ ngách cuộc đời”. Đó chính là Đức Phật trao trách nhiệm cho các đệ tử đi khắp nơi để phát triển đạo Phật.

Chúng ta ngày nay, trong bổn phận của người huynh trưởng GĐPT thì chúng ta phải đặt nặng trách nhiệm phát triển tổ chức Áo Lam càng lan rộng chừng nào càng tốt chừng ấy. Mà muốn tổ chức Áo Lam phát triển thì trước hết là nỗ lực xây dựng đơn vị mình trở thành đơn vị vững mạnh. Nhiều đơn vị vững mạnh hợp lại thành đại gia đình Áo Lam vững mạnh.

Nếu tất cả các đơn vị GĐPT trong tỉnh đều là đơn vị vững mạnh, sinh hoạt nề nếp, có kỷ luật, đoàn kết một lòng, thu hút đông đảo đoàn viên… kết thành một lực lượng hùng mạnh, tinh nhuệ, làm việc hiệu quả… thì Giáo hội và chư tăng ni trong tỉnh ấy càng thêm thương mến và tin tưởng. Như thế, có phải là các bạn đã đem vinh dự về cho tổ chức GĐPT hay không?

Còn nhiều lý do nữa khiến chúng ta phải nỗ lực xây dựng đơn vị GĐPT vững mạnh. Nhưng với ba lý do tôi vừa nêu, thiển nghĩ cũng đủ sức mạnh thôi thúc chúng ta chịu cực, chịu khó ra sức xây dựng đơn vị chúng ta thành Đơn vị GĐPT Vững mạnh.

II-LÀM SAO ĐỂ XÂY DỰNG ĐƠN VỊ VỮNG MẠNH?

Trên đây tôi vừa nêu 3 lý do rất chánh đáng khiến huynh trưởng chúng ta phải nỗ lực xây dựng đơn vị vững mạnh, đó là:

  1. Vì danh dự của người huynh trưởng
  2. Vì muốn làm tròn bổn phận của chúng ta đối với GĐPT nơi chúng ta đang sinh hoạt
  3. Vì trách nhiệm phát triển tổ chức GĐPT trong tỉnh

Bây giờ đến vấn đề thứ hai: Làm sao để xây dựng đơn vị vững mạnh?

Lam Sao De Gia Dinh Vung Manh 2

Để trả lời câu hỏi này, tôi thiết nghĩ không cần đi sâu quá vào các chi tiết chuyên môn, vì trong Kế hoạch xây dựng ĐVVM các năm qua của Ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh đã hướng dẫn rất cụ thể rồi. Ở đây tôi xin chia sẻ với các bạn một số điều quan trọng nhất trong sinh hoạt GĐPT nói chung và trong việc xây dựng ĐVVM nói riêng. Những điểm quan trọng ấy là:

1) Hãy làm cho thầy trụ trì hiểu và thương GĐPT:

Những việc bạn cần làm là:

  • Bạn hãy chủ động gần gũi và làm giúp thầy nhiều Phật sự trong chùa.
  • Bạn hãy cung cấp cho thầy nhiều tài liệu về GĐPT để thầy hiểu về GĐPT hơn, hiểu cả mặt mạnh lẫn mặt yếu của chúng ta. Có vậy, thầy mới biết cần giúp chúng ta điều gì.
  • Nhớ báo cáo công việc trong đơn vị với thầy mỗi tuần và xin ý kiến thầy chỉ đạo.
  • Hãy cung kính lắng nghe thầy chỉ dạy và nhớ khắc phục những yếu kém và sai sót đã qua của Gia đình, đừng để nó tái diễn nữa.
  • Phải lễ phép với tăng (ni) chúng và Phật tử trong chùa để mọi người đều có cảm tình với chúng ta.

Có được thầy trụ trì hiểu, thương và thường xuyên hỗ trợ thì bạn đã có 50% thành công rồi đấy. 50% còn lại là do sư nỗ lực của bạn và toàn ban huynh trưởng.

2) Xây dựng ban huynh trưởng có trách nhiệm:

– Là liên đoàn trưởng, bạn phải ưu tiên tìm mọi cách để xây dựng đội ngũ huynh trưởng giỏi cho đơn vị mình. Một ban huynh trưởng ít nhất cần có 6 người giữ các chức vụ sau đây:

-01 Gia trưởng

-01 Liên đoàn trưởng

-04 đoàn trưởng

Chỉ cần 6 người này mà người nào cũng đều làm tròn vai trò của mình thì nhất định đơn vị bạn sẽ vững mạnh.

-Có huynh trưởng rồi, bạn phải phân công rõ ràng và tổ chức cho anh chị em học tập thấu đáo về chức năng, nhiệm vụ của mỗi người. Sau đó giao việc cho mỗi người để anh em phấn đấu hoàn thành công việc được giao. Đừng bao giờ bạn ôm đồm tất cả mọi việc vào một tay mình. Cần nhớ rằng làm việc gì bạn cũng phải đem ra công khai trước toàn ban huynh trưởng để mọi người góp ý. Bạn hãy làm cho mọi người trong ban huynh trưởng ai cũng thấy mình quan trọng và cần thiết cho đơn vị. Sau khi phân công rồi, bạn nhớ đôn đốc, nhắc nhở, kiểm điểm, phê bình, rút kinh nghiệm thường xuyên để giúp anh chị em hoàn thành nhiệm vụ.

Nên nhớ rằng: việc xây dựng ĐVVM đòi hỏi phải có sự chung sức chung lòng của toàn ban huynh trưởng. Nếu chỉ một mình bạn làm tất cả mọi việc thì bạn sẽ thất bại đấy.

3) Xem cuộc thi đua xây dựng đơn vị vững mạnh là bài học huấn luyện thiết thực dành cho người huynh trưởng:

23 tiêu chí trong cuộc thi đua xây dựng Đơn vị Vững mạnh là 23 việc làm cần thiết để đưa Gia đình tiến bộ mọi mặt. Đây không phải là trò chơi theo kiểu Game Show trên các đài truyền hình. Mà đây là bài học kinh nghiệm của các huynh trưởng tiền bối đã được đúc kết và áp dụng thành công tại các đơn vị GĐPT trong cả nước.

Nếu bạn xem cuộc thi đua xây dựng ĐVVM là một game show thì thái dộ tham gia cuộc thi của bạn sẽ không tích cực, và đơn vị bạn sẽ không bao giờ vững mạnh thật sự.

Nếu bạn thấy rằng cuộc thi đua xây dựng ĐVVM là một bài học huấn luyện thiết thực quý giá được các huynh trưởng dàn anh đúc kết và truyền trao lại cho các huynh trưởng đàn em đi sau thực hành thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng sinh hoạt GĐPT thì bạn sẽ trân trọng cuộc thi và tham gia với một thái độ tích cực và với tinh thần hy sinh cống hiến vì tổ chức Áo Lam.

Như vậy, không sớm thì muộn, đơn vị bạn chắc chắn sẽ trở thành đơn vị vững mạnh.

Đấy là bạn cùng toàn ban huynh trưởng đơn vị của bạn đã đóng góp vào sự nghiệp phát triển của Gia Đình Phật Tử Việt Nam vậy.

Bạn cũng có thể thích

Được đóng lại.