Cần Đổi Mới Phương Thức Dạy Hát Tại Các Đơn Vị Gia Đình Phật Tử

LỜI GIỚI THIỆU:

Kính thưa Anh Chị Em Huynh trưởng,

Ban Hướng Dẫn Phân ban Gia Đình Phật Tử Trung ương đã quyết định tổ chức Hội nghị Đại biểu Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ 12 vào hạ tuần tháng 10-2018 tới đây.

Trong bản dự thảo Kế hoạch tổ chức hội nghị, Trung ương cho biết mục đích hội nghị lần này nhằm:

1-Tu chỉnh và bổ sung một số điều trong Nội quy GĐPT nhằm đáp ứng nhu cầu đổi mới và phù hợp với Hiến chương GHPGVN.

2-Tham luận, góp ý bổ sung để hoàn chỉnh tài liệu tu học và huấn luyện đã được biên soạn.

3-Đánh giá thành quả 20 năm sinh hoạt của GĐPT trong lòng Giáo hội

Hội nghị lần này là cơ hội cho tổ chức chúng ta đổi mới nhằm thích ứng với hoàn cảnh xã hội hôm nay để mỗi ngày một vươn lên phát triển ngang với tầm vóc của thời đại , hoàn thành mục đích giáo dục của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

* * *

Để hưởng ứng không khí sôi động, náo nức hướng về sự kiện trọng đại sắp tới của gần 80.000 đoàn viên áo Lam trong cả nước;

Và để tạo điều kiện cho anh chị em Huynh trưởng khắp nơi trực tiếp tham gia ý kiến vào các nội dung mà Hội nghị đang nhắm đến;

Ban biên tập Website gdptkiengiang,vn mở ra diễn đàn với tên gọi “Hướng đến Hội nghị Đại biểu Huynh trưởng GĐPT toàn quốc lần thứ 12” để anh chị em đóng góp ý kiến vào các nội dung chủ đề của Hội nghị toàn quốc lần thứ 12.

Chúng tôi kêu gọi anh chị em Huynh trưởng khắp nơi nhiệt tình tham gia viết bài trên diễn đàn này để thể hiện tâm tư, tình cảm và nguyện vọng đổi mới của người huynh trưởng có trách nhiệm với tổ chức .

Sau đây, chúng tôi hân hạnh đăng bài viết  của Huynh trưởng cấp Tấn Minh Kim Quách Văn Thành, Ủy viên Tu thư BHD.PBGĐPT Trung ương

Xin trân trọng mời anh chị em vào diễn đàn.

BAN BIÊN TẬP

 

I-THỰC TRẠNG HIỆN NAY CỦA VIỆC DẠY HÁT
TẠI CÁC ĐƠN VỊ GĐPT

Ai cũng biết tầm quan trọng của hát nhạc trong sinh hoạt Gia Đình Phật Tử (GĐPT), trong đó nền âm nhạc GĐPT, nhất là những bài hát truyền thống đã đi vào tâm tư và tình cảm của tất cả đoàn viên Áo Lam suốt mấy mươi năm qua lại càng có một giá trị đặc biệt, không một thứ âm nhạc nào có thể thay thế được.

Tuy nhiên, thời gian qua chúng ta lại thiếu quan tâm đầu tư đúng mức nhằm bảo tồn và phát huy môn hát nhạc GĐPT. Từ đó, nhạc GĐPT tàn lụi dần và bị thay thế bằng nhạc ngoài đời, nhất là trong giai đoạn từ năm 1997 trở lại đây. Tình trạng này hiện rõ trong các kỳ trại toàn quốc mà gần đây nhất là Trại Họp bạn ngành Thanh, Thiếu GĐPT toàn quốc tại Quảng Ngãi vào tháng 7 năm 2017 vừa qua. Người viết đã đi tham quan khắp các tiểu trại trong giờ sinh hoạt, rất buồn vì nghe trại sinh hát rất ít bài hát truyền thống của GĐPT, nhưng lại quá nhiều bản nhạc ngoài đời như : Cháu Lên Ba, 5 Anh Em Trên 1 Chiếc Xe Tăng, Như Có Bác Trong Ngày Vui Đại Thắng, Ba Thương Con Vì Con Giống Mẹ, Một Con Vịt Xòe Ra 2 Cái Cánh, v.v…

Vì sao đoàn viên GĐPT lại ít thuộc bài hát GĐPT ?

Câu trả lời là vì :

1-Từ trước đến nay, chúng ta chưa đầu tư nghiên cứu sâu về bài hát trong GĐPT để biên soạn và phổ biến một tài liệu về các bài hát thống nhất cả nước giống như chúng ta đã làm đối với môn Phật pháp và Hoạt động thanh niên.

2-Trong 2 bộ tài liệu tu học ngành Thiếu và ngành Oanh hiện nay, tuy có đưa vào một số bài hát GĐPT, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu ca hát của đoàn viên trong sinh hoạt, lại càng không thể làm tốt chức năng “Bảo tồn vốn quý âm nhạc truyền thống GĐPT”. Thí dụ:

+ Chương trình môn âm nhạc trong bộ tài liệu ngành Oanh ghi  “biết thêm 5 bài hát sinh hoạt” nhưng không nói rõ học bài gì.

+Chương trình môn âm nhạc trong bộ tài liệu ngành Thiếu chỉ học lý thuyết âm nhạc mà không bắt buộc học bài hát nào.

Như vậy, chúng ta nhận thấy việc dạy hát trong GĐPT hiện nay đang bị bỏ ngõ. Đơn vị nào muốn dạy bài gì thì dạy, không dạy cũng được. Âm nhạc GĐPT hiện nay không có tiếng nói chung. Các đơn vị gặp nhau thường lâm vào cảnh “ông nói gà, bà nói vịt” hoặc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” rất buồn cười nhưng càng suy nghĩ càng thấy âu lo cho nền âm nhạc GĐPT nói riêng, tương lai tổ chức Áo Lam nói chung. Tình trạng của chúng ta hiện nay giống như người có viên ngọc vô giá trong chéo áo mà vẫn phải đi ăn xin để sống qua ngày.

3-Trong 20 năm tạm ngưng sinh hoạt (1975-1997), đa số bài hát GĐPT đã bị thất lạc. Những bài còn được truyền khẩu thì lâm vào tình trạng “tam sao thất bổn”  khiến cho gia sản âm nhạc GĐPT sau 30 năm tích cóp gần như không còn gì. Nói tóm lại, hiện nay các đơn vị rất thiếu bài hát GĐPT để hát trong lúc sinh hoạt. Từ đó mới phải vay mượn các bài hát ngoài đời.

4-Ngoài tình trạng thiếu bài hát, các đơn vị còn thiếu người dạy hát. Mặc dù hiện nay trên Internet không thiếu các bản nhạc GĐPT, nhưng việc lên mạng  học hát để hướng dẫn lại cho đoàn sinh, trên thực tế vẫn còn là một việc đầy khó khăn đối với huynh trưởng.

Trên đây là một số ý kiến để trả lời cho câu hỏi “vì sao đoàn viên GĐPT ít thuộc bài hát GĐPT ?

Bên cạnh những bất cập vừa nêu, chương trình môn âm nhạc hiện hành cũng còn một bất cập khác, đó là không đáp ứng được nhu cầu ca hát trong sinh hoạt GĐPT. Với dung lượng “biết thêm 5 bài hát mới” ở mỗi cấp học theo chương trình hiện nay là quá ít. Chúng ta cứ tưởng tượng, một đoàn sinh đi sinh hoạt suốt một năm mà chỉ biết được 5 bài hát, như vậy có phải quá nghèo hay không, trong khi gia tài âm nhạc GĐPT là vô cùng phong phú.

Ngoài ra, hiện nay chúng ta cũng còn bỏ ngõ về bài hát chính thức của đoàn, tức là Trung ương chưa có văn bản nào quy định bài ca chính thức của 6 đoàn trong một đơn vị GĐPT là : Đoàn Nam Phật tử, Đoàn Nữ Phật tử, Đoàn Thiếu nam, Đoàn Thiếu nữ, Đoàn Nam Oanh Vũ, Đoàn Nữ Oanh Vũ. Do vậy, tại các vùng miền khác nhau đã không có sự thống nhất trong việc chọn bài hát làm bài ca chính thức cho từng đoàn (Thí dụ: bài ca chính thức đoàn Thiếu nam hiện nay, có nơi chọn bài Trai Áo Lam, có nơi chọn bài Đoàn Ta; Bài ca chính thức đoàn Nam Oanh vũ, có nơi chọn bài Đồng Niên Ca, có nơi chọn bài Mầm Măng; Đoàn Nữ Oanh vũ, có nơi chọn bài Tươi, có nơi chọn bài Nữ Oanh Vũ, v.v…) Thiết nghĩ, trong một đoàn thể thanh thiếu nhi có tổ chức chặt chẽ như GĐPT, việc “thả nổi” như trên là điều không hay. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc to tát thì sá gì một việc nhỏ như thế mà không làm được?

Âm nhạc GĐPT, ngoài tác dụng mang lại không khí phấn khởi vui tươi, nó còn có giá trị giáo dục,  nhằm góp phần hoàn thành mục đích của tổ chức Áo Lam là “đào luyện thanh, thiếu, đồng niên thành Phật tử chân chánh”. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn, dành thời lượng học hát nhiều hơn trong chương trình sinh hoạt, đồng thời cần phải đổi mới phương thức dạy hát tại đơn vị để đoàn viên có điều kiện thuộc và hát đúng nhiều bài hát GĐPT hơn.

II-MỘT VÀI Ý KIẾN ĐỀ XUẤT
CHO VIỆC ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC DẠY HÁT

1)Trong sinh hoạt GĐPT, đoàn viên cần những bài hát nào ?

Tùy theo từng trường hợp, từng tình huống trong các mặt sinh hoạt, đoàn viên rất cần những bài hát có ca từ và giai điệu phù hợp, bởi vì âm nhạc có công năng lan truyền tình cảm cho mọi người trong cuộc. Trong chúng ta, ai mà không từng có những cảm xúc thiêng liêng (đến độ nổi gai ốc) khi hát bài Trầm Hương Đốt trong một buổi lễ Phật ?

Do vậy, chúng ta cần hướng dẫn đoàn sinh đầy đủ các bài hát trong các sinh hoạt sau đây:

1.1/Bài hát nghi thức : đó là những bài hát được hát trong các nghi lễ :

-Chào cờ Phật giáo – Chào huy hiệu Sen Trắng

-Mặc niệm – Hiệp kỵ

-Lễ Phật – Nghi thức Sám hối

-Phát nguyện (đeo huy hiệu, thọ cấp…)

-Bài ca chính thức của các đoàn

-Bài ca chính thức các trại huấn luyện, trại họp bạn

-Bài ca tạm biệt

-Bài hát dâng hoa

1.2/Hát khi tập họp : đoàn sinh khi nghe tiếng còi tập họp liền chạy đến , vừa kết vòng tròn vừa hát để gây không khí phấn khởi, sôi động

1.3/Bài hát tập thể : hát khi tập họp toàn Gia đình hoặc nhiều Gia đình. Đó là những bài hát truyền thống mang ý nghĩa ca ngợi Đạo pháp và xây dựng GĐPT…

1.4/Hát chào mừng : chào mừng Thầy, chào mừng Bác, chào mừng anh, chi, chào mừng bạn mới…

1.5/Hát khi họp đoàn (đoàn tự trị): đó là những bài hát ngắn, vui giúp cho giờ họp đoàn thêm sinh động.

1.6/Hát khi đi trại : hát trên đường đi đến đất trại- hát trong các sinh hoạt trại – múa hát trong đêm lửa trại…

1.7/Hát trong khi chơi trò chơi nhỏ : gây không khí vui tươi hứng khởi trong khi chơi – những bài vừa hát vừa chơi (TD: bài “Mùi Xỏa Mùi Xoa” hay “Tập Tầm Vông” của Lê Cao Phan…)

1.8/Hát trình diễn : trình diễn trên sân khấu hoặc không cần sân khấu trong các dịp lễ lạt, chu niên, họp bạn, giao lưu, v.v…

2)Đổi mới chương trình dạy môn âm nhạc tại các đơn vị :

Từ trước đến nay, chúng ta vẫn chủ trương vừa dạy một ít nhạc lý vừa dạy một số bài hát cho đoàn viên. Nhưng trên thực tế, việc dạy nhạc lý là không khả thi vì thiếu người có trình độ nhạc lý để dạy. Tuyệt đại đa số các đơn vị đều bỏ qua giờ học nhạc lý, chỉ thỉnh thoảng dạy hát cho đoàn viên mà thôi.

Theo thiển nghĩ của chúng tôi, việc học nhạc lý trong GĐPT như hiện nay chỉ là hình thức dư thừa, chứ không mang lại hiệu quả giáo dục nào trong thực tế.

Tôi xin dẫn chứng như sau :

2.1-Trong chương trình giáo dục tại các trường Tiểu học và Trung học cơ sở đã có dạy nhạc lý. (Tôi nhận thấy phần nhạc lý trong tài liệu tu học của GĐPT hoàn toàn giống với các bài học nhạc lý của Bộ Giáo dục đang được dạy tại các trường Tiểu học và THCS).Vậy, phải chăng chúng ta đang làm công việc dư thừa là “nhai” lại cái mà doàn viên đã “ăn vào” ở nhà trường chứ không có gì mới lạ, đặc sắc hơn môn nhạc lý mà ở nhà trường đã dạy cho các em ?

2.2-Giáo viên các trường phổ thông, ít hay nhiều cũng đã được học qua khoa sư phạm về âm nhạc, còn huynh trưởng GĐPT , trong 100 người có được mấy người được đào tạo về âm nhạc để dạy nhạc lý cho đoàn sinh ? Như vậy, chương trình dạy nhạc lý mà chung ta đưa ra, há chẳng phải khập khiễng khi thực hiện hay sao?

Thay vì mất thì giớ để nhai lại cái mà nhà trường đã dạy, chúng ta hãy dùng thời gian đó mà dạy cho các em thật nhiều bài hát để các em ca hát trong giờ sinh hoạt, giúp cho buổi sinh hoạt thêm hào hứng, vui tươi, giúp cho đoàn sinh bớt đi nhàm chán và tránh việc phải vay mượn bài hát ngoài đời, trong đó có nhiều bài đi ngược lại với giáo lý đạo Phật.

Chúng tôi đề nghị : bỏ việc dạy nhạc lý, dành thì giờ cho việc dạy hát.

3)Sưu tầm và biên tập lại tất cả bài hát GĐPT hiện có, ưu tiên cho các bài hát truyền thống đã đi vào lòng người, được thuộc và sử dụng nhiều trước năm 1975:

Muốn có bài hát để dạy đoàn sinh; Muốn bảo tồn vốn quý âm nhạc GĐPT, việc đầu tiên của chúng ta là phải sưu tầm và biên tập lại càng nhiều càng tốt bài hát GĐPT đã có từ ngày GĐPT ra đời đến nay, đặc biệt trong giai đoạn rực rỡ nhất của tổ chức chúng ta, từ năm 1951 đến trước năm 1975.

Công việc sưu tầm đòi hỏi sự tham gia của nhiều người, nhất là những huynh trưởng ở độ tuổi U 70 – U 80 – U 90. Công việc biên tập đòi hỏi tính chuyên môn cao do một hội đồng bao gồm những huynh trưởng cao niên có trình độ sáng tác âm nhạc, do Ban Hướng Dẫn Trung ương thành lập. Thời gian dành cho việc sưu tầm và biên tập là không hạn định. Công việc này nhanh hay chậm còn tùy thuộc nhiều vào sự tham gia cộng tác của các huynh trưởng ở khắp mọi miền đất nước.

Hiện nay, không ít bài hát GĐPT đã bị “tam sao thất bổn”, ca từ và giai điệu bị biến dạng ít nhiều, một số bài không còn tên tác giả, một số khác chỉ còn được hát truyển khẩu, bản ký âm đã thất lạc v.v… Công việc biên tập là phục hồi nguyên gốc cho bài hát và cố gắng tìm ra tên tác giả của bài hát . Ký âm tất cả các bài hát. Tiếp theo là phân loại bài hát theo 8 loại nêu trên, sau đó đóng thành tập theo khổ giấy A5.

Trong giai đoạn này, Ban Hướng Dẫn Trung Ương cần nghiên cứu chọn bài ca chánh thức cho 6 đoàn (Thanh nam, Thanh nữ, Thiếu nam, Thiếu nữ, Đồng nam, Đồng nữ) để áp dụng thống nhất trong cả nước.

4)Hòa âm phối khí, diễn tấu , thu âm lời hát dưới dạng MP3 để phổ biến đến tận các đơn vị:

Để tăng tính hấp dẫn của ca khúc, bài hát cần được hòa âm phối khí và được diễn tấu bởi dàn nhạc. Chưa đủ, để huynh trưởng có thể hướng dẫn lại cho đoàn sinh, bài hát cần phải thu lời hát. Tất cả những công đoạn này được thực hiện và ghi vào đĩa CD dưới dạng MP3. Việc làm này sẽ đưa đến hiệu quả là:

4.1-Làm cho các bài hát GĐPT tăng thêm tính nghệ thuật, hấp dẫn người nghe.

4.2-Giúp cho việc phổ biến âm nhạc GĐPT tại các đơn vị được dễ dàng và rộng rãi. Đoàn viên tiếp nhận âm nhạc GĐPT một cách thích thú và hứng khởi.

4.3-Khắc phục được tình trạng thiếu bài hát và thiếu người dạy hát như hiện nay.

4.4-Về lâu dài, đây là biện pháp gìn giữ, bảo tồn kho tàng âm nhạc GĐPT không bị mai một.

III-KẾT LUẬN

Trong các bộ môn văn nghệ đang được hướng dẫn trong GĐPT thì môn hát nhạc được xem là quan trọng và thiết thực nhất vì nó gắn liền với đoàn viên trong mọi sinh hoạt.

Từ lâu nay, các bài hát GĐPT đã đi vào tâm hồn của từng đoàn viên Áo Lam, góp phần hình thành nên tâm tư tình cảm của các anh chị em. Đó còn là kỷ niệm nhớ nhung, là nỗi niềm thôi thúc, là tiếng lòng nhắc nhở anh chị em nhớ về bao hình bóng thân yêu của một thời sinh hoạt dưới mái chùa. Đôi khi nó còn là tiếng gọi mời bao bạn trẻ đến với màu lam và là sợi dây bền chắc nối liền người đoàn viên với tổ chức GĐPT.

Vì tính chất lợi ích thiết thực của môn hát nhạc, chúng ta hãy dành cho nó một vị trí xứng đáng , hãy đầu tư tâm huyết và công sức để làm cho nó trở thành gia sản quý báu của tổ chức Áo Lam như chúng ta đã làm với môn Phật pháp và Hoạt động Thanh niên.

Được như vậy thì môn hát nhạc mới thực sự là công cụ giáo dục thù thắng, góp phần đào luyện thanh, thiếu, đồng niên trở thành Phật tử chân chánh của Phật Giáo Việt Nam.

* * *

Để biến nỗi trăn trở thành hiện thực, chúng tôi đã dành ra 2 năm (2014 – 2015) sưu tầm được trên 275 bài hát GĐPT. Trong 2 năm sau đó (2016 – 2017) chúng tôi chọn ra 215 bài có chất lượng để ký âm, hòa âm, diễn tấu phần nhạc nền, thu vào các đĩa CD và lần lượt phổ biến đến các đơn vị GĐPT trong tỉnh Kiên Giang dười hình thức tập sách ghi lời hát kèm các CD nhạc nền, gồm :

  1. Tập 80 Ca khúc truyền thống GĐPT
  2. Tập 75 Ca khúc Gia Đình Phật Tử (nặng phần nhạc trình diễn)
  3. Tập 60 Bài hát sinh hoạt GĐPT

Sau 1 năm phổ biến 3 tập + CD nhạc trên, tình hình dạy hát tại các đơn vị phần nào được cải thiện vì đã có nhạc nền, người dạy chỉ cần nghe nhạc nền và tự tập hát, sau đó hướng dẫn lại cho tập thể.

Tuy nhiên, việc dạy hát của các đơn vị vẫn chưa thuận lợi hoàn toàn vì huynh trưởng không thể tự mình tập hát theo kiểu nghe nhạc nền vá hát theo. Tất cả huynh trưởng được hỏi đều trả lời “Đề nghị thu thêm lời hát vào phần nhạc nền”

Đầu năm 2018, chúng tôi tuyển chọn 164 bài trong 215 bài hát nói trên, chia các bài hát thành 8 thể loại : bài hát nghi thức, hát khi tập họp, hát tập thể, hát trong giờ họp đoàn, hát khi đi trại, hát chào mừng, hát khi chơi trò chơi , hát trình diễn. Chúng tôi cho in phần ký âm các bài hát trên trong hai tập được đặt tên là “Tài liệu hỗ trợ dạy hát trong GĐPT”, gồm tập 1 và tập 2. Sau đó chúng tôi đi đến các đơn vị GĐPT trong tỉnh để tìm người hát thu âm. Đây là công việc vất vả, hao tốn công sức, tiền bạc và thời gian, vì thế, từ đầu năm 2018 đến nay mới chỉ thu âm được 50% trên tổng số 164 bài. Chúng tôi hy vọng công trình này sẽ hoàn tất vào cuối năm 2018.để xin BHD Trung ương thẩm định giá trị của công trình, nhằm phổ biến khắp cà nước sử dụng,  đưa việc dạy hát trong các đơn vị GĐPT được dễ dàng, góp phần bảo tồn và phát huy vốn quý âm nhạc GĐPT.

Chúng tôi biết rằng 215 bài hát mà chúng tôi sưu tầm được là chưa đầy đủ so với gia tài âm nhạc GĐPT đã tích cóp trong 30 năm qua (1940 – 1975). Do vậy, chúng tôi rất mong anh chị em huynh trưởng cả nước hãy gởi cho chúng tôi những bài hát GĐPT nào các anh chị có mà chúng tôi chưa có, để chúng tôi tiếp tục cho ra đời tập 3, 4… trong tương lai.

Trân trọng kính chào và chúc hội nghị thành công viên mãn.

 

                                                                                                            Huynh trưởng cấp Tấn
                                                                                                  Minh Kim QUÁCH VĂN THÀNH
                                                                                                                   Ủy viên Tu Thư
Ban Hướng Dẫn PB.GĐPT Trung ương

Bạn cũng có thể thích
Để lại một trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ không được công bố.