Văn Nghệ Của GĐPTVN Trong Văn Hóa Phật Giáo Giữa Thời Kỳ Hội Nhập

G

I/ Định nghĩa Văn nghệ:

Trước hết chúng ta cần định nghĩa Văn nghệ là gì? Theo các tự điển thì Văn nghệ là hình thức nói tắt của Văn học và Nghệ thuật. Định nghĩa này mang tính phổ quát và rộng lớn vì văn học và nghệ thuật bao gồm cả văn hóa của một dân tộc được thể hiện qua các tác phẩm văn chương, triết học, hội họa, phim ảnh, kiến trúc, tôn giáo và các hình thức khác trong đời sống. Đó là thượng tầng kiến trúc trong sự tồn tại và phát triển của một xã hội. Tuy nhiên trong bài này chúng tôi chỉ nói về Văn Nghệ trong một nghĩa hẹp rất thông thường, đó là các hoạt động biểu diễn nghệ thuật qua các thể loại ca múa nhạc kịch và nhiều hình thức đa dạng khác với các thể điệu mang đặc tính riêng của từng địa phương như miền Bắc có ca trù, chèo, hát quan họ; miền Trung có bài chòi, hò khoan, hát bộ, dân ca, miền nam có hát lý, cải lương v.v… để giải trí, vui chơi nhưng vẫn nhằm mục đích chuyển tải một nội dung tích cực nào đó đến với quần chúng nhân các dịp kỷ niệm hoặc các sự kiện trong xã hội. Và vì thế hoạt động văn nghệ chính là một hoạt động văn hóa

II/ Văn Nghệ trong thời hội nhập đối với GĐPTVN:

Có 2 hình thức chính về Hoạt động và biểu diễn văn nghệ. Đó là Văn nghệ Lửa trại và Văn nghệ Sân khấu.  Dù ở bất cứ hình thức nào, văn nghệ GĐPT cũng không đơn thuần chỉ mang lại sự giải trí cho quần chúng Phật tử, mà còn mang một mục đích cao cả hơn. Đó là sự hoằng pháp và xiển dương chánh đạo, động viên sự tu tập , hành trì giáo lí Phật Đà và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. GĐPT Việt Nam là một tổ chức thanh niên tu học và hoạt động trên căn bản giáo lí Phật giáo. Vì thế, hoạt động văn nghệ do GĐPTVN tổ chức phải luôn luôn mang đậm bản sắc của nền văn hóa Phật giáo và tất nhiên cả bản sắc văn hóa dân tộc vì trong suốt 2000 năm có mặt trên dải đất thân yêu của tổ quốc chúng ta, văn hóa PG và văn hóa dân tộc đã hòa quyện vào nhau như nước với sữa. Thiếu một trong hai bản sắc này thì đó không phải là Văn nghệ của Phật giáo VN nói chung và của GĐPT VN nói riêng, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập này khi mà các nền văn hóa của các quốc gia khác, nhất là văn hóa Tây phương, đã như cơn sóng lớn làm chao đảo những giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc. Sự hội nhập với thế giới là điều cần thiết cho đất nước phát triển về mọi phương diện, nâng cao đời sống của người dân. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực về kinh tế, xã hội v.v… thì về mặt văn hóa vẫn luôn luôn là điểm yếu và nhạy cảm nhất mà trong nhiều năm qua chúng ta đã thấy bộc lộ nhiều vấn đề cần suy gẫm và quan tâm, nhất là đối với thành phần thanh thiếu niên trong xã hội mà các đoàn viên GĐPTVN cũng không là ngoại lệ. Thời kỳ hội nhập, dù là hội nhập với các địa phương trong nước hay với thế giới bên ngoài, là một thời kỳ đầy những thách thức to lớn cần được sự dẫn dắt của chư tôn giáo phẩm lãnh đạo giáo hội cũng như sự chỉ đạo sít sao của BHD GĐPT Trung ương và Địa Phương. Hội nhập vào nền văn hóa của bất cứ nơi đâu, chúng ta cần biết chọn lọc, học hỏi và thâu nhận những tinh hoa của họ để làm phong phú cho nền văn hóa nước nhà nói chung và tổ chức Gia đình Phật tử nói riêng. Các hình thái biểu diễn khá phản cảm theo phong cách ngoại lai, xa lạ với truyền thống thẩm mỹ, đạo đức của dân tộc và đạo pháp, hoặc theo những trào lưu hiện đại thiếu cân nhắc như chúng tôi sẽ trình bày ở phần III dưới đây cần phải được xem xét cẩn trọng.

III/ Nội dung Văn Nghệ và các hình thái biểu diễn của GĐPTVN:

Như trên đã nói, dù được biểu diễn dưới hình thức nào, bộ môn nào thì nội dung chương trình văn nghệ của GĐPTVN cũng phải đáp ứng các yêu cầu căn bản:

* Đúng với nội dung văn hóa Phật giáo,* Phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc *Giữ gìn và phát huy những tinh hoa của GĐPT.* Thông qua Văn Nghệ đưa Đạo vào đời

3-1/ Đối với GĐPT thì một tiết mục văn nghệ còn phải bao gồm nội dung văn hóa gồm 3 thuộc tính: Bi, Trí, Dũng.- Theo như chương trình tu học các bậc, Văn nghệ đứng sau Giáo lý và đi song song với Hoạt động thanh niên.  Về hình thức : Văn nghệ là một phương tiện giải trí thanh nhã cho đoàn viên, mang lại nguồn vui, điểm thêm tươi trẻ cho Gia Đình Phật Tử qua các hình thức ca, múa, nhạc, kịch và các bộ môn sân khấu khác . Về nội dung: Văn nghệ chuyển tải một nội hàm phong phú của giáo lí Phật Đà hướng đến Chân, Thiện, Mỹ nhằm định hướng cho đoàn viên GĐPT một tư duy đúng đắn về cuộc sống,và một tinh thần lạc quan, đầy sức sống để xây dựng một tập thể Phật tử, và rộng hơn, một xã hội tốt đẹp đặt căn bản trên tinh thần Bi, Trí, Dũng. Vì thế, văn nghệ là một lợi khí giáo dục, dẫn dắt thanh niên đến với giáo lý Phật đà, bảo vệ và củng cố đức tin, đề cao lý tưởng phong trào, đào tạo thành con người chân chính như mục đích của GĐPT đã nêu (Tài liệu tu hoc)

Chương trình văn nghệ của GĐPT phải luôn mang tính tích cực để xây dựng một tâm hồn lạc quan, lành mạnh, yêu đời, yêu người. Các tiết mục ủy mị, ru ngủ hoặc kích động sát sanh, bạo lực dứt khoát phải loại bỏ. Điều này rất quan trọng và tế nhị vì đôi khi một bài hát rất hay trong cuộc sống ngoài đời thì lại không hợp với tinh thần đạo pháp nếu không cẩn trọng ta tưởng như vô thưởng vô phạt. Chúng tôi xin đơn cử một thí dụ: Trong một buổi văn nghệ lửa trại, một đoàn sinh oanh vũ của một GĐPT đã hát bài Em đi câu cá như thế này: “Chiều qua em đi câu cá về cho má nâú canh chua…”. Rõ ràng bài hát có 2 yếu tố Trí và Dũng. Trí là biết câu cá, biết chỗ nào có cá để câu; Dũng là tuy còn nhỏ mà đã dám đảm đang, không ngại khó, giúp đỡ cha mẹ trong việc kiếm sống, và với cái nhìn của đời thường thì em ấy là đứa con có hiếu, đáng khen. Nhưng đối với một người Phật tử chúng ta thấy em đã thiếu cái điều vô cùng quan trọng là lòng Từ bi, em đã quên mất 3 điều luật Oanh Vũ mà điều thứ 3 là “Em thương người và vật”, tránh giết hại vật, em đã quên lời thầy và các anh chị đã dạy, nên phóng sanh, cố gắng ăn chay v.v…. Cái mầm ác đã được gieo một cách nhẹ nhàng vào trong tâm hồn trong trắng của em, cái mà Duy Thức Tông gọi là “chủng tử” nằm trong A- lại-da-thức. Một trường hợp khác, trong một chương trình văn nghệ sân khấu chúng tôi cũng đã từng chứng kiến các đoàn sinh nữ, ngành thiếu, khi múa một vũ điệu Ấn Độ với cách phục trang quá hớ hênh, váy trễ phô cả lỗ rốn và phần bụng và trong cả vũ điệu, động tác lắc mông, múa bụng chiếm hết cả thời gian. Đành rằng có thể cách phục trang ấy, cách múa ấy là đúng với các vũ công Ấn Độ, đúng với văn hóa Ấn Độ, nhưng đối với văn hóa VN chúng ta, nhất là trên sân khấu ở chùa, tự viện thì không được phù hợp. Chúng ta có thể chế bớt lại để không gây phản cảm cho người xem, đặc biệt những khi có mặt chư vị tôn túc dự khán.

3-2/ Để nâng tầm chất lượng của một chương trình văn nghệ sân khấu ,thì đạo cụ trang phục cho từng tiết mục là điều cần thiết, đặc biệt đối với các điệu múa, vở kịch hay là màn  hoạt cảnh , cần phải hóa trang cho đúng với nội dung và với từng vai diễn. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá lạm dụng trang phục sân khấu  mà làm lu mờ hoặc bỏ quên màu săc của GĐPT, Thiết nghĩ đối với HTr dẫn chương trình hoặc các tiết mục ca nhạc, nếu ta sử dụng Đoàn phục (hoặc Lễ phục) sẽ hay biết mấy và đẹp vô cùng. “Áo Lam Sen Trắng” chỉ 4 từ ấy thôi, nhưng đã có bao nhiêu thế hệ HTr và ĐS dày công vun đắp, cũng có lúc đã đánh đổi bằng xương máu và cả tính mạng để  giữ gìn, để phát huy màu cờ sắc áo. Thời gian qua, đâu đó có nhiều đơn vị GĐPT khi tổ chức văn nghệ- suốt cả chương trình chỉ thấy màu sắc săc sỡ, không một tiết mục nào mang dáng dấp áo Lam- cả phần trang trí phông hậu cũng không có từ nào nói lên Gia Đình Phật Tử mặc dầu đêm văn nghệ ấy là của HTr và ĐS GĐPT sở tại tổ chức.

3-3. Ngày nay nhờ các phương tiện khoa học kỹ thuật tân tiến chúng ta có thể tiếp cận dễ dàng với các đơn vị GĐPT trong nước, và ngay cả nước ngoài để giao lưu và học hỏi. Một điều đáng mừng là chúng ta đã có được một số lượng lớn các nhạc phẩm PG có chất lượng của những nhạc sĩ danh tiếng kỳ cựu như Lê Cao Phan, Phạm Mạnh Cương, Nguyên Thông, Bửu Bác, Lê Mộng Nguyên, Đỗ Kim Bảng, Thẩm Oánh…và một số các nhạc sĩ của thế hệ thứ hai và thứ ba như Trần Nhật Thành, Uy Thi Ca, Hằng Vang, Trần Huệ Hiền v.v…đã làm cho gia tài âm nhạc PG thêm phong phú. Tuy nhiên sự hội nhập này cũng đôi khi đem đến những bất cập nếu chúng ta không biết cẩn thận chọn lọc, chẳng hạn như có rất nhiều bài nhạc chế, lấy nhạc của các nhạc phẩm nổi tiếng chế lại lời khác một cách khập khiễng, phản cảm. Xin lấy thí dụ như bài Em Bé Quê của nhạc sĩ Phạm Duy: “Ai bảo chăn trâu là khổ”, được chế lại: “Ai bảo đi tu là khổ, đi tu sướng lắm chớ…” và được nhiều vị hát trên sân khấu, thu phát trên mạng. Còn hàng chục bài hát ngoài đời khác cũng được chế lại lời hát khác với vài ba từ Phật giáo rồi được trình bày trên sân khấu hoặc lửa trại là một hiện tượng tương đối phổ biến bây giờ. Đó quả là một điều đáng xấu hổ, cần được chấm dứt. Trong văn nghệ PG chúng ta không thể bắt chước chế lời như kiểu bát nháo ngoài xã hội được. Thứ nhất, làm như vậy là xâm phạm tác quyền, là đạo nhạc và không tôn trọng tác giả. Thứ nhì, đã là đạo nhạc thì người chế lời là thiếu đạo đức, lời nhạc chế không mang lại tính giáo dục gì ngoài những tiếng cười ngây ngô, vô bổ.

Nhìn toàn cục về văn nghệ của GĐPTVN, chúng ta thấy vẫn còn nghèo ở một số thể loại như thoại kịch, kịch ngắn, hài kịch. Ta thấy thể loại kịch có khả năng chuyển tải được thông điệp và nội dung một cách phong phú  đến với quần chúng, có sức hấp dẫn nên dễ tác động đến tư duy khán giả, và là một thể loại rất hiệu quả cho sự hoằng pháp.   Trước đây anh Võ Đình Cường có viết mấy vở thoại kịch rất hay như: Ánh Đạo Vàng,  Suối Từ  và  Mùa gặt  ác, những vở thoại kịch này đã đưa được ánh sáng Đạo  pháp vào đời làm cho khan giả dự xem nhìn lại được chính mình nên càng nhất tâm hướng Phật-  Rất tiếc từ đó đến nay  thể loại này hãy còn quá khiêm tốn trong các chương trình văn nghệ của GĐPT. Rất mong những nhà viết kịch Phật Giáo và GĐPT tâm huyết với thể loại này để cho ra đời nhiều kịch bản hay.

VI- Vận dụng Văn nghệ vào chương trình sinh hoạt và tu học:

Kính thưa

Sau Hội Nghị HTr GĐPT VN lần thứ 11 tại chùa Từ Đàm Huế, từ Trung ương đến địa phương cùng vận hành và tìm cách đổi mới việc sinh hoạt của GĐPT nhằm phù hợp với sự đổi mới của đất nước, chúng tôi hoàn toàn tán đồng việc đổi mới này. Tuy nhiên theo ý nghĩ chủ quan của chúng tôi, đổi mới không có nghĩa là bỏ đi cái cũ để làm lại cái mới, mà trên nền tảng cái cũ ta tìm cách làm cho nó mới lên, đẹp lên và sinh động hơn lên. Ta cũng có thể học hỏi những cái hay ngoài xã hội, tô bồi cho chương trình sinh hoạt của ta đẹp hơn và phong phú hơn… Nhân Hội nghị lần này chúng tôi xin mạo muội đề xuất việc vận dụng bộ môn văn nghệ vào chương trình sinh hoạt và tu học của chúng ta, cách này đã được chúng tôi thực nghiêm tại đơn vị GĐPT Tp Hội An – Tỉnh Quảng Nam trong nhiều năm qua và cũng đã mang lại hiệu quả tích cực

4-1/- Vận dụng văn hóa hội nhập:

GĐPT đã có  nhiều loại hình nghệ thuật được sử dụng để sinh hoạt chung – đến nay có cái cũng đã lỗi thời, thiếu tính hấp dẫn, chúng tôi xin được đề nghị một số loại hình hát múa mang tính cộng đồng cao đang được ưa chuộng nhât hiện nay, đó là các điệu nhảy Asrobis- thể dục nhịp điệu – múa đương đạị  và Dân Vũ v…v)-tuy nhiên trong điều kiện hôm nay chúng tôi chỉ xin nói đến điệu nhảỷ  Dân Vũ– có lẽ nhiều anh chị ngồi đây đã biết đến loại hình này, chúng tôi đã tìm hiểu trên các trang mạng, xin được giới thiệu sơ luợc về các điệu nhảy Dân Vũ này như sau:

Dân vũ – Chỉ cần nghe qua cái tên, người ta có thể hiểu nôm na đây là điệu múa của người dân- dân vũ là điệu múa được thể hiện trên nền nhạc dân gian – là những vũ điệu đơn giản, tươi vui, mô tả những hoạt động sinh hoạt gần gũi hàng ngày, hay phản ánh không khí vui nhộn của người dân. Những động tác trong các điệu nhảy này không cầu kỳ, rất dễ thuộc trên một nền nhạc thường là Dân Ca của các vùng miền hay các Quốc Gia, khi hào hùng  sôi động, khi nhịp nhàng, điệu đà cũng có lúc uyển chuyển dễ thương

Để nói về dân vũ, người ta có thể chia làm 3 loại: dân vũ lễ hội, dân vũ đời sốngdân vũ sử thi. Cả 3 loại này đều có điểm chung là thông qua điệu múa, kể những câu chuyện muôn màu trong cuộc sống.  Nếu như dân vũ lễ hội được dùng để thể hiện các điểm nhấn của mỗi lễ hội, với một số bài dân vũ đặc trưng cho loại hình này như bài “Té nước” trong lễ hội té nước ở Thái Lan hoặc bài “Cà chua” trong lễ hội ném cà chua ở Tây Ban Nha. -Thì dân vũ đời sống là một lời kể nhẹ nhàng êm ái về cuộc sống hàng ngày, được lãng mạn hoá qua điệu nhảy nhưng vẫn giữ được những điểm đặc trưng trong đời sống của người dân.- Còn loại hình thứ ba, dân vũ sử thi, lại là những điệu nhảy đầy tự hào,mang dấu ấn lịch sử của dân tộc: như Việt Nam có bài “Uy vũ” nói về văn minh lúa nước với săn bắn hái lượm v…v Việt Nam cũng từng đưa một số bài dân vũ đi biểu diễn ở nước ngoài và nhận được sự hưởng ứng rất nồng nhiệt từ các bạn trẻ ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tiêu biểu đó là bài “Uy vũ”, trên nền nhạc trống, cồng, chiêng hào hùng là những động tác dứt khoát, nhịp nhàng,mạnh mẽ mô tả công việc gieo mạ,cấy lúa, cầu mưa, thể hiện sức mạnh trong lao động và khát khao mùa màng bội thu của người nông dân Việt Nam”.(sưu tầm)

Có mặt tại Việt Nam chưa lâu, nhưng dân vũ Việt Nam và quốc tế có một sức hút lớn đối với các bạn trẻ bây giờ như các điệu Chu chu wa (Thổ Nhĩ Kỳ), Rasa Sayang (Malaysia)–Ba con gấu (Hàn Quốc), Té nước (Thái Lan)- Uy Vũ –trống cơm (Việt Nam) v.v… Dân vũ không bắt buộc phải trình diễn trên sân khấu, trái lại, mọi người có thể nhảy dân vũ ở sân trường, công viên, sân vận động, bãi biển hay đơn giản chỉ ở một bãi đất rộng. Do vậy, hoạt động này thường được sử dụng phổ biến trong các buổi sinh hoạt tập thể, gặp mặt bạn bè, dã ngoại…. Không chỉ mang tính cộng đồng cao, dân vũ còn tạo nên sự gần gũi, thân thiện và có sức lan tỏa rộng từ quốc gia này sang quốc gia khác, từ mọi lứa tuổi đến mọi ngành nghề ai cũng có thể tham gia, đơn giản vì dân vũ là những động tác nhảy rất dễ học, dễ thuộc, thường có sự tham gia của nhiều người,. Mỗi điệu múa đều ẩn chứa một câu chuyện riêng, thể hiện đậm nét các giá trị văn hoá của cộng đồng, của dân tộc.

“Tuy nhiên để có thể nhảy dân vũ chuẩn xác và đẹp, truyền tải cái hồn của từng bài nhảy, cần phải học thật kỹ và tập luyện dân vũ thường xuyên, cần được chỉnh sửa từng động tác một.” cũng xin được nói thêm rằng. Ngoài niềm vui ra, Dân vũ còn giúp mọi người rèn luyện thể chất thông qua động tác tay chân và toàn thân rất hữu hiệu.

GĐPT chúng ta có thể đưa loại hình này vào chương trình sinh hoạt của mình (hiện đã có một số đơn vị sử dụng loại hình này nhưng chủ yếu là copy nên chưa thấy có sáng tạo-trong từng điệu nhảy chưa phát huy được tinh tuý của GĐPT). Theo chúng tôi ta không nên sử dụng nhạc ngoại, bởi đa phần ta không hiểu nội dung của ca khúc ấy, khi đã không hiểu nội dung thì các động tác nhảy múa sẽ không phản ánh được cốt tủy bài hát- Chúng ta nên chọn những bài hát dân ca Việt Nam hay những bài hát của GĐPT như: Chí Hướng, Hôm nay ta về đây, Trai áo Lam, Gia Đình thân ái, bài ca lửa dũng v.v… để tập là hay hơn cả  (minh họa bằng video 2 bài Dân Vũ-nhạc GĐPT)

4-2/- Phát huy bản sắc văn hoá Dân Tộc và văn hóa Phật Giáo:

Chúng ta  hãy cùng nhìn lại quá khứ gần 70 năm qua của GĐPT, riêng với kho tàng âm nhạc do các thế hệ đàn anh đàn chị viết lên với biết bao tâm huyết và  hoài bảo.

“Thời Bình minh của Gia Đình Phật Tử  đã xuất hiện một bài Đoàn ca nêu bật ý nghĩa mục đích của Đoàn TN Phật Học Đức Dục (cũng là bài Đoàn ca của GĐPT VN ngày nay). Bài Sen Trắng tuy chỉ có 54 từ nhưng là một tác phẩm có đến ba tác giả: Nhạc Ưng Hội. Lời: Phạm Hữu Bình – Nguyễn Hữu Quán!    Bài ca này đã nói lên MỤC ĐÍCH LÝ TƯỞNG của GĐPT – Cứu cánh giải thoát. Là định hướng trọn đời của người Phật tử chân chánh, ra công cố gắng  tìm lại chính mình – ngoài ra, không tìm cầu một thứ gì khác, và cũng không bị  bất cứ thứ gì  làm vấy nhiễm thân tâm .

Sau khóa lễ Phật, mở đầu buổi sinh hoạt, toàn thể HTr và ĐS đứng nghiêm trang để chào cờ và hát bài SEN TRẮNG . Ca từ rất đơn giản và dễ hiểu, nhưng đọc kỹ thì chúng ta thấy tính ảnh dụ và dung hoá giữa Hoa sen trắng cùng Đức Thế Tôn – đã hoà quyện vào nhau một các như nhiên

Cũng trong thuở ban sơ ấy chúng ta biết đến một dòng nhạc trang nghiêm trầm bổng giữa cổ điển và tân thời  qua bài Trầm hương đốt (Hải triều âm) và bài Ngày vía đản sanh của Bửu Bác, nghe hoà âm phối khí cùng hợp xướng hai bài này, chúng ta sẽ thấy tâm hồn quy ngưỡng Tam bảo thiết tha.”  (trích trong bài Tính chất Văn Nghệ GĐPT)

.  Nếu bài Sen Trắng và Trầm hương đốt trang nghiêm thanh tịnh trong các khóa lễ  dành cho GĐPT , thì bài Ngày vía Đản Sanh  lại lan tỏa trong lòng mọi người, mọi thế hệ , (kể cả những người không phải là bổn Đạo), qua những ca từ được hòa quyện với dòng nhạc cổ điển  của nhã nhạc cung đình, nhằm xưng tán ngày Đản Sanh của đức Từ Phụ Thích Ca. ai đó chỉ nghe qua một lần đều nhất tâm quy ngưỡng. Từ đây Phật Giáo đã đi vào cuộc đời một cách thiết thực, bằng sự hòa quyện giữa- Đạo Pháp+ Dân Tộc và Gia Đình Phật Tử. (hát minh họa)

Hoài niệm và tôn vinh  tài hoa của Đàn anh đàn chị- trên tinh thần khai phóng trong sinh hoạt và tu học. Mặc dù biết mình tài hèn sức mọn, chúng tôi vẫn cố gắng học hỏi dòng nhạc cổ điển  từ giới chuyên môn ở địa phương. Khi về chúng tôi đã vận dụng viết lại lời dạy của Chư Phật, Chư Tổ theo làn điêu Lô Tô (một trong các làn điệu Dân ca bài chòi miền trung- cùng kết hợp với nhạc sinh hoạt của GĐPT)- bước đầu chúng tôi tổ chức  vui xổ số lô tô có thưởng trong những lần sinh hoạt chung toàn Thành phố, đăc biệt là sinh hoạt giao lưu nhân dịp tết cổ truyền. Qua cách này ngoài việc tạo sân chơi mới vui tươi lành mạnh cho HTr và Đoàn Sinh – còn chuyển tải được nội dung giáo lý của Chư Phật, Chư Tổ truyền dạy (tuy không nhiều), vui mừng hơn nữa trong những lần sinh hoạt ấy còn có sự tham dự của đông đảo đạo hữu các chùa, có sự chứng minh của quý Thầy Cô đại diện BTS- quý ngài đã nhiệt liệt tán dương chương trình này và đề nghị nên tổ chức sinh hoạt lưu động đến các chùa quanh Thành Phố. (nếu có thời gian sẽ thực hiên xổ số lô tô 1 giải nhỏ, ngắn gọn để minh họa thực tế như nội dung kèm theo ở phần phụ lục)

4-3/ văn nghệ với chương trình tu học của Ngành Oanh:

Kính thưa Hội Nghị!

Lứa tuổi của ngành Oanh GĐPT cũng là lứa tuổi đang theo học tiểu học ở trường. Các em ở độ tuổi từ 6 – 12 hầu như còn rất ham chơi, chưa thật sự hiểu về tầm quan trọng của việc học. Vì thế, việc rèn giũa nhận thức cho “những tờ giấy trắng này đòi hỏi sự kiên nhẫn, định hướng đúng đắn và phải thật sự kiên định. Xin được trích dẫn phát biểu của chuyên gia chuyên về phương pháp giáo dục học sinh tiểu học hiện nay như sau:

“ Sự vui vẻ, hài hước là liều thuốc tốt nhất cho giáo dục. Chính vì vậy mà ngày nay, càng có nhiều trường học, đặc biệt là trường quốc tế áp dụng phương pháp vừa học vừa chơi. Phương pháp này không những giúp trẻ dễ tiếp thu mà còn giúp trẻ chủ động, vận động não bộ nhiều hơn theo chiều hướng tích cực.  Ngoài năng khiếu, có thể nói tính cách của thầy cô tựa như nguồn cảm hứng, tác động lớn nhất đến việc học của trẻ. Thầy cô phải là người am hiểu tâm sinh lý học sinh, có cách giảng bài một cách ngắn gọn, súc tích để bài học dễ đi sâu vào trí nhớ. Giáo viên càng hài hước, dí dỏm học sinh càng thích học môn đó.  Trong môi trường giáo dục tiên tiến hiện nay, giờ học của học sinh tiểu học rất thoải mái không phải ngồi yên một chỗ. Các giáo viên tiểu học phải khéo léo kết hợp các môn học với những phần trò chơi liên quan để tăng hiệu quả giáo dục. Ví dụ như, trẻ có thể học Toán trong môn tiếng Anh, học tiếng Anh trong môn Mỹ thuật, học Văn bằng âm nhạc nên tiết học rất thú vị. Chỉ có vừa học vừa chơi như vậy trẻ mới cảm thấy phấn chấn khi đặt chân đến trường, luôn hào hứng với những kiến thức mới.” (sưu tầm)

Tiếp thu những ý kiến ấy và sau những thành công với việc vận dụng các làn điệu dân ca, hò vè vào chương trình sinh hoạt của GĐPT địa phương, cọng thêm chúng ta còn có lực lượng HTr luôn năng động, nhiệt tình, phong cách sống hòa ái, vui vẻ, đáp ứng được yêu cầu giáo dục như trên, nên BĐH GĐPT thành phố, tổ chức để BHT các Gia Đình cơ sở thi viết lời mới cho các làn điệu dân ca,hò vè, hoặc dùng các loại hình nghệ thuật khác, bước đầu với yêu cầu  chuyển tải được nội dung các bài học nhỏ trong chương trình Tu học của Ngành Oanh, nhằm tạo cho các tiết học Phật Pháp sinh động. Các em Oanh vũ vừa vui hát, vừa hoc rất hăng say- buổi sinh hoạt không còn nhàm chán, từng bước dẫn dắt các em thích đi sinh hoạt mỗi chiều chủ nhật,qua đây các em học được những điều GĐPT cần truyền trao.

Xin được giới thiệu đến quý vị vài bài học tiêu biểu sau:

Bài thứ nhất: * Ba điều luật của oanh vũ (biên soạn theo làn điệu lô tô)-

*Em tưởng nhớ Phật, Đấng Toàn Giác Toàn Năng – Cứu vớt chúng sanh, vượt qua bể khổ – Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em – luôn là trò ngoan là người con hiếu thảo – Thương người thương vật, em học hạnh từ bi – Việc lành luôn khăc ghi, tránh xa điều ác – Để được xứng đáng là Oanh Vũ chăm ngoan- Của Gia Đình áo Lam , được cài hoa sen trắng (hát xong giảng giải thêm)

Bài thứ 2:  được sử dụng phương pháp trực quan kết hợp với loại hình nghệ thuật “ Rối khô”- còn gọi là rối cạn– trong tiết dạy kể chuyện tiền thân của Đức Phật.qua mẫu chuyện ‘Lòng hiếu của chim Oanh Vũ’ do HTr…      xây dựng và trực tiếp giảng dạy.(minh họa thực tế một tiết dạy- tại sân khấu Hội nghị )–  Xin chân thành cảm ơn quý anh chị đã theo dõi và khích lệ-(trên đây là kết quả thực nghiệm trong sinh hoạt và tu học tại GĐPT chúng tôi – chắc rằng không mấy phù hợp với nơi này, nơi khác)  chỉ mong sao  những phần trình bày vừa qua sẽ khơi gợi trong quý anh chị những hình thức và loại hình nghệ thuật phù hợp để vận dụng vào chương trình sinh hoạt, tu học theo từng địa phương. Còn để sử dụng chung , chúng ta nên viết các bài học theo thể loại văn vần khổ 3 chữ, 4 chữ hoặc 5 chữ- dạy cho các em đọc theo điệu hò vè hoặc hát đồng giao- hay như một bài học thuộc lòng thì nơi nào cũng sử dụng được

V/ Kết Luận:

Kính thưa toàn thể Hội Nghị

Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhân loại đã có thể dễ dàng trao đổi cho nhau những điều hiểu biết, cung ứng cho nhau những dịch vụ văn minh để làm cho đời sống được phong phú và thoải mái hơn về mọi mặt sinh hoạt. Và trong lĩnh vực biểu diễn văn nghệ, những lợi ích ấy cũng đã được tận dụng tối đa và GĐPT VN cũng không là ngoại lệ. Với mục đích hoằng dương chánh pháp và mang lại những giây phút giải trí lành mạnh cho quần chúng Phật tử trong thời kỳ hội nhập với các đoàn thể trong nước và thế giới, văn nghệ của GĐPT đòi hỏi người lãnh đạo phải có năng lực, tầm nhìn, phải đặt 2 yếu tố cơ bản là văn hóa Phật giáo và văn hóa dân tộc như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho một chương trình văn nghệ, hay nói một cách hình ảnh hơn, đó như cặp chân cho một người bước đi, mà không thể thiếu một.
Vài ý kiến nhỏ trao đổi cùng với quý vị và anh chị em trong đại gia đình áo Lam hôm nay, chúng tôi hy vọng sẽ được xem như một viên gạch đóng góp thêm vào việc xây dựng ngôi nhà Lam trong mảng văn hóa nghệ thuật và mong nhận được những góp ý quý báu từ quý vị..

 

Xin trân trọng cảm ơn .
Người viết:   Như Lạc TRẦN VĂN CƯ
GĐPT Quảng Nam

 


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Với hận diệt hận thù,
Ðời này không có được.
Không hận diệt hận thù,
Là định luật ngàn thu.

Phẩm Song Yếu

Tháng 10 năm 2024
15
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 3
Ngày Nhâm Tý
Tháng Giáp Tuất
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
13
Tháng 09
Kiên Giang