ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ: Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên pháp danh Diệu Hạnh, hiện là Đoàn trưởng đoàn Nữ Phật tử thuộc Gia Đình Phật Tử Tam Bảo-Hà Tiên. Chị xuất thân là nhà giáo, tham gia hoạt động văn học từ thập niên 1990, đến nay tác phẩm của Chị đã xuất hiện trên các báo và tạp chí như : Văn, Giáo Dục& Thời Đại, Áo Trắng, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ Cuối Tuấn, Chiêu Anh Các, Nhớ Huế, Văn Hóa Phật Giáo, Sông Hương.
Ngoài ra, tác phẩm của Chị còn được xuất bản thành sách, bao gồm:
* Sách in riêng : Hành Khất Phu Nhân (1994); Thời Nõn Giá (2004); Bến Sông (2012)
* Sách in chung:Truyện ngắn chọn lọc (tỉnh Kiên Giang); Tuổi Thơ Bầm Dập; Mắt Bão (1998); Xa Xứ (2001)
Trước thềm năm mới Mậu Tuất-2018, Ban biên tập có nhận được tập ký & truyện “Đường Về” của Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên gởi tặng. Nhận thấy nội dung tập truyện có phần gần gũi với tâm tư tình cảm của độc giả trang web gdptkiengiang.vn, trong đó đại đa số là đoàn viên Gia Đình Phật Tử, chúng tôi đã xin phép tác giả đăng lại toàn bộ ba mươi mốt truyện & ký trong “Đường Về” để bạn đọc thưởng thức.
Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu truyện thứ năm có nhan đề : “Chùa Bà Tuần Phạm Và Tôi”.
Trân trọng kính mời quý độc giả thưởng thức.
* * *
Gia đình ông bà cha mẹ tôi sống ở xóm Chợ Gò, phường Phú Trinh, Phan Thiết cũng khá lâu. Khi tôi vừa chớm lớn đã thấy nơi đây có ngôi chùa. Ai cũng gọi một cách thân thương trìu mến là chùa Bà Tuần hoặc Bà Tuần Phạm. Bà mặc nhiên thừa nhận tên gọi đó, không nghĩ tới việc cần đặt tên khác cho chùa mình. Chùa không lớn không nhỏ, nằm trên nền gạch cao, có nhiều bậc cấp bước lên. Sân chùa rộng, không rào chắn, không chăm sóc trang điểm, được các đoàn bán thuốc Sơn Đông mãi võ tận dụng tối đa.
Ban sáng, ngồi dọc lối đi trước sân chùa là những gánh bún, chè xôi, bánh ú, đậu hủ, bông cỏ hột lựu. Đi mãi vô trong, chợ bán đủ thịt, cá, tôm… Gần tết, tăng cường các món xóc đĩa, nhứt lục, bầu cua, ngồi lấn cả vào sân chùa. Vì nhà gần chợ, tôi hay ra mua quà vặt mà hấp dẫn nhất vẫn là món bún mắm nêm… lạnh tanh đầy mùi vị! Bọn con gái chúng tôi thời đó không đứa nào dám ngồi ăn hàng giữa chợ vì cái tấm chắn “đức hạnh” hay “gia giáo”. Tuy nhiên, phá rào vẫn thích hơn.
Chơi bầu cua, tôi không thể nào tả hết cái cảm giác cực kỳ vui sướng khi tiền vừa đặt xong, mắt dính sát vào cái tô nằm úp sấp. Đang lúc nín thở chờ thì cái tô được giỡ ra… Chu cha ơi! Mình trúng liền một hơi ba “con nai vàng ngơ ngác”, lần sau lại trúng thêm hai trái bầu đỏ chót hay lai rai cua, cá, tôm. Chừng túi tiền có mòi rủng rỉnh, tôi lén vù về nhà để khoe, nào ngờ ăn phải một trận “cháo lươn” roi tre mềm dẻo mà no nê do mẹ tôi “khoản đãi” sau khi bà tra hỏi: “Đi đâu không xin phép?” (chả nhẽ tôi xin, cho con đi…cờ bạc?). Lúc này tốt nhất là phải thành thật khai báo với “chính quyền” mẹ. Mẹ tôi như thấy hết mọi hậu quả khó lường của đứa con gái mới nứt mắt đã ham đen đỏ. Biết đâu nó còn ham những thứ kinh khủng khác. Nghĩ thế, mẹ bèn dốc hết tiền cờ bạc của tôi ra, không cần đếm, mẹ bảo phải mua nhang cho hết tiền này, đem vè ngay. Tôi sợ quá, không hiểu gì. Lại sợ ra chợ gặp chủ sòng. Tôi không dám đi ngang đó, mà đánh vòng ngoài để qua sân chùa. Rồi mẹ bảo:”Cầm nhang theo tui”. Trời! thì ra mẹ đưa tôi vô chùa Bà Tuần Phạm. Lần đầu tiên trong đời, tôi hiểu thế nào là quỳ hương sám hối và lời nguyện trước Phật Tổ. Sau đó, mỗi rằm và mồng một, mẹ đều dắt tôi đi chùa này.
Bà Tuần Phạm hiền từ, trắng trẻo, nhỏ người nhưng nhanh nhẹn. Bà cất chùa, bên cạnh là cái nhà, nền thấp sát đất. Tôi thường thấy bà trong bộ đồ đen qua lại hai nơi này, ngay chỗ bậc cấp bên hông nhà bước lên để vào hậu tổ. Khi đã quen chùa, bọn con nít chúng tôi (do tôi rủ) cứ chạy qua chạy lại nơi đây tìm chỗ núp khi chơi năm mười, có đứa chun dưới bệ thờ, bị ông từ đuổi chạy té khói. Nghiêm chỉnh hơn, những lúc chùa vắng, tôi tha thẩn trên chánh điện, ngắm nghía thật lâu từng tượng Phật bằng gỗ ngồi trên bệ cao mà vẫn thấy những đường nét chạm khắc tinh xảo. Lúc đó, tôi không hiểu sao chùa lại có đến ba tượng Phật. Tượng nào nét mặt cũng dễ thương khiến tôi cứ phải nhìn hoài. Đôi khi tôi tìm đồ chơi là mấy bao nhang có dán hình Phật màu đỏ rất thơm để hít thở rồi sưu tập. Lại có hôm mải chơi quên về ăn cơm, người láng giềng thấy mẹ tôi cầm cây roi kêu tôi hời hời, anh ta vội vàng đi cứu tôi. Khi vô chùa, anh thấy tôi nằm chèo queo ngủ dưới bệ thờ tự lúc nào. Thương quá, anh vỗ về ẵm tôi ra. Sau đó, chúng tôi cùng vô Gia Đình Phật Tử Tỉnh hội Phan Thiết. Buồn thay, anh vắn số, không kịp thấy tôi trưởng thành. Năm 1968, bom Napalm giặc Mỹ đã biến khu Chợ Gò thành bình địa! Tất nhiên có chùa Bà Tuần Phạm và nhà của tôi, nhà ông ngoại tôi, cả nhà người bạn láng giềng. Gia đình tôi lúc đó vô cùng lận đận, phải đi nơi khác ở. Tôi nghĩ chùa Bà Tuần Phạm cháy rụi và bà cũng qua đời sau đó, thế là hết, coi như có một ngôi chùa bị xóa sổ.
Sau ngày thống nhất đất nước, mỗi năm vào dịp thanh minh, tôi thường về Phan Thiết chạp mộ, nhân đó tôi biết chùa Bà Tuần Phạm được các con của bà – trong đó có một người là cố bác sĩ Anh hùng Lao động Phạm Ngọc Thạch – cùng lo khôi phục nhưng được xây dựng lại ở chỗ khác, không xa xóm Chợ Gò. Chùa mang tên Phổ Minh (Phổ Minh Ni tự). Điều bất ngờ, Ni sư trụ trì chùa này trước đây là bạn, ở sát nhà tôi. Người hộ tự cũng là bạn tôi, hồi đó cùng sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử. Tôi đầy đủ phước duyên, gặp lại chùa Bà Tuần Phạm có Ni sư trụ trì và người hộ tự thân quen. Với tôi, Phổ Minh Ni tự luôn là chùa Bà Tuần Phạm ở xóm Chợ Gò có tôi hồi đó ham chơi, ngủ quên dưới bệ thờ, nay đã là cụ bà xấp xỉ bảy mươi. Thương chùa. Thương xóm chợ. Thương Ni sư trụ trì là bạn thời niên thiếu và qua anh bạn thời Oanh Vũ, hàng năm vào ngày lễ Phật, lễ Tết, tôi thường gọi điện về chùa hỏi thăm và phụng cúng.
Năm ấy cháu tôi mất bên Mỹ, tôi đưa vong linh cháu về thờ ở chùa này, được Ni sư cầu siêu tịnh độ cả bảy tuần. Lễ cúng bốn mươi chín ngày có tôi về dự. Hôm tai nạn sập nhịp cầu dẫn ở Cần Thơ, tôi cũng đã nhanh chóng gởi về chùa danh sách đầu tiên bốn mươi chín vị tử nạn để kịp cúng tuần thứ nhất, sau lên năm mươi bốn vị cũng được bổ sung xin Ni sư cầu siêu. Đến ngày 13 tháng 11 năm 2007 là tuần thứ bảy, tức bốn mươi chín ngày hệ trọng, từ Hà Tiên xa xôi, tôi hẹn thầy về cúng. Nhưng đến phút chót ông nhà tôi bị bệnh, tôi không đi được, đã có anh bạn, người hộ tự của chùa sốt sắng giúp tôi lo việc cúng kiếng. Và còn hơn thế nữa, mỗi lần về thăm quê, dầu nơi đây nhà cửa, người thân ruột thịt của tôi không còn nữa, tôi vẫn thấy thật vô cùng ấm áp được “dung thân” ở chùa Bà Tuần dăm ba bữa, được độ trai, quỳ lạy, nghe lại tiếng kinh mõ dìu dặt của thời ấu thơ.
Và toại nguyện biết bao, một mai tôi qua đời, được người bạn láng giềng năm xưa là Ni sư Thích Nữ Như Nhơn, trụ trì chùa Phổ Minh, cùng các bạn hữu quê nhà cầu siêu tịnh độ cho tôi.