Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên pháp danh Diệu Hạnh, hiện là Đoàn trưởng đoàn Nữ Phật tử thuộc Gia Đình Phật Tử Tam Bảo-Hà Tiên. Chị xuất thân là nhà giáo, tham gia hoạt động văn học từ thập niên 1990, đến nay tác phẩm của Chị đã xuất hiện trên các báo và tạp chí như : Văn, Giáo Dục& Thời Đại, Áo Trắng, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ Cuối Tuấn, Chiêu Anh Các, Nhớ Huế, Văn Hóa Phật Giáo, Sông Hương.
Ngoài ra, tác phẩm của Chị còn được xuất bản thành sách, bao gồm:
* Sách in riêng : Hành Khất Phu Nhân (1994); Thời Nõn Giá (2004); Bến Sông (2012)
* Sách in chung:Truyện ngắn chọn lọc (tỉnh Kiên Giang); Tuổi Thơ Bầm Dập; Mắt Bão (1998); Xa Xứ (2001)
Trước thềm năm mới Mậu Tuất-2018, Ban biên tập có nhận được tập ký & truyện “Đường Về” của Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên gởi tặng. Nhận thấy nội dung tập truyện có phần gần gũi với tâm tư tình cảm của độc giả trang web gdptkiengiang.vn, trong đó đại đa số là đoàn viên Gia Đình Phật Tử, chúng tôi đã xin phép tác giả đăng lại toàn bộ ba mươi mốt truyện & ký trong “Đường Về” để bạn đọc thưởng thức.
Kỳ trước, Ban Biên tập đã giới thiệu phần đầu truyện thứ mười một có nhan đề: “Bài Gia Huấn Ca Không Lời “.
Trân trọng kính mời quý độc giả thưởng thức phần tiếp theo của câu chuyện này.
* * *
(Tiếp theo kỳ trước)
Nhưng lạ lùng thay, cha đã đập vỡ cây măng-đô-lin và cây hạ uy cầm của chị em tôi do cậu Út tôi mua tặng. Có lẽ vì trưa ấy và nhiều trưa trước đó, đang trong giấc nồng của cha mả tôi mê mải rót vào tai cha tiếng đàn tiếng hát… khó nghe. Bây giờ nghĩ lại, rõ là may quá, không thì tôi đã là một “ma-ri sến” hoặc “ma-ri phông-ten” (tôi thường gánh nước), nhai đi nhai lại mấy bài rất ư là sến.
Và khuya đó, đang lúc chị em tôi ngồi học ở nhà sau thì nghe có tiếng rên nhỏ. Sợ quá, chúng tôi cầu cứu cha. Cha đi tìm, nghe như ở dưới dốc nhà mình, chỗ cái giếng, sau dãy nhà năm căn đường Trần Cao Vân. Cha lần xuống đó. Ôi thì ra có người té giếng. Nhìn xuống lòng giếng tối đen, cha hỏi lớn :
-Ai té giếng ? Có người trên đây, đừng sợ.
Thế là cả xóm thức dậy. Người lo thắp đèn, kẻ kiếm cái thang, kiếm dây. Cha nhớ nhà có cái thang dài còn chắc, cha chạy đi. Lúc đưa thang xuống. có người hỏi theo:
-Lên được không hay là cho người xuống?
Trời ơi! Không ai ngờ đó là con nhỏ Lai. Tôi và nó là bạn hàng xóm. Chúng tôi thường qua lại con dốc này. Bác Thu, mẹ Lai ngủ trong nhà, cứ tưởng con mình đang sôi kinh nấu sử. Lai vừa khóc vừa kể, đợi khuya giếng có nước, nó ra múc nước tắm, không ngờ sợi dây gàu ngắn, vừa chúc đầu chồm xuống thì hụt chân. Cả xóm ai cũng mừng nhà bác Thu đại phước. Không ai giải thích nổi vì sao giếng sâu, đáy toàn gạch đá như thế mà Lai không việc gì. Sau đó, mấy bà con giúp mẹ Lai tạm thời đèn nhang cúng tạ đất đai Thổ thần và các đấng chư Thiên, tụng kinh gọi hồn cho Lai. Ổn định xong vừa đúng hai giờ sáng. Cha không quên cho Lai mũi thuốc khỏe còn dặn tôi lúc này năng lui tới với Lai, đừng nhắc lại chuyện té giếng.
Rồi một hôm có người khách lạ đến nhà, cha tôi ra tiếp. Ông khách nói tiếng Pháp, cha đáp trả. Mẹ tôi hỏi. Cha nói:
Ông này người Camphuchia, vì lỡ đường nên không có tiền về xe, xin tui cho ông mượn đỡ 300 đồng. Ông trình giấy tờ tùy thân, hứa khi về sẽ gửi măng-đa trả liền. Tui nói tui không có tiền.
Nghe xong mẹ tôi làm thinh. Tôi liền năn nỉ:
-Cha ơi, cho ông mượn đi mà, con thấy ông này tội nghiệp, hơn nữa ông biết tiếng Pháp, chắc là người trí thức.
Cha nói:
-Cha cho mượn là vì con, sau này có chuyện chi, con phải chịu trách nhiệm.
Thế rồi, ngày một ngày hai, tôi chờ mãi, chờ mãi, chẳng thấy ai gửi măng đa măng điếc gì. Cha tôi thì phớt lờ chuyện đó, không hề nói đi nói lại hay kể lể với ai, coi như chẳng có gì xảy ra. Chị tôi luôn xầm xì đổ tội tôi. Thương cha trong nỗi khổ của mình, tôi phải nói với mẹ và chị tôi rằng có lẽ ông ấy bị tai nạn hay bị gì chết rồi, không kịp gửi măng-đa.
Cha tôi thích nuôi thỏ. Tự tay cha đóng chuồng. Phân công tôi mỗi sáng sớm, trước khi đi học phải ra ngã tư gần ga xe lửa, đón mua rau lang của mấy bà nhà quê ở Phú Hội đi xe lửa, gánh qua đây để ra chợ. Ngày nào không có rau lang, tôi phải kiếm rau muống biển. Được ra biển vẫn thích hơn. Chị tôi thì quét dọn phân chuồng. Cha có tài làm thịt thỏ nấu với rượu chát. Bộ da thỏ, cha cho người hàng xóm nhồi cỏ khô. Có lần chị em tôi ngây người đứng xem cha treo chân thỏ lột da, mẹ tôi thì sợ quá bỏ đi và nói gần như khóc:
-Nhà biết thờ Phật, sao lại làm chuyện đó.
Vậy là cha bán thỏ, tháo chuồng, bỏ “tài nghệ” luôn, không đụng tới con thỏ nào nữa. Cha cũng hay đạp xe quanh xóm, ghé thăm các phụ lão hay người bệnh, cho thuốc trẻ nhỏ bị sốt, làm thầy chích thuốc không nhận thù lao. Bởi thế người trong xóm tặng cha cái biệt danh “ông Chích” để hăm dọa mấy đứa nhỏ chán ăn, hay khóc nhè. Nửa đêm có gia đình người bệnh kêu cửa, cha sốt sắng chạy đi.
Thời đó ở Phan Thiết, xóm trên xóm dưới khu Chợ Gò, ai cũng biết cha tôi từng giúp bà Lục Thị Đậu-một người đương thời giàu có nhất nhì Phan Thiết-bằng cách đi khắp xóm động viên bà con cô bác quyên tiền, cùng bà xây dựng trường Tiểu học Cộng đồng Trinh Tường nay là trường Phú Trinh ở đường Hải Thượng Lãn Ông. Cha thích đọc báo, làm thơ. Thấy có chuyện chi lạ đời hoặc nhà có chuyện vui, chuyện buồn, con cái có lỗi, có tật xấu… cha mượn cớ làm thơ. Lần đó, cha làm thơ phê bình cái tật tôi cứ hay nói nhanh nói lắp mà không chịu sửa. Bài thơ cha viết chữ to, dán ngay nơi bàn học của tôi. Tôi buồn và rất “quê” khi có ai đọc thấy. Dì Nhĩ Hà của tôi lấy làm khó chịu, nói:
-Hắn có lỗi, sao anh không đập cho hắn một trận, anh làm vậy người ngoài, nhất là bạn hắn đọc, tôi nghiệp hắn.
Cha đáp:
-Văn thơ sao lại đem sánh với roi vọt.
Dù nói vậy nhưng sau đó tự tay cha gở tấm giấy xuống. Tôi nhẹ cả người, thương cha chảy nước mắt.
Cũng có lần cha tôi làm thơ dự thi. Bữa được trúng giải, ngoại tôi cảm hứng: “Mừng gia tế đậu thơ Tết cả giải nhì và ba”:
Sơ thí mừng cho dính bản liền
Chung trương Bình Thuận với Thừa Thiên
Một lần khéo trúng luôn hai quyển
Ba cụ đều phê quá chục khuyên
Vừa tốt nghiệp Trung học xong, cha muốn tôi thi vô trường Sage-femme để tôi trở thành cô mụ hay học để làm gì đó thuộc ngành y tế. Mẹ và tôi chỉ thích tôi làm cô giáo. Mẹ nói:
-Nghề dạy học nhàn nhã, con có thì giờ ở nhà chăm sóc gia đình hoặc đan thêu, cắt may, nấu nướng. Làm y tá như cha, bận rộn và cực nhọc suốt ngày, có khi cả đêm, đã thế tình cảm lại khô khan. Cái nghề thấy người ta đau đớn rên la không xúc động. Ngày tôi thi đậu Sư phạm Nha Trang, cha tôi buồn bã nói:
-Không đứa nào chịu nối nghiệp tôi.
Câu nói nhẹ nhàng mà tim tôi thắt lại, nghĩ mình làm cha buồn là bất hiếu. Phải chi cha vui lòng cho tôi chọn nghề dạy học thì hôm nay là ngày vui nhất của gia đình, chắc chắn mẹ đãi tiệc ăn mừng. Nếu ngoại còn, tôi được ngoại và cha làm thơ để tặng…
Éo le thay, nỗi vui của tôi lại là nỗi buồn của cha, bởi thế, suốt ngày tôi không dám nhìn cha, không dám nói chuyện học Sư phạm trước mặt cha. Đến lúc đi học, tôi âm thầm đi xe lửa đêm, không một ai đưa tiễn nhưng tôi không dám buồn, canh cánh nỗi lo cha tủi thân không người nối nghiệp (chị tôi học Sư phạm Buôn Ma Thuột). Khuya đó ra ga, tôi vô cùng sửng sôt thấy cha tôi trong bộ bà ba trắng, miệng nhai trầu, đứng ở sân ga tự bao giờ có vẻ rất thảnh thơi. Tôi cả mừng mà vẫn sợ, chỉ kêu lên một tiếng “Cha”. Cha cười, lấy trong túi áo một phong thư, bảo:
-Ra Nha Trang học, con phải đến thăm thầy Lê Mạnh Bính. Ông là thầy của cha.
Cho đến lúc tàu chạy, tôi vẫn còn thấy cha quanh quẩn ở sân. Thương cha quá, trong nỗi lo sao cha không nói gì thêm với tôi vài câu…
Trước đây cha thường kể, thầy Lê Mạnh Bính người Hà Tỉnh, thầy đọc ám tả cho học trò vẫn cái giọng Hà Tỉnh đặc biệt khó nghe, “cánh cửa” luôn luôn thầy đọc là “cánh cựa”. Có lần cha bị một cái gõ cốc của thầy với lời giải thích cho cả lớp “Cựa là cựa vô cựa ra chứ không phải cựa gà cựa vịt”. Mỗi lần kể, cha tôi cười rạng rỡ như vừa nhận lại cái gõ cốc và âm vang lời nói của thầy.
Đọc thư cha tôi, thầy Bính mừng lắm, thỉnh thoảng nhìn tôi cười, chắc cha méc thầy về tôi. Rồi thầy hỏi thăm ông ngoại, mẹ và chị em tôi, còn hỏi thăm nơi ăn chốn ở của tôi. Thầy kể hồi đó cha tôi học giỏi, văn hay chữ tốt, tánh tình ôn nhu mà cương quyết. Cha tôi đến lớn vẫn một mực thương yêu thầy, giúp thầy tìm mẹ con đứa cháu nội bé bỏng của thầy ở chiến khu, cháu bị bạo bệnh, đưa về Phan Thiết chữa trị, tạm thời ở nhà ngoại tôi.
Hồi đó giáo sinh Tiểu học mới ra trường, sau hai năm thực tập là được vào biên chế với điều kiện y có đạo đức tốt và tay nghề vững vàng. Nếu không, y phải chờ… chính mình. Hồ sơ vào biên chế, quan trọng là phiếu nhận xét về hai mặt nói trên của Hiệu trưởng và Thanh tra tiểu học. Họ âm thầm làm việc, khách quan và chinh xác. Bởi vậy, giáo viên thực tập ai cũng sợ cái khoản này. Tôi không phải là kẻ ngoại lệ. Tôi nhớ cũng hồi đó, mỗi lần Thanh tra cần xét kiểm tra giáo viên nào, ông chỉ đi một mình mà hay đi ngã sau, âm thầm lặng lẽ đến văn phòng gặp Hiệu trưởng, nói năm ba câu, Hiệu trưởng sẽ đưa ông đến lớp giáo viên đó.
Hôm ấy, ông đột ngột đến lớp tôi, vào giờ Ngữ vựng (bây giờ là tiếng Việt) bài “Thú vật nuôi trong nhà: Gà-Vịt” làm tôi run quá trời, mặt mày xanh lét. Nói năng lục cục lòn hòn. Sau khi duyệt xét hồ sơ chuyên môn là vở soạn bài, vở luân hoán, sổ điểm danh và cho điểm, tôi được ông tận tình chỉ bảo:
-Cô dạy không sai kiến thức nhưng ta không nên dạy cho trẻ những động từ có tính sát hại hung bạo, dù đó là con vật ta có quyền ăn thịt chúng. Tiếng mẹ đẻ, các em tự khắc biết Thử tưởng khi về nhà, trẻ con cứ luôn miệng học động từ: cắt cổ, mổ bụng, chặt cánh, nhổ lông, vặt lông thì ghê quá! Dạy trẻ là gieo trồng những hạt giống tốt lành, cần khơi gợi tính nhân văn, văn học cho trẻ bằng những động từ: yêu thương, chăm sóc, cho ăn, gáy, bơi lội, vỗ cánh…
Và ông còn nói thêm:
-Cô có biết lớp cô, có em nào viết chữ n như chữ u không?
Tôi đang mơ màng cố nhớ thì ông nói:
-Cô xem lại chữ viết của em Giàu, ngồi ở bàn cuối.
Tôi ngớ người, mắc cở quá trời. Mấy ngày chờ đợi phiếu thanh tra gửi đến là mấy ngày tôi lo sợ, ăn ngủ không yên. Chừng không chịu nổi, tôi thố lộ với cha tôi như một cách làm nhẹ gánh. Không ngờ, cha cười đỏ tươi cái miệng đang nhai trầu, thản nhiên nói:
-Cha biết rồi, ông Thanh tra Đinh Gia Dzu là bạn làng thơ của cha, hôm qua ông và cha có gặp nhau, cùng nói về một bài thơ. Con yên tâm đi.
Tôi nghe mà tưởng như mình đã tu đâu ngàn kiếp.
Chỉ một lần trong đời, mẹ và chị em tôi nghe cha khóc. Một tiếng nấc nghẹn bật ra trong cổ cha. Tiếng khóc vang lên khô khốc giữa nghĩa trang đồi cát vào giờ chôn cất ông tôi. Cha khóc người cha vợ kính yêu vừa là người bạn thơ tâm đắc. Giờ đây không còn ai hiểu thơ của cha nữa.
Năm tôi lập gia đình, người bạn đời của tôi cũng yêu văn thơ, ngày đám cưới chúng tôi, lần đầu tiên và duy nhất, anh ấy được hội nhập không khi thơ văn trong buổi họp làng thơ “Mừng đám cưới con gái” do cha tôi tổ chức tại nhà. Cụ An Đình trong Thi xã Thần Kinh (Huế) kịp thời gởi về cha bài thơ Mừng tân hôn:
Ông Tơ bà Nguyệt khéo xe duyên
Minh Đạt ngày lành gặp Phước Liên
Rừng hạnh gió lồng khua tiếng mõ
Sân Trình tuyết rạng nực mùi sen
Buồn thay, ba tháng sau cha tôi bị áp-xe gan rồi mất (có lẽ do chất vôi trong nước cổ trầu) . Cha để lại một giải thưởng thi thơ, lần này do báo Sinh Lực-Sài Gòn thời đó tổ chức.
Mấy năm sau, thơ của cha cũng mất theo do xóm Chợ Gò có nhà tôi và nhà ông tôi bị cháy rụi (Tết Mậu Thân) đến nỗi chị em chúng tôi không còn giữ được một bài hoặc một câu thơ nào của cha. Tôi chỉ còn giữ được cái không bao giờ mất đó là đức tánh nhân đạo và cá tánh thanh cao của cha, khác nào những bài gia huấn ca đẹp đẽ, cha để lại cho mình.
(HẾT)