Người Xây Chùa Phật Học Và Lập Trường Bồ Đề Ở Phan Thiết

G

Ít ai ở Phan Thiết biết rằng người xây chùa Phật Học và trường Trung học Bồ Đề là một công chức, một nhà thơ.

Công chức

Một buổi sáng của năm Giáp Thân 1884, tại làng An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, quan tam phẩm triều Nguyễn Đoàn Công Trí vừa đi chầu về thì nghe gia nhân bảo: “Phu nhân vừa sinh công tử”. Sau khi vào thăm hỏi vợ và nhìn mặt con, quan tam phẩm mỉm cười bảo vợ: “Thằng bé không đến nỗi nào đâu, mình ạ. Ta sẽ đặt tên con là Đoàn Công Tá. Nhà mình từ trước đến nay tu nhân tích đức, hy vọng con lớn lên, sẽ noi theo”.

Do sinh trưởng trong một gia đình quan văn, vốn trọng chữ nghĩa nên Đoàn Công Tá (sau này là Đoàn Tá) được ăn học chu đáo. Cậu theo học trường Pháp Việt rồi đậu vào trường Hậu Bổ, một cơ sở đào tạo viên chức hành chánh ở Hà Nội vào thời Pháp thuộc. Năm 1906, Đoàn Tá được bổ nhiệm làm công chức tại Tòa Khâm sứ Trung kỳ rồi được chính quyền bảo hộ Pháp điều chuyển đến Tòa Công sứ tỉnh Lâm Đồng. Năm 1925, Đoàn Tá nhận nhiệm sở tại Tòa Công sứ tỉnh Bình Thuận.

Từ khi đến Bình Thuận, chính cảnh vật và con người hiền hòa nơi đây đã giữ chân người thanh niên xứ Huế. Ông quyết định chọn Phan Thiết làm quê hương thứ hai của mình. Vốn là người có kiến thức và cần mẫn với công việc, Đoàn Tá lần lượt được bổ nhiệm các phẩm hàm của ngạch chánh tam phẩm, ngạch cao nhất dành cho công chức cấp tỉnh theo quy định của thời đó. Năm 1936, ông nghỉ hưu và định cư ở Phan Thiết cho đến lúc qua đời.

Lập trường Trung học Bồ Đề

Năm 1938, cụ Đoàn Tá cùng các cư sĩ khác đứng ra thành lập Hội An Nam Phật Học Bình Thuận. Đây được xem là tổ chức tôn giáo đầu tiên của tỉnh Bình Thuận. Cụ Đoàn Tá được bầu làm hội trưởng. Hội An Nam Phật Học Bình Thuận do cụ Tá điều hành hoạt động rất mạnh và phát triển thêm nhiều chi hội ở các nơi trong tỉnh như Phan Rí, Hòa Đa, Mũi Né, Hàm Tân.

Nhằm tạo điều kiện cho con em các gia đình Phật tử và các gia đình nghèo ở Phan Thiết có chỗ học tập, năm 1954, cụ Đoàn Tá đứng ra vận động các thân hào, nhân sĩ, Phật tử xây dựng trường Bồ Đề (nay là trường Tiểu học Tuyên Quang).

Đầu năm 1955, trường hoàn thành dãy nhà đầu tiên với vách gạch, mái lợp tôn xi-măng gồm bốn phòng học để mở hai lớp đệ thất và một lớp đệ lục. Trường Bồ Đề thu nhận số học sinh ngụ tại Phan Thiết cũng như các quận trong tỉnh Bình Thuận đã thi rớt kỳ thi tuyển vào lớp đệ thất của trường trung học công lập Phan Bội Châu. Vì số học sinh ngày càng tăng nên từ niên khóa 1959-1960, trường mở các lớp đệ ngũ (lớp 8) và đệ tứ (lớp 9). Năm 1970, trường cất thêm một dãy lầu để mở các lớp đệ nhị cấp (từ lớp 10 trở lên).

Lập chùa Phật Học

Là một Phật tử, cụ Đoàn Tá mong muốn làm sao có được một ngôi chùa to đẹp ngay tại trung tâm thành phố Phan Thiết, vừa để bà con Phật tử có nơi thờ lạy Phật vừa làm trụ sở của Hội An Nam Phật Học Bình Thuận và cũng là bộ mặt của Phật giáo Bình Thuận. Cụ bèn vận động các mạnh thường quân, các Phật tử xa gàn đóng góp tiền để mua một khu đất rộng ngay trung tâm Phan Thiết, tại đường Gia Long (nay là đường Trần Phú) và xây lên ngôi chùa to đẹp nhất Bình Thuận thời đó. Chùa khánh thành năm 1940, có tên chùa Phật Học. Sau năm 1975, chùa được đổi tên Phật Ân.

Từ năm 1940, chùa Phật Học là trụ sở của Hội An Nam Phật Học Bình Thuận, rồi là Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Thuận cho đến nay. Chùa là nơi điều hành tất cả mọi hoạt động Phật sự và hoằng dương đạo pháp trong toàn tỉnh.

Giai đoạn chính quyền Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo (1963), chùa Phật Học là trung tâm tổ chức ngấm ngầm hoặc công khai các cuộc đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo, bảo vệ quyền bình đẳng tín ngưỡng.

Nhà thơ và cuộc đời

Ông Đoàn Tá cũng là nhà thơ có tiếng với bút danh Phú Khê. Ong đã tham gia thành lập Hội thơ Lạc Thành thi xã Phan Thiết và có mối quan hệ gắn bó với Hội thơ Hương Bình thi xã ở Huế. Thơ của ông chủ yếu theo thể thất ngôn bát cú (thơ Đường), ngoại trừ một số ít bài theo thể tứ tuyệt (bốn câu) hay ca trù (hát nói) với câu từ 4 đến 10 chữ.

Gần đây, một gia đình tộc Đoàn, quê ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, hiện sống ở Thành phố Hồ Chí Minh đã tìm lại được tập thơ Đường của cụ Đoàn Tá, sau nhiều năm thất lạc bởi chiến tranh. Tập thơ gồm trên 600 bài được đánh máy trên giấy thô, có tựa đề Phú Khê thi tập. Hiện gia đình ông Đoàn Tá có ý định xuất bản tập thơ này. Ông cũng được người dân biết đến như  là một người nhân hậu, luôn giúp đỡ người nghèo khó. Trận lụt lớn năm Nhâm Thìn (1952) tại Phan Thiết, người dân xóm Chợ Gò (Phú Trinh) chạy lụt đến nhà ông, ông sai con cháu nấu cơm, đem sữa cho người yếu, cụ già, đem gạo phân phát cho bà con, cứu trợ những người trên thuyền tấp vào nhà ông xin tá túc khi nước lũ lên cao. Sẵn có thuyền,  ông cho người chèo thuyền khắp xóm để cứu những người đang bám vào xà hay ngồi trên các nóc nhà bị ngập nước.

Sau trận lụt đó, ông Đoàn Tá nhận được thư khen tặng và huân chương “Anh dũng bội tinh” của chính phủ Bảo Đại.

Người dân xóm Chợ Gò xưa rất mến mộ và nể phục tài đức của ông. Nhà ai có chuyện vợ chồng bất hòa, họ thường đến thưa với ông, để ông phân xử, hòa giải. Khi ông thấy có người ăn ở không phải đạo làm con đối với cha mẹ thì ông gọi đến nhà khuyên răn dạy bảo. Trong xóm có ai rượu chè, cờ bạc, không biết thương vợ con, ông cũng không bỏ qua mà đến gặp họ, phân tích lời hay lẽ thiệt. Nhà ông trở thành một khuôn hội, nơi tập hợp các bà con mộ đạo Phật trong xóm vào ngày rằm, mồng một đến tụng kinh niệm Phật và nghe ông thuyết pháp, giảng giải những điều bổ ích. Sinh hoạt này duy trì cho đến lúc ông qua đời.

Tuy là người làm việc cho chính quyền Pháp nhưng ông Đoàn Tá có ba người con tham gia kháng chiến. Người con trai lớn Đoàn Khiêm là liệt sĩ; người con trai thứ là cố giáo sư, thiếu tướng Đoàn Huyên trong chiến tranh chống Mỹ, về sau là viện trưởng Viện Khoa học Quân sự Việt Nam; người con gái út là bà Đoàn Thị Bích Hoàn (năm nay 86 tuổi) đi kháng chiến từ chống Pháp đến chống Mỹ. Trong kháng chiến chống Mỹ, bà từng hoạt động Cách mạng tại thành phố Sài Gòn – Gia Định dưới bình phong “Tổng phát hành bột gạo lứt Bích Chi”. Sau năm 1975, bà tiếp tục tham gia xây dựng chánh quyền địa phương ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu.


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

 Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi
Ai ôm hiềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang