Bài Học về Cuộc Sống

G

ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ: Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên pháp danh Diệu Hạnh, hiện là Đoàn trưởng đoàn Nữ Phật tử thuộc Gia Đình Phật Tử Tam Bảo-Hà Tiên. Chị xuất thân là nhà giáo, tham gia hoạt động văn học từ thập niên 1990, đến nay tác phẩm của Chị đã xuất hiện trên các báo và tạp chí như : Văn, Giáo Dục& Thời Đại, Áo Trắng, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ Cuối Tuấn, Chiêu Anh Các, Nhớ Huế, Văn Hóa Phật Giáo, Sông Hương.

Ngoài ra, tác phẩm của Chị còn được xuất bản thành sách, bao gồm:

* Sách in riêng : Hành Khất Phu Nhân (1994); Thời Nõn Giá (2004); Bến Sông (2012)

* Sánh in chung:Truyện ngắn chọn lọc (tỉnh Kiên Giang); Tuổi Thơ Bầm Dập; Mắt Bão (1998); Xa Xứ (2001)

Trước thềm năm mới Mậu Tuất-2018, Ban biên tập có nhận được tập ký & truyện “Đường Về” của Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên gởi tặng. Nhận thấy nội dung tập truyện  có phần gần gũi với tâm tư tình cảm của độc giả trang web gdptkiengiang.vn, trong đó đại đa số là đoàn viên Gia Đình Phật Tử, chúng tôi đã xin phép tác giả đăng lại toàn bộ ba mươi mốt truyện & ký trong “Đường Về” để bạn đọc thưởng thức.

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu truyện : Bài Học về Cuộc Sống.

Kính mời Quý độc giả thưởng thức.

1

Cũng như những ngày rằm và mùng một khác, hôm ấy tôi sửa soạn chưng hoa quả. Mở bung bó hoa được gói trong giấy bóng con tôi vừa mua về, tôi bật ngửa thấy có nhiều hoa màu tím. Tức khắc tôi cằn nhằn con gái: “Mẹ nói rối, sao con cứ mua hoa tím về. Ghét quá, cái màu tím u ám buồn bã, nhìn lên bàn thờ thấy tối om”.

Con tôi cười khì, nói: “Biết mẹ ghét, con có mua đâu, bà bán hoa cho thêm đấy”.

Tôi định nói bán không ai mua nên phải tống khứ nó đi nhưng con tôi nói tiếp:”Hồi nào tới giờ, con chỉ mua hoa của bà này vì bà là mẹ của con nhỏ học trò con”. Tôi lại nói:”Phải chi cho cúc vàng hay cúc trắng:. Nói vậy nhưng tôi vẫn chọn lựa cắt tỉa những cành tím đó cho vào lọ, châm nước. Xong đâu đấy, tôi đưa hoa lên bàn thờ, ngắm nghía một hồi lâu rồi mới quay ra thu dọn rác. Tôi cẩn thận bẻ quặp những cành lá rườm rà luộm thuộm nhét vào cái bọc đang đựng rác. Thế là rác cũ, rác mới, rác khô, rác ướt cùng ở chung. Cầm hai quai xách, tôi cột hờ miệng bọc để chốc nữa đem bỏ vào thùng rác công cộng ngoài vỉa hè.

Chuyện chỉ có vậy nếu hôm ấy tôi không bận tiếp khách, quên bẳng cái bọc rác. Sáng hôm sau khi đi tập thể dục về, ra hàng hiên nghỉ mát, tôi chợt thấy bọc rác trong xó kẹt. Và chao ơi! Chính nơi quai xách hờ hững hôm qua, bỗng ló ra một bông tím nở xòe. Tôi ngạc nhiên, bàng hoàng nhìn cái hoa tím nhỏ mơ màng sao đẹp quá, đầy sức sống cho dù cuống hoa chỉ như cái chân nhang. Trong nỗi hân hoan xao xuyến, tim tôi nhói lên nỗi ân hận cả hổ thẹn:”Tội nghiệp chưa, may mà hôm qua mình không liệng nó vô thùng rác”. Tôi muốn cắt nó cho vào cái tô thủy tinh, chung những cánh hoa đang nổi lềnh bềnh trên mặt tô. Nhưng tôi không làm vậy mà cầm bọc rác đi thẳng ra ngã sau, chỗ có thùng rác đang ngập ứ. “Chỉ chốc nữa thôi, xe rác đến”, nghĩ vậy, tôi nhẹ nhàng để bọc rác nằm trên cùng, lại còn banh miệng bọc, cố tình nhấc hoa tím lên cao thêm nữa và xoay nó ra hướng lộ. Tôi hy vọng những ai qua đây lúc này sẽ nhìn thấy nó, cành hoa nhỏ từ trong bọc rác vươn lên đón ánh mặt trời, khoe sắc. Điều chắc chắn họ chính là mấy anh công nhân đổ rác.

“Chốc nữa xe rác đến”, tôi lại nghĩ và mỉm cười từ giã hoa, đóng cổng rào rồi quay nhìn lần cuối cành hoa tím mỏng manh ngoài kia. Tức khắc một nỗi buồn từ đâu ùa về, vây kín lấy tôi. Tôi chợt nhận ra mình có tật cố chấp và nhỏ nhen xơ cứng…

Tôi hy vọng những ai qua đây lúc này sẽ nhìn thấy nó, cành hoa nhỏ từ trong bọc rác vươn lên đón ánh mặt trời, khoe sắc. (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

2

Chồng tôi làm nghề mộc, nhà ở Rạch Giá, phải đi qua Hà Tiên, xa 90 cây số, làm thuê cho một xưởng mộc. Ông thường qua lại trên con đường này bằng xe máy. Hôm ấy, ổng về nhà, đem theo mấy thứ đồ nghề cần “tút” lại. Giỏ áo quần, ổng máng ở đầu xe, sau yên xe là bọc đựng đồ nghề. Tất cả đều được cài niệt cẩn thận. Nhưng không hiểu sao, khi đến Hòn Đất, cái bọc văng xuống, may nhờ có người đàn ông chạy xe sau phóng nhanh tới cho ông biết. Ông hốt hoảng “dạ” không kịp mở lời cám ơn, lật đật quày xe nhặt nó, chạy tiếp về Rạch Giá. Nhưng kìa, bên lề đường trước mắt ổng là mấy chú Cảnh sát giao thông, có cả cái ông mặc áo xanh vừa nhắc bảo chồng tôi. Tức khắc, chồng tôi dừng lại, nhìn ông kia và mấy chú Cảnh sát rồi nói thật hồn nhiên: “Tha cho ông đi, mấy chú ơi! Ổng chạy nhanh để kịp báo cho tôi biết cái bọc này của tôi bị rớt – chồng tôi chỉ tay vào cái bọc – sợ người đi đường lượm mất, nào phải ổng là người chạy quá tốc độ. Tội nghiệp ổng, mấy chú à!” Thấy ông kia bình thản chấp hành lệnh phạt gần bạc triệu, chồng tôi đau thắt cả ruột gan, nghĩ vì lợi ích của mình mà người ta bị mất của, chồng tôi liền lục túi vét hết tiền của mình ra, xin góp phụ vào chỗ nộp phạt. Chồng tôi năn nỉ cách mấy, ông kia vẫn không chịu nhận. Biết làm sao bây giờ.

Để tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến ông ấy, tôi thành thật kể chuyện này của chồng tôi cho quý vị bổn đạo nghe. Tôi nghĩ phải chi mấy chú Cảnh sát giao thông mở rộng lòng du di đôi chút, nhất là khi thấy hai người đôi co tiền bạc và lắng nghe điều chồng tôi giải bày thì cuộc đời này dễ thương, dễ chịu hơn biết mấy. Hình ảnh người cảnh sát giao thông cũng trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Tình đời, tình người được nhân lên bội phần.

3

Dãy nhà mười lăm căn có tôi ở xưa nay, bây giờ được giải tỏa để xây dựng khu đô thị mới theo kế hoạch của tỉnh. Nhà nước đền bù tất thảy các chủ hộ thật thỏa đáng. Tôi được về nơi có cảnh trí đẹp, thoáng đãng hơn chỗ cũ rất nhiều. Khá đông bạn bè, bà con lối xóm đến thăm nhà mới của tôi, ai cũng khen, mừng cho tôi về già có nơi ở tốt lành, yên vui. Hôm đó có cô giáo già đến mừng nhà tôi, cô dạo qua các nơi trong nhà ngoài sân, đến đâu cô cũng hài lòng khen “được lắm”. Khi xuống nhà bếp, cô nghe có tiếng nước chảy nho nhỏ, cô nói như vừa phát hiện sự cố: “Nước ở đâu chảy kìa, khóa lại đi”. Vừa nói, cô vừa đảo mắt tìm. Tôi đáp: “Không phải đâu, em để nó chảy đó”. “Chi vậy?” Cô hỏi. Tôi cười đáp: “Tiết kiệm mà cô! Đồng hồ nước không nhảy, mình đỡ tiền nước”. Cô mở to mắt nhìn tôi rồi nói: “Xài nước mà không cho đồng hồ nước nhảy là hành vi… ăn cắp, nghen em”. Nghe vậy, tôi tức giận nói: “Người ta tham nhũng, người ta đục khoét, ăn chặn gấp trăm triệu lần, có sao đâu”. Cô giáo bình thản nói: “Ai làm ác, người đó nhận nghiệp quả ác. Tôi thấy nhà em có thờ Phật, em đã quy y thọ ngũ giới, biết tụng kinh gõ mõ, em… ăn cắp được sao? Tội này là tội thứ mấy trong ngũ giới, nhớ không?”

Thưa quý bà con cô bác, lúc đó tôi thật như người từ cơn mê tỉnh dậy. Tôi nói một cách hổ thẹn: “Trời, vậy mà em còn biểu nhiều người làm cách đó để tiết kiệm”.

Tôi bây giờ chỉ muốn thâu hồi lại hết những lời chỉ bảo độc địa xấu ác kia của tôi. Đồng thời chừa thói tham lam vô lối và xin cảm ơn cô giáo già, đúng là con nhà Phật biết vâng lời Phật dạy trong từng việc nhỏ, còn khuyên người khác làm tốt năm điều giới luật.

Cô giáo bình thản nói: “Ai làm ác, người đó nhận nghiệp quả ác” (ảnh minh họa. Nguồn: Internet)

4

Hôm ấy, đôi bạn chúng tôi vào siêu thị mua sắm. Đến trưa ghé quầy thức ăn mua hai dĩa cơm sườn có rau và nước xúp. Thấy dĩa cơm hấp dẫn quá, hai đứa đồng lòng mua thêm dĩa cơm trắng. Nghĩ rằng mình đang đói thế nào ăn cũng hết. Lúc đó khách ăn trưa đến đông, họ vô tư ngồi vào bàn có khách đang ăn. Bàn chúng tôi vừa có một người đàn ông trung niên bưng cơm ghé vào. Ông ta khẻ chào chúng tôi rồi múc cơm ăn ngon lành. Khi đó chúng tôi đã ăn lưng bụng, phần còn lại, ăn uể oải. Thấy ông ta ăn nhiệt tình quá, chúng tôi đưa mắt nháy nhau, cười. Bạn tôi vụt nói: “Anh làm ơn ăn giùm dĩa cơm trắng này, chúng tôi no quá, ăn hết nổi, chẳng qua vì cái tật “con mắt to hơn cái bụng”. Chỉ nói có thế, ông ta liền giảng: “Hạt cơm là hạt ngọc của Trời, không được coi thường, ăn cơm không được bỏ mứa”. Thì đúng như lời của cha mẹ, thầy cô dạy khi mình còn nhỏ, ai mà không biết. “Mình già 70, còn bị ông này dạy đời”. Bạn nói nhỏ vào tai tôi tỏ ý không hài lòng ông ta.

Thấy hai dĩa cơm chúng tôi còn ê hề, ông ta tiếp tục nói: “Ở quê tôi có nhiều người còn nghèo lắm, không có cơm ăn. Con nít được người lớn dạy chớ ăn no bụng vì sẽ thành thói quen, đến khi thiếu cơm, chịu không được, khổ lắm!” Hai chúng tôi nghe vậy giật mình, to mắt nhìn ông ta ăn. Chốc sau, ông ngẩng mặt, nói: “Tôi chấp nhận ăn giùm hai cô đĩa cơm này với điều kiện…” Ông ta bỏ lửng câu nói cốt để chúng tôi suy nghĩ, cũng có thể là thách thức. Bạn tôi cười: “Điều kiện gì vậy? Nghe ghê quá!” “À, có gì đâu. Điều kiện là, hai cô phải ăn cho hết phần cơm của mình”. Ông ta đáp. Chúng tôi cười xòa mà chới với, vội ngốn sạch cơm, nhờ nước xúp làm phương tiện.

Anh gì bữa đó ơi, mỗi lần vào quán gọi cơm là mỗi lần hai chúng tôi nhớ đến anh, đúng hơn là cách hành xử của anh, một nhân cách thấm nhuần tư tưởng đạo lý Tri hành hợp nhất. Biết và làm chung một, đúng không? Muôn lần cảm ơn anh đã cho chúng tôi bài học thực tiễn, quý giá, nhớ đời.


Response (1)
  1. Đăng Tâm 02/09/2019

    Những câu chuyện nhỏ nhặt về cuộc sống thôi… nhưng đã đánh thức trái tim của bao người. Trong 4 câu chuyện, em thích nhất là câu chuyện số 2. “Tôi nghĩ phải chi mấy chú Cảnh sát giao thông mở rộng lòng du di đôi chút, nhất là khi thấy hai người đôi co tiền bạc và lắng nghe điều chồng tôi giải bày thì cuộc đời này dễ thương, dễ chịu hơn biết mấy. Hình ảnh người cảnh sát giao thông cũng trở nên gần gũi, thân thiện hơn. Tình đời, tình người được nhân lên bội phần”.

    Xin thành tâm cảm ơn Cô Diệu Hạnh, cảm ơn GĐPT Kiên Giang!

Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý ô nhiễm,
Nói lên hay hành động,
Khổ não bước theo sau,
Như xe, chân vật kéo.

Phẩm Song Yếu 1

Tháng 11 năm 2024
21
Giờ hoàng đạo: Dần (3-5), Mão (5-7), Tỵ (9-11), Thân (15-17), Tuất (19-21), Hợi (21-23)
Thứ 5
Ngày Kỷ Sửu
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
21
Tháng 10
Kiên Giang