Tâm Thanh Tịnh Của Tôi Đâu?

G

ĐÔI DÒNG VỀ TÁC GIẢ:Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên pháp danh Diệu Hạnh, hiện là Đoàn trưởng đoàn Nữ Phật tử thuộc Gia Đình Phật Tử Tam Bảo-Hà Tiên. Chị xuất thân là nhà giáo, tham gia hoạt động văn học từ thập niên 1990, đến nay tác phẩm của Chị đã xuất hiện trên các báo và tạp chí như : Văn, Giáo Dục& Thời Đại, Áo Trắng, Phụ Nữ, Người Lao Động, Tuổi Trẻ Cuối Tuấn, Chiêu Anh Các, Nhớ Huế, Văn Hóa Phật Giáo, Sông Hương.

Ngoài ra, tác phẩm của Chị còn được xuất bản thành sách, bao gồm:

* Sách in riêng : Hành Khất Phu Nhân (1994); Thời Nõn Giá (2004); Bến Sông (2012)

* Sách in chung:Truyện ngắn chọn lọc (tỉnh Kiên Giang); Tuổi Thơ Bầm Dập; Mắt Bão (1998); Xa Xứ (2001)

Trước thềm năm mới Mậu Tuất-2018, Ban biên tập có nhận được tập ký & truyện “Đường Về” của Nhà văn Nguyễn Phước Thị Liên gởi tặng. Nhận thấy nội dung tập truyện có phần gần gũi với tâm tư tình cảm của độc giả trang web gdptkiengiang.vn, trong đó đại đa số là đoàn viên Gia Đình Phật Tử, chúng tôi đã xin phép tác giả đăng lại toàn bộ ba mươi mốt truyện & ký trong “Đường Về” để bạn đọc thưởng thức.

Ban Biên tập xin trân trọng giới thiệu truyện thứ mười có nhan đề :“Tâm Thanh Tịnh Của Tôi Đâu ? “.

Trân trọng kính mời quý độc giả thưởng thức.

* * *

Bài viết thay lời tự thú, kính gởi đến thầy Thích Kiến Nguyệt, người thầy tinh thần của tôi, trụ trì thiền viện Tây Thiên, tỉnh Vĩnh Phúc. Và lời cảm ơn sâu sắc, kính gởi đến Ni sư Thích Nữ Như Hải, trụ trì chùa Sắc Tứ Tam Bảo Hà Tiên, người giúp tôi giác ngộ lý vô thường trong thực chứng là sự mê mờ ngốc dại của tôi.

Thương kính cám ơn Ni sư Thích Nữ Như Minh, trụ trì chùa Thanh Hòa, xã Thuận Yên, Hà Tiên, người giúp tôi nhanh chóng trục con ma (chắc là thằng ma) trong tôi, dùng oai lực Phật là chuỗi Bồ Đề, Ni sư đeo suốt phần tư thế kỷ để tôi lần chuỗi tụng niệm, trì chú và nhiều lời khuyên giải khác.

Chuyện rằng:

Nhân buổi họp mặt tại quê nhà (Phan Thiết), chúng tôi rủ nhau đi chơi, ăn uống, đàn hát, tận hưởng cái tuổi “xưa nay hiếm”. Sau khi các bạn, người hát, người ngâm thơ, kể chuyện… Đến lượt tôi, không biết phải làm gì, bí quá, tôi bèn rút kiếm là cái thanh tre ở ngoài vườn, chơi luôn bài “Thái Cực kiếm” 32 thức. Các bạn khen tôi già mà “múa” giỏi quá, nhớ hết 32 động tác, sao hay vậy? Tôi cười, biết có nhiều đoạn mình đi trật lất.

Bạn Thúy -Việt kiều Mỹ- nói:

-Tôi có rất nhiều bài thể dục, nhiều động tác rất hay mà không cần tập, không cần nhớ.

Cả đám cười ồ lên, nói vơi nhau :

-Bà này dóc dữ tợn, nổ vào đám tụi mình.

Tôi đang bực thì Khanh phản pháo:

-Đã nói là “bài” thì phải học, phải nhớ, làm gì có chuyện không học, mà nhớ mà thuộc. Đâu, bà diễn cho tụi này coi.

Thúy nói:

-Tôi nói sự thật, tin hay không là quyền các bạn.

-Ừ, nói đi. Tiếng một người vừa cất lên.

Thúy kể: “Năm đó về nước, tôi nghe có chuyện lạ về khu vườn Ánh Sáng ở Long An, tôi tò mò theo người quen đến đó, thấy cả trăm người trải chiếu ngồi dưới bóng mát vườn cây sơ-ri, chăm chăm nhìn vô căn phòng nhỏ, người ngồi chật kín như đang thiền. Nhưng thật ra, họ chú tâm xin “ở trên” chiếu cố. Họ chỉ được “ngồi” trong đó chừng mười lăm hai mươi phút. Có thế mới giải quyết hết số người ngồi chờ ngoài này. Đến lượt tôi, tôi được hướng dẫn ngồi xếp bằng, tâm yên tỉnh, nhắm mắt, hai tay để trên hai đầu gối, niệm: “Xin ơn trên cho con… bài thể dục hết bệnh”. Niệm hoài thì sẽ được”.

Tôi ngắt lời Thúy, hỏi:

-Ai cũng được sao?

Thúy đáp và kể tiếp:

-Thì cũng có người được người không, nhưng chính mắt tôi thấy có người múa, người cười, người hét la. Họ bị nhập đồng. Không ai màng đến họ vì mải lo chuyện của mình. Tôi ổn định “ngồi” tập trung. Một chốc sau tôi có cảm giác cái tay mình nhẹ tênh như có ai cầm nhấc lên từ từ. Tôi chưa kịp nghĩ gì thêm thì chuông reng. Chúng tôi đành ra sân mà tiếc. Ở sân, chúng tôi tiếp tục “ngồi”, chốc sau tôi “được” bài thể dục. Từ đó tôi tập hoài. Khi về Mỹ tôi truyền lại cho các con và bạn bè, ai cũng “được”. Bữa nay các bạn muốn xem, tôi sẵn sàng…

Chúng tôi đồng la lớn:

-Phải đó, làm đi!

Cả bọn chúng tôi vô cùng ngạc nhiên thấy những động tác của Thúy đẹp, dẻo dai như một bài yoga ở tư thế ngồi, nằm sấp, ngửa, nghiêng phải, nghiêng trái. Đặc biệt, Thúy vừa làm vừa diễn giải, mắt khi nhắm khi mở. Anh bạn Năm thấy lạ, lấy điện thoại di động “quay” liên tục, trong khi có người nói:

-Bà tự biên tự diễn, ai biết được.

Bỗng đâu, Thanh đang ngồi trên đi-văng, vụt hét lên thật lớn, tung người bay lên cao rồi rơi phịch xuống, tay chân đấm đá túi bụi liên hồi, mặt đo bừng bừng, tóc tai rũ rượi làm ai nấy hoảng hồn không biết chuyện gì đang xảy ra. Có bạn nói Thanh vốn là cốt đồng, liền đưa Thanh đi rửa mặt, ra sân nghỉ mệt sau khi Thanh nói: “Mấy bà làm gì… tui mệt quá chừng”

Thanh đi rồi, tôi nói:

-Mình đóng cửa “làm” nữa. Coi chừng bả vô

Thúy hỏi:

-Bạn nào muốn, Thúy truyền cho.

Trời ạ, tôi không ngờ mình chịu chơi, xung phong trước tiên, còn rủ nhiều người, kết cục có Hoàng, Vân và Trang. Thế là tất cả ngồi xuống gạch, xem “lũ bốn người” nhập môn. Tôi “ngồi” mà nghe có gió tạt vô mặt, khi mạnh khi yếu. Tôi hé mắt, thấy Thúy xòe hai tay, từ ngực đẩy “gió” vào mặt tôi như cảnh trong phim chưởng. Rồi nghe tiếng vỗ tay đều đều, lúc lớn lúc nhỏ, khi khoan thai khi dồn dập. Âm thanh bao trùm lấy tôi như từ đâu rất xa trôi về, làm tôi thấy dễ chịu, thích nghe.

Tôi lại hé mắt, thấy Thúy đang quỳ gối, vừa vỗ tay vừa đưa quanh mặt bốn chúng tôi. Sau đó nghe tiếng xầm xì nghiêm trọng: “Bà Hoàng “được” rồi”. Hoàng ngồi sát bên tôi, tôi hé mắt, thấy bạn đang làm mấy động tác như Thúy lúc nảy, chợt tôi nghĩ mình thua sút bạn, lòng có hơi ghen tỵ. Tôi cố tập trung cầu xin. Cuối cùng tôi thấy hai tay mình cục kịch, di chuyển thật nhẹ từ đầu gối vô bụng rồi lại nhấc bổng lên. Tôi vui nhưng lại buồn cười. Tự nhiên cái tay rớt xuống. Đứt mạch. Tôi ngạc nhiên, hé mắt nhìn Hoàng, Hoàng đã “xin ra” tự lúc nào. Tôi mở bừng mắt, quay qua hỏi:

-Sao ngừng chi vậy?

-Thấy mệt! Hoàng nói.

Chúng tôi giải lao trong không khí bàn tán xôn xao. Các bạn mừng cho Hoàng và tôi (!) rồi hỏi tôi :

-Sao tự nhiên rớt?

Tôi nói:

-Chắc khi đó tôi đang buồn cười

Thúy an ủi:

-Như vậy là “được” rồi. Mấy bà về nhà cứ tiếp tục.

Thúy còn rầy Vân:

-Sao bà không tập trung, con mắt cứ nháy lia. Còn Trang thì lì. Tui truyền bắt mệt mà không “vô”.

Tôi nghĩ thầm, phải chi mình biết chuyện này sớm hơn, mình truyền lại cho các con và bạn bè, giúp họ “thể dục hết bệnh” đỡ tốn biết bao tiền thuốc, mình cũng được phước! Trên đường về, anh Năm bật điện thoại, chúng tôi chen nhau xem lại đoạn phim, nghe rõ tiếng la hét của Thanh. Tôi hỏi:

-Anh là người của bổn đạo, huynh trưởng cấp tấn Gia Đình Phật Tử tại đây, anh nghĩ gì về chuyện này?

-Không biết sao mà nói. Anh đáp.

Tôi vô Sài Gòn, hai đêm “ngồi cầu xin” đều được, tôi vui mừng báo tin chuyện lạ cho các con, biểu chúng xem tôi biểu diễn. Con gái tôi xem vài phút, nói: “Má tào lao”. Thằng con trai xem xong, nói: “Má muốn hiểu rõ phải hỏi thầy Kiến Nguyệt”. Tôi nói: “Tất nhiên rồi” (nhưng có một điều thằng con chưa nói ra).

Tôi về Hà Tiên, đêm nào cũng “xin xỏ” tập luyện, có khi ban ngày tùy tôi thích. Tôi thấy mình tập, khỏe cả người, tỉnh táo không buồn ngủ, lòng hăm hở vui thích. Có đêm đang say ngủ, chợt nhớ trong vô thức, là “nó” biểu tôi tập (hiện tượng như tôi nhớ niệm Phật trong giấc ngủ). Có lẽ những động tác “thể dục hết bệnh” lúc nào cũng từ tốn nhẹ nhàng cuốn hút tôi. Nhẹ nhàng ngay cả những động tác nâng cao khó làm như nằm tréo chân, nghiêng người tập khớp. Và ác thay, có lúc nó khơi lại trong tôi “chuyện” mà từ lâu tôi đã chay lạt, mất khả năng.

(ảnh minh họa)

Tôi tự mình làm nhiều động tác thể dục. “Làm” tới đâu, khỏe tới đó, tưởng chừng chân cẳng mình lúc nào cũng nhẹ nhàng, bước đi không cúm núm như trước. Tôi vui lạ thường, trông mau đến tối để tập. Tôi khoe với chồng con và các bạn, tôi biểu diễn cho họ xem, nói chung ai nấy cũng thấy sợ và lấy làm lạ. Tôi hứa “tu luyện” thêm rồi truyền cho các bạn, xem như đây là bổn phận. Quá êm!

Nhưng đêm đó, mới ba giờ sáng, tôi đã dậy, tỉnh táo “thể dục hết bệnh”. Ai đời ngần này tuổi mà tôi cầm chân này rồi chân kia, lần lượt đưa lên mặt, lên đầu. Cái mùi da chân với mùi nệm (khi tôi vùi đầu nằm sấp) làm tôi ngất ngây. Lần hồi vẫn trong trạng thái tỉnh táo, tôi làm chuyện lạ đời là nằm lắt lẻo trên giường nửa trên nửa dưới, cọ trán xuống nền gạch, bên này rồi bên kia cho cái lưng giãn ra, khỏe khoắn lạ kỳ.

Chưa hết, tôi lần xuống nền gạch rất nhẹ, từ từ thực hiện trò… híp hốp. Xong đâu đó tôi bước qua phòng khác, rộng hơn, để đi quanh khắp phòng bằng gót chân và mũi chân, tôi vít song cửa sổ đứng lên ngồi xuống rồi áp sát ngực, sát lưng vô tường mà đi. Tôi cảm thấy lưng mình thẳng băng, không tôm tiếc như vốn có và đi đứng thì nhẹ nhàng vững chắc, không cúm núm. Lần hồi chân tôi bước ra hành lang, đi dài. Chỉ một tích tắc đồng hồ, tự nhiên tôi nghĩ: “Coi chừng mình nhảy lầu, coi chừng nhảy lầu”. Tôi ớn lạnh sống lưng, đi nhanh vô, bật hết đèn. Tôi quyết đánh phủ đầu “nó” bằng bài tập “Dịch cân kinh” môn thể dục vẫy tay của Tổ Bồ Đề Đạt Ma. Môn này tôi tập hoài mà bữa nay, tay tôi tung tẩy quờ quạng có khi lại bẻ quẹo. Tôi biết mình “bị”. Tôi đến bàn thờ Phật thắp nhang quỳ lạy, nhưng sao lúc đó tâm tôi không một chút hướng về Phật.

Tôi không dám vô giường đó ngủ, ra võng nằm niệm Phật cho đến sáng và ngủ được một lúc.

Con gái tôi ở Sài Gòn biết chuyện, vội vàng méc thầy Kiến Nguyệt, nó gọi về: “Thầy bệnh, đang được truyền nước ở bệnh viện. Thầy la má, nhà đang yên ổn, sao mở cửa mời “người ta” vô. Thầy bảo má tụng chú Đại Bi thật nhiều, nhất là về đêm hoặc sáng và phải đến chùa Tam Bảo gặp thầy Như Hải…”

Con trai tôi thì nói: “Bữa đó thấy má tập đẹp, con cũng mê, nhưng sao có ruồi nu quanh chân má nhiều lắm, con nào con nấy thật to, vòng bu rộng cả một mét. Con thắc mắc, sao 11 giờ đêm mà ruồi đâu nhiều vậy, nhà con mới sửa, đâu có dơ. Con đến kê mặt vào chân má định quơ tay đuổi nhưng chẳng thấy gì, vừa lúc má ngưng”.

Em trai và con út tôi ở Cần Thơ cũng mau mau chạy về, cậu em đưa kinh Phật, căn dặn phải đến chùa Tam Bảo, chùa Thanh Hòa gặp quý thầy và làm ngay một số việc.

Tô chần chừ không muốn lên chùa, sợ gặp quý sư lại càng không muốn gặp ai, chỉ khóc qua điện thoại với Thúy với Hoàng những điều kỳ cục trên. Hoàng sợ lắm, hứa với tôi bỏ hẳn chuyện tập này. Thúy thì rất ngạc nhiên thấy ở Mỹ mình “làm” đã mấy năm, truyền cho con và rất nhiều người khác mà vẫn yên ổn, sao ở tôi nó kỳ vậy?

Hơn một tháng sau sự cố, tôi mới dám vào phòng ngủ ấy, mặc dầu “ra”, mền, gối, tôi đã thay mới, giường cũng được xoay hướng khác. Làm trận này, tôi mới biết cái mà trước đây đọc qua sách vở, tôi tưởng mình hiểu rõ, nào ngờ đó chỉ là cái hiểu ảo. Khi thực chứng rồi, trả giá bài học quá đắt, tôi mới có cái hiểu thực.

Vậy thì cái tâm thanh tịnh của tôi đâu? Nếu bữa đó tôi không đi bài Thái Cực Kiếm mà hát vài câu “Cháu lên ba, cháu vô mẫu giáo” thì làm gì có câu chuyện khu vườn kia (1) để người dính chấu sụp bẫy chính là tôi, ngay vào cái bẫy mình giăng ra.

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.

____________________________________________

(1) Nhiều năm qua nơi đây bị nghiêm cấm hoạt động


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 11 năm 2024
22
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 6
Ngày Canh Dần
Tháng Ất Hợi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 10
Kiên Giang