Trong bài viết trước (kỳ 5), chúng tôi đã trình bày sơ lược về phương pháp giáo dục HOẠT ĐỘNG trong hệ thống giáo dục của Gia Đình Phật Tử (GĐPT) để quý độc giả thấy sự linh hoạt và phong phú về nội dung và hình thức trong nền giáo dục của tổ chức Áo Lam.
Bài viết kỳ này, chúng tôi xin trình bày một phương pháp giáo dục đặc thù của Phật Giáo được GĐPT ứng dụng, đó là phương pháp QUÁN NIỆM.
IV-Phương pháp Quán Niệm :
1)Định nghĩa :
-Quán nghĩa là xem xét một sự vật, sự việc nào đó một cách cặn kẽ, khách quan và khoa học để tìm ra sự thật (chân lý) đàng sau sự vật, sự việc ấy. (Thí dụ: nhà bác học Newton (Anh quốc) quán xét sự rơi của một quả táo mà tìm ra nguyên lý “Vạn vật hấp dẫn” )
-Niệm nghĩa là nhớ, nghĩ, tưởng một cách liên tục và sâu sắc về một hình ảnh hay một sự việc nào đó. Trong nhà Phật chia ra hai loại niệm:
*Chánh niệm : là nhớ, nghĩ, tưởng về những điều thiện lành, từ đó sẽ đem lại lợi lạc cho mình và cho người .
*Tà niệm : là nhớ, nghĩ, tưởng về những điều xấu ác, qua đó sẽ đem lại đau khổ cho mình và cho người.
Quán niệm (bao gồm Chánh Niệm và Chánh Định) là phương pháp giáo dục tâm linh rất đặc thù và quan yếu của Phật giáo. Quán niệm được áp dụng qua các hình thức : thiền quán, thiền chỉ, thiền định, niệm Phật v.v…
2)Sự cần thiết của phương pháp Quán Niệm:
-Quán Niệm là phương pháp giáo dục tâm linh đặc thù của Phật giáo có hiệu quả mang lại sự thăng tiến tâm hồn cho con người. Quán Niệm là con đường duy nhất đưa hành giả (người học Phật tu Phật) đến chỗ giác ngộ và giải thoát để đạt đến cứu cánh của người tu Phật.
-Ba phương pháp giáo dục : Huân tập – Lý giải – Hoạt động là cần thiết trong việc thu hút giới Phật tử trẻ đến với GĐPT, trong đó phương pháp Hoạt Động là thật sự hữu ích trong nền giáo dục GĐPT. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở ba phương pháp giáo dục trên mà quên đi phương pháp Quán Niêm thì nền giáo dục GĐPT chưa thật sự mang tính chất của nền giáo dục Phật giáo, vốn lấy giác ngộ và giải thoát làm cứu cánh cho tất cả những ai muốn trở thành NGƯỜI PHẬT TỬ CHÂN CHÁNH.
Vì vậy, có thể nói 3 phương pháp giáo dục trên là phương tiện thù thắng trong sinh hoạt GĐPT, nhưng phương pháp Quán Niệm mới thật sự là cứu cánh cho nền giao dục của tổ chức Áo Lam.
3)GĐPT ứng dụng phương pháp Quán Niệm như thế nào?
a.Quán Niệm trong GĐPT chỉ mang tính “nhập môn” : trong khi giới xuất gia xem Quán Niệm (gồm các hình thức Thiền và Niệm Phật) như là con đường đi thẳng tới giác ngộ và giải thoát thì đối với đoàn viên GĐPT, Quán Niệm chỉ được ứng dụng ở mức độ giới thiệu, hướng dẫn và thực tập các bước căn bản của pháp môn Thiền hay pháp môn Niệm Phật.
Thật vậy, dẫu biết rằng Quán Niệm là con đường duy nhất đưa đến giác ngộ và giải thoát cho người tu Phật, nhưng muốn đạt tới chỗ rốt ráo ấy, người tu phải ra sức dụng công miệt mài, khổ luyện trong thời gian lâu dài dưới sự hướng dẫn của bổn sư cộng với sự giúp đỡ của bạn đạo đồng tu. Đó là con đường chuyên tu của các bậc xuất gia, không phải dành cho Phật tử tại gia.
b.Nội dung, hình thức và mức độ thực tập Quán Niệm trong GĐPT :
b1)Niệm Phật : đoàn sinh GĐPT được các huynh trưởng hướng dẫn về ý nghĩa và thực hành pháp môn Niệm Phật như sau :
-Niệm Phật là tưởng nhớ về hình tướng trang nghiêm, thanh tịnh, từ bi, hoan hỷ của chư Phật, Bồ tát để làm hình ảnh mẫu mực cho em noi theo.
-Niệm Phật là tưởng nhớ sâu sắc các hạnh lành của chư Phật, Bồ tát như : Trí tuệ, Hỳ xả, Tinh tấn, Thanh tịnh, Từ bi v.v… để hằng ngày em noi theo các hạnh ấy trong suy nghĩ, nói năng và hành động của mình.
-Niệm Phật không phải “kêu tên Phật, Bồ tát” để cầu xin quý Ngài rước hồn em về Tây phương Cực lạc sau khi chết.
-Niệm Phật không phải để cầu xin chư Phật, Bồ tát cho em những thứ em cần như : giàu sang, công danh, hạnh phúc, sức khỏe, sắc đẹp…
-Mỗi ngày em thực hành Niêm Phật trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy, mỗi lần từ 15 đến 30 phút.
b2.Thực tập Chánh Niêm : tức thực tập Thiền Tứ Niệm Xứ do Cố Hòa Thượng Tiến sĩ Thích Chơn Thiện biên soạn. Ngài biên soạn 16 bài thực tập Chánh Niệm dành riêng cho đoàn viên GĐPT áp dụng kể từ khi GĐPT được tái sinh hoạt (1997) đến nay.
Nội dung các bài thực tập Chánh niệm gồm có :
-Nhận thức cơ bản về con đường Thiền Định của Phật giáo
-Điều hòa thân : tổng quát về thế ngồi, chỗ ngồi, thời điểm và thời gian ngồi; Nhập thiền, xả thiền.
-Các bài thực tập về : theo dõi hơi thở – Đếm hơi thở – Niệm về Thân – Niệm về Thọ – Niệm về Tâm – Niệm về Pháp
16 bài thực tập Chánh Niệm được phân phối trong chương trình tu học như sau :
-Đoàn sinh ngành Đồng (5-12 tuổi) thực tập 4 bài đầu
-Đoàn sinh ngành Thiếu (13-17 tuổi) thực tập 4 bài tiếp theo
-Đoàn sinh ngành Thanh (18 tuổi trở lên) thực tập 4 bài tiếp theo
-Huynh trưởng thực tập từ bài 13 đến bài 16
– Về thời gian thực tập trong buổi sinh hoạt : Sau (hoăc trước) giờ lễ Phật, tất cả đoàn viên trong Gia đình đều thực tập Chánh Niệm trong thời gian 15 phút.
-Thực tập Chánh Niệm tại nhà : Đoàn viên GĐPT được khuyến khích tự mình thực tập Chánh Niệm tại nhà theo thời gian như Niệm Phật. Có thể thay Niệm Phật bằng Chánh Niệm, hoặc kết hợp cả hai hình thức.
4)Nhận định về việc ứng dụng phương pháp Quán Niệm trong sinh hoạt GĐPT:
Như phần trên đã nói, Quán Niệm là con đường duy nhất để đi tới giác ngộ và giải thoát, trở thành bậc Thánh trong cuộc đời. Thực tế, chỉ có những bậc xuất gia chân chánh mới có thể đi đến sự thành công ấy sau nhiều đời nhiều kiếp chuyên tu theo đúng con đường mà Đức Phật Thích Ca đã vạch ra, chứ không phải ai xuất gia tu Phật cũng đều trở thành Thánh ngay trong đời này; Nói chi đến hàng Phật tử tại gia, vốn còn nhiều ái dục, nhiều vướng bận với đời sống thì làm sao có đủ điều kiện tu để đạt kết quả như người xuất gia ?
Tuy nhiên, tu Quán Niệm, dù chưa thể trở thành Thánh ngay bây giờ, nhưng không thể phủ nhận những lợi lạc do tu Quán Niệm đem lại. Cũng ví như nhân loại hiện nay, mặc dù nền công nghệ không gian chưa đưa được con người đi định cư ở bất cứ hành tinh nào, nhưng những thành tựu của nền công nghệ ấy trong nhiều năm qua đã và đang được ứng dụng trong nhiều lãnh vực của đời sống , mang lại nhiều tiện ích cho xã hội cư dân hành tinh xanh. Như vậy, há có thể nói nền công nghệ không gian là hoàn toàn vô ích sao ?
Cũng vậy, GĐPT đưa Quán Niệm vào chương trình tu học chính là trên ý nghĩa đó. Tất cả lý thuyết và thực hành về Quán Niệm đối với đoàn viên GĐPT đều có mục đích giới thiệu, hướng dẫn, thực tập như là một hình thức “nhập môn” đối với Thiền học. Chúng ta không nên đòi hỏi kết quả gì nhiều trong đời sống tâm linh của anh chị em Áo Lam, mặc dù như chúng ta đã biết : nhiều hay ít nó vẫn có mang lại kết quả tốt cho họ so với những bạn cùng trang lứa nhưng không biết và không thực tập Quán Niệm.
Điều quan trọng ở đây là GĐPT giới thiệu một phương pháp tu rất thù thắng của Phật giáo đến với những người Phật tử trẻ, đem đến cho họ sự hiểu biết căn bản về Thiền và những giờ phút thực tập Thiền qua 16 bài thực tập nêu trên. Với mức độ thực tập hiện nay, có thể anh chị em chỉ nhận được một vài kết quả khiêm tốn do Quán Niệm đem đến, nhưng về lâu về dài, một khi có đủ điều kiện chuyên tu, chắc chắn anh chị em sẽ gặt hái được nhiều kết quả cao hơn. Việc làm này có thể ví như việc xây nền móng vững chắc cho ngôi nhà, hiện tại có ít tiền nên chỉ cất một căn nhà trệt để ở, nhưng trong tương lai nếu có nhiều tiền ta có thể xây nhà lầu nhiều tầng mà không lo gì nền móng nữa.
Những lợi ích nhỏ nhoi do thực tập Quán Niệm mang lại cho đoàn sinh GĐPT là :
-Hóa giải stress (nếu có) sau một ngày học tập và làm việc
-Tăng trưởng trí nhớ giúp cho việc học bài dễ dàng hơn; xử lý công việc hiệu quả hơn
-Tánh tình dần dần trở nên hiền lành, ít cáu giận vô cớ
-Phân biệt được tốt và xấu trong sinh hoạt hằng ngày, do đó tránh xa được các tệ nạn xã hội trong giới trẻ hiện nay như : phố đêm, ma túy, cờ bạc, rượu chè, hung bạo v.v… (Còn tiếp…)
BAN BIÊN TẬP
Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.
Phẩm Song Yếu