Sinh hoạt GĐPT, Mô Hình Tu Tập Đặc Thù Của Người Cư Sĩ Thể Hiện Tinh Thần “Tứ Chúng Đồng Tu” (kỳ 7)

G

PHẦN KẾT

Qua 6 bài viết giới thiệu về Gia Đình Phật Tử được lần lượt đăng trên mục Chánh Kiến trang Web này, chúng tôi hy vọng đã đem đến cho quý độc giả một tầm nhìn khái quát về sinh hoạt Gia Đình Phật Tử (GĐPT) hiện đang được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam các cấp quản lý.

Với số lượng trên 80.000 đoàn viên hiện đang sinh hoạt tại 1.050 đơn vị ở 35 tỉnh thành trong cả nước, GĐPT có thể nói là một tổ chức tu học duy nhất của giới cư sĩ Việt Nam mà như Hòa Thượng Tiến sĩ Narada MahaThéra (Srilanka) đã ca ngợi : “…Chưa có một quốc gia theo Phật giáo nào trên thế giới có được…”

Nét đặc biệt của sinh hoạt GĐPT là thu hút cả 3 lứa tuổi Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng , đánh đổ quan niệm xưa nay cho rằng “Trẻ vui nhà, già vui chùa” , một quan niệm hằng mấy trăm năm qua đã biến đạo Phật thành một tôn giáo bi quan, mê tín, chỉ dành cho người sắp chết…

Xét về “nhân thân”, GĐPT luôn tự hào vì là sản phẩm đầy trí tuệ được khai sinh từ phong trào chấn hưng Phật Giáo Việt Nam  diễn ra vào giai đoạn 1930 – 1950, một phong trào do những người trí thức yêu nước phát động nhằm góp phần cùng toàn dân Việt Nam đánh đổ ách cai trị của thực dân Pháp và phục hồi các giá trị đích thực của đạo Phật vốn bị chìm sâu vào quên lãng  qua mấy trăm năm đất nước ta bị ngoại bang đô hộ.

GĐPT không phải là một sinh hoạt tự phát ô hợp của một địa phương, một tự viện hay một nhóm người nào. GĐPT là kết tinh trí tuệ của các bậc tôn túc trong Phật giáo gồm cả hai giới Tăng Già và Cư Sĩ ở cả ba miền Trung-Nam-Bắc . Đó là những tên tuổi sáng ngời trong lịch sử Phật giáo thời cận và hiện đại mà  tác phẩm Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của tác giả Nguyễn Lang (tức Thiền sư Nhất Hạnh) vẫn còn ghi chép một cách trân trọng.

GĐPT không phải là một thứ câu lạc bộ thanh thiếu nhi họp mặt vui chơi trong 1-2 ngày rồi tan biến không lưu lại dấu tích nào. GĐPT là một tổ chức giáo dục theo tinh thần Phật giáo, được Giáo hội hợp pháp đương thời quản lý (hiện nay là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam). GĐPT có truyền thống hơn 70 năm (1940-2018) trải qua nhiều khúc quanh lịch sử của đất nước và giáo hội, đến nay vẫn còn giữ nguyên tôn chỉ, đường lối, mục đích của thời ban đầu. Trong suốt 70 năm ấy, GĐPT đã cung cấp cho đất nước những công dân hiền thiện gương mẫu góp phần xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo. GĐPT đã cung cấp cho Phật giáo Việt Nam những Phật tử chân chánh. Rất nhiều đoàn viên GĐPT xuất gia và trở thành những bậc cao tăng , góp phần xiển dương đạo pháp trên quê hương. Nhiều đoàn viên GĐPT đã hy sinh để bảo vệ Đạo Pháp trong từng thời điểm lịch sử của đất nước.

GĐPT không “tu mù”, mà có chương trình tu học rất khoa học từ thấp lên cao, bắt đầu từ tuổi nhi đồng cho đến tuổi lão niên. GĐPT áp dụng phương châm “chơi mà học – học mà chơi” đối với lứa tuổi thiếu niên và nhi đồng . GĐPT sử dụng bốn phương pháp giáo dục tiến bộ là : phương pháp Huân tập, phương pháp Lý giải, phương pháp Hoạt động và phương pháp Quán niệm. Nội dung tu học của GĐPT bắt đầu từ những giáo lý căn bản (cho ngành Thiếu và Đồng) đi dần lên các giáo lý Đại thừa liễu nghĩa (cho ngành Thanh và Huynh trưởng). Các bài học giáo lý trong GĐPT được biên soạn trên tinh thần phát huy giá trị của đạo Phật gốc, tuyệt đối tránh những giáo lý làm biến tướng đạo Phật thành thứ tôn giáo nhất thần và đa thần.

GĐPT, như Cố HT Thích Minh Châu đã nói, không phải là một đoàn thể chánh trị hay làm công cụ phục vụ cho chánh trị. GĐPT không thu hút thanh thiếu niên để làm vây cánh cho bất cứ mưu đồ chánh trị nào.

GĐPT, như Cố Cư sĩ Võ Đình Cường- Trưởng Ban Hướng dẫn Trung ương GĐPT Việt Nam từ ngày ra đời cho đến năm 1975 đã từng khẳng định,  không phải là một ban hộ niệm chuyên đi cầu an, cầu siêu; GĐPT cũng không phải là công cụ của Giáo hội chuyên đi cầm tràng phan bảo cái trong các đám lễ hội…

Tóm lại, GĐPT là một đạo tràng tu học của tập thể những người cư sĩ Phật tử Việt Nam đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội với mục đích tu học để trở thành người Phật tử chân chánh và góp phần xây dựng xã hội an lạc trên quê hương Việt Nam .

BAN BIÊN TẬP


Leave a comment
Your email address will not be published. Required fields are marked *

Ý dẫn đầu các pháp,
Ý làm chủ, ý tạo;
Nếu với ý thanh tịnh,
Nói lên hay hành động,
An lạc bước theo sau,
Như bóng, không rời hình.

Phẩm Song Yếu

Tháng 07 năm 2024
27
Giờ hoàng đạo: Tý (23-1), Sửu (1-3), Mão (5-7), Ngọ (11-13), Thân (15-17), Dậu (17-19)
Thứ 7
Ngày Nhâm Thìn
Tháng Tân Mùi
Năm Giáp Thìn
Lịch âm
22
Tháng 06
Kiên Giang