ĐẠI ĐƯỜNG TÂY VỨC KÝ
Pháp Sư HUYỀN TRANG
(kỳ 22)
QUYỂN THỨ MƯỜI
(17 nước)
Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu Vua dịch
Chùa Đại Tổng Trì, Sa Môn Biện Cơ soạn
Nước Kiều Tát La có chu vi hơn 6000 dặm. Có núi non rừng rậm bao bọc chung quanh. Đô thành có chu vi hơn 40 dặm, đất đai trồng trọt thuận lợi tốt tươi. Làng mạc nhà cửa san sát, người người giàu có. Hình dáng người kỳ dị, nước da ngâm đen, phong tục hùng tráng. Tánh tình thô bạo. Tin theo tà và chánh. Nghề nghiệp tinh xảo. Vua thuộc dòng Sát Đế Lợi. Tôn kính Phật Pháp nhơn từ đức độ. Có hơn 100 ngôi Già Lam và hơn một vạn Tăng Sĩ, tu theo Giáo lý Đại Thừa. Có 70 đền thờ. Ngoại Đạo sống hỗn tạp.
Cách thành về phía nam chẳng xa, có một ngôi chùa cũ, bên cạnh đó có một Bảo Tháp do Vua A Dục dựng nên. Nơi đây ngày xưa đức Như Lai đã từng đến và ở, hiện đại thần thông nhiếp phục ngoại đạo. Nơi nầy, cũng là nơi dừng chân của Bồ Tát Long Mãnh. Lúc bấy giờ có vị vua tên là Bà Đà Bà Ha (Dẫn Chánh) rất trân quý và cung kính ngài Long Mãnh. Bốn bên đều có hộ vệ. Lúc bấy giờ có Bồ Tát Đề Bà từ nước Chấp Sư Tử đến muốn cầu Luận nghĩa nói với các môn nhân rằng:
– Hân hạnh xin được yết kiến.
Thời môn nhân đến bạch Ngài Long Mãnh biết danh tánh. Ngài Long Mãnh đổ nước đầy bình bát và ra lệnh cho đệ tử rằng:
– Ông mang nước nầy đưa cho Đề Bà.
Đề Bà chờ nước đứng yên rồi bỏ cây kim vào. Đệ tử mang bát trở lại với vẻ hoài nghi. Long Mãnh hỏi:
– Ông ấy nói gì?
Đáp rằng:
– Yên lặng, không nói gì hết, rồi bỏ cây kim vào bát.
Long Mãnh nói:
– Thật là kẻ tài trí! Kẻ đó biết việc như thần. Phải là bậc Á Thánh. Đạo đức cao vời. Hãy mời vào.
Hỏi rằng:
– Nghĩa là sao? Không lời nói vi diệu biện tài nào hơn.
Đáp rằng:
– Phàm là nước thì tùy theo đồ đựng mà có hình dáng tròn hay vuông, theo đó mà hiện sạch hay dơ, không có gì có thể ngăn cản và đong lường hết được. Đem sự to lớn đó mà so sánh với sự học của ta thật là tài trí. Việc bỏ cây kim vào trong nước, phải nói rằng một điều hy hữu. Đây là kẻ rất phi thường hãy cho vào.
Long Mãnh thấy phong thái tư cách an nhiên đẹp đẽ, lời nói ôn tồn sanh ra cảm phục. Đề Bà có đầy đủ phong cách như thế mà từ xa còn đến đây muốn học hỏi. Dáng dấp oai thần đi đến rất oai nghiêm, rồi lên tòa ngồi và đàm luận suốt ngày không hết. Câu nghĩa chương cú thanh tao. Cho nên Long Mãnh nói:
– Kẻ hậu học nhìn đời vi diệu. Sự biện bác sáng sủa hơn trước. Tôi nay gặp người tuấn kiệt và thành thật nói rằng đây là điều hy hữu và ngọn đèn Chánh Pháp không thể tắt. Giáo Pháp ấy có thể hoằng dương cho người đời sau thật là hân hạnh. Có thể đến cái ghế trước mặt để đàm luận huyền nghĩa.
Đề Bà nghe nói như vậy, tâm liền tự phụ đến trước phát lời biện luận nghĩa lý. Đề Bà dùng từ thật mạnh hướng về đối chất nghĩa lý. Nhưng thấy uy nghi dung mạo rồi quên đi lời và ngậm miệng. Đoạn từ chỗ ngồi bước xuống rồi xin theo học. Long Mãnh nói:
– Hãy ngồi xuống lại đi. Bây giờ ngươi là học trò, ta sẽ dạy cho Chân Diêụ Lý Pháp Vương. Lúc ấy Đề Bà ngũ thể đầu địa một lòng nghe lời và thưa:
– Từ nay về sau con xin vâng mệnh. Long Mãnh Bồ Tát sống nhàn nhã nhờ thuốc dưỡng sinh, thọ mạng hơn 100 tuổi mà dung mạo không suy. Cũng giúp nhà Vua thuốc men như thế để thọ hơn 100 tuổi.
Nhà vua có một Vương tử, hỏi mẹ rằng:
– Con bao giờ được làm Vua?
Mẹ đáp:
– Ta thấy chưa có cơ hội nào cả. Ta nghe vua sống đến hàng trăm tuổi cho nên con cháu già hết, và cũng sống lâu. Lại được Long Mãnh cho thêm phước lực bằng thuốc trường sanh. Nếu Bồ Tát tịch diệt, nhà vua mất ngôi.
– Long Mãnh Bồ Tát là bậc trí huệ cao vời, từ bi thâm hậu, ban cho tất cả quần sanh một đời sống như thế. Nên con có thể đến đó, xin cái đầu của Ngài. Nếu được thì kết quả sẽ như ý.
Vương tử theo lời dạy của mẹ, đến Già Lam và xin người gác cổng được vào bên trong. Lúc ấy ngài Long Mãnh Bồ Tát đang tụng kinh và nhiễu Phật, liền thấy Vương Tử nên hỏi rằng:
– Vì lý do gì mà đến tăng phòng vào ban đêm vậy? Có gì nguy hại tật bịnh mà đến phải không?
Đáp rằng:
– Từ mẫu của con dạy con rằng kẻ sĩ xả thân, sự xả thân ấy cũng mang lại lợi lạc cho quần sanh. Qua lời dạy đó con chưa có thể bỏ được báo thân nầy để cầu được điều như ý muốn. Mẹ con bảo không sao, Chư Thiện Thệ Như Lai của ba đời trong mười phương xưa nay để được chứng quả phải cần cầu Phật Đạo, tu tập Giới Nhẫn. Hoặc hiến thân cho thú, hoặc cắt thịt cho chim. Vua Nguyệt Quang đã thí đầu cho Bà La Môn. Vua Từ Lực đã hiến máu cho Dạ Xoa. Những việc như thế khó mà nói hết, trước cầu cho mình giác ngộ chứ không phải cho người khác.
Nay, Bồ Tát Long Mãnh có ý chí cao vời cho nên con cũng cầu xin được cái đầu của ngài để có việc. Nếu ngài xả thì có thể vào cuối năm nầy. Như ngài xả liền thì tội con rất nhiều, việc đó sẽ hại đến cái đức. Nguyện cho sự tu tập của Bồ Tát sẽ thành Phật quả, đem lòng từ đến cho chúng sanh và trí tuệ ấy thì vô cùng. Xin xem nhẹ sinh mạng và xem thân nầy trôi nổi như một loại giặc, Ngài có thể vì bổn nguyện mà cho con được toại nguyện không?
Long Mãnh Bồ Tát đáp:
– Lời nói hay thật, Ta vốn cầu Thánh quả, và học Phật nên thường xả bỏ. Thân nầy như âm hưởng như bọt nước lưu chuyển trong tứ sanh, qua lại trong lục thú, chứa chấp nhiều lời nguyện, chẳng muốn một việc gì mà nay Vương Tử chỉ có một chứ không khác. Nếu Vương Tử vẫn một lòng mong muốn ta sẽ tuân mệnh. Nhưng khi thân ta mạng chung rồi thì Phụ Vương của Vương Tử cũng mất. Nhưng rồi ai là người bảo hộ ngươi. Long Mãnh bồi hồi đáp sự yêu cầu rồi tuyệt mệnh. Bèn lấy lá khô tự vận, sau đó lấy kiếm để cắt đầu. Vương Tử thấy thế rất kinh ngạc rồi lui. Người gác cổng thưa:
– Việc ấy xong chưa?
Vua nghe bi cảm và kết quả là ngài đã ra đi.
Phía tây nam của nước đi hơn 300 dặm, đến núi Phạt La Mạt La Kỳ Lý. Nơi đây có đỉnh cao rất nguy hiểm. Có nhiều hang động bao bọc toàn là đá. Vua Chánh Vương đã vì Long Mãnh Bồ Tát mà xây dựng Già Lam trong núi ấy. Đi khỏi núi khoảng 10 dặm có đường trống. Từ núi nhìn xuống có rất nhiều đá. Nơi đó có nhiều hành lang đi bộ, giống như những ngôi nhà xây nhiều tầng. Có nơi cao đến năm tầng và có nhiều Viện khác nhau. Trong mỗi tinh xá như thế đều có những tượng bằng vàng, lớn bằng thân Phật điêu khắc kỳ công, tướng hảo trang nghiêm và tất cả những trang sức đều bằng vàng quý. Gần nơi đỉnh núi cao ấy, có một thác nước từ trên chảy xuống, bên ngoài các hang động có phát ra ánh sáng. Nơi đây Vua Chánh Vương có kiến thiết Già Lam. Nhân lực hao mòn, công khố trống rỗng. Việc ấy chưa xong phân nửa, mà tâm hay âu lo cho nên Long Mãnh thưa rằng:
– Đại Vương vì sao có sự ưu sầu như thế?
Vua đáp:
– Ta đã dùng tất cả tấm lòng để làm việc phước đức lâu dài đợi Ngài Từ Thị, công việc chưa xong mà tiền tài hết sạch. Mỗi lần nghĩ đến buồn lo, ngồi đây để chờ.
Ngài Long Mãnh thưa:
– Xin đừng lo âu. Phàm là phước đức thắng diên thì không có cái cuối cùng. Cứ phát nguyện lớn đừng lo chẳng xong.
Ngày hôm đó, Vua về lại cũng rất là an lạc. Sau đó Vua xuất du để thăm sông núi liền đến nơi bình nghị nầy mà kiến thiết Bảo Tháp. Vua đã thọ nhận sự hối quá và tiếp tục phụng trì Chánh Pháp. Long Mãnh Bồ Tát có thần dược vi diệu đã rải lên trên đá lớn, liền biến thành vàng. Vua đến thấy vàng, tâm rất sung sướng. Khi hồi giá đến nơi Long Mãnh thưa rằng:
– Hôm nay, du ngoạn đã có sự cảm ứng của thần linh, nơi đất đai núi rừng kia, đã thấy được vàng bạc tụ lại.
Long Mãnh nói:
– Chẳng phải quỷ thần cảm động đâu. Đó là do lòng chí thành mà cảm ứng nên vàng bạc vậy.
Sau khi nói như vậy liền cho lấy về để xây dựng chùa Tháp. Sau khi xây dựng xong, chùa năm tầng, mỗi tầng như thế đều có bốn tượng Phật lớn bằng vàng. Những vàng còn dư đem cho vào kho, rồi triệu tập một ngàn vị tăng đến để lễ tụng và Long Mãnh Bồ Tát vì Giáo Pháp của đức Thích Ca mà tuyên dương và vì các vị Bồ Tát khác diễn thuật và bàn luận, soạn ra biệt tạng ở nơi nầy. Nơi tầng lầu một chỉ để tượng Phật và các kinh luận. Tầng năm phía dưới cùng để cho tịnh nhân ở và những đồ vật riêng tư. Ở giữa ba tầng thì làm phòng ốc. Nghe người xưa bảo lại rằng:
– Khi Vua Chánh Vương xây dựng xong, kể cả công nhân ăn uống và chư Tăng dùng hết chín ức tiền vàng.
Cho nên sau nầy tăng tín đồ phẫn nộ tranh đấu và phê phán Vua. Lúc ấy các tịnh nhơn liền nói rằng:
– Tăng đồ tranh tụng nói lời hủy báng nhau. Kẻ ác sẽ nhân đây mà hủy hoại Già Lam. Cho nên những lầu nầy không cho tăng đồ ở. Từ đây về sau chư Tăng không được qua lại, tới lui nơi cửa của nước nầy.
Lúc bấy giờ, liền cho những y sư giỏi vào bên trong để trị bệnh, nhiều cửa ra vào chẳng biết làm sao kiểm soát. Từ đây vào trong rừng sâu phía Nam đi hơn 900 dặm, đến nước An Đạt La ở phía Nam Ấn Độ.
Nước An Đạt La có chu vi hơn 3000 dặm. Đô thành hơn 20 dặm. Tên thành là Bình Kỳ La, đất đai tốt tươi. Cày cấy trồng trọt được mùa. Khí hậu ôn hòa, phong tục phức tạp. Ngôn ngữ nhẹ nhàng khác với miền trung Ấn Độ. Chữ nghĩa quy tắc giống nhau. Có hơn 20 ngôi Già Lam và hơn 3000 Tăng Sĩ. Đền thờ có hơn 30 ngôi. Ngoại đạo sống tạp nhạp. Cách thành Bình Kỳ La chẳng bao xa có một ngôi Già Lam lớn. Ngôi chùa nầy có nhiều tầng lầu vô cùng đẹp đẽ. Tượng Phật và các tượng Bồ Tát hình tướng trang nghiêm chạm trổ rất công phu. Phía trước Già Lam có một ngôi Bảo Tháp cao hơn 100 thước. Đây là do vị Chiết La A La Hán kiến tạo.
Sau chùa A La Hán, về hướng tây nam chẳng bao xa lại có một Bảo Tháp, do Vua A Dục dựng nên. Nơi đây ngày xưa đức Như Lai đã thuyết pháp, hiện đại thần thông độ vô lượng chúng.
Rồi cũng từ phía tây nam của chùa A La Hán đi hơn 20 dặm, đến núi Cô Sơn. Trên đảnh núi có một Bảo Tháp bằng đá, nơi đây Ngài Trần Na Bồ Tát tạo nên Nhân Minh Luận (Dinnagà-Đồng Thụ). Bồ Tát Trần Na là người sau Phật Nhập Diệt mặc Pháp Y, chí nguyện rộng lớn, huệ lực thăm thẳm, thương đời chẳng nơi nương tựa, nên muốn hoằng dương Thánh Giáo, mà tạo ra Nhân Minh Luận. Lời sâu lý rộng. Nếu bậc học giả không cố gắng thì khó thành sự nghiệp, bèn vào thâm sơn tham thiền nhập định quán sát nội tâm, xem xét lợi hại mới tạo nên văn nghĩa. Lúc bấy giờ trong động đá gây nên tiếng vang, khói mây biến thái, cho nên sơn thần đến gặp Bồ Tát thân cao trăm thước và xướng lên lời rằng:
– Ngày xưa, đức Phật Thế Tôn vì quyền biến hướng dẫn hàm linh và vì tâm từ bi mà Thuyết Nhơn Minh Luận, diệu lý bao quát ngôn từ sâu sắc. Như Lai tịch diệt nghĩa ấy đã bị chôn vùi. Bây giờ có ngài Trần Na Bồ Tát, phước trí cao vời, sâu hiểu Thánh Giáo về Nhân Minh Luận cho nên trùng tuyên lại.
Lúc đó Bồ Tát phóng đại quang minh chiếu đến những nơi u ám và Vua của nước nầy sanh tín tâm sâu xa và tôn kính Tam Bảo. Thấy tướng quang minh nầy, nghi rằng đã vào Kim Cang Định, nhân đây mà thỉnh Bồ Tát chứng quả Vô Sanh. Bồ Tát Trần Na đáp:
– Ta đã nhập định và quán sát. Nếu muốn dịch nghĩa chú thích kinh nầy sâu sắc, thì tâm phải hiểu rộng biết nhiều chẳng nguyện chứng quả Vô Sanh.
Vua đáp:
– Quả Vô Sanh là nơi Thánh chúng ngưỡng mộ, xa lìa tam giới, chứng được tam minh là điều rất cao cả. Nguyện nên chứng lấy.
Bồ Tát Trần Na lúc ấy rất hoan hỷ lời thỉnh cầu của Vua nên liền chứng quả Vô Học. Bồ Tát Văn Thù (Diệu Cát Tường) thương tiếc, muốn cảnh giới khảy móng tay liền ngộ và nói rằng:
– Tiếc thay! Làm sao mà bỏ cái tâm rộng lớn chỉ vì ý chí hẹp hòi. Từ việc nhớ nghĩ cho riêng mình kể cả luôn cái chí nguyện. Nếu muốn có lợi lạc, hãy nói rộng cái Thuyết Du Già Sư Địa Luận của Bồ Tát Từ Thị hướng dẫn cho kẻ hậu học được lợi ích biết là bao.
Bồ Tát Trần Na kỉnh thọ ý chỉ phụng trì sám hối. Rồi từ đây nổi trôi nghiên cứu rộng thêm Nhân Minh Luận. Nếu những học giả sợ giải bày luận có tính chất từ chương thì hãy đưa nghĩa lớn của tông phong mà bày ra lời nói vi diệu làm nên Nhân Minh Luận để hướng dẫn cho kẻ hậu học về sau.
Từ nay về sau nên tuyên dương Du Già. Từ đó có rất nhiều môn nhân và những kẻ hiểu biết trong đời. Từ đây đi vào giữa rừng qua hướng nam hơn ngàn dặm, đến nước Đà Na Yết Lân Ca (Nước An Đạt La), thuộc miền nam xứ Ấn Độ.
Nước Đà Na Yết Lân Ca có chu vi hơn 6000 dặm. Đô thành có chu vi hơn 60 dặm, đất đai màu mỡ, lúa thóc được mùa. Có nhiều làng ấp hoang dã ít người sanh sống. Khí hậu ôn hòa, người da màu đen sậm. Tánh tình hung bạo, ham học nghề nghiệp. Có nhiều ngôi Già Lam bị hoang vu, còn lại chừng hai chục ngôi. Tăng đồ hơn 1000 người. Đa phần học theo Đại Chúng Bộ. Đền thờ có hơn 100 ngôi, ngoại đạo sống tạp nhạp.
Phía đông của thành là núi, nơi đó có một Tăng Già Lam tên là Phất Bà Thế La (Đông Sơn). Phía tây của thành cũng là núi. Nơi đó có ngôi chùa A Phạt La Thế La (Thế Sơn). Xứ nầy đầu tiên, Vua vì Phật Pháp mà kiến tạo nên Già Lam. Có sông chảy qua phía trước chùa, những hành lang đi bộ dọc theo núi. Có những vị thần linh xuất hiện và các bậc Thánh Hiền tới lui. Kể từ khi Phật Nhập Diệt sau 1000 năm, mỗi năm như vậy có khoảng 1000 chư Tăng cùng đến đây an cư. Khi giải chế mọi người chứng A La Hán, dùng thần lực bay lên hư không mà đi. Một ngàn năm sau, phàm thánh đồng cư. Nhưng kể từ 100 năm nay không có Tăng Lữ vãng lai. Cũng có những Sơn Thần dị hình, hoặc làm hình con chó, hoặc làm hình khỉ vượn, để dọa nạt người đi qua nơi chỗ hoang vắng, chẳng có tăng nào cả.
Cách về phía nam của thành không xa, có một ngọn núi cao. Nơi đó là nơi mà Luận Sư Bà Tỳ Phệ Dà (Thanh Biện) ở trong động A Tu La để chờ gặp Bồ Tát Di Lặc thành Phật. Luận sư có đức sâu dày khó tả. Bên ngoài mặc áo ngoại đạo, nhưng bên trong hoằng dương tư tưởng học thuật của Long Mãnh. Khi nghe Ngài Hộ Pháp Bồ Tát ở nước Ma Kiệt Đà muốn hoằng dương giáo lý của đức Phật có cả ngàn người theo và muốn luận nghị cho nên chống tích trượng mà đến thành Ba Thác Ly. Biết rằng Bồ Tát Hộ Pháp đang ở dưới cây Bồ Đề cho nên luận sư đã nói với môn nhân rằng:
– Quý vị hãy đến cây Bồ Đề để gặp Bồ Tát Hộ Pháp vì tôi mà thưa rằng: “Bồ Tát đã tuyên dương Giáo Pháp hướng dẫn nhiều người bỏ tà quy chánh, ngưỡng đức cao dày từ lâu mà nguyện chưa xong, nay muốn đến yết kiến và lễ bái dưới gốc cây Bồ Đề, thệ nguyện nếu không gặp được, thì sẽ gặp khi chứng được quả trời người” .
Bồ Tát Hộ Pháp bảo với người sứ rằng:
– Cuộc đời con người giống như huyễn, thân mệnh lại nổi trôi, khát khao ngày tháng chưa đến để được đàm luận, mà người tin tưởng chưa gặp được.
Luận sư nghe vậy liền trở về quê hương, ngồi thiền chờ đợi và nghĩ rằng nếu không phải ngài Từ Thị thành Phật, ai có thể giải được cái nghi của mình, cho nên đã ở trước tượng Quán Tự Tại Bồ Tát, thành tâm tụng chú Đà La Ni. Không ăn chỉ uống nước trong vòng ba năm. Đức Quán Tự Tại Bồ Tát liền hiện ra sắc thân vi diệu vì luận sư mà bảo rằng ý mong muốn gì vậy?
Đáp rằng:
– Nguyện lưu giữ thân nầy để chờ được gặp đức Từ Thị.
Bồ Tát Quán Tự Tại bảo:
– Đời sống con người ở thế gian nầy rất nguy hiểm, nổi trôi phù phiếm. Cho nên muốn như ước nguyện thì nên sanh về cõi trời Đẩu Suất để lễ bái và chờ đợi gặp đức Di Lặc.
Luận sư đáp rằng:
– Ý chí không thể đạt được và tâm nầy không có hai.
Bồ Tát đáp:
– Nếu quả như vậy thì nên đến nước Đà Na Yết Lân; nơi thành phía nam có một ngọn núi cao, nơi đó có thần Chấp Kim Cang và hãy thành tâm tụng chú Kim Cang Đà La Ni, ông sẽ được toại nguyện.
Luận sư đến đó để tụng và ba năm sau thì thần nhân mách bảo rằng:
– Nhà ngươi mong muốn gì mà siêng năng như vậy?
Luận sư đáp:
– Nguyện lưu giữ thân nầy lại để chờ gặp đức Từ Thị. Bồ Tát Quán Tự Tại đã chỉ điểm đến đây để thỉnh cầu và nguyện của tôi có thành được thì ở tại nơi nầy. Mong thần mật hiểu cho.
Rồi chỉ trong ngày ấy trong ngọn núi nầy có một cung của A Tu La. Theo sự thỉnh cầu tường đá kia lại mở ra. Khi mở ra, đi vào bên trong chờ gặp và luận sư nói:
– Chỗ ở tối tăm không thấy, làm sao biết được Phật?
Chấp Kim Cang đáp rằng:
– Khi Bồ Tát Từ Thị xuất thế tôi sẽ báo cho ông.
Luận sư y lời rồi chuyên tâm trì tụng. Cả ba năm như thế chẳng có suy nghĩ gì khác.
Trì chú xong rồi, có người gõ cửa động, động liền mở ra. Lúc ấy có trăm ngàn vạn người thấy rồi quên trở về. Luận sư khóa cửa lại mà bảo với họ rằng:
– Ta có lời nguyện ở lâu để chờ gặp đức Di Lặc. Thánh chúng đã khuyên như thế thì đại nguyện mới thành cho nên bảo rằng vào nơi nầy thì sẽ gặp Phật. Họ nghe như vậy rất kinh ngạc mới đóng cửa lại, trở thành một hang rắn độc. Họ sợ hại đến thân mệnh. Ba lần nói như vậy tuy chỉ có được sáu người vào. Luận sư lại cảm tạ và những người ấy đi vào. Khi vào rồi tường đá trở lại như cũ và mọi người mới hối hận giận mình đã nói ra lời nói ấy.
Từ đây đi qua phía tây nam hơn 1000 dặm, đến nước Châu Lợi Da nằm ở phía nam xứ Ấn Độ.
Nước Châu Lợi Da, chu vi hơn 2450 dặm. Đô thành chu vi hơn 10 dặm, đất đai trống trải trở nên hoang phế. Cư dân sống rải rác, cho nên đạo tặc hoành hành. Khí hậu ôn hòa, phong tục gian ác. Tánh người cuồng bạo. Sùng tín ngoại đạo. Nhiều ngôi Già Lam bị hủy hoại nhưng cũng còn tu sĩ. Có hơn 10 ngôi đền đa phần theo đạo lõa thể.
Cách về phía đông nam của thành không xa mấy, có một Bảo Tháp do Vua A Dục dựng nên. Như Lai ngày xưa đã từng ở nơi nầy, hiện đại thần thông thuyết Vi Diệu Pháp để hàng phục ngoại đạo và độ cho trời người.
Phía tây thành chẳng bao xa, lại có một ngôi Già Lam cũ. Đây là nơi luận nghị của Đề Bà Bồ Tát và A La Hán. Đầu tiên Bồ Tát Đề Bà nghe nơi Già Lam nầy có vị A La Hán Ôn Đản La chứng được thần thông và đầy đủ tám giải thoát, liền từ xa đến để tìm hiểu xem xét về phong cách mô phạm ra sao, cho nên đã đến đó, đảnh lễ A La Hán. A La Hán là bậc thiểu dục tri túc chỉ có một cái giường. Khi Bồ Tát Đề Bà đến không có chỗ ngồi, nên gom lá cây lại làm tòa để mời ngồi. A La Hán nhập định nửa đêm thì xuất. Bồ Tát Đề Bà thỉnh cầu giải quyết chỗ nghi của mình. A La Hán tùy theo chỗ khó mà giải thích. Bồ Tát Đề Bà nghe và hỏi đến lần thứ bảy thì im lặng không trả lời. Rồi vận thần thông lực bay lên cõi Đẩu Suất để hỏi ngài Di Lặc. Ngài Từ Thị vì đó mà giải thích, nhân đây bảo rằng:
– Ông Đề Bà ấy, nhiều kiếp đã tu hành và trong hiền kiếp nầy sẽ được quả vị Phật, nên biết như vậy.
Đoạn thi lễ rồi như trong khoảng khảy móng tay thì trở lại chỗ ngồi cũ, dùng diệu nghĩa tuyên dương và bẻ gãy những điều nghi. Bồ Tát Đề Bà thưa:
– Điều nầy đức Bồ Tát Từ Thị đã dùng Thánh trí mà giải thích, há có phải là ngài có thể tường tận?
A La Hán đáp:
– Đúng vậy!
Đó là sự chỉ bày của Như Lai. Từ chỗ ngồi tán thán thâm kính lễ bái. Từ đây đến phía Nam vào trong rừng sâu đi hơn 1560 dặm, đến nước Đạt La Tỳ Trà.
Nước Đạt La Tỳ Trà có chu vi hơn 6000 dặm. Đô thành tên là Khang Chí Bổ La có chu vi hơn 30 dặm, đất đai màu mỡ lúa thóc giàu có. Lại có nhiều hoa quả và sản xuất vật quý. Khí hậu ôn hòa, phong tục thô bạo. Người tin sâu nghĩa lý, biết nhiều học rộng. Nhưng ngôn ngữ, chữ viết thì sai khác miền trung Ấn Độ một ít. Có 100 ngôi Già Lam, tăng đồ hơn vạn người, học theo Thượng Tọa Bộ. Có 80 ngôi đền thờ đa phần theo đạo lõa thể.
Như Lai khi còn tại thế đã đến đây nhiều lần, thuyết pháp độ người, cho nên Vua A Dục đã đến Thánh Tích nầy mà cho xây dựng nên các Bảo Tháp.
Thành Kham Chí Bổ La là nơi mà Bồ Tát Đạt Ma Ba La (Hộ Pháp) sanh trưởng. Bồ Tát là con đầu của vị Đại Thần của nước nầy. Lúc nhỏ thiên tư đặc biệt, lớn lên thấy xa biết rộng. Hồi ấy, rất lâu nhưng Vương Thần chưa sinh. Hằng đem lo lắng suy nghĩ, đối trước tượng Phật thiết tha kỳ nguyện một cách chí thành cho nên cảm ứng đến thần linh, từ xa mà đến.
Sau khi sanh ra lớn lên một hôm đi hơn 100 dặm, đến ngôi chùa trên núi. Đến giữa giảng đường có vị tăng mở cửa. Thấy thiếu niên nầy, vị tăng nghi là kẻ trộm bèn cật vấn, Bồ Tát liền đưa tay ra hiệu ý bảo người xuất gia không nên kinh dị và ý ngài đã toại nguyện. Nhà Vua đã biết sự mong muốn của ngài và biết Bồ Tát có ý xuất trần cho nên Vua lại càng thâm kính hơn nữa. Bồ Tát đã tự mặc áo hoại sắc tinh cần học tập, tìm đến nơi vị A La Hán để biết phong cách mô phạm như trên đã thuật.
Cách về phía nam thành không xa có một Đại Già Lam mà trong nước khắp nơi đều giống vậy. Lại có một Bảo Tháp cao hơn 100 thước do Vua A Dục dựng nên. Đức Như Lai ngày xưa ở nơi đây thuyết pháp để hàng phục ngoại đạo và rộng độ trời người. Gần đó cũng có một di tích là nơi của bốn vị Phật quá khứ, ngồi thiền và kinh hành. Từ đây đến phía nam đi hơn 3000 dặm đến nước Chu La Cự Thác.
Nước Chu La Cự Thác có chu vi hơn 5000 dặm, đô thành có chu vi hơn 40 dặm, đất đai khô cằn không trồng trọt được mấy; nhưng những hải sản trân quý đều tập họp nơi nước nầy. Khí hậu ấm áp, người da ngăm đen. Tánh tình cương nghị, tà chánh đều tin, ít thích nghề nghiệp, ưa làm điều thiện. Đa phần Chùa Viện nơi đây đều bị hoang phế, chỉ còn lại một số ít chư Tăng. Có hơn 100 ngôi đền thờ, tin theo ngoại đạo, đa phần theo đạo lõa thể.
Thành phía đông chẳng xa, có một Già Lam cũ, vườn Chùa trở nên hoang phế. Do em của Vua A Dục kiến thiết nên. Phía đông nầy lại có một Bảo Tháp, chỉ còn nền móng. Bảo Tháp nầy do Vua A Dục xây. Nơi đây ngày xưa đức Như Lai đã thuyết pháp hiện đại thần thông độ vô lượng chúng. Vì hình ảnh của Thánh tích nầy, Vua đã xây dựng nên, thời gian năm tháng trôi qua, người ta đến cầu nguyện và xem ở đây như là chỗ ở của thần linh.
Phía nam của nước nầy là bờ biển lại có núi Châu Sắc Gia. Đỉnh cao và hẹp lại có những động đá ăn sâu vào trong. Trong núi, có cây Bạch Đàn, cây Chu Đàn và nhiều loại cây khác, khó có thể phân biệt hết, duy chỉ có mùa hạ lên núi chiêm ngưỡng thấy nơi đây có nhiều rắn lớn. Được biết rằng vì chất của gỗ mục ẩm ướt cho nên rắn thích ở, cũng có nhiều người thấy thế liền lấy tên bắn. Mùa đông như ẩn nấp vào trong thân cây. Tại đây cũng có cây Yết Bố La Hương (Cây Long Não), cây tùng, cây bách và có nhiều cây khác. Những cây ở dưới ẩm thấp không có mùi hương. Khi cây khô người ta chặt đi, trong đó có mùi hương và từ trong lõi cây có những đường vân màu sắc giống như nước và như tuyết. Đây chính là mùi hương của Long Não.
Núi Chư Sắc Gia về phía đông có núi Bố Đản Lạt Ca. Núi nầy rất nguy hiểm, có nhiều hang động. Trên đảnh núi có Hồ, nước trong như mặt gương, chảy thành sông, chảy quanh núi đến hai mươi vòng rồi đi vào biển Nam Hải. Bên cạnh cái hồ đó, có động đá rất đẹp là nơi mà Bồ Tát Quan Tự Tại qua lại dạo chơi. Nếu ai có lời nguyện muốn gặp Bồ Tát chẳng quản thân mệnh, lội nước trèo non, quên đi nguy hiểm thì có thể đạt được lời nguyện ấy. Dưới chân núi có người ở, đến đây kỳ nguyện thỉnh cầu để được thấy, hoặc tạo nên hình Tự Tại Thiên, hoặc bôi than lên mình như ngoại đạo, để an ủi dụ dỗ những người có lời nguyện. Từ núi nầy đi qua phía đông bắc thì đến bờ biển. Từ bờ biển phía nam, có đường đi qua nước Tăng Già La. Người xưa nói rằng từ đây đi vào biển phía đông nam đi hơn 3000 dặm đến nước Tăng Già La (Nước Chấp Sư Tử) không thuộc nước Ấn Độ.
Đại Đường Tây Vức Ký hết quyển mười