ĐẠI ĐƯỜNG TÂY VỨC KÝ
Pháp Sư HUYỀN TRANG
(kỳ 12)
QUYỂN THỨ NĂM
(6 nước)
Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang phụng chiếu Vua dịch
Chùa Đại Tổng Trì, Sa Môn Biện Cơ soạn
Nước A Du Đà, chu vi 5000 dặm. Đô thành chu vi hơn 20 dặm. Nông nghiệp rất thịnh hành. Hoa quả tốt tươi. Khí hậu ôn hòa. Gió mưa phong tục đều tốt đẹp. Người thích tu phước, siêng năng học tập. Có hơn 100 ngôi Già Lam, hơn 3000 Tăng Sĩ, theo cả Đại Thừa lẫn Tiểu Thừa. Có 10 đền thờ và ít ngoại đạo. Bên trong thành lớn có một ngôi chùa cũ có thờ đức Phạt Tô Bán Độ (Vasubandhu) Bồ Tát (Thế Thân-Thiên Thân). Ngài ở đây hơn 10 năm, để soạn ra các tác phẩm Luận Nghị giữa Tiểu Thừa và Đại Thừa.
Tại nơi nầy ngày xưa cũng là nơi mà Ngài Thế Thân Bồ Tát cũng vì các vị Quốc Vương ở bốn phương và các vị Sa Môn, Bà La Môn mẫn tuệ, giảng nghĩa và thuyết pháp nghị luận tại nơi đây. Phía bắc của thành hơn 4 dặm rưỡi, giáp bờ sông Hằng, nơi đây có một đại Già Lam, trong đó có một Bảo Tháp cao hơn 200 thước do vua A Dục dựng lên. Nơi đây là nơi mà Như Lai đã vì trời người, các loài thuyết Diệu Pháp trong vòng ba tháng. Nơi đây cũng có Bảo Tháp ghi lại dấu tích của vị Phật trong quá khứ đi kinh hành và tọa thiền. Già Lam phía Tây hơn 4.5 dặm, có Bảo Tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai.
Phía bắc của Bảo Tháp thờ tóc và móng tay, có một Già Lam, ghi lại dấu tích của luận sư về kinh bộ Thất Lợi Đa La (Thắng Thọ). Chính nơi nầy Ngài đã chế ra kinh bộ Tỳ Bà Sa. Phía tây nam của thành hơn 4.6 dặm có một rừng xoài trong đó có một ngôi Già Lam cũ. Nơi đây là nơi mà Bồ Tát A Tăng Già (Vô Trước-Asangha) đã vì phàm phu mà làm lợi ích. Một đêm Bồ Tát lên thiên cung gặp Bồ Tát Từ Thị để thọ lãnh Du Già Sư Địa Luận và Trang Nghiêm Đại Thừa Kinh Luận cũng như Trung Biên Phân Biệt Luận v.v….vì đại chúng mà giảng thật cặn kẽ tất cả những diệu lý nầy.
Phía Tây Bắc của vườn xoài hơn 100 dặm, có Bảo Tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai. Chính nơi nầy là nơi mà ngài Thế Thân Bồ Tát đã từ trên cõi trời Đâu Suất hạ xuống thấy được ngài Vô Trước Bồ Tát. Ngài Vô Trước là người của nước Kiền Đà La. Ngài sinh ra sau khi Phật diệt độ 1000 năm, rất thông minh lanh lợi, thấy biết và gặp gỡ giáo Pháp Đại Thừa nên liễu ngộ theo Di Sa Tắc Bộ (Mahisasaka) xuất gia tu học. Sau đó, chuyển sang Đại Thừa vì người em là Thế Thân Bồ Tát đã xuất gia theo Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ mà hướng dẫn. Ngài là bậc nghe rộng hiểu nhiều nhớ lâu học kỹ nghiên tầm chín chắn. Người em của ngài Vô Trước là Phật Đà Tăng Hà (Buddhasimha Sư Tử Giác) ngài tu về Mật Hạnh. Những người học rộng tài cao đều nghe tiếng. Có hai ba hiền triết mỗi lần gặp Ngài đều nói:
Phàm những người tu Mật Hạnh nguyện cận kề bên đức Di Lặc liền được tùy tâm và có thể biết được nơi mà mình sắp đến. Sau đó ba năm, Ngài Sư Tử Giác sẽ bỏ thọ mạng nhưng không báo tin. Ngài Thế Thân Bồ Tát mới tìm đến nơi xả bỏ báo thân trải qua 6 tháng liền, nhưng cũng chẳng thấy đầu thai. Ở các nơi đạo khác cũng đều không có tin tức. Vì thế ngài Thế Thân Bồ Tát nghi rằng Sư Tử Giác đã lưu chuyển ác thú đọa vào chỗ Vô Linh Gián (Địa Ngục). Kế đó ngài Vô Trước Bồ Tát trong canh đầu của một đêm, đang dạy Thiền cho Tăng chúng, bỗng nhiên ánh sáng từ cây đèn phụt lên trên hư không, nơi đó có một vị tiên từ trên hư không đi xuống, đến trước thềm kính lễ ngài Vô Trước. Ngài Vô Trước hỏi:
– Ngài từ đâu đến và tên là gì?
Người kia đáp:
– Sau khi xả bỏ thọ mệnh, tôi được sanh lên cõi trời Đẩu Suất, sanh vào trong hoa sen nơi đức Từ Thị. Khi hoa sen nở đức Di Lặc tán thán rằng: Lành thay người có trí. Lành thay người có trí. Ông đã đi đến đây là xả bỏ thọ mệnh.
Vô Trước Bồ Tát hỏi:
– Ông có gặp Sư Tử Giác ở đâu không?
– Khi tôi đi nhiễu thì thấy Sư Tử Giác ở ngoại viện đang mê đắm hoan lạc, không đoái hoài gì đến báo thân thọ mệnh.
Bồ Tát Vô Trước hỏi:
– Thật như vậy sao? Ông có gặp đức Di Lặc không? Ngài đang thuyết Pháp gì vậy?
– Có gặp, Ngài bảo chưa nên nói và đang diễn thuyết Diệu Pháp giống hệt như ở đây. Tiếng của Bồ Tát Diệu Âm thanh tao hòa nhã, nghe không mệt, nhận không chán.
Phía bên tây bắc của giảng đường Vô Trước hơn 40 dặm đến một ngôi chùa cổ, phía bắc giáp với sông Hằng, ở giữa có một Bảo Tháp rộng lớn cao hơn 100 mét. Đây là nơi mà ngài Thế Thân Bồ Tát sơ phát Đại Thừa tâm. Ngài Thế Thân Bồ Tát từ bắc Ấn Độ đến nơi đây. Lúc ấy ngài Vô Trước Bồ Tát bảo môn nhân ra nghinh tiếp. Khi đến Già Lam nầy, gặp gỡ và hội kiến với nhau. Đệ tử Vô Trước dừng ở phía ngoài cửa phòng vào ban đêm tụng kinh Thập Địa, ngài Thế Thân nghe rồi, cảm động giác ngộ và hối hận. Giáo Pháp thậm thâm vi diệu từ xưa đến nay chưa từng nghe qua. Sự phỉ báng trước đây phát xuất từ lưỡi nầy, mà lưỡi nầy là tội căn bản cho nên ta muốn cắt đi. Liền cầm dao lên và muốn tự cắt lưỡi. Lúc đó thấy ngài Vô Trước đến và bảo rằng:
Phàm muốn cho giáo lý Đại Thừa được tuyên dương mà chư Phật tán thán, chư Thánh đệ tử ca ngợi. Ta muốn sự hối quá của ông nên tự hiểu biết, mà sự hiểu biết đó không có gì hơn là dùng lưỡi nầy để phù trợ Thánh Giáo Đại Thừa chớ không nên cắt lưỡi. Trước đây lưỡi nầy hủy báng Đại Thừa thì bây giờ chính cái lưỡi đó nên tán thán Đại Thừa. Điều ấy có phải là một sự thay đổi tốt đẹp hơn không. Ngậm miệng im lời thì lợi ích hơn. Khi nói lời ấy xong rồi thì chẳng thấy đâu nữa. Ngài Thế Thân theo lời dạy ấy chẳng cắt lưỡi mà tiếp thọ Giáo Lý Đại Thừa. Từ đó nghiên cứu tinh chuyên tư tưởng để chế ra Đại Thừa Luận có cả trăm bộ như thế để tuyên dương Pháp nầy. Từ phía đông hơn 300 dặm đi qua sông Hằng đến phía bắc, gặp nước A Dà Mục Khứ.
Nước A Dà Mục Khứ, chu vi 2450 dặm. Đô thành tiếp giáp với sông Hằng chu vi hơn 20 dặm. Khí hậu và phong thổ nước nầy giống như nước A Du Đà. Nhân tình thuần hậu. Phong tục chất phác. Siêng năng học tập và làm phước bố thí. Già Lam có năm cảnh và Tăng tín đồ hơn 1000 người. Họ học theo phái Tiểu Thừa Chánh Lượng Bộ. Đền thờ có 10 ngôi. Ngoại Đạo sống hỗn tạp.
Phía đông nam của thành không xa, thì gặp sông Hằng. Bên bờ sông có một Bảo Tháp do Vua A Dục dựng nên cao hơn 200 thước. Nơi đây là nơi ghi lại đức Như Lai ngày xưa thuyết pháp ba tháng. Ở tại phía đây cũng có di tích ghi lại nơi tọa thiền và kinh hành của bốn vị Phật trong quá khứ. Nơi đây cũng có Bảo Tháp bằng đá để tôn thờ tóc và móng tay của Như Lai. Tăng Già Lam nầy có hơn 200 người. Họ trang sức tượng Phật rất uy nghiêm tự tại. Có nhiều nhà cửa rộng rãi bên cạnh. Đây là nơi ngày xưa Phật Đà Đà Bàn (Giác Sử) luận sư đã chế ra Đại Tỳ Ba Sa Luận thuộc Thuyết Nhứt Thiết Hữu Bộ, từ đây qua phía đông nam đi hơn 700 dặm qua sông Hằng và tiếp đến là sông Diêm Mâu Na, đến phía bắc, gặp nước Bát La Dà Dà.
Nước Bát La Dà Dà, chu vi hơn 5000 dặm. Đô thành nằm hai bên sông giao nhau. Chu vi hơn 20 dặm. Họ sống bằng nghề trồng trọt lúa và hoa quả. Khí hậu ôn hòa. Phong tục tập quán hiền lành, ham học nghề nghiệp, tin theo Ngoại Đạo. Có hai ngôi Già Lam, ít Tăng Sĩ. Họ tu theo phái Tiểu Thừa, Có hơn 100 ngôi đền. Ngoại Đạo sống hỗn tạp. Phía tây nam thành lớn, ở giữa rừng cây Bát Ca Hoa, có một Bảo Tháp do Vua A Dục dựng lên.
Tháp nầy cao hơn 100 thước, nơi đây ghi lại ngày xưa đức Như Lai đã hàng phục ngọai Đạo. Bên cạnh đó có tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai, cùng nơi kinh hành và nhiễu Phật.
Bên cạnh Tháp thờ tóc và móng tay, có một ngôi chùa cũ. Nơi đây ngài Đề Bà (Thiên Thọ) Bồ Tát đã tạo ra Quảng Bách Luận. Nhằm khuất phục Tiểu Thừa và hàng phục Ngoại Đạo. Đầu tiên Đề Bà Bồ Tát đến ở chùa nầy. Ở trong thành có nhiều Ngoại Đạo Bà La Môn. Họ là những bậc luận sư biện tài vô ngại. Khi nghe đến tên, không thể không biết đến được tuy họ biết ngài Đề Bà là người nghiên cứu sâu về áo nghĩa của kinh điển. Họ vẫn muốn luận đạo với ngài, lại hỏi về tên tuổi.
– Ông tên gì?
Đề Bà đáp:
– Tên là Trời
Ngoại Đạo hỏi:
– Trời là ai?
Đề Bà đáp:
– Là Ta
Ngoại Đạo hỏi:
– Ta là ai?
Đề Bà đáp:
– Là con Chó
Ngoại Đạo hỏi:
– Chó là con nào?
Đề Bà đáp:
– Nhà Ngươi
Ngoại Đạo hỏi:
– Nhà Ngươi là ai?
Đề Bà đáp:
– Là Trời
Ngoại Đạo hỏi:
– Trời là ai?
Đề Bà đáp:
– Là Ta
Ngoại Đạo hỏi:
– Ta là ai?
Đề Bà đáp:
– Là Chó
Ngoại Đạo hỏi:
– Ai là Chó?
Đề Bà đáp:
– Là Ngươi
Ngoại Đạo hỏi:
– Ngươi là ai?
Đề Bà đáp:
– Là Trời.
Cứ như thế mà hỏi qua đáp lại. Ngoại Đạo bèn ngộ, tự mình cung kính thâm sâu về phong cách đó. Trong thành có đền thờ, trang trí cực kỳ linh động đẹp đẽ. Theo những điển tích biết được nơi nầy chính là nơi chúng sanh gieo trồng phước đức rất nhiều. Vì đã cúng dường cho đền thờ một quan tiền và với công đức đó đã trở thành một ngàn đồng tiền thí. Lại cũng có người không tiếc thân mệnh dứt bỏ sanh mạng của mình trong đền thờ, sẽ thọ được phước báo cõi trời vô cùng tận.
Phía trước đền thờ có một cội cây rất lớn. Cành lá sum sê bóng mát che phủ kín cho nên đó cũng là chỗ ăn ở nương nhờ của người và quỷ. Hai bên tả hữu có rất nhiều di cốt của những người đã bỏ mạng tại đây. Bởi vì nghe theo tà thuyết và những lời dụ dỗ của thần linh. Chuyện dụ dỗ cho đến nay vẫn còn chưa thay đổi.
Gần đây, có con cháu của những người Bà La Môn, tên là Hoát Đạt Đa, trí tuệ mẫn tiệp, đến ở trong đền thờ nầy mà bảo mọi người rằng:
– Phàm những tục xấu xa xưa kia rất là khó bỏ, nhưng bây giờ trở đi ta muốn nhiếp hóa, để người trên kẻ dưới được lợi lạc.
Ông nói tiếp:
– Ta đã chết rồi. Vì ngày xưa hay nói dối nhưng bây giờ thì nói thật. Chư thiên vui mừng tiếp dẫn ta về hư không. Từ cảnh giới ấy thấy những hình ảnh bên dưới bị tổn hoại sai trái, nên muốn về trở lại để tự thú và đảnh lễ. Người quen của ta đã cản ngăn, nhưng ý chí không thay đổi.
Bèn dùng y phục bao gốc cây lại rồi thì tự mình đảnh lễ sát đất. Hồi lâu tỉnh lại nói rằng:
– Tuy thấy trên không trung có chư thiên triệu thần nhưng đó là một tà thần dẫn nhập nên không nhận được phước lạc của chư thiên.
Đại Thành ở phía đông nằm hai bên con sông giao nhau rộng độ mười dặm đất đai hẹp, cát bồi nhiều .Từ xưa đến nay là nơi xuất thân của Vua chúa. Cho nên từ nơi đây bố thí chưa ngừng nghỉ chu cấp bất kể số lượng và nơi chốn. Hiện tại vua Giới Nhựt đã tu hạnh bố thí rất là quảng đại, đem tài sản tích lũy trong 5 năm chỉ cho một ngày là hết. Ở nơi phát chẩn có nhiều vật giá trị. Phần đầu trong ngày ấy có để một tượng Phật lớn và các báu vật khác rất trang nghiêm và bắt đầu cho những của cải quý giá trước, sau đó đến thường trụ tăng và sau nữa là hiện tiền chúng.
Tiếp nữa là những bậc cao đức thạc học hiểu rộng biết nhiều, thứ nữa là ngoại đạo và những luận sư của ngọai đạo, tiếp theo là những người cô độc nghèo khổ, tiếp nữa là những kẻ giá áo túi cơm v.v… tất cả đều nhận được những đồ trân quý cho đến thực phẩm, cứ như thế mà phát chưa bao giờ cùng, nhưng kho của nhà vua thì đã hết. Nhà vua liền lấy hạt minh châu trong búi tóc ra, toàn bằng anh lạc. Sau đó tiếp tục cho mà trong tâm không có gì hối hận cả và tự nói rằng: Lành thay những gì mà ta có hãy cho vào trong tàng kim cang bền chắc. Từ nay về sau, nếu có các Vua của nước khác đem hiến tặng những đồ trân quý thì đừng lấy mà đem cất vào trong kho đó.
Nơi phía đông của chỗ bố thí là cửa ngõ của hai con sông giao nhau. Mỗi ngày có hàng trăm người tự dầm mình chết theo tục lệ ở đó vì cầu sanh vào thiên giới. Ở nơi nầy họ không ăn gì hết mà tự trầm mình tắm rửa trong dòng sông đó để tội dơ được tiêu diệt, mà theo tục lệ của nước kia từ xưa đến nay chưa dừng nghỉ. Họ không ăn trong bảy ngày như thế và sau đó tự giết mình. Cho đến những con thú núi rừng cũng vân tập bên bờ sông hoặc lặn hụp trong đó hoặc nhịn ăn mà chết. Đây là nơi mà vua Giới Nhựt chẩn thí rất nhiều.
Có một con khỉ ở bên bờ sông, ngồi dưới gốc cây tuyệt thực qua nhiều ngày như thế đói mà chết. Ở đây những người ngoại đạo tu khổ hạnh thường hay đứng bên bờ sông để chờ mặt trời lên rồi một tay một chân đưa sát nhau và tay khác chân khác giữ nguyên vị trí cũ. Đứng một chân như vậy chẳng nhúc nhích mắt không rời, quán mặt trời qua bên trái cho đến tối mới buông xả, những người như thế nầy nhiều vô cùng. Họ nghĩ rằng siêng năng hành trì khổ hạnh như thế mới xuất ly sanh tử. Hoặc có người thực hành như thế hơn 10 năm không giải đãi. Từ đây qua phía tây nam vào trong khu rừng lớn, có ác thú và voi dữ qua lại rất nhiều. Nếu người đi không đông thì khó mà qua được. Đi hơn 500 dặm, đến nước Kiều Thường Di.
Nước Kiều Thường Di chu vi hơn 6000 dặm. Đô thành hơn 30 dặm. Đất đai màu mỡ, lợi tức rất nhiều. Họ cấy lúa và có trồng nhiều mía. Khí hậu nóng. Phong tục tập quán thuần hòa, ưa học nghề nghiệp và thích làm phước thiện. Có hơn 10 ngôi Già Lam, đa phần bị hoang phế. Có hơn 300 Tăng Sĩ tu theo Tiểu Thừa. Đền thờ hơn 50 ngôi. Ngoại Đạo sống tạp nhạp. Trong thành nội thuộc cố cung có một tịnh xá lớn cao hơn 60 thước có khắc tượng Phật bằng trầm, bên trên có một Bảo Cái toàn bằng đá. Vua Ổ Đà Diễn Na đã tạo nên tượng ấy hình dáng rất đẹp đẽ trang nghiêm.
Ánh sáng quang minh rực rỡ mà các Vua nước khác đã ỷ lại vào sức lực nên muốn chiếm đoạt. Tuy rằng có nhiều người nhưng chưa ai có thể di chuyển được. Khi thành tâm cúng dường lời nói chân thật sẽ được giữ nguyên tức là tượng nầy vậy. Sau khi Như Lai thành Chánh Giác rồi, Ngài thăng thiên cung để thuyết pháp cho mẹ ba tháng không trở lại, vị Vua nầy nguyện đúc tượng Phật cho nên mới thỉnh Tôn Giả Một Đặc Già La Tử (Mục Kiền Liên) dùng thần thông lực để đón tiếp công nhân từ thượng giới về, quán thân của đức Như Lai để làm tượng bằng gỗ Bạch Đàn. Khi đức Như Lai từ cõi Tự Tại Thiên cung trở về, tượng khắc bằng Bạch Đàn tự nhiên đứng lên nghinh tiếp Thế Tôn và vấn an Thế Tôn rằng:
– “Ngài giáo hóa có mệt không? Ngài khai đạo cho đời sau có khác gì không?
Ở phía đông tịnh xá cách hơn 100 bước, có một nơi ghi lại dấu tích của bốn vị Phật trong quá khứ đã ngồi thiền và kinh hành. Từ đây không xa, có một cái giếng và phòng tắm của Như Lai. Giếng đã hư rồi, còn phòng tắm đã hoại rồi. Trong thành phía đông nam còn dấu tích của một nền nhà là nơi của trưởng giả Cù Sử La (Ghosira) cư ngụ. Trong đó cũng có một tịnh xá và một bảo tháp thờ tóc cũng như móng tay của đức Phật. Lại cũng có nơi ghi lại chỗ tắm của đức Phật.
Phía đông nam của thành không xa, có một ngôi Già Lam cũ. Đây là vườn nhà cũ của ông Cù Sử La, giữa đó có một Bảo Tháp do Vua A Dục xây dựng cao 200 thước. Như Lai đã thuyết pháp nhiều năm ở đây. Tại đây cũng có dấu tích ghi lại nơi kinh hành và ngồi thiền của bốn vị Phật trong quá khứ. Lại cũng có Bảo Tháp thờ tóc và răng của đức Như Lai. Già Lam phía đông nam, có một viện Bảo Tàng. Nơi đó là nơi mà ngài Thế Thân Bồ Tát đã ở, soạn ra Luận Duy Thức để bài bác Tiểu Thừa cũng như để vấn nạn Ngoại Đạo.
Phía đông của Già Lam có một vườn xoài. Nơi đây cũng là nơi ghi lại di tích của Ngài Vô Trước soạn ra Hiển Dương Thánh Giáo Luận. Phía tây nam của thành đi tám dặm chín, đến động đá Độc Long, nơi đây đức Phật đã hàng phục con Rồng dữ, bên trong còn lưu ảnh lại, nhưng đó chỉ là truyền thuyết, bây giờ không thấy nữa. Phía bên nầy cũng có một Bảo Tháp do Vua A Dục xây dựng cao hơn 200 thước, bên cạnh là di tích Như Lai đi kinh hành và có Bảo Tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai. Những người nào có bệnh đến đây cầu nguyện đa phần được linh ứng. Khi giáo pháp của đức Như Lai diệt tận nước nầy là nơi sau cùng. Trên từ quân vương, dưới đến thứ dân khi vào biên giới nước nầy tự nhiên cảm thương, chẳng muốn ăn uống khóc lóc ta thán rồi trở về.
Phía đông bắc của hang rồng kia là rừng rậm, cách hơn 700 dặm là sông Hằng. Phía bắc đến thành Ca Xà Bố La, chu vi hơn 10 dặm. Mọi người giàu có, bên cạnh thành có một ngôi Già Lam, nhưng không còn vết tích gì cả. Nơi đây cũng là nơi mà ngày xưa Bồ Tát Hộ Pháp hàng phục Ngoại Đạo. Tiên Vương của nước nầy đã trợ giúp cho tà thuyết muốn hủy báng Phật Pháp sùng kính Ngoại Đạo. Ngoại Đạo đã triệu thỉnh một vị luận sư thông mẫn cao minh đạt lẽ u huyền soạn Ngụy Tà Thư hơn ngàn bài tụng và ba vạn hai ngàn lời, để hủy báng Phật Pháp, xiển dương đạo giáo của họ.
Vua cũng có lệnh triệu tập tăng chúng nơi đây để biện luận. Nếu Ngoại Đạo thắng, thì hủy bỏ Pháp của Phật. Nếu chúng tăng không thua, họ tự cắt lưỡi để tạ lỗi. Lúc bấy giờ tăng đồ sợ thua nên mới bàn rằng: Có lẽ mặt trời trí tuệ đã chìm rồi cho nên Pháp Phật bị hủy diệt thế nầy. Nhà Vua sùng kính Ngoại Đạo làm sao chúng ta thắng được. Sự việc đã như vậy thì có kế gì được an ổn chăng? Trong chúng ai cũng làm thinh. Ngài Hộ Pháp Bồ Tát từ thưở nhỏ đã là bậc biện tài vô ngại, đa văn xa gần ai cũng biết, cho nên đại chúng đề nghị và bảo rằng:
– Sao chúng ta không cầu thỉnh Ngài để đối lại sự tuyên bố của Vua. Nếu họ thắng được, họ sẽ cao ngạo, còn mình bị thua thì sẽ bị nhổ răng. Trong chúng tiến thối luỡng nan không ai đáp được cả, cho nên mới cung thỉnh Ngài, tùy theo cách mà đáp ứng lệnh Vua.
Lúc đó, Ngài liền thăng tòa để luận bàn. Ngọai Đạo dương dương tự đắc ngữa mặt lên trời tụng đọc những sở chấp của dị luận. Khi ngài Hộ Pháp Bồ Tát nghe những lời nầy liền cười mà nói rằng:
– Ta được thắng chưa? Ta sẽ đọc ngược lại cho các ngươi nghe và ta tụng ngược tất cả.
Ngoại Đạo tái mặt và nói rằng:
– Chúng con không dám tự cao và xin tận lãnh ý của Ngài và Ngài là người thắng cuộc rồi đấy!
Đúng như ý nghĩa đã giao kết, Ngài Hộ Pháp nghe và thuật lại ý nghĩa của câu văn, chương cú lý luận, chẳng sai và sót một chữ nào. Khi Ngoại Đạo nghe xong liền muốn tự mình cắt lưỡi. Ngài Hộ Pháp nói rằng: Cắt lưỡi chẳng phải là điều để tạ lỗi, mà sửa đổi những điều chấp trước đó mới là điều hối cải, liền sau đó, Ngài thuyết pháp, tâm ý của Ngoại Đạo được tỏ ngộ chân lý. Vua bỏ Tà Đạo, tôn sùng Chánh Đạo.
Bên cạnh nơi hàng phục Ngoại Đạo của Ngài Hộ Pháp, có một Bảo Tháp do Vua A Dục xây. Bây giờ đã nghiêng đổ, cao hơn 200 mét. Đây là nơi Như Lai ngày xưa đã từng thuyết pháp sáu tháng. Bên cạnh đó là di tích nơi kinh hành, cũng như Bảo Tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai. Từ đây đi qua phía bắc hơn 178 dặm đến nước Bi Tác Ca.
Nước Bi Tác Ca chu vi hơn 4000 dặm. Đô Thành hơn 16 dặm. Họ cấy lúa và trồng hoa quả rất nhiều. Khí hậu ôn hòa, phong tục thuần chất. Dân chúng thích học hỏi, nhưng chẳng tìm cầu phước đức và không tin luân hồi. Có hơn 20 ngôi Già Lam, và 3000 Tăng Sĩ, tu theo phái Chánh Lượng Bộ thuộc Tiểu Thừa. Có hơn 50 đền thờ và rất nhiều ngoại đạo.
Từ thành phía Nam đi qua bên trái, có một ngôi chùa lớn. Ngày xưa nơi đây, Ngài Đề Bà Thiết Ma A La Hán đã tạo Thích Thân Luận tại nơi nầy, nói về Vô Ngã, Nhân và Ngài Cù Ba A La Hán soạn ra Thánh Giáo Yếu Thật Luận nói về Hữu Ngã, Nhân. Do đây mà có sự chấp vướng về Pháp và đã tranh luận dữ dội. Nơi đây cũng là nơi Bồ Tát Hộ Pháp suốt trong bảy ngày đã hàng phục Tiểu Thừa và hàng trăm luận sư. Phía bên Già Lam có một Bảo Tháp cao hơn 200 mét, do Vua A Dục dựng lên, ngày xưa đức Như Lai đã thuyết pháp hóa độ suốt 60 năm.
Bên cạnh tháp Thuyết Pháp, có một cây rất kỳ lạ, cao đến 67 thước. Hai mùa Xuân Thu không tăng giảm. Ngày xưa Như Lai lấy cành cây để đánh răng. Vì vậy người ta vẫn bảo vệ cây nầy cho đến ngày hôm nay. Những người Tà Kiến và Ngoại Đạo thường đến đây để chặt cây, nhưng tự nhiên nó sanh lại như cũ. Từ phía nầy không xa là nơi ghi lại dấu tích của bốn vị Phật trong quá khứ đã tọa thiền và kinh hành. Lại cũng có Bảo Tháp thờ tóc và móng tay của Như Lai. Cây cối và Bảo Tháp soi dấu xuống mặt hồ giao nhau rất đẹp. Từ đây đi về phía đông bắc hơn 500 dặm đến nước Thất La Phiệt Thất Để (Xá Vệ -Savarthi).
Đại Đường Tây Vức Ký hết quyển thứ năm