Polaris là sao sáng nhất trong chòm sao Tiểu Hùng, tên La Tinh: Alpha Ursae Minoris, có kí hiệu là α UMi. Hiện nay Polaris là sao Bắc Cực, vì vị trí rất gần thiên cực bắc của nó trên thiên cầu. Do hiện tượng tuế sai, trong đó trục quay của Trái Đất có chuyển động quay với chu kỳ 25800 năm, gây ra thay đổi vị trí thiên cực của thiên cầu theo một vòng tròn bán kính khoảng 23,5°, với tâm nằm giữa chòm sao Thiên Long.
Sao Polaris có thể tìm thấy trên hướng nối từ sao Merak (β UMa) tới sao Dubhe (α UMa) trong chòm sao Đại Hùng), là hai ngôi sao ở phần cuối của cái gàu (tưởng tượng) của chòm sao này. Polaris cũng có thể tìm thấy trên hướng trung tâm của chòm sao Tiên Hậu, có hình ảnh chữ W méo.
Cạnh gàu từ sao δ đến γ sẽ dẫn ta đến sao Regulus là sao sáng nhất trong chòm Sư Tử còn được gọi là trái tim của mãnh sư.
Nương theo cán gàu vẽ một đường cong ra ngoài, lấy tâm là sao Denebola là sao sáng ở đuôi của chòm Sư Tử ta sẽ nhìn thấy ngôi sao Arcturus có màu vàng cam trong chòm Bootes. Arcturus rất dễ nhận biết vì nó là sao sáng thứ 3 trên bầu trời đêm.
Nối 2 ngôi sao δ và sao β, ta lại kẻ một vạch dài ra phía trước, đường ấy sẽ dẫn tới sao Castor trong chòm Song Tử. Sẽ không khó để nhận biết chòm Song Tử với hai anh em sao sáng Pollux và Castor cạnh nhau ở phần đầu của chòm.
Từ ngôi sao ε của chòm Gấu Lớn, ta nối thẳng vào sao Bắc Cực và kẻ một đường nối đi suốt luôn sang hướng bên kia thì găp sao γ của chòm Tiên Hậu. Chòm Tiên Hậu có dạng chữ M ở phía đối diện với chòm Gấu Lớn qua sao Bắc Cực nên khi chòm Gấu Lớn bắt đầu lặn mất thì chòm Tiên Hậu mới hiện lên ở hướng đông và ngược lại.
Ở cuối cán gàu có 2 ngôi sao là η và ζ. Ta lại nối 2 sao đó và vạch một đường kẻ dài ngang phía trên miệng gàu. Nó sẽ dẫn đến ngôi sao Capella trong chòm Ngự Phu.
Ở Việt Nam trong dân gian còn có tên gọi là Sao Cày cho phần giữa của chòm vì nó giống như hình của chiếc lưỡi cày.Trong trường ca Odyssey của Homer, chòm sao Orion là một trong những chiếc la bàn tự nhiên mà chàng Odysseus đã sử dụng trong chuyến hải trình dài dằng dặc của mình tìm đường về với quê hương.
Phía dưới 3 sao thắt lưng thẳng hàng của chòm cũng là 3 đốm sáng nhỏ thẳng hàng tạo thành thanh kiếm của chàng Orion, vùng giữa chính là cụm tinh vân Orion nổi tiếng: M42, M43…
Thẳng theo hướng của thanh kiếm là gần như chính xác hướng Nam, quả là một chiếc la bàn tự nhiên tuyệt diệu.
Từ chòm Orion chúng ta có thể tìm ra rất nhiều chòm sao khác xuất hiện vào mùa đông và đều là những chòm sao sáng của bầu trời.
Hãy kéo dài 3 sao thẳng hàng ở thắt lưng của Orion bạn sẽ gặp một ngôi sao sang xanh rực rỡ đó chính là sao Sirus trong chòm Đại Khuyển. Sirius còn gọi là sao Thiên Lang, ngoại trừ các hành tinh nó là ngôi sao sáng nhất của bầu trời đêm. Sirius cách chúng ta 8.6 năm ánh sáng.
Procyon là ngôi sao sáng thứ 8 trên bầu trời cùng với Sirus và Betelgeuse (chòm Orion) tạo thành một tam giác đều với 3 đỉnh rực sáng.
Aldabaran, ngôi sao có màu đỏ cam là một nhánh của chữ V- sừng bò của chòm Taurus. Nó là ngôi sao sáng thứ 13 trên bầu trời. Hãy kẻ đường thẳng từ 3 sao thắt lưu của Orion nhưng ngược hướng với Sirus để tìm ra Aldebaran.
Gần chòm Taurus có một cụm sao mờ rất nổi tiếng đó là Pleiades hay ở Việt Nam còn gọi là Tua Rua. Cụm sao này còn gọi là sao Mạ vì xuất hiện lúc sáng sớm vào đầu tháng 6 thời điểm gieo mạ.
Sẽ không khó xác định chòm Gemini vào lúc này( tháng 2/2008) vì đang có Sao Hỏa sáng đỏ ở trong chòm. Nhưng vào những lúc khác bạn có thể dùng sao Betelguese và thắt lưng của Orion để xác định sao hai sao Pollux và Castor trong chòm Gemini.
Ở trên đầu của chòm sao Orion, xuôi theo thanh kiếm về hướng bắc các bạn sẽ bắt gặp một chòm sao có hình ngũ giác đó là chòm Auriga(Ngự Phu) trong đó có sao Capella là sao sáng thứ 6 của bầu trời.
Các sao sáng của những chòm sao trên hợp thành các đỉnh của 1 lục giác gọi là Lục Giác Mùa Đông.
Đỉnh lục giác là các sao:
-Sirius: sao sáng nhất bầu trời (chòm Canis Major – Đại Khuyển)
-Rigel: sáng thứ 7 (Chòm Orion- Thợ săn)
-Aldebaran: sáng thứ 13 (Chòm Taurus – Kim Ngưu)
-Capella : sáng tứ 6 (chòm Auriga – Ngự Phu)
-Pollux và Castor: sáng thứ 16 và 45 (chòm Gemini – Song Tử)
-Procyon: sáng thứ 8 (chòm Canis Minor – Tiểu Khuyển)
Chòm sao Thiên Nga (Cygnus) xuất hiện trên bầu trời vào những đêm hè với Ngân Hà tựa như dải lụa bạc vắt ngang bầu trời. Sông Ngân khi chảy qua chòm Thiên Nga thì tách ra làm hai nhánh và đây cũng là nơi Ngân Hà nhìn rõ nhất.
Chòm Thiên Nga còn có tên gọi khác là Thập Tự Phương Bắc vì hình dạng như cây thánh giá của nó đối ngược với chòm Thập Tự Phương Nam. Cũng như chòm Thập Tự Phương Nam đây là chòm sao quan trọng trong việc định hướng, đường thẳng nối sao Deneb sao sáng nhất trong chòm ở đỉnh thập tự với sao Gienah ở cạnh sẽ chỉ gần như chính xác hướng Bắc.
Theo dòng chảy của sông Ngân chúng ta sẽ bắt gặp tam giác mùa hè với 3 sao sáng: Vega (chòm Lyra – Thiên Cầm) , Deneb (chòm Cygnus – Thiên Nga) và Altair (chòm Aquila – Đại Bàng) với sao Altair là đỉnh nhọn hướng về phía Nam.
Mỗi năm vào tháng 7 với những cơn mưa không dứt, khiến chúng ta nhớ lại câu chuyện buồn của Ngưu Lang – Chức Nữ. Dòng sông Ngân ngăn đôi hai bờ, Ngư Lang ( sao Altair) ở bờ Tây còn nàng Chức Nữ phía bờ Đông xa hơn về phương bắc. Sao Ngưu Lang rất dễ nhận biết vì cạnh nó nằm giữa và gần như thẳng hàng với hai sao nhỏ.
Chòm sao Nam Thập gắn liền với hình ảnh của những vùng đất cực nam, hình ảnh nó xuất hiện trên lá cờ các nước của Châu Đại Dương.
Trên hải trình xuôi về phương nam khám phá ra các vùng đất mới, khi qua khỏi đường xích đạo và càng dần về phương nam thì các chòm sao dùng để định hướng như Bắc Đẩu và sao Bắc Cực không còn quan sát được nữa. Lúc này chòm Nam Thập chính là chiếc la bàn tin cậy cho các nhà thám hiểm.
Khác với bắc cực, nam cực không có sao để làm mốc.Thật ra là có, đó là sao Sigma(σ) của chòm Octans (Kính bát phân), chòm sao được đặt theo tên của một dụng cụ đo góc trong thiên văn và hàng hải. Thế nhưng, với độ sáng biểu kiến là + 5.5 gần như sao Sigma Octantis cực kì khó nhận biết bằng mắt thường. May mắn thay, chòm Nam Thập cũng hữu dụng như chòm Bắc Đẩu để xác định phương hướng. Kéo dài cây thánh giá sẽ cho ta gần như chính xác hướng nam.
Chúng ta đã dạo một số chòm sao qua các chòm sao có tác dụng định hướng của bầu trời đêm. Nắm được qui luật và các đặc điểm của bầu trời sẽ khiến bạn càng yêu nó hơn. Bất cứ lúc nào bạn ra ngoài và có một bầu trời sao lấp lánh ở trên đầu, hãy đừng quên quan sát nhé !
Nguyễn Tuấn – HAAC
Tài liệu tham khảo:
[1] – Hình ảnh các chòm sao http://www.dibonsmith.com/constel.htm
[2] – Orion as a guide http://www.coldwater.k12.mi.us/lms/planetarium/guide/ori-guide.html
————————————————————————-
Chú thích
(1) Không hiểu tại sao từ lâu có rất nhiều người dùng tên gọi Bắc Đẩu cho sao Bắc Cực(Polaris), thậm chí là trong cả sách giáo khoa. Trong chương trình “Đường Lên Đỉnh Olympia” gần đây cũng có đáp án gọi Bắc Đẩu cho sao Bắc Cực. Đây là sự nhầm lẫn trong tên gọi.
Về tên gọi Bắc Đẩu: “Đẩu” ( 斗 4nét ) có nghĩa là cái đấu, cái chén, cái vại… Bắc Đẩu ( 北斗) thực chất không phải một ngôi sao mà là một mảng sao gồm 7 sao, chúng có vị trí sắp xếp trông tựa cái xoong, cái gàu múc nước….(tức”đẩu”). Chòm bắc đẩu theo thiên văn hiện đại là 7 sao chính của chòm Gấu Lớn. Ngoài Bắc Đẩu Thất Tinh còn có tên gọi Nam Đẩu Lục Tinh là 6 sao có hình cái gàu tương tự trong chòm Cung Thủ (Sagittarius).
(2) Hiệp Hội Thiên Văn Quốc Tế – International Astronomical Uni-on (IAU) đã chia bầu trời thành 88 chòm sao. Các tên gọi như Bắc Đẩu, Big Dipper với phần sao của chòm Gấu Lớn, hay Thần Nông đối với chòm sao Bọ Cạp chỉ là tên gọi tương ứng trong các nền văn hóa với một phần của các chòm sao theo ranh giới hiện nay. Ở tiếng Anh người ta gọi các tên dạng này là “asterism”- các chòm sao không chính thức, để phân biệt với “constellation”- các chòm sao chính thức.